11/11/2012 | 09:25:00

Di tích và lễ hội “Tứ trấn thần”

Có thể nói hệ thống di tích và lễ hội tôn thờ Tứ trấn thần là đặc trưng nổi bật của văn hóa lễ hội Thăng Long – Hà Nội.

Theo truyền thống phương đông, các thị thành, nhất là nơi kinh đô đều có những vị thần trấn giữ các phương và phù trợ cho kinh thành. Từ thời Trần, trong việc phân chia các đơn vị hành chính, bao quanh kinh thành Thăng Long là Tứ trấn nội kinh, gồm kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây và Hải Đông, để phân biệt với các trấn ngoại kinh, như Thanh Hoa (Thanh Hóa), Tuyên Hóa… Tất nhiên, quan niệm “Tứ trấn” với tính chất là đơn vị hành chính bao quanh kinh đô Thăng Long khác với “Tứ trấn thần” là các vị thần bảo trợ bốn phương của kinh đô, tuy nhiên chúng đều xuất phát từ một quan niệm chung về ngũ hành của tư duy vũ trụ luận cổ xưa trong văn hóa phương Đông.

Tứ trấn thần, tức là bốn vị thần giữ bốn phương của Thăng Long.

- Thần Long Đỗ (Bạch Mã) trấn phương đông, được phong là “Quốc đô Thăng Long thành hoàng đại vương”, thờ ở đền Bạch Mã, tọa lạc tại số nhà 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm hiện nay.

- Thần Linh Lang, được phong là Linh Lang đại vương, trấn giữ phía tây kinh thành, được thở ở đền Voi Phục, nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

- Thần Cao Sơn, được phong là Cao Sơn đại vương, trấn giữ phía nam kinh thành, được thờ ở đền Kim Liên, thuộc phường Liên, quận Đống Đa.

- Thần Huyền Thiên Trấn Vũ ( Đại thánh trấn vũ), trấn phía bắc kinh thành, thờ ở đền Trấn Vũ (đền Quán Thánh), nay tuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình.

Thần Long Đỗ trấn hướng đông kinh thành vốn là một dị nhân ẩn hiện trong đám mây ngũ sắc, khiến cho Cao Biền phải làm bùa trấn yểm và lập đền thờ. Thần Long Đỗ hiện dạng là con ngựa trắng (Bạch Mã) đã vạch đường cho Lý Công Uẩn xây thành Thăng Long, được vua phong là “Quốc đô Thăng Long thành hoàng đại vương”, tức vị thần Thành Hoàng của kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, đền Bạch Mã còn gắn với nghi lễ nông nghiệp đã được cung đình hóa, đó là tục tế Xuân Ngưu vào dịp đông chí (22 tháng chạp), dựng tượng Thần Nông (Câu Mang) và Thần trâu (Xuân Ngưu), mở đầu cho vụ gieo trồng. Như vậy, việc thờ thần Long Đỗ ở đền Bạch Mã thể hiện tính hỗn dung văn hóa giữa tín ngưỡng dân gian với những ảnh hưởng của đạo giáo, giữa văn hóa dân gian với văn hóa cung đình.

Thần Cao Sơn được thờ ở đền Kim Liên, phía nam kinh thành. Tương truyền thần là một trong 50 người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, theo cha xuống biển, nhưng thần ở lại mặt đất, cùng với Quý Minh trở thành bộ tướng của Sơn Tinh, tức Tản Viên Sơn Thánh. Bản thân Cao Sơn cùng với Tản Viên và Quý Minh là các thần núi (sơn thần), nhưng sau này được thần hóa, có tên tuổi, dòng tộc. Dân gian truyền tụng Cao Sơn có tên là Nguyễn Hiền, em là Nguyễn Sùng (Quý Minh), gọi thần Tản Viên là chủ ruột. Cao Sơn được bà Mai Thị, một nữ thần núi nhận làm con nuôi. Đặc biệt, khi lớn lên Cao Sơn đã được Thái Bạch Kim Tinh, một vị thần của Đạo giáo cho học đạo và được ông ban cho cây gậy thần để “khuyến thiện trừ ác”. Tương truyền, thời Vua Lê Thánh Tông, Hoàng Hậu cùng ba vị quan đại thần gặp loạn, đã đến cầu ở đền thờ Cao Sơn Đại Vương trong rừng sâu và đã ứng nghiệm, thần Cao Sơn phù trợ dẹp loạn, vua Lê cho xây đền thờ và chuyển tấm bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” từ rừng sâu ở Phụng Hóa về Kim Liên ngày nay.

Đền Kim Liên nằm ngay ở vị trí tiếp giáp giữa kinh thàn và vùng Sơn Nam, do vậy có bức đại tự đề “Nam phương trấn”, nó vừa là một ngôi đền vừa là ngôi đình hay đúng hơn nó chuyển hóa từ ngôi đền thành một ngôi đình của làng. Nghi lễ thờ Cao Sơn Đại Vương nhằm vào tháng ba, sau lễ hội Đền Hùng. Nghi lễ có đám rước từ đền Phương Liệt đón bà Đàm Hoa, tương truyền là phu nhân của Ngài về mở hội. Trong lễ hội, điểm đặc sắc là tục làm cổ 7 tầng, gồm xôi gấc, bánh chưng, bánh dày, bánh xu xê, bánh cốm, hoa quả, trên cùng là hình tượng Lã Võng được tạo nên từ một con gà luộc.

Thần Trấn Vũ là vị thần trấn giữ phía bắc kinh thành Thăng Long, ngài được thờ ở đền Quán Thánh, hướng mặt ra Hổ Tây. Tương truyền, đền được xây từ năm 1102 trong hoàng thành, nhưng đến năm 1474, do mở rộng Hoàng thành nên đã được di ra địa điểm hiện nay. Đền đã được sửa chữa nhiều lần và đều được ghi lại trên bia dựng trong chùa. Thần chủ của đền là Trấn Vũ, tên đầy đủ là “Huyền Thiên Chân Vũ Đại Đế”. Dân gian truyền tụng, vùng Hồ Tây sát kinh thành Thăng Long có con hồ li tinh chín đuôi tung hoành quẩy phá nhân dân trong vùng. Ngọc Hoàng động lòng, sai Huyền Thiên giáng hạ để trừ cho dân. Huyền Thiên dùng kiếm hóa phép giết được hồ li tinh và các yêu quái giữ yên mạn bắc kinh thành. Lúc đầu tượng trấn vũ bằng gỗ, đến năm 1577, đời vua Lê Hi Tông người ta đúc tượng bằng đồng đen thờ ngài. Hình tượng của Ngài là một đạo sĩ, mặc áo đen, tay cầm kiếm chống trên mu Rùa, tay bắt quyết trừ tà, đoa là kiểu ngồi “giải tọa” của đạo giáo. Phối thờ với trấn vũ, còn có tượng thờ Văn Xương, chủ con đường học hành, văn chương, thi cử, do vậy các ngày mồng 1, mồng 6 hàng tháng các sỹ tử sắp đi thi đều mang hương hoa tới đây cầu cúng.

Để biểu dương uy danh của Trấn Vũ, nhân dân quanh Hồ Tây cứ hai nă, một lần rước thánh quanh hồ. Mồng 3 tháng 3 hàng năm có tục rước thánh từ đền Quán Thánh đến đền Thụy Khuê, nay tục này đã bỏ. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ và thờ phụng bức tượng đồng của một người thật, tương truyền đó là ông thợ cả Trùm Trọng đã có công đúc bức tượng đồng đen Trấn Vũ.

Linh Lang Đại Vương là vị thần trấn phía tây kinh thành. Tương truyền Ngài là con vua Lý Thánh Tông. Đúng hơn, có lẽ Ngài xuất thân là một thủy thần, thuộc dòng Long Vương, sau được nhân hóa thành hoàng tử Linh Lang, lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành đánh Thăng Long. Sau khi đánh thắng trận, giống như Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay lên trời, thì Linh Lang trở về quê ở vùng Thủ Lệ, biến thành Giao Long bơi xuống Hồ Tây. Vua lập lên đền thờ và phong là Linh Lang Đại Vương.

Hàng năm vào ngày 10-12 âm lịch nhân dân các làng Thủ Lệ, Thụy Khuê, Hào Nam, Vạn Phúc, các làng nằm trong hệ thống “thập tam trại” tổ chức rước và mở hội để tưởng nhớ ngài.

Rỗ ràng là hệ thống “Tứ Trấn Thần” của Thăng Long đều xuất phát từ các vị phúc thần. Tuy có nguồn gốc là Sơn thần, Thủy thần, Thiên thần nhưng Tứ Trấn Thần đã phần nào được nhân hóa, huyền thoại thần tích của các vị thần này gắn bó với Thăng Long trong việc đắp thành (Long Đỗ), diệt ác quỷ ( Trấn Vũ), chống giặc ngoại xâm (Linh Lang), dẹp yên loạn lạc (Cao Sơn), đó là những mối đe dọa thường trực đối với sự tồn vong của kinh thành của một quốc gia phong kiến. Hơn thế nữa, với tư cách là kinh đô của nhà nước phong kiến quân chủ, các vị thần và việc thờ phụng đều đã được cung đình hóa, nó không chỉ thuần túy là sự tôn vinh suy tưởng của quần chúng nhân dân, mà còn gắn với sự hiện diện của nhà vua, gắn với lợi ích của nhà nước. Tuy nhiên, trong hệ thống thời tự, nghi lễ, không phải chúng ta không thấy được những ảnh hưởng của Đạo giao, tín ngưỡng nông nghiệp và các hình thức tín ngưỡng dân gian khác./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark