20/03/2010 | 15:26:00

Chợ chữ ngày xuân - nét đẹp văn hóa Việt

Chợ chữ trên hè phố Hà Nội. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Sâu thẳm trong tâm hồn người Việt, đầu Xuân Năm mới cũng là dịp tỏ bày tâm niệm, mong ước. Chợ chữ ngày Xuân với những ông đồ tay cầm bút lông, bằng nét bút tài hoa, uyển chuyển viết nên những bức thư pháp chuyển tải ước nguyện đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Tết Việt.

Không biết đã từ bao đời nay, người Việt có tục lệ xin chữ, câu đối về treo trong nhà vào dịp Tết. Ngày xưa, vào thời Nho học còn thịnh, các cụ thường dán câu đối đỏ trong mấy ngày Tết để mừng xuân.

Ở nhà quê, chợ nào vào những phiên cuối năm cũng có vài ông đồ ngồi viết thuê, chung quanh bày hoặc treo mấy đôi câu đối viết trên giấy hồng điều. Ở các thành thị, nhất là ở Thủ đô Hà Nội, trong khu phố cổ, năm nào Tết đến cũng có những ông đồ già bày mực tàu, giấy đỏ trên vỉa hè viết chữ thuê.

Người Việt khi đi chợ Tết hay du xuân thì đều muốn mang về treo trong nhà một bức chữ để cầu mong tâm nguyện của mình sẽ thành hiện thực. Với cây bút lông chấm mực đen, nét bút tài hoa khỏe khoắn đưa nhẹ trên nền giấy đỏ tạo nên những bức chữ thấm đượm triết lý nhân sinh.

Những người viết thư pháp xuân thể theo nguyện vọng của mọi người mà viết những chữ họ muốn. Con cháu mong muốn ông bà, cha mẹ mạnh khỏe , xin chữ “Thọ,” chữ “Khang.” Những chữ “Phúc,” “Lộc,” “Tài” cũng được người Việt ưa thích.

Chơi chữ vào dịp Năm mới còn là những lời khuyên, sự mong ước của người này với người kia, hay còn chính là sự tự khuyên nhủ mình trong cuộc sống phải “Nhẫn,” phải có “Tâm.”

Ở Hà Nội nay, chợ chữ ngày Xuân tập trung chủ yếu tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Khách du xuân qua đây đều muốn mua về nhà một bức chữ viết với những ý nghĩa tốt lành mong cho năm mới mọi sự như ý.

Chợ chữ trở thành một nét đẹp văn hóa, một thú chơi tao nhã của người Việt./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark