21/11/2012 | 15:12:00

Phòng cháy trong kinh thành Thăng Long xưa

Ngày xưa, kinh thành Thăng Long chưa phải có nhiều nhà cửa, phố xá xây gạch lợp ngói như bây giờ. Tuy cung điện và dinh thự thì đã khang trang, bề thế nhưng phần lớn nhà dân vẫn lợp bằng tranh, dùng cột tre, phên nứa hay trát đất. Người dân phải dùng hình thức “chồng diêm” để lẩn đi chiều cao thực tế của tầng 2.

Những người dân chủ yếu là thợ thủ công thường đem gia đình lên kinh lập nghiệp, dựng nên những ngôi nhà vừa là nơi ở, vừa là nơi sản xuất, vừa là cửa hàng. Do diện tích trong khu thương mại của kinh thành Thăng Long hạn chế, nhiều ngôi nhà phải xây dựng sát nhau nên nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ gây những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Chuyện hỏa hoạn trong kinh thành Thăng Long cũng đã được ghi vào sử sách và giai thoại.

Vua nhà Trần quy định việc phong hỏa rất chặt chẽ. Mỗi khi xảy ra đám cháy, đích thân nhà vua đến tận nơi, đốc thúc quan lại, lính tráng giúp dân chữa cháy, thưởng công cho những người có công xông vào khói lửa, trách cứ hay bắt tội những kẻ có tâm địa và thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”.

Năm ấy là vào năm 1278, nhà dân ở một xóm trong kinh thành bị cháy ban đêm. Vua Trần Thánh Tông đang ngủ say, nghe tin, tức tốc vùng dậy cùng với các nội thị chạy ngay đến nơi xảy ra hỏa hoạn. Đám cháy đã được dập tắt. Vua ban khen cho sự nỗ lực của mọi người và cho kiểm điểm công lao. Ai là người đến sớm nhất và hăng hái nhất sẽ được vua ban thưởng. Cả một đám đông xúm lại, tụ tập quanh vua, ai cũng tự nhận mình là người có công đầu. Vua cười bảo các quan:

- Thế này thì làm sao mà xét đoán cho phân minh được. Các quan ai có cách gì xét đoán cho quan gia không?

Các quan đều im lặng. Mãi sau mới có một người đang giữ chức Nội thư gia (tàng trữ sách vở), đứng ra xin phép thực hiện lời vua. Nhà vua đồng ý, ông liền ra lệnh cho cả đám đông chữa cháy cùng ngồi xuống bãi cỏ rồi tự mình đến gần từng người, sờ tay vào đầu nói là để đếm. Đếm xong, ông chỉ từng người mà tâu lại với vua rằng:

- Dạ thưa, người này đến trước, người này đến sau.

Trần Thánh Tông ngạc nhiên:

- Làm sao mà khanh biết được?

- Dạ, thần sờ vào đầu từng người thì biết. Người nào đổ mồ hôi, ướt tóc mà có tro bụi bám vào thì chính là người đến trước và cố sức chữa cháy. Người nào đầu tóc khô, tro bụi chỉ phớt qua thì rõ ràng là người đến sau.

Cả đám đông chữa cháy đều thấy như vậy là đúng đắn, công bằng. Thánh Tông khen ngợi viên Nội thư gia của mình và ban thưởng cho cả ông. Sử sách cho biết ông là Đoàn Khung.

Thời Lê, trong sách “Vũ trung tuỳ bút”, danh nho Phạm Đình Hổ còn cho biết: “Đất kinh thành đông đúc, nhà ở liền nhau, thường có hoả hoạn”. Thời Nguyễn, cháy lớn cũng thường xảy ra. Trước tác hại của hoả hoạn, người Thăng Long đã phải chủ động phòng cháy chữa cháy, bao gồm cẩn tắc trong việc sử dụng lửa để triệt tiêu nguyên nhân cháy, và mọi nhà đều chuẩn bị dụng cụ cứu hoả. Biện pháp này trở thành quy định và được Phạm Đình Hổ ghi lại: “Theo lệ cũ, chốn kinh thành không phải chịu thuế dung, thuế điệu, chỉ tính từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân. Hàng năm. mỗi nhà phải chịu một xuất đi sửa sang đắp lại nền cờ tướng, dọn cỏ xung quanh cung đình, cung ứng việc kiến trúc. Họ phải thay nhau sắm đầy đủ dây, đòn, câu liêm, thang tre, bó đuốc, thùng gánh nước để theo quân đề lĩnh đi túc trực điếm canh, phòng khi cần đến”.

Người dân Thăng Long hiểu rõ về những tác động của hỏa hoạn đối với đời sống người dân. Chẳng thế mà, không chỉ bằng những hành động phòng và chữa cháy một cách hiệu quả khi có nguy cơ cháy lan rộng khắp kinh thành mà người dân Thăng Long còn tìm ra một cách phòng cháy mang đậm tính tâm linh. Họ đã cùng nhau xây dựng một ngôi đền thờ Hỏa thần trong kinh thành mà vẫn còn tồn tại trong khu phố cổ Hà Nội.

Đền Hoả Thần nay nằm ở số nhà 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Khu vực này thời Nguyễn thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương). Tấm bia “Hoả Thần miếu bi ký” dựng vào ngày tốt tháng 7 đời vua Thiệu Trị tại đền Hoả Thần cho biết, đền được xây dựng ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội.

Ngày nay, những ngôi nhà ngói thay thế cho những ngôi nhà lá, vách đất của kinh thành Thăng Long xưa, nó mang một chút dư ấn về Hà Nội trong quá khứ và trở thành một đặc trưng riêng của “Hà Nội 36 phố phường”. Những bài học về phòng cháy và chữa cháy trong kinh thành Thăng Long xưa vẫn có ý nghĩa to lớn đối với người dân phố cổ Hà Nội hiện nay. Chính điều kiện đó mới thấy được sự đồng tâm hiệp lực của con người trước thảm họa thật đáng đáng trân trọng và gìn giữ biết bao.


 

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark