12/03/2010 | 16:27:00

Đường Bắc Sơn - Dung dị vẻ đẹp vườn hồng

Con đường Bắc Sơn. (Ảnh: thanglonghanoi.gov.vn)

Nằm trong quần thể kiến trúc của quảng trường Ba Đình, đường Bắc Sơn dài 280m, rộng 60m, nối đường Độc Lập với Hoàng Diệu là gạch nối quan trọng trên trục đường thẳng từ Lăng Bác tới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Bắc Sơn vốn là tên gọi một châu (nay là huyện) thuộc tỉnh Lạng Sơn, nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp ngày 27/9/1940 do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sau khi bị quân Pháp đàn áp, lực lượng cách mạng rút vào rừng, năm 1941 lập đội du kích Bắc Sơn (đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng) và chiến khu Bắc Sơn cho tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Đường Bắc Sơn trước là khu đất nằm trong khu vực thành nội cổ, thời Pháp thuộc nơi đây được gọi là phố Đume (rue Paul Doumer), sau cách mạng tháng Tám được đổi tên thành đường Nhân Quyền và đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước thì chính thức mang tên Bắc Sơn.

Tuy nhiên, người Hà Nội và đặc biệt là giới trẻ Hà thành thường biết đến nơi đây với tên gọi dung dị là vườn hồng. Sở dĩ đường Bắc Sơn có tên gọi đó vì đường được chia làm 2 làn, ở giữa có một dải phân cách rộng 12m, phần bên trong bốn mùa được trồng hoa hồng luôn tỏa hương thơm ngát. Phía ngoài dải phân cách, tùy theo mùa được trồng các loại cây cảnh khác nhau, nhưng cứ đến gần Tết âm lịch, hàng cây cảnh phía ngoài đều được thay thế bằng sắc thắm của hai hàng bích đào rực rỡ.

Là một con đường ngắn, lưu lượng giao thông ít nhưng Bắc Sơn có mật độ cây xanh khá cao, hai bên hè trồng tới 4 hàng cây. Phía trong là hàng dầu nước được gửi từ tận chót mũi Cà Mau mang theo tình cảm sâu nặng của đồng bào miền Nam với Bác, phần giáp lòng đường là hàng hoa ban được bà con vùng Tây Bắc gửi xuống, những cánh hoa trắng muốt pha sắc tím hồng, nở vào mỗi dịp xuân về tượng trưng cho tấm lòng thủy chung, thanh bạch và trong sáng của đồng bào dân tộc dành cho Người.

Điểm nhấn trên đường Bắc Sơn và cũng là khối kiến trúc đặc biệt trong quần thể kiến trúc của Quảng trường Ba Đình chính là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc mà nhiều người vẫn quen gọi là Đài tưởng niệm Bắc Sơn hay Đài liệt sĩ Hà Nội.

Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Đài tưởng niệm tại đường Bắc Sơn, đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh Hội trường Ba Đình và di tích Hoàng thành Thăng Long. Sau 8 lần tổ chức sơ khảo, chung khảo, đến tháng 3/1992, cuộc thi sáng tác mẫu Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trong toàn quốc do thành phố Hà Nội tổ chức phát động đã lựa chọn phương án thiết kế của kiến trúc sư Lê Hiệp, công tác tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (trong số hơn 30 mẫu thiết kế tham dự).

Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 7/4/1993. Đích thân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Chí Công đã đặt viên đá nền móng đầu tiên, tượng trưng cho sự bền vững, vĩnh cửu, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc của công trình. Sau 13 tháng thi công với tinh thần khẩn trương, liên tục, công trình đã hoàn thành và được tổ chức khánh thành vào ngày 7/5/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 chiến thắng Điện Biên phủ.

Đài liệt sĩ cao 12,6m trong khuôn viên rộng 12.000m2. Thân đài là một khối hộp hình vuông, cao 8,7m, đế đài cao 0,9m và bệ đài cao 1,35m. Diện tích bệ đài rộng 785m2; hồ nước xung quanh rộng 1.255m2; diện tích cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa rộng 1.620m2…

Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ được xây dựng với kết cấu bêtông, cốt thép, mặt ngoài ốp bằng đá hoa cương trắng ngà, tựa như ngọn nến khổng lồ thắp lên trời xanh với vẻ tâm linh trầm mặc, một vùng hội tụ anh linh các Anh hùng, liệt sĩ, những người một thời đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, sống trọn nghĩa, vẹn tình với Tổ quốc, với đồng bào, đồng chí.

Trong quan niệm âm, dương tương hỗ của triết lý phương đông, có thể coi mặt đứng của khối đài là thái dương, thì cạnh lõm của bốn mặt tường là thiếu dương, hình mặt cắt đình chùa là thiếu âm, hồ nước bao quanh đài là thái âm. Trời tròn, đất vuông, sự giao hòa vũ trụ mở ra bốn phương, tám hướng, nhiều luồng tâm cảm để quá khứ, hiện tại và tương lai là một chuỗi mắt xích, không tách bạch, để anh linh các Anh hùng, liệt sĩ được sưởi ấm trong tâm thức của cộng đồng. Luồng khói trầm hương kết nối tâm giao giữa những người đang sống với những người đã hy sinh vì nghĩa lớn.

Khu quần thể đài tưởng niệm như một đóa hoa sen khổng lồ đang hé những cánh hoa, từ bốn phía nhìn vào, có thể hình dung đó là mái nhà của sự sống. Vào buổi tối, ánh sáng điện màu vàng chiếu hắt lên bốn mặt vát của thân đài, cùng với ánh phản quang màu đồng thau hòa vào nhau, phát tán ra bốn phương, tám hướng, gợi lên hình ảnh kiến trúc đình chùa rất quen thuộc, gắn với đời sống tâm linh trong cộng đồng dân tộc.

Năm 2010, hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và 70 năm khởi nghĩa Bắc Sơn, đi trên con đường mang tên gọi lịch sử đáng tự hào ấy, lòng mỗi người dân Thủ đô lại không khỏi bồi hồi, xúc động./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark