03/03/2010 | 16:13:28

Cửa Đông - Một dấu tích của thành Hà Nội xưa

Phố Cửa Đông dài khoảng 230m, thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phố có hướng Đông-Tây, nối từ phố Hàng Gà đến phố Lý Nam Đế, cắt ngang qua ngã tư phố Phùng Hưng và cầu cạn đường sắt, tới cửa chính đông của Thành Thăng Long thời Nguyễn. Thời Lý-Trần, gọi là cửa Tường Phù, nhìn ra khu vực chợ Cầu Đông.

Nguồn gốc tên phố

Phố Cửa Đông được xây dựng trên nền đất xưa thuộc thôn Tân Lập, Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Xưa kia, Thành Hà Nội hình vuông, được xây bằng gạch vồ, mở ra 5 cửa gồm Chính Bắc, Chính Tây, Chính Đông, Đông Nam và Tây Nam. Dấu tích còn lại của các cửa này là một phần các con phố, mang tên hướng cửa mở.

Tại đây, có một đường đi trong Thành Hà Nội từ cửa Đoan Môn ra đến cửa Chính Đông Môn, qua cổng thành và cầu bắc trên hào để ra ngoài, rồi tỏa đi các phố của khu Cửa Đông. Năm 1894-1897, thực dân Pháp phá Thành nên cửa này không còn nữa.

Khi cửa Chính Đông, tường Thành và con hào không còn, thực dân Pháp cho mở một con đường mới thẳng từ Cổng Tỉnh (chiếc cổng sắt lớn thay cho cửa Chính Đông Môn) ra khu phố cũ. Con đường đó được nhân dân gọi là phố Cửa Đông hoặc con đường Cổng Tỉnh (nghĩa là cổng đi vào trong thành tỉnh).

Thời Pháp thuộc, phố được gọi là đại lộ tướng Bichot. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phố được đặt chính thức là phố Cửa Đông.

Phố Cửa Đông

Thời Pháp thuộc, phố Cửa Đông đã là một đường phố rộng rãi, hiện đại, khác hẳn những phố nhỏ hẹp của khu phố cổ Hà Nội với mặt đường trải đá, vỉa hè xây gạch và trồng cây xanh, có cống thoát nước, đèn đường.

Nhà trên phố Cửa Đông chia làm hai đoạn khác nhau. Đoạn đầu từ phố Lý Nam Đế (Cổng Tỉnh) đến cầu cạn đường sắt là những ngôi nhà hai tầng hiện đại, gồm một hoặc hai gian quay ra mặt đường, hầu hết mở cửa hàng phục vụ cho các quan binh trong thành.

Đoạn sau từ cầu cạn đường sắt đến phố Hàng Gà là nhà số chẵn ở phía Bắc, gồm nhiều biệt thự to và đẹp, bên ngoài có hàng rào bằng sắt; nhà số lẻ ở phía Nam là những nhà gác xây hai tầng, làm ra đến sát hè phố.

Di tích lịch sử

Nhà số 20, phố Cửa Đông từng là cơ sở tài chính kiêm giao thông của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc kỳ trong những năm 1928-1929. Đây là xưởng sửa chữa cơ khí và cho thuê ôtô du lịch, do Đỗ Ngọc Du tổ chức để có thêm nguồn tài chính cho Kỳ bộ.

Với số vốn ít ỏi ban đầu, cơ sở ôtô đã mua xe cũ về sửa chữa lại, tổ chức xe thường xuyên chạy lên biên giới, vừa làm giao thông liên lạc, vừa kết hợp vận chuyển gây tài chính cho đoàn thể.

Tháng 4/1929, cơ sở ôtô số 20 phố Cửa Đông đã tổ chức đưa đón các đại biểu về đồn điền Boren ở Ba Vì (Hà Nội) để họp Hội nghị toàn Bắc Kỳ của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên./.

Hoàng Yến (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark