29/09/2012 | 09:26:00

Hà Nội: Người cặm cụi thổi hồn cho mặt nạ cười

Vợ chồng ông Hòa tận dụng lối cầu thang lên gác 3 làm sân phơi đồ chơi. (Báo Ảnh Việt Nam)

Đi dọc phố Hàng Mã (Hà Nội), phố chuyên bày bán đồ chơi cho con trẻ chỉ thấy la liệt những trò chơi hiện đại hoặc những đồ chơi bạo lực. Nằm khiêm tốn ở góc khuất trong một cửa hàng bán đồ chơi là những chiếc mặt nạ giấy bồi rực rỡ sắc màu.

Hỏi chị bán hàng, chị chỉ trả lời bâng quơ: “Hàng này do vợ chồng ông Hòa ở phố Hàng Than làm ra, ít người mua, kén khách lắm!”.

Ngoằn nghèo một lúc trong con ngõ 73 chật hẹp ở phố Hàng Than, trên căn gác nhỏ chỉ chừng 15m vuông, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa đang cặm cụi vẽ mặt nạ.

Biết khách đến tìm hiểu, ông Hòa nâng chén chè mạn, nét mặt như giãn ra, cười nói: “Các chú có biết không, đã có thời kỳ, vợ chồng tôi nghĩ sẽ thôi không còn làm nghề nữa vì không có khách mua. Thế nhưng, đã “phải lòng” với nghề rồi thì khó mà “chia tay” nó được”.

Rồi ông chỉ sang phía bà Lan - vợ mình khẳng định: “Nghề này tôi được học từ ông bố vợ, tôi thấy phù hợp với mình, vả lại có nhiều lẽ nên không thể bỏ được…”. Ông Hòa bỏ lửng câu nói, rồi đưa những nét vẽ phóng khoáng lên chiếc mặt nạ hình chú Cuội miệng đang toe toét cười ngộ nghĩnh.

Đã 30 năm nay, vợ chồng ông chỉ làm đồ chơi dân gian như: mặt nạ Lạc Long Quân, chú Tễu, chú Cuội, hổ, Thị Nở… mà không làm đồ chơi khác. Có lẽ, cao hứng nhất lúc này, ông đang hình dung, 2000 chiếc mặt nạ chính là 2000 nhân vật trong chuyện cổ tích, truyền thuyết của người Việt đến với trẻ em mỗi mùa Trung thu. Từ những chiếc mặt nạ nhân vật đó để lũ trẻ yêu hơn những câu dân gian thấm nhuần đạo lý./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark