17/11/2012 | 08:45:00

Đặc trưng của văn hiến Thăng Long

Từ năm 1010 khi Nhà Lý lập đô tại Thăng Long, những tài khéo, thợ giỏi của khắp nơi tập hợp về đây lập ra phố ra phường, tạo nên những kỳ tích văn minh văn hóa. Nghề đúc đồng đã làm ra "Tứ đại khí"- bốn báu vật của nước Nam- trong đó đã có hai là ở Thăng Long (chuông Quy Điền và tháp Báo Thiên). Nghề gốm sứ đã tạo ra những mái ngói vàng ngói bạc điểm tô cho các lớp mái cong của các cung điện chùa chiền.

Trong hội đèn Quảng Chiếu bên bờ sông Cái đời Lý có đèn làm hình nhà sư vặn máy biết giơ dùi đánh chuông, nghe tiếng sáo biết quay mặt lại. Cũng trên sông Cái, thuở đó có máy Kim ngao hình con rùa lớn bơi được trên mặt nước. Mắt rùa biết đưa đẩy, miệng rùa biết phun nước, đầu rùa cử động, cúi chào. Văn Miếu, thánh địa của văn chương, nơi hội tụ nhân tài đã ra đời chỉ sáu chục năm sau khi định đô và trường Đại học đầu tiên của đất nước - Quốc Tử Giám - được thành lập chỉ sáu năm sau khi lập Văn Miếu. Văn học Thăng Long đã hình thành từ tác phẩm lớn là Chiếu dời đô của vua Lý Thái tổ, các bài thơ của vua Lý Thái tông (Phật Mã), đến thơ văn của biết bao thiền sư, danh sĩ và cả danh tướng nữa của đời Lý như : thiền sư Pháp Thuận, Khuông Việt đại sư, Vạn Hạnh thiền sư, Mãn Giác thiền sư, Lý Thường Kiệt, Dương Không Lộ, Nguyễn Nguyên Ức, Nguyễn Quảng Nghiêm v.v…

Ở các triều đại sau, văn hiến Thăng Long ngày một rạng rỡ. Tại Khâm Thiên giám, đời Trần, Đặng Lộ làm ra máy lung linh nghi quan sát bầu trời, vạch ra đường đi của các vì sao và soạn ra lịch riêng cho nước Việt. Đời Lê, Lương Thế Vinh và Vũ Hữu soạn ra sách toán học cơ bản.

Quy hoạch Thăng Long gồm 36 phường, tập hợp nên từ các làng nghề phố nghề. Ngoài bến cảng sông Hồng là thuyền khách thương ngược, xuôi, có cả thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Hà Lan tới lui nhộn nhịp, tạo ra cảnh " phồn hoa thứ nhất Long Thành".

Kiến trúc thành Thăng Long từ triều Lý cũng thay đổi nhanh từ thành Đại La cũ. Hoàng thành ban đầu đắp đất, sau xây gạch, có hai tòa thành nối nhau là Long thành và Phượng thành. Hoàng thành mở 4 cửa theo 4 hướng: Tường Phù (Đông), Quảng Phúc (Tây), Đại Hưng (Nam), Diệu Đức (Bắc). Phía trong Hoàng cung chia làm hai khu: Khu Cấm thành, nơi vua ở, có các cung Long An, Long Thụy, và cung Thúy Hoa, nơi ở của hoàng hậu, các phi, cung tần, mỹ nữ. Bên ngoài Cấm thành có điện Càn Nguyên, sau gọi là điện Thiên An, nơi thiết triều. Xung quanh là các cung điện như Tập Hiền, Quảng Vũ, Nhật Quang, Nguyệt Minh, Tuyên Đức, Diên Phúc. Lại có Lầu Chính Dương là nơi đặt đồng hồ (cát) để xem giờ.
 
 Về văn học, Thăng Long, trên bến Bồ Đề Nguyễn Trãi viết cáo Bình Ngô và làm thơ quốc âm. Nguyễn Giản Thanh soạn phú Phụng Thành xuân sắc ca ngợi kinh kỳ là một nơi "văn vật thanh danh". Rồi Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm ở làng quê Kẻ Mọc, Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc bên bờ hồ Tây. Hồ Xuân Hương ở chân núi Khán Sơn làm thơ lỡm đời. Nguyễn Du viết thơ về hồ Tây, hồ Giám, về phường Hà Khẩu - Hàng Buồm. Trong làng hoa Nghi Tàm, bà Huyện Thanh Quan làm những bài thơ lời đẹp, tình sâu. Cùng thời với bà, Hà Nội có Thần Siêu, Thánh Quát, có ông nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý, ông nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan mà tư cách và học vấn đã làm sáng danh cho kẻ sĩ Bắc Hà.

Cũng từ những thời gian xa x­ôi ấy, lối sống tinh tế phóng khoáng đầy chất văn hóa đã đi vào đời sống kinh thành. Tranh dân gian Hàng Trống, Hàng Nón in đậm nét tươi vào thời gian. Nhạc và hát múa dân gian còn rung vang âm hưởng trong không gian qua các làn điệu chèo tuồng, ca trù ở Hòe Nhai, Giáo Phường, Kim Nỗ, Lỗ Khê và các hội lễ nổi tiếng khắp đồng bằng sông Hồng: Hội Gióng, hội Láng, hội Đăm...

Khi nói về Thăng Long - Hà Nội , ai cũng cho rằng đây là dải đất của tinh hoa Việt Nam, dải đất của văn minh, thanh lịch. Thủ đô nước nào cũng vậy, là nơi hội tụ những gì tiêu biểu của mọi vùng đất nước. Nhưng riêng Hà Nội, chỉ tính từ thời định đô đã được một ngàn năm, đã bao thời thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương. Một thực tế là ở chốn Kẻ Chợ sầm uất vốn là nơi cạnh tranh đọ sức đua tài dữ dội, phải nghề tinh, tài cao, mới trụ nổi, mới phát triển được. "Phồn hoa thứ nhất Long Thành" là nơi thu hút, hội tụ tài và nghệ tứ chiếng trong sự chọn lọc có vẻ bình yên nhưng khá ngặt nghèo. Cái gì còn lại, phát triển được chính là cái tiêu biểu, cái tinh hoa. Đó là sự cạnh tranh và thanh lọc lấy những gì là tốt nhất, tiêu biểu nhất. Tài tử giai nhân từ bốn phương trong nước trải hàng chục thế kỷ lần lượt kéo về đây sinh cơ lập nghiệp, các thế hệ đã đem đến những lề thói cách sống của địa phương mình, nhưng rồi, chịu sự sàng lọc của thời gian, dần được chắt lọc, hun đúc lại, tạo nên chất tinh hoa kinh kỳ. Thêm vào đó, trải ngàn năm, việc giao lưu quốc tế cũng diễn ra thường trực, càng về sau càng thường xuyên hơn, phong phú hơn thời trước. Cho nên Thăng Long - Hà Nội đúng là đã tiếp thu mọi tinh hoa của các vùng, nhào nặn lại, nâng cao lên theo yêu cầu của đời sống toàn dân tộc. Nói theo cách của cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì nền văn mình và văn hiến của Hà Nội chính là đã trải qua một tiến trình dài của hội tụ, thanh lọc và kết tinh. Đó là sản phẩm, đồng thời cũng là động lực để người Thăng Long - Hà Nội tiếp tục khẳng định những thành tựu rực rỡ về các mặt, tiêu biểu cho cả nước, để rồi lại khép kín quy trình trên bằng sức lan tỏa ra cho cả nước những gì đã làm nên thế mạnh của mình.

Chỉ tính các danh nhân văn hóa, bên cạnh những người gốc gác Thăng Long , Hà Nội, thì khá đông là từ tứ xứ tụ về nhưng cái chính là họ đã hấp thụ được tinh hoa của văn hóa kinh kỳ, sáng tạo được những giá trị mới cho văn hóa Thăng Long và được nền văn hóa này chấp nhận. Chưa nói đến các vị Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát…có quê nội hay quê ngoại ở Thăng Long , thì Lê Quý Đôn vốn quê Thái Bình, Đoàn Thị Điểm vốn quê Hưng Yên, Nguyễn Gia Thiều vốn quê Bắc Ninh, và cả Nguyễn Du quê gốc Hà Tĩnh. Nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục với cụ cử Lương Văn Can (Hà Đông), cụ Nguyễn Quyền (Bắc Ninh), rồi sau này là nhóm Tự lực văn đoàn, nhiều nhà văn cận hiện đại đến với Thăng Long – Hà Nội và lưu danh cùng mảnh đất này cũng là như vậy.

Khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, văn hóa Hà Nội vẫn phát triển, thị trường Hà Nội vẫn có sức hút lớn nhiều tài năng bách nghệ, việc giao thương với các tỉnh thành cả nước và cả người nước ngoài vẫn phát triển, và do vậy, vẫn giữ vững tinh hoa và cốt cách kinh kỳ.

Có một vấn đề được đặt ra là vậy thì bên cạnh lòng yêu nước là hằng số đạo lý của toàn dân tộc thì còn những phẩm chất nào sẽ nói tới cũng là của toàn dân tộc, song vì Kinh đô là hội tụ tinh hoa cả nước nên các phẩm chất cũng tập trung hóa, biểu hiện rỡ hơn. Trước hết đó là nghị lực, một nghị lực lớn, kết tinh của ý chí mạnh mẽ, khả năng hành động và đức tính bền bỉ. Nghị lực lớn khi chống ngoại xâm, nghị lực lớn trong tạo dựng văn minh, tạo lập đời sống. Người đời Lý đã từng dời cả một làng Bình Sa - vốn ở bờ nam hồ Tây - ra phía bãi sông Hồng lập ra làng mới (Cơ Xá) để lấy đất lấy chỗ xây dựng Kinh đô. Thế kỉ XIII người đời Trần tự mình phá huỷ cả một kinh thành đô hội của mình rồi lên đường đi kháng chiến, để cản bước tiến của quân Nguyên - Mông. Và một công trình đáng kể khác của nghị lực Thăng Long là nơi khởi đầu con đê ngăn lũ sông Hồng được đắp suốt chiều dài nghìn năm đã cùng với đê vùng ngược vùng xuôi trở thành "những vệ sĩ" khổng lồ bảo vệ cả đồng bằng Bắc Bộ. Và nghị lực Hà Nội lại tiếp nối nghị lực Thăng Long, làm nên những kỳ tích tầm vóc lớn: giữa thế kỷ XX, trong hai cuộc chiến đã đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh.

Do yêu nước, yêu dân, đầy nghị lực nên người Thăng Long - Hà Nội đã đấu tranh ngoan cường suốt từ thuở định đô, kiên quyết đạt bằng được mục đích tối thượng của đời mình, có ý chí mạnh mẽ nhất để đi tới cùng khát vọng của mình. Đấu tranh chính là để tồn tại, vì biết xót thương cảm thông với nòi giống, với đồng bào. Cho nên một phẩm chất nữa của người Thăng Long- Hà Nội là lòng nhân hậu. Ngay cả khi Kẻ Chợ là thương trường lớn, nhưng người ta vẫn giữ được lòng nhân hậu. Dân tứ chiếng đến quần cư mà hòa đồng, mà nương tựa vào nhau. Có chia thành phường thành phố nhưng không xung khắc, không chia lìa mà cùng nhau hòa hợp làm ăn để cùng phát triển và tồn tại. Đứng ở đầu sóng ngọn gió lại luôn phải suy xét, chịu trách nhiệm lớn nhất, cân nhắc để đạt được thắng lợi cuối cùng, nên người Thăng Long- Hà Nội biết suy nghĩ uyển chuyển, không cứng nhắc, giáo điều, mà biết tự điều chỉnh một cách sáng suốt và thực tế nhất, thường vượt thử thách bằng trí thông minh nhạy bén, gần như nhờ bản năng bẩm sinh, nhưng thực chất là do trí tuệ sắc sảo đã được rèn luyện qua thực tiễn.Cuối cùng là chất lịch lãm, tinh tế và tài hoa. Nhờ những điều này mà tiếp thu và hội nhập nhanh, luôn biết ứng xử thanh lịch, cao thượng, có nhiều sáng kiến mới mẻ, nhanh nhạy mang tính sáng tạo. Từ ăn uống, nói năng, đi đứng, phục sức, giao tiếp, ứng xử, làm lụng, hưởng thụ nghệ thuật... đều biết chăm chút, chọn lọc, chu đáo, nghiêm túc chứ không cẩu thả, luộm thuộm .

Người Thăng Long – Hà Nội đã như vậy thì tập hợp lại những gì nổi trội nhất trong các tính cách và lề thói sống và ứng xử này, chúng ta sẽ nhận chân ra được những giá trị đích thực của văn hiến Thăng Long./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark