14/08/2010 | 14:47:00

Gắn bó với Hà Nội bởi tình cảm và những cơ duyên

Giáo sự Vũ Ngọc Khánh.(Nguồn: Chinhphu.vn)

Chắt lọc từ tình yêu Thủ đô, giáo sư Vũ Ngọc Khánh đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về Hà Nội như Giai thoại Thăng Long, 36 danh hương Thăng Long-Hà Nội, Danh nhân truyện ký, Tám vị vua đời nhà Lý, Niên Giám văn hiến nghìn năm Thăng Long và nhiều bài viết về văn hóa, con người đất Kinh kỳ.

Mới đây, cuốn sách Niên Giám văn hiến nghìn năm Thăng Long của giáo sư, món quà quý dành tặng Thủ đô nghìn tuổi, đã được ấn hành.

Ở vào tuổi 86, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, vẫn sôi nổi và say mê khi nói về văn hóa Hà Nội. Hà Nội đã hấp dẫn ông bởi truyền thống, bởi những miền đất thú vị và những huyền tích đẹp.

- Cơ duyên nào đã khiến một người con của đất Hà Tĩnh như ông gắn bó và nghiên cứu nhiều về văn hóa, con người Hà Nội?

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh: Tôi sinh ra và lớn lên ở Nghi Lộc, Hà Tĩnh nhưng 18 tuổi đã ra Hà Nội học trường Thăng Long. Những người thầy uyên bác và tận tâm như thầy Bùi Kỷ, thầy Hoàng Minh Giá không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn khơi dậy trong tôi tình yêu nước, tình yêu Hà Nội.

Năm 1943, tôi hoạt động trong Tiểu tổ Việt Minh tại Hà Nội. Chính thời gian này đã giúp tôi hiểu hơn về một Hà Nội hào hùng, gian khổ trong chiến tranh nhưng vẫn sáng ngời những giá trị về văn hóa, về con người.

70 năm gắn bó với Hà Nội, trong đó có 30 năm sống hẳn tại Thủ đô, đã khiến tôi coi mảnh đất này là quê hương thứ hai, là một phần máu thịt của mình. Nhiều người bạn gắn bó với tôi từ thủa thanh niên giờ cũng trở thành những học giả, những nhà nghiên cứu. Họ đã giúp tôi nhiều trong quá trình tìm hiểu về Hà Nội.

Tôi luôn nghĩ rằng mình gặp “duyên may” khi nghiên cứu về Thăng Long-Hà Nội bởi lẽ đây là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà văn, nhà sử học, nguồn tư liệu rất dồi dào, phong phú.

Nhưng cũng chính bởi nhiều nguồn tài liệu nên người nghiên cứu phải có sự chắt lọc, tìm tòi, phát hiện ra những cái mới, những điều còn ẩn chứa trong văn hóa và con người Hà Nội.

- Để tìm ra “những điều còn ẩn chứa trong văn hóa và con người Hà Nội” chắc hẳn giáo sư đã có nhiều chuyến đi thực tế thú vị. Ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ, về những vùng đất đã để lại nhiều ấn tượng trong ông?

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh: Thăng Long-Hà Nội không chỉ là đất địa linh nhân kiệt mà còn là nơi có nhiều cảnh đẹp, hồ, núi, sông đều có những nét hấp dẫn riêng. Đối với tôi, những chuyến đi thực tế vừa có mục đích nghiên cứu, vừa là để thưởng ngoạn, để đắm mình vào thiên nhiên, vào những huyền tích của mảnh đất ngàn năm lịch sử.

Tứ quý danh hương (bốn làng nổi tiếng) xưa là Mỗ, La, Canh, Cót tôi đều đã dành nhiều thời gian để thăm thú và tìm hiểu. Các làng khác như Bưởi, Đại Từ, Phú Thị cũng để lại nhiều ấn tượng.

Nói về một chuyến đi đáng nhớ hay một vùng đất để lại cảm tình đặc biệt quả là khó bởi đối với tôi mỗi vùng miền lại có những nét thú vị, những điều hấp dẫn riêng.

Có những nơi hấp dẫn bởi những nghề truyền thống, đặc sắc từ bao đời như dệt làng La (La Khê), làng Bưởi, làng Vạn Phúc, có những vùng lại gây nhiều ấn tượng bởi đó là đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều hiền tài đất Việt như làng Cót, làng Đại Từ.

Điều tôi cảm thấy vui nhất là khi đi tìm hiểu về những giai thoại Thăng Long, những huyền tích lịch sử đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ bà con địa phương. Họ đã nhiệt tình kể lại cho tôi những câu chuyện, những sự tích truyền thống của làng quê mình.

Đặc biệt, bà con còn giúp tôi được tiếp cận với những sắc phong cũ, với những thần phả, thần tích được lưu giữ ở đình làng. Đây là những tư liệu rất quý giá giúp việc nghiên cứu có cơ sở xác thực.

Tuy nhiên, để tìm hiểu về đất Thăng Long xưa không thể chỉ quanh quẩn ở phạm vi Hà Nội mà còn phải đến các vùng miền khác. Bởi lẽ, từ con người đến văn hóa Thăng Long-Hà Nội đều có sự gắn bó với các tỉnh, thành.

Tôi đã từng tìm về quê gốc của những vị quan, những ông nghè nổi tiếng trên đất Thăng Long để nghiên cứu sâu hơn về cuộc đời và công lao của họ. Có như vậy mới thấy được, Thăng Long-Hà Nội là mảnh đất lành nuôi dưỡng những tài năng.

- Trong các cuốn sách về Thăng Long-Hà Nội của mình, ông tâm đắc với cuốn nào nhất và tại sao?

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh: Cuốn sách mà tôi tâm đắc nhất là Niên giám văn hiến nghìn năm Thăng Long. Trước đây tôi đã đọc rất nhiều sách về Thăng Long-Hà Nội nhưng thực sự chưa có cuốn nào khiến tôi hiểu được về Thăng Long, thông suốt về chiều dài lịch sử 1000 năm của Thủ đô.

Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều mới chỉ biết chung chung về những sự kiện của Thăng Long-Hà Nội chứ chưa hiểu được tường tận về gốc tích, chưa nắm rõ về thời gian. Vì lẽ đó, tôi muốn làm một cuốn sách không chỉ đơn thuần là tư liệu nghiên cứu mà còn là sự cụ thể hóa những tháng, năm diễn ra sự kiện.

Có những điều tưởng như rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống hàng ngày như Hà Nội có điện từ bao giờ? Tại sao Sân vận động của Hà Nội lại gọi là Hàng Đẫy? Nhưng nếu không được ghi lại tường tận sẽ ít người biết được.

Rồi đến những sự kiện lớn của Hà Nội như sự thăng trầm của các triều đại, các cuộc khởi nghĩa, sự ra đời của các công trình lớn vẫn được nhắc đến nhưng ít để lại ấn tượng về thời gian cụ thể.

Còn có những huyền thoại, giai thoại, theo nghiên cứu thì không phải tài liệu lịch sử, nhưng đã xuất hiện trên đất Thăng Long, tại sao lại không được ghi trong lịch sử văn hóa Thăng Long.

Trên thực tế, những huyền thoại, giai thoại này đã trở thành những hiện tượng văn hóa của đất Thăng Long như chuyện Trạng Quỳnh, chuyện Ba Giai, Tú Xuất rồi những bài thơ, bài phú như Phụng Thành xuân sắc, Tây Hồ phú. Tất cả đều đã góp phần làm nên nét đặc sắc của văn hóa đất Kinh kỳ.

Tôi hy vọng cuốn sách ra đời vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ cung cấp những thông tin xuyên suốt giúp độc giả thấu hiểu và ghi nhớ những sự kiện lớn đã xảy ra trong suốt nghìn năm lịch sử của Hà Nội.

- Xin cảm ơn ông./.

(chinhphu.vn/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark