13/11/2012 | 14:42:00

Hà Nội: Giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, lừa đảo

Hội nghị "Triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP Chính phủ về chống thư rác" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 13/11 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều bộ, ngành, các chuyên gia, các tập đoàn truyền thông, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay cả nước có 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ diện thoại di động, với tổng số thuê bao là 120,7 triệu. Sự gia tăng mạnh về số lượng các thuê bao di động đã tạo điều kiện các dịch vụ không ngừng phát triển, trong đó có dịch vụ tin nhắn (công ty CPS là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và đầu số) để triển khai các dịch vụ nội dung.

Việc phát triển các loại hình dịch vụ nội dung đã góp phần khai thác hiệu quả tối đa cho cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lẫn người sản xuất kinh doanh... tăng thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Dịch vụ tin nhắn đã trở thành nhu cầu, phương tiện kinh doanh, quảng bá, giải trí và giao tiếp hết sức tiện ích của thế kỷ 21.

Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông: Bên cạnh những mặt tích cực, dịch vụ tin nhắn đã bộc lộ những mặt trái, mặt tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn.

Hiện cả nước có 347 công ty CPS ký kết với các công ty thông tin di động, doanh nghiệp viễn thông để cung cấp dịch vụ trong đó đa phần các công ty sử dụng modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp đặt sim điện thoại và kết nối với máy tính để nhắn tin rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ. Các tin nhắn trên phát tán vào nhiều giờ khác nhau, nhất là vào thời điểm nghỉ ngơi của mọi người đã gây bức xúc, phản cảm cho người sử dụng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, không chỉ dừng lại ở đó, các tin nhắn còn trở thành một dịch vụ lừa đảo, ăn cắp tiền cước của khách hàng; tin nhắn có nội dung đồi trụy, tin nhắn vì động cơ cá nhân, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ tin nhắn rác có nội dung phản động.

Bên cạnh đó việc cấp đầu số không thống nhất đã xảy ra tình trạng một CSP được Viettel cấp đầu số, nhưng đầu số này lại được VinaPhone hoặc MobiFone cấp cho CSP khác dẫn tới không thể kết nối kỹ thuật với tất cả các mạng thông tin di động.

Trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, xử lý vi phạm về tin nhắn rác cũng đã được đẩy mạnh. Từ năm 2009 đến nay, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xử lý gần 300 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác trên các đầu số 8xxx, 7xxx, 6xxx và 19000; thu phạt hành chính 2,4 tỷ đồng; 3 công ty đã bị đình chỉ cung cấp dịch vụ.

Theo Bộ thông tin và Truyền thông, nguyên nhân của tình trạng phát tán tin nhắn rác tràn lan là do lợi ích kinh tế từ tin nhắn rác mang lại cho doanh nghiệp lớn hơn hẳn với các hoạt động kinh doanh thông thường; việc phát tán tin nhắn rác là hình thức quảng cáo có mức chi phí thấp nhất nhưng lại hiệu quả cao.

Công tác quản lý thuê di động trả trước còn nhiều bất cập; đa số các CSP cho phép các CP thuê lại được tự do cung cấp thông tin, kể cả thông tin không lành mạnh. Hệ thống các văn bản quản lý, hướng dẫn các CSP về cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn của Nhà nước còn thiếu, chồng chéo hoặc chưa cụ thể; công tác quản lý các CSP đăng ký hoạt động, quản lý giá cước, kết nối, chất lượng dịch vụ, phân bổ tài nguyên, chế độ báo cáo, thống kê số liệu còn bị buông lỏng và nhiều bất cập.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Sau 3 năm triển khai Nghị định số 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác đã bộc lộ một số hạn chế, không còn phù hợp với thực tế và đặt ra yêu cầu cần được sửa đổi bổ sung, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý phòng chống, ngăn chặn tin nhắn rác. Ngày 5/10/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 về chống thư rác cho phù hợp với thực tế cũng như khung pháp lý và các giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo một cách hiệu quả, thiết thực.

Các biện pháp quản lý tin nhắn rác tại Nghị định số 77/2012/NĐ- CP là tăng cường khả năng phòng chống, ngăn chặn tin nhắn rác đối với doanh nghiệp di động quản lý dịch vụ nội dung qua tin nhắn; tôn trọng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; tạo điều kiện cho sự phát triển dịch vụ tin nhắn quảng cáo hợp pháp và sửa đổi, bổ sung một số nội dung xử phạt. Bên cạnh đó các đại biểu đề nghị thể chế hóa quản lý dịch vụ nội dung tin nhắn tương xứng và chặt chẽ như quản lý trên mạng Internet và lưu trữ thông tin tin nhắn trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Bộ Thông tin và truyền thông phải quản lý được các đầu thuê bao không để buông lỏng quản lý như hiện nay./.

Nhật Minh (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark