05/04/2010 | 11:27:00

Trùng tu, tôn tạo lại hệ thống di tích Cố đô Huế

Nhã nhạc cung đình. (Nguồn: Internet)

Ông Amadou Mahtar M'bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO đã từng viết "Huế phải được cứu vãn, cứu vãn cho Việt Nam, bởi Huế là một cao điểm thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, và cứu vãn cho thế giới, vì Huế cũng là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa loài người."

Kinh thành Huế trải rộng trên diện tích 500ha, với tổng chu vi gần 10km2, từng có lúc bị đặt trong tình trạng "cứu vãn" vì bị xuống cấp nghiêm trọng do thiên tai và chiến tranh.

Ngày 11/12/1993, hệ thống di tích Cố đô Huế chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; và sau này là Nhã nhạc cung đình Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) tiếp tục được vinh danh.

Thời gian qua, với sự hợp tác của UNESCO và Chính phủ, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo và phục hồi.

Chính phủ đã phê duyệt dự án "Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế từ 1996 đến 2010," với tổng mức đầu tư là 720 tỷ đồng cho cả thời kỳ 1996-2010, từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài trợ, đầu tư của nước ngoài, các tổ chức quốc tế và nhân dân trong nước, Việt kiều ở nước ngoài.

Sau thời gian dài vắng bóng, Duyệt Thị Đường, nhà hát cổ nhất Việt Nam, được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn được xây dựng, trở lại phục vụ công chúng hàng ngày trong các chương trình Nhã nhạc và múa hát cung đình tại Đại Nội Huế.

Giai đoạn từ 1992 đến nay đã có 10 chính phủ, 26 tổ chức phi chính phủ, năm tổ chức quốc tế tài trợ gần 6 triệu USD cho việc bảo tồn di tích Huế.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng 15 chương trình kêu gọi tài trợ quốc tế với tổng số vốn khoảng 24 triệu USD để đầu tư trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục công việc bảo tồn, trùng tu di tích.

Đối với Nhã nhạc cung đình Huế, Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế hiện đã sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, chín nhạc chương trong lễ Tế Miếu, năm nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và tết Nguyên Đán; 40 nhạc khúc được diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi Vua ngự.

Có 15 điệu múa cung đình đã được biên soạn, bảy điệu múa khác đã được phục hồi như Trình tường tập khánh, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi... Nhiều tiết mục được trình diễn không chỉ ở Festival Huế mà còn ở nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Hiện riêng nhà hát nghệ thuật Cung đình Huế đã xây dựng được đội ngũ gồm 90 nhạc công, và diễn viên; tổ chức biểu diễn liên tục 4 suất/ngày tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội) phục vụ khách tham quan, du lịch, làm tăng thêm lực hấp dẫn và sức sống mới cho hệ thống di tích Cố Đô Huế...

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế Phùng Phu cho biết doanh thu trực tiếp từ hệ thống di tích Huế đã đạt khoảng 500 tỷ đồng tính từ giai đoạn 1996 đến nay, chủ yếu thông qua bán vé tham quan. Trong đó, năm 2009 trung tâm đã đón và phục vụ 1,7 triệu lượt khách tham quan, với doanh thu hơn 75 tỉ đồng./.

Quốc Việt (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark