04/12/2012 | 10:57:00

Hà Nội có thành Ô Diên…

Ở đâu? Ở làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Đã đến lúc tìm lại tòa thành này để làm bằng chứng cho bề dày của lịch sử Đan Phượng nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung.
Trước hết, hãy xem chính sử nói gì.

Đại Việt sử ký toàn thư soạn từ thế kỷ XV, ở phần Ngoại kỷ, kỷ Triệu Việt Vương có đoạn:

“Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông, đánh nhau với vua Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình, năm lần giáp trận, chưa phân thắng phụ mà quân của Phật Tử hơi lùi, ngờ là vua có thuật lạ, mới giảng hòa xin thề. Vua nghĩ rằng Phật Tử là họ của Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần, nay là hai xã Thượng Cát, Hạ Cát, thuộc huyện Từ Liêm, cho ở phía Tây của nước, Phật Tử dời đến thành Ô Diên (tức xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm ngày nay), xã ấy nay có đền thờ thần Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang. Sau Phật Tử có con trai là Nhã Lang, xin lấy con gái của vua là Cảo Nương, vua bằng lòng gả. Vua yêu quý Cảo Nương, cho Nhã Lang ở gửi rể.

Canh Dần năm thứ 23 (570) Nhã Lang bảo vợ rằng: “Trước vua chúng ta cừu thù với nhau, nay là thông gia, chẳng cũng hay lắm ư! Nhưng cha nàng có thuật gì mà có thể làm lui được quân của cha tôi?”. Cảo Nương không biết ý của chồng, lấy giấu mũ mâu móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang ngầm đổi cái móng rồng ấy. Rồi Nhã Lang về, cùng với cha bàn mưu đánh úp vua chiếm lấy nước”. (Bản dịch của NXB KHXH năm 1962-T1, tr 123).

Như vậy, vào thời bộ sử này được soạn thì khi đó chưa có huyện Đan Phượng và Hạ Mỗ thuộc về huyện Từ Liêm. Như vậy, huyện Từ Liêm ít ra từ thế kỷ XV bao gồm cả các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm ngày nay.

Đến sách Việt sử cương mục soạn vào thế kỷ XIX, về cuộc tranh chấp hai nhà Triệu - Lý và thành Ô Diên ở phần Tiền biên, kỷ Việt Vương như sau:

“Phật Tử kéo quân xuống phía Đông, đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình, năm lần giáp chiến chưa phân được, thua. Quân Phật Tử phải lui một ít rồi xin hòa. Việt Vương nghĩ Phật Tử là người cùng họ với Lý Bôn trước, không nỡ tuyệt tình, mới lấy châu Quân Thần làm địa giới cho Lý Phật Tử ở về phía Tây nước mình. Lý Phật Tử mới dời sang ở thành Ô Diên.

Chú: Quân Thần châu: Nay là hai làng Thượng Cát, Hạ Cát thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội.

Ô Diên là xã Hạ Mỗ ở Từ Liêm. Xã ấy có đền thờ Bát Lang thần, có lẽ là Nhã Lang chăng.

Năm Tân Mão (571) (Lý, Hậu đế Phật Tử, năm thứ nhất). Lý Phật Tử đánh úp, lấy được nhà Triệu.

Sử cũ chép: “Trước kia, Phật Tử giảng hòa với nhà Triệu, rồi cầu hôn cho con trai là Nhã Lang. Việt Vương gả con gái là Cảo Nương cho Nhã Lang, và cho gửi rể. Nhã Lang nhân lấy trộm được cái móng rồng, trở về nước mưu với Phật Tử đánh úp nhà Triệu. Khi Phật Tử kéo quân đến đánh, Việt Vương vội đối địch, thì cái móng rồng đã mất rồi, mới cùng con gái là Cảo Nương chạy về phía Nam. Bị quân Lý Phật Tử đuổi sát, Việt Vương chạy đến cửa biển Đại Nha, hết đường chạy, gieo mình xuống biển chết”. (Bản dịch của NXB Sử học năm 1962, tr131).

Như vậy, cả hai bộ sử cổ của nước ta đều khẳng định có tòa thành Ô Diên ở làng Hạ Mỗ nay thuộc huyện Đan Phượng và là nơi đóng quân của Lý Phật Tử trong cuộc chiến chống Triệu Việt Vương suốt 13 năm, từ năm 557 đến 571.

Tuy nhiên, cả hai bộ sử đó có một chỗ sai. Bộ Toàn thư sai nhiều hơn bộ Cương mục. Vì ở Toàn thư chép: “Xã ấy nay có đền thờ thần Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang”, còn Cương mục thì có dè dặt hơn, vì chép: “Xã ấy có đền thờ Bát Lang thần, có lẽ là Nhã Lang (con Lý Phật Tử) chăng”. Cương mục không dám khẳng định là nơi thờ Nhã Lang, chỉ viết là có lẽ chăng. Dè dặt là đúng vì thực tế, Hạ Mỗ thờ Bát Lang chứ không phải Nhã Lang dù rằng cả hai đều là con của Lý Phật Tử. Thực ra, theo Thần tích làng Chu Quyến hiện có ở thư viện Hán Nôm thì Nhã Lang là con trưởng của Phật Tử với bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thành, người làng Chu Quyến (nay thuộc huyện Ba Vì - N.V.P). Do vậy, khi lớn lên lại lập công lừa được Triệu Việt Vương thì được Phật Tử cho xây cung điện ở Chu Quyến làm bản doanh và xây hành cung ở Minh Chu, phủ Tam Đái (nay thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Sau Nhã Lang được dân Chu Quyến thờ làm thành hoàng”.

Còn Bát Lang, theo Thần tích làng Hạ Mỗ mà cụ Bùi Tất Uông, người giỏi chữ Hán nhất làng Hạ Mỗ dịch từ 1984: Thần là con thứ 8 của Phật Tử với bà phi tần tên là Liễu Nương, con gái ông Đoạn Công quê ở làng Mao Điền, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Bát Lang được vua lập cung doanh ở Hạ Mỗ, tức thành Ô Diên.

Như đã nêu ở trên, các bộ sử chỉ chép chuyện Nhã Lang lừa Triệu Việt Vương mà không cho biết chi tiết về thân thế của nhân vật này cũng như về Bát Lang, như các thần tích. Và theo nguồn sử dân gian này thì đúng là có thành Ô Diên ở Hạ Mỗ và là quân doanh của Lý Bát Lang chứ không phải Lý Nhã Lang.

Thực ra sự nhầm lẫn này cũng đã từng làm cụ Ngô Thì Nhậm bị lầm. Nguyên cụ Nhậm từng có bài thơ nhan đề “Quá nhị Mỗ” tức “Qua hai làng Mỗ”. Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn đã dịch như sau:

Ô Diên nền cũ dấu khôn tìm
Bia cổ mờ rêu có biếc nêm
Quang Phục hồn thiêng khe suối nghẹn
Cảo Nương mộ vắng tuyết hoa chìm
Được thua sự thể theo hoàn cảnh
Canh cử chòm thôn vẫn cổ kim
Hưng phế người làng đâu hiểu nhẽ
Ngoa truyền vua Triệu tiếng đàn đêm.

Rõ ràng là cụ Ngô lầm, coi như đây là quân doanh của Nhã Lang nên mới cho rằng Hạ Mỗ có mộ của Cảo Nương. Thực tế, ở Hạ Mỗ không hề có truyền thuyết về Cảo Nương chứ đừng nói có di chỉ mộ phần.

Tóm lại, Ô Diên thành ở Hạ Mỗ là điều chắc chắn và làng Hạ Mỗ thờ Lý Bát Lang cũng là thêm một điều chắc chắn nữa. Và như vậy, dải đất này đã đi vào chính sử. Không rõ cái tên Ô Diên vốn có nghĩa là Cánh diều đen có liên quan gì với cái quận Chu Diên đời Hán vì Chu Diên là Cánh diều đỏ. Chỉ biết là trong cuốn Phong cảnh biệt chí có trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một tập gồm nhiều bài thơ nôm, khuyết danh chưa rõ từ bao giờ có một bài nhan đề Ô Diên cổ thành (Thành cổ Ô Diên) như sau:

Núi sông Lý - Triệu tan tành
Diều bay mấy chốn một mình thương ôi!
Chiến hòa cuộc, phó nước trôi
Cỏ xanh mây biếc loi thoi đầy thành.

Như vậy là vào thời kỳ tác giả (khuyết danh) sáng tác bài thơ trên thì vẫn còn tòa thành nhưng là phế tích vì cây cỏ loi thoi mọc đầy thành.

Vị trí tòa thành Ô Diên chính thức là ở chỗ nào? Hiện nay chưa có câu trả lời chính xác. Hơn hai chục năm trước, chúng tôi có tới khảo sát nơi đây, có hỏi các cố lão khi đó đã ngoài bảy, tám chục tuổi và các cụ chỉ cho biết là có thể ở khu Hàm Rồng. Khu ấy ở đâu vậy? Đó là cửa sông Nhuệ cổ, chỗ sông Hồng chia nước cho sông Nhuệ mà nay vẫn còn vết tích là những vạt đầm ao. Có thể các cụ nhớ không sai. Vì thành Ô Diên cơ bản là một quân thành, thành quân sự do Lý Phật Tử xây dựng để làm căn cứ chống lại Triệu Việt Vương. Như vậy là thành ở ven sông, ngay cửa sông. Đúng là đã tiếp thu truyền thống đắp thành của người Việt cổ, vì Thục Phán thì đắp thành Cổ Loa cạnh sông Hoàng, Lý Bí dựng thành ngay cửa sông Tô Lịch và Ô Diên thì ở cửa sông Nhuệ. Về vết tích Ô Diên thành cần nghiên cứu thêm. Có điều cơ bản mà không ai chối cãi được là ở Hạ Mỗ quả có tòa thành này là thủ phủ của khu vực cai trị của Lý Phật Tử hồi thế kỷ thứ VI.

Xin nói thêm một điều là tên của thành hoàng là Lý Bát Lang, thực ra đó chỉ là gọi theo thứ tự, tức “Chàng Lý con thứ 8” chứ không phải tên thực. Xét trong các bộ sử thì sau khi Phật Tử phá được Triệu Việt Vương thì lấy Cổ Loa làm kinh đô, còn Ô Diên thì giao cho Lý Phổ Đỉnh. Vậy phải chăng Lý Phổ Đỉnh đó là tên thực của Bát Lang? Chỉ xin nêu làm giả thuyết./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark