18/03/2012 | 10:15:00

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về thăm và làm việc tại huyện Thanh Oai

Ngày 14.3, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã về làm việc với huyện ủy Thanh Oai Ủy viên Thường vụ Thành ủy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Trần Văn Thực Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Trần Xuân Việt cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ngành của Thành phố như Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Sở Kế hoạch Đầu tư Sở Giao thông Sở Tài nguyên & Môi trường cùng dự buổi làm việc…

Là huyện ngoại thành của Thành phố, những năm gần đây, huyện Thanh Oai đã phát triển một số cụm điểm công nghiệp thu hút đầu tư, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới tạo nên bộ mặt nông nghiệp, nông thôn mới. Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, tập trung khai thác tiềm năng đất đai, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tạo điều kiện cho 94 làng nghề truyền thống hoạt động và phát triển thương mại, dịch vụ.

Năm 2011, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, giá trị sản xuất của huyện tăng 13,37% so với năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; nông nghiệp giảm còn 27,8%; thu nhập bình quân của người dân đạt 16,5 triệu đồng/năm… Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tại xã điểm Hồng Dương (dự kiến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành) và 7 xã thuộc giai đoạn 1, phấn đấu hoàn thành vào năm 2015, các xã còn lại hoàn thành vào năm 2020.

Huyện ủy Thanh Oai cũng có nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ nông thôn và chăm lo công tác phát triển đảng viên. Huyện ủy đã xây dựng 5 chương trình và kế hoạch cụ thể hóa 9 chương trình công tác của Thành ủy, trong đó tập trung vào: "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ các đoàn thể chính trị" và "Xây dựng nông thôn mới". Huyện ủy đã ban hành hai nghị quyết về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ đảng ở nông thôn" và "Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên đến năm 2010 và những năm tiếp theo”. Qua phân loại năm 2011, có 44/57 tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh (chiếm 77,2%), không có tổ chức đảng yếu kém, 89,7% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân có chuyển biến tích cực. Năm 2011, huyện Thanh Oai được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Oai trong những năm qua, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Vượt lên khó khăn, trở ngại của huyện thuần nông, Thanh Oai cùng với các huyện ngoại thành đã và đang tập trung phát triển kinh tế, đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Điều đó càng khẳng định, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là đúng đắn. Điều dễ nhận thấy là các địa bàn mở rộng được bổ sung nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo nên bước chuyển biến trong thời gian ngắn. Quan trọng hơn, huyện đã tạo được môi trường để người lao động trong các làng nghề truyền thống thể hiện tài năng, sức lực của mình, nâng cao thu nhập. Đồng chí Bí thư cũng biểu dương kết quả lãnh đạo, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm túc của người dân về thực hiện Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ, chấm dứt việc sản xuất, tàng trữ, buôn bán trái phép pháo nổ.

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ những bất cập, yếu kém mà Thanh Oai đang gặp phải, đó là quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn còn hạn chế, đồng ruộng manh mún, rác thải chưa được quy hoạch tập trung, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề khá phổ biến, thiếu bóng dáng của sản xuất công nghiệp. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, chất lượng sinh hoạt của chi bộ nông thôn có mặt còn hạn chế. Việc xây dựng nông thôn mới của các xã còn chậm so với kế hoạch, nhận thức về xây dựng nông thôn mới của một số cán bộ chưa đầy đủ nên phần nào ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới...

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Oai cần nghiên cứu, tạo thuận lợi cơ chế, chính sách, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tích cực hơn nữa theo hướng gợi mở của các Sở, Ngành. Cụ thể, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, huyện cần quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo 3 vùng rõ rệt bao gồm, vùng lúa (làm điểm các vùng sản xuất lúa hàng hóa để nhân rộng); vùng ven sông trồng cây ăn quả; vùng trũng sản xuất trang trại và chăn nuôi. Đi đôi với đó là xây dựng chỉ dẫn địa lý như trứng vịt Liên Châu, gạo ngon Cự Khê, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để người nông dân có thể sống tốt từ nghề nông…

Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị Huyện ủy Thanh Oai cần quan tâm xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chương trình 01 của Thành ủy và Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; tăng cường phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ; khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao trình độ mọi mặt, phấn đấu có đội ngũ cán bộ tận tụy, trách nhiệm với nhân dân, vừa có tri thức, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.

Trước đó, đồng chí Phạm Quang Nghị và các đồng chí trong đoàn đã đến thăm Công ty dịch vụ chăn nuôi Hoàng Long (thôn Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai). Đây là một trong những trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn nhất của huyện Thanh Oai với 330 đầu nái và khoảng 2.000 con lợn thịt được chăn nuôi theo quy trình nuôi công nghiệp, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường nội địa 500 tấn thịt lợn hơi…/.
 

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark