02/01/2012 | 10:32:00

Hà Nội đẩy mạnh cơ giới hóa diện tích trồng lúa

Từ lâu, người nông dân Hà Nội đã quen với cảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Để tiến tới một nền nông nghiệp tiến tiến, hiện đại, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (TTKNHN) đã xây dựng mô hình "Cơ giới hóa đồng bộ, liên kết và dịch vụ trong sản xuất lúa" nhằm tạo tiền đề cho các xã xây dựng nông thôn mới bằng chính nghề trồng lúa.

Thời gian gần đây, việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất lúa là những vấn đề mang tính quyết định nhằm thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần làm giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân Hà Nội.

Vụ lúa Xuân năm 2011, TTKNHN đã chọn 4 xã thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng có đặc thù khác nhau để thực hiện mô hình điểm, đó là xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), Mai Đình (huyện Sóc Sơn), Đa Tốn (huyện Gia Lâm), Phú Phương (huyện Ba Vì).

Tại đây, TTKNHN tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất, vận động nông dân liên kết phá bờ thửa dồn thành ô lớn, lựa chọn những nhà cung ứng giống, vật tư, thiết bị có uy tín và tổ chức thành lập các tổ dịch vụ sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, tập huấn kĩ thuật sử dụng các loại máy móc, thiết bị, kĩ thuật gieo lúa theo hàng bằng giàn sạ.

Riêng tại xã Mai Đình, xác định là điểm làm mô hình mới hoàn toàn, TTKNHN cử cán bộ chuyên trách xuống phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động bà con nông dân đồng thuận thực hiện mô hình. Còn tại xã Thụy Hương, TTKNHN đã hỗ trợ 1 lớp đào tạo nghề cho toàn bộ kĩ thuật viên sử dụng máy móc, thiết bị phục vụ mô hình. Việc cơ giới hóa được thực hiện ở tất cả các khâu then chốt với các loại máy làm đất, gieo sạ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt đập liên hợp...

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc TTKNHN cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 200.000 ha đất sản xuất lúa hàng năm. Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa là việc làm hết sức cần thiết. Xây dựng mô hình cơ giới hóa tập trung giúp cho việc gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch được nhanh hơn, đúng khung thời vụ hơn và giảm đáng kể chi phí sản xuất cũng như sức lao động. Đây cũng là việc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, phát huy những ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, không phải bây giờ Hà Nội mới đặt ra vấn đề cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa mà việc này đã được triển khai nhỏ lẻ tại nhiều vùng, nhưng lúc này là thời điểm chín muồi để tiến hành một cách tập trung, mạnh mẽ; nhất là trong bối cảnh Hà Nội xác định xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại, tiến tới sản xuất hàng hóa và liên kết dịch vụ trong sản xuất lúa.

Những kết quả bước đầu cho thấy, máy móc đã được đưa vào sử dụng trên đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo thẳng lúa, cho đến khâu thu hoạch. Trong đó, 80% diện tích lúa và khoảng 60% diện tích các loại đất khác của Hà Nội đã đưa cơ giới hóa từ khâu làm đất. Các khâu dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp cũng được thực hiện tốt, tạo sự liên kết giữa nhà quản lí, nhà khoa học, hợp tác xã và bà con nông dân. Chi phí sản xuất giảm, thu hoạch nhanh gọn trở thành ưu điểm nổi bật, thu nhập của nông dân Hà Nội nhờ đó cũng tăng lên.

Bà con nông dân ở xã Đa Tốn (Gia Lâm) cho biết, tiền thuê cấy lúa bằng phương pháp thủ công hiện có giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/sào, trong khi việc dùng máy gieo sạ chỉ hết khoảng 40.000/sào. Các khâu dịch vụ như ngâm ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ, tưới tiêu, thu hoạch... được Hợp tác xã đảm nhiệm. Chi phí mỗi ha lúa do đó có thể giảm được 5 - 6 triệu đồng, trong khi năng suất lúa dự kiến sẽ tăng 15% - 20%.

TTKNHN hiện đang đề xuất với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn ở những xã có đủ điều kiện. Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và liên kết dịch vụ là yêu cầu tất yếu, góp phần thực hiện việc giảm lao động ở lĩnh vực nông nghiệp tại các vùng nông thôn để chuyển sang những ngành nghề, dịch vụ khác, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân nông thôn trên lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark