30/03/2012 | 10:14:00

Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…

Ngày 27/3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống người dân Hà Nội Nguyễn Công Soái đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, kết quả tổ chức thực hiện đến quý I/2012, triển khai nhiệm vụ và giải pháp quý II/2012…

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội đã thay mặt Ban Chỉ đạo Chương trình 02 báo cáo kết quả công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 02 đến hết quý I/2012, triển khai nhiệm vụ và giải pháp quý II/2012. Theo báo cáo kết quả này, tình hình sản xuất nông nghiệp của Hà Nội thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, hiện nay toàn thành phố đã cơ bản cấy xong lúa vụ Xuân với diện tích lúa đã cấy là 99.152 ha, đạt 99% kế hoạch; diện tích cây rau màu các loại đã trồng là 22.49 ha, đạt 82% kế hoạch. Trong những tháng đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh đối với đàn trâu, bò, đàn lợn cơ bản ổn định không xảy ra các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh, Hà Nội đã tổ chức tiêm phòng, bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm trên toàn thành phố. Về thủy sản, nuôi trồng thủy sản vẫn phát triển ổn định, các chỉ tiêu sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm 2011. Về lâm nghiệp và kiểm lâm, các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây vào ngày mồng 8 Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tính đến 08/3/2012, toàn thành phố đã trồng được 840.000 cây các loại, đạt 78,2% kế hoạch, thực hiện chăm sóc 216 ha rừng, khoanh nuôi bảo vệ 8.892 ha rừng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội không để xảy ra cháy rừng, chặt, phá rừng nghiêm trọng.

Sau hai năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hà Nội đã có 19/19 huyện, thị xã triển khai thực hiện khảo sát, lập đề án xây dựng NTM cấp huyện, thị xã, có 18/19 huyện đã lập xong đề án. Có 325 xã đã lập xong đề án xây dựng NTM của xã, trong đó có 142 xã đã phê duyệt, các xã còn lại đang tiến hành khảo sát, lập đề án. Về lập quy hoạch NTM, Ban Chỉ đạo xác định đây là nội dung phải được triển khai trước một bước để triển khai các nội dung khác của Chương trình 02. Tuy nhiên, tiến độ công tác quy hoạch ở một số xã còn chậm so với kế hoạch, sau 2 năm triển khai mới xong quy hoạch ở 36 xã, đạt 9%. Nguyên nhân chính là do lúng túng về cách làm, chưa được chuẩn bị kỹ về nội dung xây dựng NTM. Một số nơi tổ chức lấy ý kiến của người dân còn hình thức, chưa làm cho cán bộ và người dân thấy được trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác quy hoạch.

Sau Lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được thành phố tổ chức, đến nay, có 17 huyện, thị xã đã tổ chức phát động phong trào, bước đầu các doanh nghiệp tham gia ủng hộ trên 100 tỷ đồng, của các xã khoảng 50 tỷ đồng… Đặc biệt, có huyện 100% các xã trong huyện đã tổ chức được lễ phát động này như huyện Thanh Trì, các thôn của từng xã tham gia ký cam kết xây dựng NTM, bước đầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã tự nguyện tham gia đóng góp khoảng 50 tỷ đồng xây dựng NTM.

Qua 02 năm thực hiện, ngân sách các cấp đã đầu tư qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu của thành phố và Chương trình lồng ghép mỗi năm khoảng 7.000 tỷ đồng cùng với các nguồn lực huy động khác để thực hiện đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo các công trình phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn. Đến nay, một số nội dung về xây dựng NTM như: dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất, làm đường giao thông nông thôn, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường đã được nâng lên một bước đáng kể trên địa bàn toàn thành phố…

Tại mô hình điểm xây dựng NTM của Trung ương ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ cũng đã đạt được nhiều thành công, hiện nay xã cơ bản đạt 18/19 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là cơ cấu lao động. Tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (mô hình điểm của thành phố) từ xã chỉ có 2/19 tiêu chí đạt, nay đã có 16/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Còn 3/19 tiêu chí chưa đạt là cơ cấu lao động, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn từ 1/19 tiêu chí đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí...

Trong vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn của thành phố vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về tiến độ lập các quy hoạch, các dự án ở hầu hết các huyện còn chậm so với kế hoạch; nguồn lực thực hiện xây dựng NTM chủ yếu vẫn dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế; quá trình tổ chức thực hiện xây NTM ở cơ sở còn chú trọng nhiều đến việc triển khai thực hiện các dự án về xây dựng cơ bản mà chưa tập trung nhiều cho triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân Hà Nội Nguyễn Công Soái cho biết, thời gian qua nhiều địa phương của Hà Nội đã vượt qua khó khăn để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM. Điển hình như huyện Sóc Sơn làm tốt dồn điền đổi thửa, huyện Mê Linh làm tốt công tác quy hoạch… Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu thời gian tới các sở, ngành, huyện, thị xã cần tiếp tục quyết liệt vào cuộc để thực hiện mục tiêu Chương trình 02 đề ra; Tập trung dồn điền đổi thửa, học tập tham quan những đơn vị triển khai thực hiện tốt; Bên cạnh đó, căn cứ vào quy hoạch chung của Thủ tướng đã phê duyệt làm căn cứ xây dựng quy hoạch ở địa phương sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường tốc độ phát triển kinh tế. Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành việc quy hoạch của 161 xã trong quý II, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, sau khi có quy hoạch đề án, lựa chọn những nội dung quan trọng để làm trước, ưu tiên các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như: kênh mương, đường giao thông nội đồng. Những xã còn lại quyết tâm đến 2012 hoàn thành xong quy hoạch NTM; các đơn vị cần tích cực tuyên truyền đến các cán bộ đảng viên về lợi ích của xây dựng NTM, đặc biệt đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, củng cố các hợp tác xã để hoạt động có hiệu quả. Dành ngân sách đầu tư cho quy hoạch, lập các dự án, các công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…/.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark