01/07/2010 | 16:30:00

Bỏ ruộng vườn đi bán báo dạo vào mùa World Cup

World Cup đối với những người bán báo dạo là cơ hội để "thâm canh". (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Như đã thành nếp, cứ mỗi dịp World Cup hay Euro, những xóm bán báo rong ẩn mình trong muôn vàn ngõ ngách nhỏ của Hà Nội lại tự động “phình” to ra.

Những cô, bác vốn cả đời chỉ biết mảnh ruộng của mình một ngày nọ cũng tay… hộp, tay… báo để hòa mình và không khí ngày hội bóng đá theo cách rất riêng của mình.

Nông dân bán báo thời World Cup

Mẹ con chị Tâm (Bình Lục, Hà Nam) chỉ mới gia nhập đội quân bán báo dạo được hơn 2 tuần nay. Chỉ vào xấp báo xếp đầy trên chiếc hộp cáctông đã được cắt nửa, chị bảo, trước đây có nằm mơ cũng chưa bao giờ chị nghĩ sẽ có ngày mình “dám” lang thang khắp các ngõ ngách thủ đô để đi bán báo.

“Ở quê, tôi chỉ quen với việc đồng áng, đường sá Hà Nội ra sao cũng không rõ. Nhưng mấy người làng bảo, lên đây bán báo dạo dịp bóng đá này rất khá nên tôi cũng ‘liều’ thử một phen,” chị Tâm cho biết.

Ngày ngày, chị cùng đứa con trai 14 tuổi nhận dăm chục tờ báo, trong đó chủ yếu là các tờ về thể thao rồi lang thang đi bán khắp nơi. Thời gian đầu, khi còn lạ nước lạ cái, hai mẹ con chỉ dám quanh quẩn trong khu vực Thanh Xuân, Hà Đông gần xóm trọ. Dần dần, được anh em trong nghề chỉ dẫn, chị đi đến tận những dãy “càphê phố” trên Triệu Việt Vương, Hàng Hành, Tô Hiệu…

Cũng giống như chị Tâm, anh Lê Thái (Khoái Châu, Hưng Yên) đã bỏ ruộng đồng để gia nhập vào xóm báo dạo khu Phúc Xá, Long Biên chỉ mấy ngày trước khi World Cup chính thức khai mạc. Ban đầu, anh theo chân anh em trong xóm đi bán phụ cho quen việc. Dần dần, Thái tự nhận hàng từ các chợ báo lớn trên phố Tràng Tiền, Nguyễn Xí, Trần Quý Cáp… để tranh thủ mùa bóng đá.

Mỗi ngày, anh “ôm” theo mình 50 tờ chuyên về thể thao đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội. Cười hóm hỉnh, Thái khoe: “Hóa ra, làm nghề này, vừa được biết thông tin World Cup, vừa có tiền, vừa… khỏe chân lại còn được biết khối nơi ở thủ đô nữa.”

Niềm vui lớn nhất đến với đội quân nông dân bán báo ấy là chưa bao giờ họ lại có được “môi trường hành nghề” thuận lợi đến thế. Hàng ngày, chỉ cần bán được hết vài chục tờ thể thao, họ đã có lãi.

Nhớ lại những ngày đầu tiên làm nghề, chị Tâm kể lại sau một ngày, mẹ con chị thu được 54.000 đồng tiền lãi, bằng mấy làm ở quê dù phải chịu nhiều bụi bặm, nắng rát.

"Vài tháng nữa, nếu cuộc sống tương đối ổn thì hai mẹ con tiếp tục ở lại. Còn nếu không chắc chỉ mình tôi, đứa nhỏ sẽ quay về làm ruộng," chị Tâm tâm sự.

“Giá ngày nào cũng là World Cup”

Đó là ước mơ của chị Nguyễn Thị Năm, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), ngụ ở xóm báo dạo Phùng Khoang. Chị cho hay, chưa bao giờ, xóm chị lại rộn ràng đến thế. Bình thường, sau cả ngày lang thang, hầu như ai cũng ôm thêm cả một mớ báo dồn về xóm đợi bán đồng nát. Thế nhưng, mấy tuần nay, hầu như không còn cảnh ấy. Mọi người về sớm hơn, hàng cũng bán dễ hơn.

Vui nhất là lúc cả xóm ngồi quây quần bên nhau cùng xem bóng đá. Một căn phòng bé xíu, thêm một chiếc tivi cũng bé xíu và hơn chục con người say mê cùng trái bóng.

“Ngày bán được báo, tối được xem bóng đá, giá như ngày nào cũng là World Cup thì nhất,” chị Năm hớn hở.

Những lúc giải lao, anh chị em trong xóm lại hỏi han nhau về chuyện buôn bán trong ngày, chỗ nào đông khách, chỗ nào nhiều quán càphê. Những người mới đến được chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước.

Kể về chuyện kinh nghiệm, anh Tứ, người Quỳnh Phụ, Thái Bình khoe: “Bán báo dạo, không khi nào dễ dàng bằng World Cup. Chúng tôi có thể bán đứt tờ Bóng Đá, hoặc đến các quán càphê… cho thuê đọc tại chỗ với giá 1.000 đồng.”

Thậm chí, với những người đã làm lâu năm còn có cách thức khác để “tăng gia” mùa bóng. Anh Văn, với thâm niên hơn 5 năm trong nghề chia sẻ: “Người đọc chủ yếu xem bình luận rồi bỏ báo đi. Vì vậy, chúng tôi thường đợi họ đọc xong rồi xin mua lại với giá 1.000 đồng/tờ. Thế là có báo quay vòng.”

Đáng quý nhất, mỗi khi có người trong xóm báo tin báo bán bị ế, người trong xóm sẽ lại chia nhau bán phụ. Không ít lần cư dân trong xóm phải "ôm sô,” lỗ vốn vì báo ế, những người trong xóm lại góp tiền hỗ trợ "đồng nghiệp."

Đang mặn chuyện, bỗng cả xóm nhỏ như vỡ tung vì trên màn ảnh nhỏ, trái bóng Jabulani đã được đội tuyển Đức đưa vào lưới. Những cư dân của cái xóm nghèo liêu xiêu ấy vẫn đang đón World Cup bằng cả trái tim mình./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark