13/08/2010 | 16:49:00

Giữ gìn và phát huy nét độc đáo của lễ hội Hà Nội

Lễ hội Đống Đa. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Giống như các miền quê khác, mỗi dịp xuân về, đất kinh kỳ Thăng Long-Hà Nội diễn ra rất nhiều lễ hội. Với bề dày nghìn năm lịch sử và một không gian văn hoá đậm đặc, lễ hội ở Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay, rất phong phú và có nét độc đáo riêng cần được giữ gìn, phát huy.

Hiện ở Hà Nội có hơn 2.000 đình, đền, miếu, chùa, trong đó có hơn 500 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Hàng năm vào dịp Tết đến Xuân về, ở các di tích này đều diễn ra lễ và hội.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, hiện ở Thủ đô có 425 lễ hội diễn ra với các quy mô khác nhau. Những sinh hoạt cộng đồng này mang ý nghĩa tâm linh gắn bó người Hà Nội với nhau cùng hướng tới tu tâm, tích đức để sống chung thủy, trọn nghĩa, vẹn tình.

Giống như các lễ hội ở mọi vùng quê khác trong cả nước, mỗi hội làng Hà Nội là dịp để những người lớp trước nhắc lại phong tục đẹp của làng quê để thế hệ con cháu duy trì, phát huy. Việc tổ chức hội làng góp phần cố kết cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết trong các thôn xóm.

Nhưng do Hà Nội là đất kinh kỳ, nên tuy có nguồn gốc từ các lễ hội nông nghiệp, nhưng lại có nét độc đáo riêng. Tính chất đô thị đầu não thể hiện rất rõ trong lễ hội Hà Nội và vì diễn ra ở Thủ đô nên có tính đa dạng rất cao và kết tinh nhiều giá trị.

Theo giáo sư, tiến sỹ Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Hà Nội vừa là nơi đóng đô của các nhà nước phong kiến nhưng cũng là nơi sinh sống của người dân. “Đô” là thế và “Thị” là thế.

36 phố phường là gắn với thị, người dân các nơi tụ về đây buôn bán làm nghề thủ công, từ đó hình thành nên các phường nghề. Lễ hội của thị gắn với nghề buôn và tổ nghề. Tính chất buôn bán thủ công thể hiện rõ trong các lễ hội Hà Nội. Nhưng các lễ hội của Hà Nội vẫn có nguồn gốc là lễ hội nông thôn.

Hà Nội khác với những đô thị khác ở chỗ mối quan hệ giữa làng và thị khá chặt chẽ; tính chất của một lễ hội nông nghiệp, lễ hội mang tính chất kinh đô và tổ nghề hòa lẫn vào với nhau, tạo nên sắc thái đa dạng, nhưng lại có nét độc đáo riêng.

Trong số các lễ hội ở Hà Nội, có một số hội mang tính chất tiêu biểu cho cả nước như hội Đống Đa, Cổ Loa, Đền Sóc, Đền Hai Bà Trưng.v.v. Nhưng nhiều lễ hội thể hiện nét riêng của vùng đất kinh kỳ.

Chẳng hạn, chỉ Thăng Long-Hà Nội mới có "tứ trấn". Đó là: đền Bạch Mã (thờ thần Long Đỗ, trấn phương Đông); đền Voi Phục (thờ thần Linh Lang, trấn phương Tây); quán Trấn Vũ (thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phương Bắc) và đền Kim Liên (thờ Cao Sơn Đại vương, trấn phương Nam).

Mở hội tứ trấn là một phương thức sáng tạo không gian thiêng, phủ lên bốn phương trời, từ đó sinh ra sức mạnh huyền diệu, thần quyền hỗ trợ thế quyền để uy lực triều đình ngày càng vững mạnh, đất nước ngày càng yên vui.

Một lễ hội khác cũng mang đặc trưng của Thăng Long là lễ hội "Thập tam trại" (tức là lễ hội của 13 trại dân nhằm biểu dương tinh thần kết chạ, kết nghĩa); Hội "tứ bất tử" tôn vinh 4 vị thần linh là các hội: Tầm Xá (huyện Đông Anh), thờ thần Tản Viên; hội làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm) thờ Thánh Gióng; hội Chử Đồng Tử (huyện Gia Lâm) tưởng nhớ công lao một vị anh hùng có công lao khai phá, chinh phục đầm lầy, mở mang nông nghiệp và hội Phủ Tây Hồ (thờ bà Chúa Liễu với tục hát chầu văn). Đặc biệt, các hội làng khoa bảng ở Hà Nội cho thấy truyền thống văn hóa, sự coi trọng học vấn, trí thức của người Hà Nội.

Thành phố Hà Nội những năm qua đã khôi phục nhiều lễ hội, trong đó có hội Gióng- lễ hội đã được thành phố hoàn thiện hồ sơ gửi UNESCO xem xét công nhận là Di sản đại diện của nhân loại.

Ông Nguyễn Khắc Lợi- Phó Giám đốc Sở Văn, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Đối với lễ hội Gióng, năm nay thành phố có đầu tư, qua đó ghi lại tư liệu. Thành phố cũng đầu tư khôi phục một số lễ hội dân gian khác như: Lễ hội làng nghề tò he, lễ hội chạy lợn.

Qua những lễ hội này, chúng ta đã khôi phục được những vốn văn hóa-nghệ thuật dân gian cổ quý giá.

Việc xã hội hóa được thực hiện tương đối rộng rãi, giúp người dân ở địa phương có điều kiện tham gia đóng góp trực tiếp và càng ngày việc tham gia đóng góp trực tiếp cho lễ hội ngày càng nhiều...

Lễ hội Hà Nội thể hiện nét đặc sắc và giá trị nguồn văn hoá phi vật thể của Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến. Đây là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng truyền thống mà ngày nay vẫn phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Võ Quang Trọng- Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc khôi phục các lễ hội truyền thống ở Hà Nội cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thể hiện được nét thanh lịch của người Tràng An, phù hợp với nhịp sống hiện đại, tránh việc tổ chức phô trương, lãng phí./.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark