01/12/2012 | 16:09:00

“Hoài Đức phủ toàn đồ”

"Hoài Đức phủ toàn đồ" được hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), mô tả chi tiết về Kinh đô Thăng Long đầu thế kỷ XIX.
 
 “Hoài Đức phủ toàn đồ” - Bản đồ về Hà Nội năm 1831, hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Bản đồ do hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831). Đây là tấm bản đồ duy nhất, không có bản sao, vẽ bằng mực nho theo phương pháp họa đồ phương Tây, trên chất liệu giấy croquis của phương Tây được du nhập vào Trung Quốc từ đời Thanh, có độ chính xác tương đối cao, mô tả khá chi tiết về Hà Nội, cả về hình thể tự nhiên lẫn các thết chế xã hội của Kinh đô Thăng Long đầu thế kỷ XIX. Tấm bản đồ này được biết đến qua bản vẽ lại năm 1956 của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá, trong bản vẽ lại có phiên âm toàn bộ chú thích của bản đồ từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Tấm bản đồ này đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu, hoạt động xã hội và các cấp lãnh đạo và người làm tư vấn chính sách.
 
 Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết mặc dù có nhiều lý do khách quan, mà phần nhiều thuộc lĩnh vực kỹ thuật nên đến nay Việt Nam mới có điều kiện để tiếp cận với bản đồ này. Tấm bản đồ vừa được công bố cũng chỉ là bản scan của bản đồ gốc.
 
 Trên thực tế, bản đồ gốc đã cũ nát, cần phải có các biện pháp tu bổ, bồi vá theo phương pháp tiên tiến để khôi phục và bảo quản. Bằng các giải pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có ở Việt Nam, hy vọng bản scan này cũng phản ánh được trung thành bản gốc, đáp ứng yêu cầu của giới nghiên cứu.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark