21/08/2013 | 15:40:00

Vóc dáng mới của Thủ đô

Hình ảnh giới thiệu về thành tựu của quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới Hà Nội. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Sau 5 năm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội thực sự đang dần trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế và khoa học của cả nước.

Sự đổi thay ấy phần nào được phản ánh rõ nét qua cuộc triển lãm mang tên “Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển” vừa diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội trong những ngày vừa qua.

Ngay từ lối vào, triển lãm đã đem đến cho người xem những thông tin sinh động, tổng quan về kết quả đổi thay ban đầu của Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới, thông qua hệ thống các biểu đồ và những con số về diện tích, dân số, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội...

Tại không gian chính của triển lãm là những gian hàng giới thiệu sản phẩm độc đáo của các làng nghề nổi tiếng đất Thăng Long xưa và Hà Nội nay như: gốm Bát Tràng, tranh thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc… Sự hiện diện của các sản phẩm làng nghề truyền thống như lời khẳng định, Thủ đô Hà Nội hôm nay tuy phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ nhưng vẫn giữ lại được nhiều làng nghề truyền thống, danh tiếng của Thăng Long xưa.

Không chỉ giới thiệu sản phẩm, nghệ nhân các làng nghề còn giới thiệu những kỹ thuật và bí quyết sản xuất, giúp du khách hiểu sâu sắc hơn về một số nghề truyền thống của đất Thăng Long – Hà Nội.

Anh Lê Văn Khánh (Công ty Gốm cổ truyền Hoa Thành – Xóm 5 – Bát Tràng) cho biết, sản phẩm gốm của làng nghề Bát Tràng nổi tiếng xưa nay. Sau khi Hà Nội mở rộng, quy mô làng nghề và thị trường cũng được mở rộng hơn, nhờ đó mà khách hàng và khách du lịch biết đến gốm Bát Tràng nhiều hơn.

Có lẽ suy nghĩ của anh Lê Văn Khánh cũng giống như nhiều người dân ở các làng nghề nơi vùng ven Hà Nội. Đó là việc Hà Nội mở rộng đã làm cho những làng nghề truyền thống ở các địa phương xung quanh, nhất là vùng Hà Tây cũ, có cơ hội được phát triển, mở rộng thị trường. Nhờ đó mà vóc dáng của các vùng quê cũng dần dần đổi thay hơn so với trước.

Sự đổi thay ấy đã được phản ánh sinh động qua hơn 50 bức ảnh được trưng bày tại triển lãm. Ở đó người xem bắt gặp hình ảnh con đường trải nhựa phẳng lì ở xã Yên Bài (Ba Vì) đã thay cho con đường đất đỏ ngập ngụa ngày nào, hình ảnh người nông dân vận hành máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa xã Thụy Hương (Chương Mỹ), một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia tại xã Tân Hội (Đan Phượng), hay hệ thống kênh tưới tiêu Đan Hoài phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cả huyện Đan Phượng, Hoài Đức…

Từ cuộc triển lãm này, người xem đã phần nào thấy được diện mạo của Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới. Đó là sự giao hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa một Hà Nội cổ kính nghìn năm tuổi và một Hà Nội năng động, hiện đại đang vươn mình hướng tới tương lai./.

(Báo Ảnh Việt Nam)

Bản để in Lưu vào bookmark