30/11/2012 | 08:51:00

Mối quan hệ thành thị - nông thôn Thăng Long xưa

Việt Nam là một nước nông nghiệp. Thành phần cư dân cơ bản là nông dân các làng xã, cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, vẫn còn chiếm tới hơn 90%. Đô thị chỉ là những hòn đảo nổi lên giữa một biển cả nông thôn. Ngay cả Thăng Long - Hà Nội là một đô thị lớn nhất nước, cũng không tránh khỏi những làn sóng xâm thực của nông thôn tràn vào trong mọi mặt đời sống. Trong lịch sử, sự hòa đồng giữa nông thôn và thành thị đã là một nét đặc trưng nổi bật của Thăng Long - Hà Nội truyền thống.

Về mặt đất đai, theo các tư liệu địa bạ, trong hai huyện nội thành Hà Nội thời Nguyễn (Thọ Xương và Vĩnh Thuận) vẫn tồn tại một số khá lớn các phường thôn nông nghiệp, với các loại đất canh tác (trồng lúa, dâu tằm, hoa, rau quả), đất bãi bồi ven sông, trên 400 hồ ao, nhiều gò đống, bãi tha ma mộ địa. Những khu đất ở, bên cạnh nhà, vẫn bao gồm cả vườn, ao (thổ trạch viên trì) liền kề. Ngay cả giữa lòng khu phố buôn bán đông vui chật chội, vẫn có một thôn của các ngư dân đánh cá là thôn Ngư Võng, tổng Đông Thọ (quãng phố Đào Duy Từ - Lương Ngọc Quyến ngày nay), tục gọi là Hàng Chài. Còn các cổng phố ngăn cách các phường thôn trong khu này cũng chính là biến tướng của những cổng làng nơi thôn xóm.

Cảnh quan của các nơi bên ngoài khu phố phường buôn bán càng mang đậm những nét vẻ thôn dã. Cùng những nhà tranh vách đất, ao vườn, ngõ xóm, những ruộng nương, rặng tre, hàng cau... Cao Bá Quát cho biết nhà ở ngay cạnh Cửa Nam thành Hà Nội, mà vẫn có cảnh “khi vào đến ngõ thì lúa ngô tươi tốt, trông sang trại lính thì ngô đay xanh rờn”.

Tác giả người Pháp J.Boissière đã mô tả phố Hàng Thêu (nay là Hàng Trống) vào cuối thế kỷ XIX: “Gần bờ hồ [Hoàn Kiếm], có nhiều vườn tược, hàng cau, rặng tre in bóng xuống mặt nước, làm cho người ta có cảm giác như mình đang lẩn trong một nơi giữa thôn quê, nhất là trong những buổi chiều tà...”.

Còn đây là cảnh Hồ Gươm giữa lòng đô thành vào năm 1884, dưới con mắt của phóng viên Bourdes:

“Các phụ nữ đã ra đấy rửa rau và bát đĩa... Họ lội xuống nước đến tận đầu gối, hay ngồi xổm trên các tấm ván cầu ao, cách hồ vài bước, giống như ngồi trên những cái bè... để rửa rau, vo gạo”.

Trong sinh hoạt hàng ngày, đã có một sự liên kết và đối ngoại kinh tế thường trực giữa thành thị và nông thôn trong lòng đô thị Thăng Long - Hà Nội.

Trước hết, ta thấy qua những đợt di dân hành nghề từ các vùng nông thôn tứ trấn vào Thăng Long - Hà Nội trong những thế kỷ XVII, XVIII và XIX, những làng chuyên nghề và những mạng lưới chợ nông thôn đã tịnh tiến ra đô thị và được cô đặc lại, trở thành những phường chuyên nghề và những phố chuyên mặt hàng. Như nghề nhuộm từ Đan Loan (Hải Dương) ra phố Hàng Đào, nghề đúc bạc ở Châu Khê (Hải Dương), nghề trạm bạc ở Đồng Sâm (Thái Bình) cùng nghề kim hoàn ở Định Công ra phố Hàng Bạc. Nghề thuộc da đóng giầy từ ba làng Chắm (Tứ Kỳ, Hải Dương) ra thôn Hải Tượng, nghề khảm xà cừ từ làng Chuyên Mỹ (Hà Tây) ra phố Thợ Khảm (phố Hàng Khay ngày nay).

Chính tính chất chuyên nghề đã gắn bó kinh tế nông thôn với kinh tế đô thị, gắn bó kinh tế giữa phường phố và làng quê, như S.Baron đã miêu tả vào thế kỷ XVII:

“Tất cả các vật phẩm khác nhau bán trong thành phố này [Thăng Long - Kẻ Chợ] đều được dành riêng cho từng phường và mỗi phường lại phụ thuộc vào một, hai hay nhiều làng, dân chúng các làng xã này được đặc quyền mở các cửa hiệu ở đó”.

Quan hệ liên kết, hòa đồng kinh tế thành thị - nông thôn ở Thăng Long - Hà Nội còn trực tiếp thể hiện qua việc trao đổi, mua bán hàng hóa trong các phiên chợ chính (ngày mùng một và ngày rằm âm lịch) của đô thành. Tại đó, một khối lượng khổng lồ dân chúng làng quê đã tràn vào chiếm lĩnh các chợ búa phố phường Thăng Long - Hà Nội, mang theo các hàng hóa nông sản và thủ công nghiệp vào bán cho cư dân nội thị, rồi từ đó lại phân phối đi các thị trường khác. Thăng Long - Hà Nội mặc nhiên đã trở thành một tổng đại lý tập kết thu gom, cung cấp và phân phối các vật phẩm hàng hóa sản xuất từ nông thôn.

Việc trao đổi hàng hóa giữa nông thôn và thành thị ở Thăng Long - Hà Nội không cân bằng, mà nghiêng nhiều về phía nông thôn. Số lượng hàng hóa thôn quê cung cấp cho thành thị lớn hơn rất nhiều số lượng hàng hóa thành thị cung cấp cho nông thôn. Đặc trưng này của Thăng Long - Hà Nội khác biệt với các thành thị Tây Âu đã được Bissachère quan sát và nhận xét ở đầu thế kỷ XIX:

“Hầu như ở mọi nước văn minh đã có một trật tự trao đổi thiết lập giữa nông thôn và thành thị. Nông thôn nuôi ăn thành thị và thành thị cung cấp đồ mặc và những công cụ lao động cho nông thôn. Nhưng ở Bắc thành này không thế... Hình như chỉ có những nhà giàu có và những quan lại được trả lương là ở thành thị. Họ không làm gì để bán ra cả, và dùng tiền bạc để mua những hàng cung cấp cho họ”.

Về mặt xã hội, sự hòa đồng giữa thành thị và nông thôn đã thể hiện khá rõ trong đặc trưng của khối thị dân Thăng Long - Hà Nội. Khác với tầng lớp thị dân trong các thành thị Tây Âu trung đại, chủ yếu bao gồm những thương nhân và thợ thủ công đã cắt đứt quan hệ với nông thôn lãnh địa, tầng lớp thị dân (nói chính xác hơn là những cư dân đô thị) ở Thăng Long - Hà Nội là một khối cư dân đa thành phần. Ngoài thợ thủ công và thương nhân, nó còn bao gồm giới quan liêu, trí thức nho sĩ, các văn nhân tài tử, hợp thành bộ phận “ưu tú xã hội”, tất cả đều có những quan hệ gắn bó với nông thôn, làng quê.

Không cần truy tìm gốc gác của những thế hệ thứ hai, thứ ba về trước, đại bộ phận thợ thủ công và thương nhân Thăng Long - Hà Nội bản thân cũng đã là những nông dân làng quê, không xa lạ gì với nông nghiệp, đã từng sinh sống ở nông thôn trước khi nhập cư vào đô thị hành nghề. Trong khi thị dân Tây Âu trung đại khi đến cư trú ở thành thị đã hoàn toàn không còn liên hệ hoặc cơ hội nào quay về với nông thôn thái ấp, thì quan hệ xã hội của thị dân Thăng Long - Hà Nội với nông thôn là một quan hệ hai chiều. Từ nông thôn ra thành thị để làm nghề, buôn bán hoặc theo học chờ ngày ứng thí, họ vẫn có khá nhiều dịp về thăm hoặc ở lại làng quê như trong các dịp giỗ tết, tế lễ, hội hè, về quê tậu ruộng hoặc nghỉ ngơi lúc tuổi già. Những người này tự nhận mình là thành viên của hai quê: quê gốc (cựu quán) ở nông thôn và quê sở tại (kinh quán) ở đô thị. Nhiều người dân tuy sinh sống ở phố phường nhưng vẫn chịu nhận đóng phần sưu thuế hoặc góp tiền công ích cho làng quê, có thể nói họ là những nửa - thị dân.

Tóm lại, khối thị dân Thăng Long - Hà Nội chưa bao giờ chịu cắt đứt mình với cái cuống nhau nông thôn đã từng nuôi dưỡng họ, chưa bao giờ chịu để mình mất gốc. Đó là một tầng lớp thị dân không thuần nhất và chưa chín muồi.

Về mặt thiết chế hành chính, các phường thôn ở Thăng Long - Hà Nội truyền thống (ở đây, hầu như không tồn tại đơn vị xã) đã đồng dạng, gần như là những phiên bản trung thành của các thôn làng nông thôn. Bissachère đã từng nhận xét vào đầu thế kỷ XIX, “...Không những mỗi làng là một công xã, mà những thành thị lớn được phân chia thành các phường, mỗi phường cũng là một công xã”.

Tác giả đương đại AB Woodside phân tích: “Đứng từ quan điểm lịch sử xã hội so sánh, các thôn phường của Hà Nội thế kỷ XIX đã gợi ý cho ta một siêu tập hợp (Super aggregation) các đơn vị kinh tế nông thôn, hơn là một sự đô thị hóa theo đúng nghĩa của nó”

Chúng ta cũng được biết rằng sau cuộc cải cách hành chính, Minh Mạng đã thống nhất chuyển các chức danh trại trưởng, phường trưởng, thôn trưởng ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Hà Nội thành lý trưởng, giống như tên gọi ở các làng xã nông thôn.

Cũng vậy, dân cư các phường thôn Thăng Long - Hà Nội vẫn phải gánh chịu những nghĩa vụ thần dân đối với nhà nước phong kiến như sưu thuế, binh dịch, lao dịch, tuy mức độ có được giảm thiểu (thời Lê, Trịnh, được giảm khoảng 1/2). Phạm Đình Hổ cho biết cụ thể hơn về lao dịch:

“... Theo lệ cũ, chốn kinh thành... từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang, đắp lại nền cắm cờ tướng [loại cờ người], dọn cỏ chung quanh cung đình, cung ứng các việc kiến trúc...”.

Cũng Phạm Đình Hổ cho biết lúc này hai huyện Kinh thành Thăng Long đã được “chia thành tám khu, mỗi khu đặt một người trưởng khu và một người phó khu, lại chia năm nhà làm một tị, hai tị là một lư, mỗi lư cũng có một lư trưởng, bốn lư là một đoàn, mỗi đoàn đặt một quản giám, hai quản điểm... Phàm những việc phòng hỏa, phòng trộm và nhất thiết những việc giao dịch thuế má đều ủy thác cho khu trưởng, đoàn trưởng cả”.

Thời Nguyễn, Minh Mạng cho lập ở các phường thôn tỉnh thành Hà Nội những đội tuần tra dân vệ giống như các tuần đinh làng xã, do dân chúng sở tại đóng góp tiền chu cấp, gọi là tiền “phụ đường”.

Tất cả những quy định đó về quản lý cư dân đô thị ở Thăng Long - Hà Nội đã là những bản sao của thiết chế tự quản, tự trị của các làng xã nông thôn.

Cuối cùng, ta thấy dấu ấn của nông thôn cũng đã in đậm nét lên đời sống văn hóa - tâm lý đô thị ở Thăng Long - Hà Nội. Trừ một số gia đình quan liêu, trưởng giả, đại bộ phận cư dân đô thị vẫn giữ được lối sống giản dị, thanh bạch, thuần phác nơi thôn dã.

Cũng như ở làng quê, họ đã xây dựng tại các phường thôn sở tại nhiều đình, chùa, miếu để thờ cúng, trong đó có nhiều vị thành hoàng thần linh hoặc các danh nhân có nhiều công đức với làng quê gốc. Họ còn tổ chức nhiều hội hè với các trò vui dân dã theo kiểu các hội làng. Ngay cả trong không gian chật hẹp của những ngôi nhà ống, người thị dân vẫn muốn tạo dựng một vi mẫu mô phỏng một thiên nhiên thoáng rộng nơi làng quê, như các giàn hoa, cây cảnh, bể cá vàng, hòn non bộ,...

Tóm lại, trong các mặt đời sống, người dân đô thị Thăng Long - Hà Nội vẫn mang cùng một bản chất - như một mẫu số chung văn hóa - với người dân nông thôn Việt Nam. Đó là những con người luôn luôn tìm cách sống hòa đồng với môi trường tự nhiên, cộng đồng xã hội và thế giới tâm linh. Ở đây, quan hệ thành thị nông thôn bền vững đã biến đô thị thành một thứ “siêu làng xã”, một “thành thị nông thôn” như thuật ngữ của nhà sử học nổi tiếng F.Braudel đã dùng khi nói về các thành thị Đông Nam Á.

Trong lịch sử, mối quan hệ hòa đồng thành thị - nông thôn của Thăng Long - Hà Nội đã có những tác động tích cực nhất định đến đời sống và sự phát triển đô thị. Nó duy trì sự cân bằng sinh thái đô thị và phản ánh bản sắc văn hóa truyền thống của con người Việt Nam. Nó cũng gắn kết các cư dân đô thị Thăng Long - Hà Nội trong một cộng đồng xã hội hài hòa, làm hoà dịu đi những mâu thuẫn trong nội bộ thị dân và làm chậm đi sự phân tầng xã hội trong đô thị. Ở Thăng Long - Hà Nội, đã không có sự đối lập rõ ràng giữa những người dân đô thị và những người dân nông thôn, giữa loại “dân béo” (peuple gras) và loại dân gầy (peuple maigre) trong đô thị, như đã từng xảy ra trong các thành thị Tây Âu trung đại. Nó cũng bảo đảm một nhịp điệu sống đô thị thanh bình, thư giãn, ít những căng thẳng, hối hả.

Tuy nhiên, sự hòa đồng đó cũng đã để lại không ít những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng tới Thăng Long - Hà Nội. Chính sự hòa đồng này đã dẫn đến sự bao vây và níu kéo của làng xã nông thôn đối với phố phường đô thị, làm trì trệ và kìm hãm những tiềm năng phát triển kinh tế - văn hóa của đô thị.

Sau sự hưng khởi diễn ra trong thế kỷ XVII, bộ mặt đô thị Thăng Long - Hà Nội vẫn hầu như rất ít thay đổi, có nơi còn sa sút, xuống cấp. Thế kỷ XIX, nhiều khu vực trong thành thị (như ở phía Tây và phía Nam) đã bị tái nông thôn hóa. Sự níu kéo của nông thôn cũng đã duy trì nền sản xuất nhỏ và buôn bán nhỏ, hạn chế nền kinh tế hàng hóa đô thị phát triển.

Về mặt tinh thần, nó bảo lưu một nếp sống tùy tiện, một tâm lý manh mún của tầng lớp nông dân của một xã hội nông nghiệp lạc hậu. Nó không tạo được một ý thức làm chủ tự do tiến tới một xã hội công dân đô thị, như trong quá trình phát triển của các thành thị Tây Âu.

Trong lịch sử, mặc dù cũng đã có những thời kỳ hưng thịnh, phồn vinh, Thăng Long - Hà Nội truyền thống vẫn không tạo được những chuyển biến về chất mang tính đột phá.

Trong chiến lược đô thị hóa đất nước, xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô hiện đại, giàu đẹp, văn minh ngày nay, chúng ta có thể khai thác những bài học kinh nghiệm của quá khứ, trong đó vấn đề xử lý mối quan hệ thành thị - nông thôn. Một mặt, chúng ta cần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của nông thôn còn lại, như các vấn đề ô nhiễm cảnh quan, môi trường, nếp sống tùy tiện manh mún của người sản xuất nhỏ, ý thức thụ động của thần dân đã cản trở đến quá trình phát triển đô thị, nhằm tiến tới xây dựng một nền sản xuất lớn phát huy quyền dân chủ công dân đô thị. Ở một mặt khác, khai thác những khía cạnh tích cực của nông thôn Việt Nam, áp dụng vào những điều kiện cụ thể của công cuộc đô thị hóa Hà Nội, tiến tới một sự phát triển hài hòa, bền vững, mang nhiều tính nhân văn hơn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc hơn.

Về mặt lý thuyết, mọi đô thị đều bao quanh bởi một diện tiếp xúc, tiếp giáp với nông thôn theo những cung bậc khác nhau. Theo quy hoạch đô thị, khu vực đậm đặc tố chất đô thị nhất chính là một khu trung tâm nhân lõi, thường được gọi là nội thành (ville intra - muros), tuy không hẳn là trùng hợp hoàn toàn với những ranh giới hành chính. Bên ngoài xa dần ra, là khu “ngoại thành” (ville extra - muros), không gian rộng hơn và ranh giới cũng không được xác định thật rõ ràng, cũng có thể lại được phân chia thành vùng ven đô và vùng ngoại vi. Đây chính là mặt tiếp giáp thành thị - nông thôn có đặc điểm chung là càng cách xa khu trung tâm thì yếu tố đô thị ngày càng nhạt đi và yếu tố nông thôn càng đậm lên.

Khu đô thị nhân lõi của Hà Nội ngày nay có thể được coi như không gian của 4 quận nội thành cũ. Ở đây, cần xóa bỏ những vết tích của nông thôn đã từng xâm thực khá sâu vào đô thị, với sự tồn tại của những làng trong phố, mà tác giả Philippe Papin gọi là những làng đô thị (villages urbains). Những dấu tích nông thôn đó đã có mặt khá phổ biến trong Hà Nội thời Pháp thuộc, thậm chí cho tới tận ngày nay, dưới dạng các “xóm liều”. Sau khi làm trong sạch, cần biến khu nhân lõi này thành một trung tâm hành chính - văn hóa - dịch vụ thực thụ, với một nếp sống văn minh, một môi trường đô thị trong lành với nhiều không gian xanh, một kỷ luật giao thông đô thị cao và tự giác. Cũng cần hạn chế tối đa việc dân ngoại tỉnh nhập cư vào khu vực nhân lõi này, nhưng không phải bằng cách áp đặt những biện pháp khắt khe về thủ tục cư trú, hộ khẩu, mà nên khơi dòng, chuyển hướng luồng nhập cư tới những trung tâm hấp dẫn ở những khu vực khác của thành phố.

Vùng ven đô ở liền kề với khu trung tâm, có thể định vị là vùng các huyện ngoại thành cũ, chuyển thành các quận nội thành mới, có nhiều “khu đô thị mới” được xây dựng. Cần tạo ra ở đây những cực hấp dẫn mới, với một mạng lưới giao thông thuận tiện, những khu cư trú hoàn chỉnh và nhiều tiện nghi đời sống, để thu hút ngày càng nhiều những người đến cư trú, từ bên trong dãn ra và từ bên ngoài nhập vào.

Do quỹ đất đai còn khá dồi dào, ta có thể tạo nên những “làng trong phố” kiểu mẫu ở đây, với nhiều không gian xanh, phản ánh một sự kết hợp, hài hòa mới giữa nông thôn và thành thị. Những “làng trong phố” này không chỉ là những nơi cư trú, nghỉ ngơi, mà còn là những “không gian sống” thực thụ, trong đó người dân có thể sinh hoạt một cách thoải mái, tiện nghi, hàng ngày đi vào khu trung tâm làm việc rồi lại trở về căn nhà ấm cúng của mình.

Vùng ngoại vi ở xa hơn, là tầng ngoài cùng của đô thị trước khi đi vào nông thôn, trong quy hoạch nên dành ưu tiên cho những trung tâm kinh tế, sản xuất, du lịch và xã hội. Quan hệ thành thị - nông thôn ở đây được thể hiện bằng những “phố trong làng”, những điểm đô thị lồng vào một không gian nông thôn, trước khi bắt đầu chuyển đổi về cơ cấu kinh tế - cư dân. Về mặt hành chính, đó có thể vẫn là những thôn làng, không nhất thiết phải chuyển thành những phường phố.

Từ đây, mạng lưới giao thông sẽ nối Thủ đô với các đô thị vệ tinh, những đô thị mới trong một chiến lược “đô thị hóa nông thôn” sâu rộng, giúp người nông dân “ly nông nhưng không ly hương”, tạo động lực cho một kế hoạch phát triển vùng.

Quan hệ hòa đồng thành thị - nông thôn ở Thăng Long - Hà Nội vốn là một thực thể lịch sử, mang tính hai mặt. Việc khai thác, chắt lọc quan hệ đó, sử dụng một cách hợp lý vào công cuộc đô thị hóa và quản lý đô thị, có thể sẽ giúp ích nhiều cho Thủ đô Hà Nội trên con đường xây dựng, phát triển và hội nhập./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark