23/09/2009 | 14:34:00

Địa giới thành phố Hà Nội mở rộng lần thứ hai

Hà Nội những năm 80.

Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn sau đây của tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội.
 
Tỉnh Hà Sơn Bình gồm các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây và thị xã Hà Đông, xã Tiến Phương, xã Phụng Châu, phần bắc đường số 6 thuộc xã Ngọc Hòa và xã Ngọc Sơn của huyện Chương Mỹ, xã Hữu Hòa và phần bắc đường số 6 thuộc xã Phú Lâm của huyện Thanh Oai, các xã Liên Minh, Việt Hưng, Thanh Hưng, Đại Thanh của huyện Thường Tín, các xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Cộng Hòa, Tân Hòa, Tân Phúc và Đại Thành của huyện Quốc Oai.
 
Tỉnh Vĩnh Phú gồm huyện Sóc Sơn, các xã Chu Phan, Đại Thịnh, Liên Mạc, Mê Linh, Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Châu, Tiền Phong, Tiến Thắng, Tiến Thịnh, Tự Lập, Tràng Việt, Hoàng Kim, Văn Khê, Vạn Yên, Quang Minh, Kim Hoa, và thị trấn Phúc Yên thuộc huyện Mê Linh.
 
Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 49-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn của các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội.
 
Sáp nhập các thôn Cao Sơn (phần bắc đường số 6 xã Ngọc Hòa) vào xã Tiền Phương; thôn Ninh Sơn (phần bắc đường số 6 xã Ngọc Sơn) vào xã Phụng Châu, thôn Do Lộ (phần bắc đường số 6 xã Phú Lâm) vào xã Yên Nghĩa thuộc huyện Hoài Đức.
 
Sáp nhập các xã Phụng Châu, Tiền Phương (của huyện Chương Mỹ), xã Cộng Hòa, Tân Hòa, Tân Phú và Đại Thanh (của huyện Quốc Oai) vào huyện Hoài Đức.
 
Sáp nhập các xã Tam Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp (của huyện Quốc Oai) vào huyện Phúc Thọ.
 
Sáp nhập các xã Liên Minh, Ngọc Hồi (Việt Hưng cũ), Tả Thanh Oai (Đại Thanh cũ) của huyện Thường Tín và xã Hữu Hòa (của huyện Thanh Oai) vào huyện Thanh Trì.
 
Sáp nhập các xã Nam Viêm, Ngọc Thanh, Phú Thắng, Cao Minh và thị trấn Xuân Hòa của huyện Sóc Sơn vào huyện Mê Linh.
 
Năm 1980, tổ chức hành chính của Hà Nội gồm 4 khu phố nội thành: Ba Đình 15 tiểu khu, Hoàn Kiếm 18 tiểu khu, Đống Đa 24 tiểu khu, Hai Bà Trưng 22 tiểu khu;1 thị xã Sơn Tây gồm 3 phường và 2 xã; 11 huyện ngoại thành gồm: Ba Vì gồm 41 xã, Sóc Sơn gồm 25 xã, Đông Anh gồm 23 xã, Mê Linh gồm 2 thị trấn và 22 xã, Thạch Thất gồm 19 xã, Phúc Thọ gồm 20 xã, Thanh Trì gồm 1 thị trấn và 22 xã, Đan Phượng gồm15 xã, Hoài Đức gồm 27 xã, Gia Lâm gồm 2 thị trấn và 31 xã, Từ Liêm gồm 25 xã.
 
Ngày 3/1/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 3-CP thống nhất tên gọi các đơn vị hành chính ở nội thành, nội thị.
 
Theo đó, ở nội thành, đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp của thành phố trực thuộc Trung ương đều thống nhất gọi là quận; các đơn vị hành chính cơ sở ở nội thành, nội thị của các thành phố thuộc tỉnh, thị xã và quận gọi là phường.
 
Vậy nên, tổ chức hành chính nội thành Hà Nội gồm 4 quận: Ba Đình gồm 15 phường, Hoàn Kiếm gồm 18 phường, Đống Đa gồm 24 phường, Hai Bà Trưng gồm 22 phường.
 
Sau khi mở rộng địa giới thành chính lần thứ 2, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 2.130km2, dân số là 2.435.200 người, gồm có 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, 11 huyện ngoại thành là: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì, Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây. Riêng thị xã Hà Đông tạm giao cho tỉnh Hà Sơn Bình quản lý.
 
Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 10-Hội đồng bộ trưởng về việc phân ranh giới thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và huyện Phúc Thọ thuộc thành phố Hà Nội.
 
Theo đó, mở rộng thị xã Sơn Tây trên cơ sở tách các xã Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ Đông của huyện Ba Vì. Thị xã Sơn Tây sau khi mở rộng bao gồm 3 phường: Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Quyền và 9 xã: Trung Hưng, Tiên Sơn, Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ Đông.
 
Ngoài ra, tách các xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc của huyện Ba Vì để sáp nhập vào huyện Phúc Thọ.  Sau khi được điều chỉnh địa giới, Huyện Ba Vì bao gồm 32 xã.
 
Ngày 13/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 173-Hội đồng bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số phường và thị trấn thuộc thành phố Hà Nội như thành lập phường Kim Giang và phường Thanh Xuân Bắc thuộc quận Đống Đa, thành lập phường Mai Động thuộc quận Hai Bà Trưng, thành lập các thị trấn Sài Đồng, Đức Giang (thuộc huyện Gia Lâm), thành lập thị trấn Đông Anh (thuộc huyện Đông Anh), thành lập thị trấn Nghĩa Đô, thị trấn Cầu Giấy và thị trấn Cầu Diễn (thuộc huyện Từ Liêm).
 
Ngày 14/3/1984, Hội đồng bộ trưởng có quyết định số 42-Hội đồng bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số phường thuộc thành phố Hà Nội: chia phường Giáp Bát thuộc quận Hai Bà Trưng thành 2 phường là Giáp Bát, Tân Mai và thành lập phường Sơn Lộc và phường Xuân Khanh thuộc thị xã Sơn Tây.
 
Ngày 3/3/1987, Hội đồng bộ trưởng có Quyết định số 45-Hội đồng bộ trưởng về việc thành lập trị trấn của các huyện Ba Vì, Sóc Sơn thuộc thành phố Hà Nội: thành lập thị trấn Quảng Oai (thị trấn huyện lỵ của huyện Ba Vì) và thành lập thị trấn Sóc Sơn (thị trấn huyện lỵ của huyện Sóc Sơn).
 
Ngày 17/9/1990, theo Quyết định số 383/TCCp của Ban Tổ chức-Cán bộ, Chính phủ, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thuộc thành phố Hà Nội: thành lập thị trấn Mai Dịch thuộc huyện Từ Liêm và thành lập xã Phú Diễn và xã Minh Khai trên cơ sở tách xã Phú Minh thuộc huyện Từ Liêm.
 
Ngày 26/10/1990, theo Quyết định số 456/TCCP của Ban Tổ chức-Cán bộ, Chính phủ, về việc điều chỉnh địa giới hành chính quận Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội: chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì cho quận Hai Bà Trưng quản lý để thành lập phường Hoàng Văn Thụ.
 
Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Điều chỉnh địa giới của thành phố Hà Nội: chuyển huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội về tỉnh Vĩnh Phú; Chuyển thị xã Sơn Tây và 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất của Hà Nội về tỉnh Hà Tây.
 
Sau lần điều chỉnh này, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 921,8km2, dân số 2.052.000 người, có 9 đơn vị hành chính gồm 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 5 huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì.
 
Ngày 28/10/1995, Chính phủ ra Nghị định số 69-CP thành lập quận Tây Hồ thuộc thành phố Hà Nội trên cư sở các phường Bưởi, Thụy Khê, Yên Phụ của quận Ba Đình và các xã Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng của huyện Từ Liêm.
 
Quận Tây Hồ có diện tích tự nhiên 2.042,7ha và 69.713 nhân khẩu, gồm 8 phường Bưởi, Thụy Khê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng.
 
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, quận Ba Đình còn lại 909ha diện tích tự nhiên và 170.438 nhân khẩu, gồm 12 phường, huyện Từ Liêm còn lại 8.870ha diện tích tự nhiên và 287.023 nhân khẩu, gồm 19 xã, 5 thị trấn.
 
Ngày 22/11/1996, Chính phủ ra Nghị định số 74-CP thành lập quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy; thành lập và đổi tên một số phường thuộc thành phố Hà Nội.
 
Theo đó, thành lập quận Thanh Xuân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Thượng Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Kim Giang, Phương Liệt, 78,1ha diện tích tự nhiên và 20.862 nhân khẩu của phường Nguyễn Trãi, 98,4ha diện tích tự nhiên và 5.506 nhân khẩu của phường Khương Thượng (thuộc quận Đống Đa), toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Nhân Chính (huyện Từ Liêm) và xã Khương Đình (huyện Thanh Trì).
 
Quận Thanh Xuân có diện tích tự nhiên 913,2ha và 117.863 nhân khẩu, gồm 11 phường Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Kim Giang, Phương Liệt, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Bắc, Khương Mai, Khương Trung, Khương Đình, Hạ Đình, Nhân Chính (đổi tên phường Thanh Xuân thành Thanh Xuân Trung).
 
Sau khi điều chỉnh, quận Đống Đa còn lại 993,9ha diện tích tự nhiên và 268.858 nhân khẩu gồm 12 phường, huyện Thanh Trì còn lại 9.791ha diện tích tự nhiên và 195.747 nhân khẩu, gồm 24 xã và 1 thị trấn.
 
Thành lập quận Cầu Giấy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các thị trấn Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch và các xã Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa của huyện Từ Liêm.
 
Quận Cầu Giấy có diện tích tự nhiên 1.210,07ha và 82.994 nhân khẩu có 7 đơn vị hành chính gồm các phường Quan Hoa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa.
 
Sau khi điều chỉnh địa giới, huyện Từ Liêm còn lại 7.499,63ha diện tích tự nhiên và 156.690 nhân khẩu, gồm 15 xã và 1 thị trấn.
 
Đổi tên phường Cầu Giấy thuộc quận Ba Đình thành phường Ngọc Khánh. Đổi tên phường Nguyễn Trãi thuộc quận Đống Đa (sau khi điều chỉnh địa giới) thành phường Ngã Tư Sở. Đổi tên phường Thanh Xuân thuộc quận Thanh Xuân (sau khi điều chỉnh địa giới) thành phường Thanh Xuân Trung.
 
Ngày 6/11/2003, Chính phủ ra Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành lập các phường thuộc quận Long Biên, Hoàng Mai thuộc thành phố Hà Nội.
 
Thành lập quận Long Biên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thụy, Việt Hưng, Hội Xá, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối và các thị trấn Gia Lâm, Đức Giang, Sài Đồng thuộc huyện Gia Lâm.
 
Quận Long Biên có 6.032,24ha diện tích tự nhiên và 170.706 nhân khẩu, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường Gia Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thụy, Việt Hưng, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối, Đức Giang, Sài Đồng.
 
Sau khi điều chỉnh, huyện Gia Lâm còn lại 10.844,66ha diện tích tự nhiên và 190.194 nhân khẩu, có 22 đơn vị hành chính, gồm 21 xã và 1 thị trấn.
 
Thành lập quận Hoàng Mai trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở và 55ha diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hai Bà Trưng.
 
Quận Hoàng Mai có 4.104,10ha diện tích tự nhiên và 187.332 nhân khẩu, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các phường Hoàng Liệt, Yên Sở, Vĩnh Hưng, Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ.
 
Sau khi điều chỉnh, quận Hai Bà Trưng còn lại 961,67ha diện tích tự nhiên và 284.615 nhân khẩu, có 20 phường; huyện Thanh Trì còn lại 6.317,27ha diện tích tự nhiên và 147.788 nhân khẩu, gồm 15 xã, 1 thị trấn.
 
Ngày 5/1/2005, Chính phủ ra Nghị định số 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường thuộc quận Ba Đình, quận Cầu Giấy và thị trấn thuộc huyện Gia lâm, thành phố Hà Nội: thành lập phường Liễu Giai, Vĩnh Phúc thuộc quận Ba Đình, thành lập phường Dịch Vọng Hậu thuộc quận Cầu Giấy, thành lập thị trấn Trâu Quỳ thuộc huyện Gia Lâm.
 
Đến năm 2005, thành phố Hà Nội có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 9 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, và 5 huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark