22/12/2011 | 20:45:00

Hà Nội thực hiện quy định về minh bạch tài sản

Chiều 22/12, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, sơ kết giai đoạn 1 chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và triển khai Nghị định số 68/2011-NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản thu nhập. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã tới dự.

Theo đánh giá, thời gian qua thành phố Hà Nội đã sớm hoàn thiện thể chế chính sách, chú trọng ban hành các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng trong đó việc từng bước thực hiện công khai, minh bạch được đặc biệt quan tâm.

Từ tháng 7/2006 đến nay, Hà Nội đã từng bước hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý cán bộ, công chức, biên chế và quỹ tiền lương, tiền công. Các quy định phân cấp bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, khách quan, công bằng nên bước đầu đã phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Không chỉ thực hiện công khai, dân chủ trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, Hà Nội còn thực hiện minh bạch về tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ, công chức.

Năm 2010, toàn thành phố đã có 26.934 người đã kê khai tài sản, trong đó có 4.092 người kê khai lần đầu, 22.842 người kê khai bổ sung. Đến nay, việc kê khai tài sản trên địa bàn thành phố đã đi vào nền nếp, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. 100% các đơn vị đã thực hiện việc kê khai và báo cáo kết quả kê khai tài sản thu nhập theo quy định. Đáng chú ý, nhận thức của các đơn vị, cơ quan trong việc kê khai đã từng bước thay đổi, coi đây không phải là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của cán bộ, công chứ qua đó từng bước phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Cùng với đó, trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện công khai dự toán, quyết toán ngân sách, quản lý tài sản công, quản lý đầu tư xây dựng đã giúp các đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả và thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn thành phố thời gian qua còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức ở một số đơn vị nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân, nhất là trong giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, thẩm định hồ sơ, dự án… là hạn chế lớn nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay. Đây là vấn đề nhức nhối,làm giảm lòng tin của nhân dân đối với bộ máy chính quyền. Cùng với đó là việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch hành động của các đơn vị chưa đồng đều, nội dung, chương trình chưa cụ thể. Việc tự phát hiện tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là một khâu yếu. Phần lớn các vụ việc được phát hiện đều do quần chúng nhân dân tố giác. Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng còn hạn chế…

Trước thực tế này, trong thời gian tới, Hà Nội chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức nhân dân với việc phát hiện và phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, thực hiện tốt chế độ công khai minh bạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kiện toàn tổ chức bộ máy, kiên quyết xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực bảo đảm kịp thời đúng người, đúng tội…/.

Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark