19/07/2010 | 13:05:00

Chèo Tàu với nỗi niềm trước thềm Đại lễ ngàn năm

Lễ hội hát chèo Tàu (nguồn: Internet)

Không bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng lại có tên là Chèo Tàu. Xã không có sông chảy qua nhưng các ca nhi  lại đứng trên tàu ngân nga giọng hát. Và, cứ 25 năm thì hội hát kỳ lạ ấy mới được tổ chức một lần…

Nét độc đáo lạ kỳ của Chèo Tàu thúc giục tôi tìm về Tổng Gối (nay là xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) vào một ngày giữa hè oi bức. Vừa bước chân tới làng, bên tai người khách lạ đã văng vẳng lời ca xem chừng còn khá lạ: “Xuân phong họa một thi đàn/ Liễu đào là bạn quế lan là tình.” Lời ca da diết, khiến khách muốn rảo chân  thật nhanh để  được mở mang tri thức về tục hát còn là điều kỳ lạ của không ít người trên dải đất hình chữ S.

Câu hát, đời người

Thấy khách sốt ruột gặng hỏi về bộ môn nghệ thuật quê mình, ông Đông Sinh Nhật, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo Tàu của xã Tân Hội cứ mủm mỉm, bảo rằng có nhiều điều chưa lý giải nổi.

Ông kể, người Tân Hội không ai biết tục hát kỳ lạ do ai khởi xướng và khởi xướng bao giờ, thậm chí tại sao lại phải hát trên tàu… Chỉ biết, lời ca tiếng hát ấy đã thấm vào máu người Tân Hội, nó cần cho người Tân Hội như miếng cơm, manh áo.

Thông thường, để chuẩn bị cho một hội hát, người Tổng Gối phải chuẩn bị hết sức công phu. Tổng Gối có bốn làng thì làng Thúy Hội và Thượng Hội phải chuẩn bị hai thuyền rồng (còn gọi là tàu) có kích cỡ dài từ 4-5 mét, rộng 2 mét và phải có bánh xe đẩy. Hai làng còn lại là Vĩnh Kỳ và Phan Long phải chuẩn bị hai “ông” voi bằng gỗ có chiều cao 2,5 mét, dài 3 mét (có bánh để đẩy). Mỗi thuyền có một lá cờ, lọng che cho chúa Tàu, cái Tàu và con Tàu.

Về con người, bốn làng phải chọn ra được một mẹ chiêu quân (chúa Tàu) có tuổi từ 50-60 và phải là người có uy tín, đức hạnh. Ngoài ra, mỗi làng phải chọn ra hai cái tàu và mười con Tàu (ca nhi) tuổi từ 13-16. Đây là những cô gái có nhan sắc, phẩm hạnh và đặc biệt là phải còn trinh tiết. Bốn làng còn phải chuẩn bị đủ 50 cô gái xinh đẹp và 200 hàng đô (nam giới) để phục vụ việc khiêng kiệu, cầm cờ, rước lọng, đánh trống...

Khi đã chuẩn bị đủ người, đội hát bắt đầu tập luyện trong sáu tháng (tháng Tám năm trước tới tháng Giêng năm sau). Tại đây, các bậc cao niên am hiểu về Chèo Tàu sẽ dạy ca nhi những điệu hát từ cơ bản đến phức tạp và cả những điệu múa uyển chuyển.

Sáu tháng khổ luyện, các ca nhi phải thuộc lòng ba phần của Chèo Tàu là hát trình (thánh ca), hát trên thuyền (trạo ca) và sau cùng là hát giao duyên (bỏ bộ). Hát Chèo Tàu khác với các làn điệu chèo ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ là không có hát mỉa, hát nhạo hay vai hề. Trong Chèo Tàu, người ta thấy rất rõ nó gồm những làn điệu như trống quân, hát ví, xẩm...

Buổi sáng ngày hội, bốn thôn quy tụ để làm lễ tại miếu Voi Phục theo trình tự: Chủ tế của từng làng dẫn chúa Tàu, cái Tàu, con Tàu vào làm lễ trình, hát dâng hương... Mẹ chiêu quân đứng ra chiêu mộ anh hào bốn phương tới gia nhập nghĩa quân chống giặc. Cái Tàu giữ vai trò của người chỉ huy đoàn tàu, có giọng hát hay, khởi xướng những điệu hát cho các con Tàu hát xô theo.

Sau khi ra khỏi khu vực bàn thờ, các con Tàu và quản tượng đứng trên thuyền và ngồi trên voi gỗ hát đối đáp, giao duyên với nhau. Những hôm sau đó, trình tự hát được lặp lại, riêng bài hát của tàu và tượng thì thay đổi từng ngày. Mỗi thôn đều có bài hát riêng, những bài hát trong đền thì không được phép hát ở ngoài nữa.

Và cũng bởi cái luật tục “Tứ dân vui vẻ chan hòa/ 25 năm lại mở hội ta Chèo Tàu” nên những ca nhi tuyệt nhiên không có cơ hội lần thứ hai trong đời được tham gia hát hội.

Nỗi niềm ai tỏ?

Độc đáo, kỳ thú là vậy, nhưng cũng có lúc tục hát Chèo Tàu ở Tổng Gối tưởng như bị “tuyệt diệt.”

Ông Nhật kể, Chèo Tàu phát triển rực rỡ ở thế kỷ 17, 18 và đầu thế kỷ 19. Qua bao thăng trầm chiến tranh loạn lạc, 76 năm Tổng Gối không hề mở hội hát. Năm 1998, khi cụm di tích lịch sử văn hoá miếu Voi Phục- Lăng Văn Sơn được Bộ Văn hoá công nhận là di tích lịch sử thì hội hát Chèo Tàu mới được lập lại.

Ở cái thời điểm đó, những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật của quê hương buộc phải cất công đến tận nhà những ca nhi từng tham dự hội hát lần cuối cùng vào năm 1922 ra dạy cho lớp trẻ. Cảm phục cái tâm của những người “vác tù và hàng tổng,” các cụ như cụ Lục, cụ Năm, cụ Hai đã chống gậy ra đình làng, chỉ bảo cho lớp trẻ lời ca tiếng hát.

Cùng với thời gian, nhiều luật tục khắt khe dần gỡ bỏ, tục hát 25 năm một lần cũng được cải tiến lại thành một năm hát một lần. Ngoài ra, Chèo Tàu cũng được biểu diễn trong những ngày lễ và giao lưu văn hóa.

Đến nay, Câu lạc bộ Chèo Tàu xã Tân Hội đã quy tụ được 50 thành viên, với đủ mọi lứa tuổi. Điều chung trong họ là tình yêu với bộ môn nghệ thuật này luôn cháy bỏng.

“Ngày xưa, người đi hát hội, dù tập luyện sáu tháng, các cụ cũng chẳng màng công sá. Giờ cũng vậy, chúng tôi đi tập vì niềm đam mê gìn giữ nét độc đáo của quê hương,” chị Thủy, một ca nương tâm sự.

Độc đáo là vậy, nên ông Bùi Xuân Sách, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng cho hay, Chèo Tàu được liệt vào một trong năm công trình đặc biệt nằm trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội của huyện.

Nghe tin này, ông Nhật vui lắm bởi nghĩ sẽ có tiền để bổ sung, sửa chữa trang phục, nhạc cụ, voi, thuyền… bởi câu lạc bộ hoạt động tự nguyện, không có kinh phí.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, đến giờ ông Nhật vẫn không nhận được bất kỳ chỉ thị hoặc nguồn kinh phí nào để tu bổ đạo cụ. Bằng chứng là, chỉ chừng ba tháng nữa ngày Đại lễ 1000 năm, nhưng tượng voi để biểu diễn trong lễ hội vẫn đang được đặt ở sân Lăng Văn Sơn với cái cổ bị gẫy.

Câu chuyện dành cho Đại lễ chỉ là một vấn đề. Điều quan trọng là đã đến lúc cần nhìn nhận một cách trực diện vào những bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo đang dần bị mai một. Nếu không có một chính sách khuyến khích hợp lý, thì ai sẽ giữ gìn kho tàng văn hóa dân gian khi lớp người tâm huyết dần theo các cụ về nơi chín suối?

Và, con cháu chúng ta sau này có lẽ sẽ chỉ biết đến những làn điệu của cha ông qua sách vở mà thôi.../.

Tích xưa kể rằng, Chèo Tàu ra đời để tưởng nhớ Hai Bà Trưng hoặc diễn chào hội quân giữa Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục. Nhưng có một giả thiết được người dân chấp nhận hơn đó là nghiên cứu của Trung tá Đào Văn Hà.

Ông Hà đã trích nguồn từ cuốn “Cối lâm tiểu dẫn” bằng chữ Nôm viết năm 1902 của đại phu triều Nguyễn là Nguyễn Duy Lương, cho thấy nguồn gốc của hát Chèo Tàu có liên quan đến một cuộc khởi nghĩa chưa từng ghi chép trong chính sử. Đó là cuộc khởi nghĩa Hắc Y chống quân Minh do Văn Dĩ Thành làm chủ tướng. Sau 267 năm Văn Dĩ Thành hy sinh, hội hát Chèo Tàu lần đầu tiên mở ra vào năm Nhâm Tuất (1683).

Thúy Mơ (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark