21/11/2012 | 16:20:00

Hà Nội: Hội nghị điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sáng 21/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo điều tra môi trường kinh doanh ở Việt Nam “Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2011."

Báo cáo đã tập trung phân tích một cách toàn diện môi trường kinh doanh ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự phân tích sâu sắc các vấn đề như tăng trưởng lao động, vấn đề đầu tư và tiếp cận tài chính, năng lực doanh nghiệp.

Theo CIEM, cuộc điều tra lần này được tiến hành với gần 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Điều tra cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự giảm sút trong đầu tư và tiếp cận tài chính, có ít doanh nghiệp đầu tư mới. Có 444 doanh nghiệp trong tổng số gần 2.000 doanh nghiệp cho biết không tiến hành đầu tư mới trong suốt 4 năm qua. Nhận định của các chuyên gia kinh tế cũng cho thấy, kết quả này là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn.

Đặc biệt, vấn đề tín dụng được xem như rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, có sự giảm sút xuống 47% (năm 2011) so với 52% (năm 2009). Cụ thể gần 39% doanh nghiệp được coi là gặp khó khăn về tín dụng. Mặt khác, số lượng doanh nghiệp có các khoản vay phi chính thức nhiều gấp đôi so với các doanh nghiệp có các khoản vay chính thức và gần 90% các doanh nghiệp có khó khăn tại thị trường tín dụng chính thức cho biết có tiếp cận với các khoản vay từ nguồn phi chính thức.

Kết quả trên có thể khẳng định nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất cao. Các rào cản tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được cải thiện nhiều, hay nói chính xác hơn, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khu vực này vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Phải chăng các ngân hàng chưa thực sự có những sản phẩm tín dụng phù hợp cho khối doanh nghiệp này.

Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hằng (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ) cho biết, qua kết quả điều tra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có xác suất thoát khỏi thị trường thấp hơn các doanh nghiệp siêu nhỏ. Như vậy, việc khởi sự một doanh nghiệp đã khó, nhưng việc quan trọng hơn là phải tăng cường được khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tiến sỹ Hằng cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay khi mà thị trường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là thị trường nội địa và vấn nạn hàng nhập lậu vẫn còn nhức nhối thì việc cải tiến sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường này là vô cùng quan trọng. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài thì rất có thể các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải sớm rút lui khỏi thị trường.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước thách thức đối với sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa này, các chính sách hậu khủng hoảng đã được Chính phủ xây dựng và thực thi nhằm duy trì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng; đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách để từ đó nâng cao khả năng hỗ trợ có hiệu quả đối với sự phát triển dài hạn của khu vực doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải được quan tâm bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường và các chính sách hỗ trợ riêng biệt để khu vực này tăng trưởng và phát triển, tiếp cận nguồn lực bình đẳng với doanh nghiệp lớn./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark