12/11/2012 | 16:46:00

Những vấn đề trong quy hoạch phát triển Hà Nội

Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm, đã trải qua biết bao thay đổi thăng trầm.

Về quy hoạch kiến trúc và xây dựng cũng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau: giữa thế kỷ 6 Lý Nam Đế đã dựng tòa thành tre gỗ ở bờ sông Tô, qua nhiều thế kỷ phát triển đến thế kỷ 18 loại kiến trúc nhà ở hình ống đã phổ biến và là đặc trưng của phố phường Hà Nội, rồi về sau các “khu phố Tây” xuất hiện, sau ngày giải phóng Thủ đô ta đã tiến hành xây dựng một số công trình mới, đặc biệt là các khu nhà ở. Công tác quy hoạch cũng đã được tiến hành qua các thời kỳ. Trong thời kỳ thuộc Pháp, người Pháp đã lập ra một số phương án quy hoạch và được thực hiện ở Thành phố Hà Nội. Sau khi miền Bắc được giải phóng, đặc biệt từ những năm 60 Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm rất lớn đến công tác quy hoạch.

Cả một chặng đường dài cùng với sự phát triển của đất nước, công tác quy hoạch và xây dựng đô thị đã không ngừng được đổi mới. Từ những năm đầu của thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc (1956 – 1959) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất từ năm 1960, công tác quy hoạch và xây dựng có nhiệm vụ phục vụ cho việc chuyển từ Thành phố “tiêu xài” sang Thành phố “sản xuất”, nhằm cải thiện nâng cao đời sống dân cư. Để đáp ứng yêu cầu đó, quy hoạch xây dựng không thể không đi trước một bước. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều đồ án quy hoạch chưa được duyệt chính thức, nhưng một số cụm công nghiệp, một số trụ sở cơ quan trường học và bệnh viện đã xây dựng. Do đó đã không tránh khỏi những sai sót phải trả giá. Từ năm 1964 Mỹ bắt đầu đánh giá miền Bắc, các đô thị chúng ta phải vừa xây dựng vừa chiến đấu. Trong hoàn cảnh khó khăn vậy, Đảng và Nhà nước vẫn hết sức quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch. Chuyên gia các nước XHCN đã giúp chúng ta lập quy hoạch xây dựng đô thị. Trong thời kỳ này chiến tranh ngày càng ác liệt nên quy hoạch lập ra chỉ thực hiện được một phần, nhưng qua đó cũng nhận thức được rằng việc xây dựng đô thị không thể thiếu quy hoạch, mặc dù tư tưởng chỉ đạo lúc bấy giờ chỉ là “quy hoạch đón thời cơ” chờ ngày chiến thắng là có quy hoạch để tiến hành xây dựng. Khi lập các đồ án quy hoạch xây dựng, cán bộ quy hoạch vừa áp dụng kinh nghiệm, lý thuyết của nước ngoài, vừa làm quy hoạch cho một tương lai tưởng tượng ra, nên đương nhiên dẫn đến việc triển khai xây dựng theo quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

Sau đại thắng 1975, đất nước được thống nhất, tình hình chính trị kinh tế có nhiều biến động. Tuy nhiên, đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh lớn, thì năm 1979 chiến tranh biên giới lại bùng nổ, chiến tranh nối tiếp chiến tranh làm cho yếu tố quốc phòng gần như chi phối cả tư tưởng quy hoạch từ lựa chọn địa điểm xây dựng cho đến bố cục không gian, phát triển hạ tầng kỹ thuật (ví dụ như Hà Nội cũng chỉ phát triển chủ yếu ở phía Nam sông Hồng). Do không có điều kiện để triển khai một cách toàn diện nên quy hoạch xây dựng đô thị chỉ thực hiện một phần và đô thị cũng được hình thành một cách chắp vá.

Từ năm 1981 – 1986 kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn. Các đồ án quy hoạch được lập chủ yếu theo kinh nghiệm quy hoạch nước ngoài nên không thực hiện được. Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 1984 phải điều chỉnh cho phù hợp hơn so với quy hoạch được phê duyệt vào năm 198,1 nhưng việc thực hiện vẫn rất khó khăn. Nhiều mục tiêu do quy hoạch đề ra không thể thực hiện được. Đến năm 1992 quy hoạch chung của Thành phố Hà Nội phải điều chỉnh theo Quyết định 132/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), nhưng do vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp, thiếu kinh nghiệm quy hoạch xây dựng đô thị trong nền kinh tế thị trường, chưa lường trước hết nhịp độ tăng trưởng của kinh tế nên khi thực hiện chính sách đổi mới của Đảng có yếu tố nước ngoài đầu tư trực tiếp ngày càng nhiều, thì quy hoạch chung được duyệt lại không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khi triển khai xây dựng đã có tác động ngược lại đòi hỏi quy hoạch phải điều chỉnh cho phù hợp.

Trước tình hình đó, ngày 24/4/1996 Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đã có tờ trình số 26/UBND-BXD xin phê duyệt nội dung điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2020. Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghe và cho ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 10/TB/TW ngày 20/10/1996. Thông báo đã nêu rõ: “Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, đồng thời là trung tâm kinh tế giao dịch quốc tế của cả nước. Trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ đô Hà Nội ngày càng có vị trí quan trọng. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 là rất cần thiết”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đã giao cho cơ quan Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà Nội cùng với Viện Quy hoạch và Vụ Quản lý Kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng) phối hợp với các bộ ngành liên quan quy hoạch chung Thủ đô trình Chính phủ và đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định số 108/1998QĐ-TTg ngày 20/06/1998. (Chúng tôi xin giới thiệu nội dung quy hoạch này chi tiết hơn vì đây là quy hoạch đang được thực hiện từ năm 1998 đến nay. Có những tư liệu này và căn cứ thực tế xây dựng, các nhà nghiên cứu sẽ có cơ sở để đánh giá công tác quy hoạch và quản lý xây dựng). Quy hoạch điều chỉnh lần này có những nội dung theo định hướng sau:

- Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh không phải chỉ nằm trong ranh giới hành chính của Hà Nội hiện nay mà đã mở rộng với bán kính từ 30 – 50 km, nghiên cứu cả chùm đô thị Hà Nội gồm Thành phố Hà Nội hiện nay và các đô thị lân cận thuộc các tỉnh Hà Tây, Hà Bắc, Vĩnh Phúc, Hải Hưng (tên các tỉnh lúc đó) trong đó Hà Nội là Thành phố trung tâm.

- Dự báo quy mô dân số chùm đô thị Hà Nội đến năm 2020 là khoảng 4,5 triệu – 5 triệu người trong đó dân số nội thành Hà Nội trung tâm là 2,5 triệu người, dân số các đô thị xung quanh khoảng 2-2,5 triệu người.

- Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân 100m2/người, trong đó phải đảm bảo đất giao thông là 25m2/người, đất cây xanh công viên thể dục thể thao 18m2/người, đất xây dựng các công trình lợi ích công cộng là 5m2/người.

- Hướng phát triển không gian:

+ Ở Thành phố trung tâm sẽ được phát triển cả 2 bên sông Hồng. Một vấn đề mới của quy hoạch điều chỉnh lần này là quyết tâm biến sông Hồng thành con sông đi giữa Thành phố làm cho cảnh quan Hà Nội đẹp đẽ hơn với các vùng cây xanh dành cho vui chơi giải trí hai bên bờ sông và đưa mặt nước sông Hồng vào góp phần làm cho môi trường Hà Nội càng thêm sạch sẽ.

+ Mở rộng Hà Nội chủ yếu về phía Tây và phía Bắc. Ưu tiên trước cho đầu tư phát triển phía Bắc sông Hồng, nơi đã có sẵn các đầu mối giao thông thuận lợi.

+ Hệ thống trung tâm được hình thành theo kiểu đa cực - nhiều trung tâm. Ngoài Ba Đình và Hoàn Kiếm là trung tâm truyền thống còn có các khu vực tạo nên một hệ trung tâm trên toàn Thành phố phục vụ cho mọi nhu cầu của nhân dân từ thấp đến cao trên các lĩnh vực khác nhau.

- Về công nghiệp: Cải tạo sắp xếp lại các khu công nghiệp hiện có, phát triển các khu công nghiệp mới tạo nên một số khu vực công nghiệp tập trung. Đưa các công nghiệp độc hại ra xa khu dân cư Thành phố.

Ở cụm đô thị Xuân Mai – Hoà Lạc – Sơn Tây – Miếu Môn – dọc quốc lộ 21 sẽ hình thành các khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu công nghiệp tập trung. Ngoài ra trong các khu dân cư có thể bố trí xen kẽ một số công nghiệp sạch kỹ thuật cao.

- Về cây xanh: xây dựng nhiều khu công viên kết hợp với việc xây dựng các khu trung tâm thể dục thể thao và các khu văn hóa lịch sử quan trọng

Các sông hồ sẽ được xây kè, nạo vét làm đường dạo trồng cây xanh tạo thành những nơi nghỉ ngơi giải trí phục vụ tham quan du lịch và sinh hoạt của nhân dân.

Ở các Thành phố đối trọng có những vùng nghỉ ngơi giải trí với cảnh quan đẹp phù hợp với việc phát triển thành các vùng du lịch nghỉ ngơi cuối tuần như Đồng Mô, Ngải Sơn, Ba Vì, Suối Hai, Đá Chông, Tam Đảo, Đại Lải…

Phát triển hệ thống cây xanh TDTT nghỉ ngơi giải trí du lịch toàn chùm đô thị Hà Nội sẽ góp phần làm cho Thủ đô ta có sức hấp dẫn tuyệt vời đối với nhân dân cả nước và bạn bè trên thế giới.

- Đối với việc bảo tồn và phát triển các khu đô thị trong quy hoạch điều chỉnh lần này cũng rất quan tâm giải quyết. Quan điểm nhất quán là vừa cải tạo vừa xây dựng để phát triển, bảo tồn gìn giữ khu phố cổ 36 phố phường, tôn tạo khu phố cũ, tập trung xây dựng các khu đô thị mới hiện đại.

- Việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, điện, bưu điện v.v… cũng được nghiên cứu xây dựng hiện đại, đặc biệt vấn đề giao thông đã được quan tâm lớn nhằm bảo đảm giao thông thông suốt chống ách tắc. Đảm bảo mối liên hệ chặt chẽ nhanh chóng giữa các Thành phố trong chùm đô thị và các Thành phố khác. Đồng thời chú ý phát triển các đường vành đai.

Đối với hệ thống giao thông trong Thành phố trung tâm có các biện pháp cải tạo phát triển thích hợp, xây dựng các tuyến đường mới, tăng cường giải quyết giao thông theo hướng Đông – Tây.

Phải có biện pháp tăng cường giao thông công cộng.

Về phương diện giao thông công cộng cần quan tâm giao thông trên ray và phải nghiên cứu một số đoạn chui ngầm để không làm ảnh hưởng cảnh quan của khu phố cũ, phố cổ.

Nói cách khác là phải hết sức coi trọng việc quy hoạch và xây dựng mạng lưới giao thông làm sao chống được ách tắc là một mục tiêu hết sức quan trọng. Trong đồ án quy hoạch này đã xác định sẽ làm thêm một số cầu qua sông Hồng tạo nên sự giao lưu thuận lợi giữa 2 khu vực Bắc Nam sông Hồng. Nghiên cứu xây dựng các cầu đẹp góp phần làm cho cảnh quan đô thị thêm phong phú.

Các công trình kỹ thuật khác cũng được phát triển một cách toàn diện.

Vấn đề nhà ở cũng được quan tâm đúng mức, để tránh việc phân đất từng lô cho các gia đình tự xây dựng theo ý mình tạo nên nhiều vấn đề gây cấn hiện nay. Trong quy hoạch lần này đã xác định nhiều khu vực dành để xây dựng các khu đô thị mới, trong đó nhà ở là chính nhưng đồng thời có bố trí một số công trình công cộng để người dân sống và làm việc trong một khu vực tránh đi lại nhiều gây ách tắc giao thông. Hơn nữa, trong khu vực đô thị mới loại này sẽ quan tâm bố trí hệ thống công trình công cộng phục vụ lợi ích thiết thực cho dân cư như trường học, bệnh viện, khu nghỉ ngơi giải trí, bố trí tỷ lệ cây xanh thích hợp, các khu thể dục thể thao rèn luyện thân thể hàng ngày nhất là đường sá cống rãnh thoát nước, cấp nước, cấp điện… tránh tình trạng xây xong nhà nhưng hạ tầng không hoàn chỉnh, đường xá bị lấn chiếm, vườn cây sân chơi không có như một số khu ở hiện nay.

Tóm lại, quy hoạch lần này (Quy hoạch 1998) được xây dựng với tầm nhìn dài hơn, mạnh dạn vượt ra ngoài cách nghĩ, cách làm thông thường trước đây, phù hợp với tinh thần Đại hội Đảng VIII. Xây dựng Thủ đô “đàng hoàng to đẹp hơn” phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trên đây đã lướt qua quá trình lập quy hoạch phát triển Hà Nội, có thể nói chúng ta đã làm được khá nhiều việc. Phải khẳng định rằng, trong quy hoạch tuy còn một số điều bất cập nhưng rõ ràng quy hoạch đã giúp chúng ta chỉ đạo xây dựng có hiệu quả, nếu không có quy hoạch liệu chúng ta có phát triển được Hà Nội như hôm nay không? Tuy có một số điều chỉnh nhỏ nhưng rõ ràng Hà Nội đã và đang phát triển theo quy hoạch đã được duyệt. Việc phát triển các khu đô thị mới, xây dựng các khu công nghiệp, phát triển hệ thống giao thông cấp thoát nước, cây xanh các khu vui chơi cũng đang thực hiện theo quy hoạch. Đặc biệt nhiều dự án đầu tư lớn như dự án xây dựng 2 bên bờ sông Hồng cũng đang được nghiên cứu theo ý tưởng quy hoạch đã đề ra. Tuy nhiên hiện nay nhiều yếu tố mới đã xuất hiện, quy hoạch trên cần phải điều chỉnh. Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu, hy vọng chúng ta sẽ có một quy hoạch mới cho Thủ đô trong thời gian tới.

Một vấn đề lớn đặt ra hiện nay là việc xây dựng theo quy hoạch, một số khu vực được quy hoạch khá hoàn chỉnh nhưng xây dựng lại nham nhở, một số nơi quy hoạch chức năng khác xây dựng theo chức năng khác, quy hoạch thấp tầng thì làm nhà cao tầng hoặc ngược lại, bộ mặt kiến trúc của Thành phố chưa đảm bảo mỹ quan… Như vậy rõ ràng vấn đề quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch đang gặp khó khăn, nói cách khác là một số quy hoạch được duyệt chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Quy hoạch chưa đi vào cuộc sống.

Nguyên nhân tại sao?

Trước hết có lẽ phải nói rằng trong nghiên cứu quy hoạch chúng ta còn bị ảnh hưởng vào những nguyên lý quy hoạch của nước ngoài mà ít có những tổng kết thực tiễn của tình hình Việt Nam để tìm phương thức thích hợp. Tuy thế, về khách quan mà nói việc thực hiện quy hoạch xây dựng chưa có thời gian kiểm nghiệm nên việc tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn để đưa ra quy định phù hợp cũng có khó khăn nhất định.

Điều đáng nói là đã có không ít quy hoạch được làm chất lượng nhưng không được thực hiện. Như vậy, một số quy hoạch chưa đi vào cuộc sống nhiều nơi chưa quản lý được việc xây dựng theo quy hoạch. Có thể tạm nêu ra một số nguyên nhân sau:

Người ta đã tổng kết rằng “nhà đầu tư mới thực sự là người tạo ra đô thị”, còn nhà quy hoạch có vẽ giỏi đến bao nhiêu nếu không có người đầu tư chắc chắn sẽ không có đô thị. Nói đến nhà đầu tư là nói đến “vốn đầu tư”. Thời gian qua, với một số lượng dự án đầu tư lớn đã làm cho Thành phố thay da đổi thịt. Bên cạnh đó nhân dân giàu lên đã xây dựng nhiều nhà cửa cũng tạo nên nhiều phố phường tấp nập. Tuy nhiên, có tiền, có nhà đầu tư, nhưng luật lệ không đồng bộ, quy hoạch kém chất lượng, việc kiểm soát xây dựng không chặt chẽ, người dân có tiền thì cứ xây, tùy tiện tự phát không cần xin phép, cơi nới nhà chiếm cả vỉa hè, kiến trúc lố lăng, thiếu thẩm mỹ theo ý thích riêng của ông chủ thì cũng không thể có đô thị đẹp.

Ngoài ra, có luật lệ, có quy hoạch tốt nhưng không có một chính quyền mạnh có biện pháp hữu hiệu thì hiện tượng xây dựng bừa bãi, phá quy hoạch cũng sẽ không thể chặn đứng được, từ đó sẽ tạo ra việc xây dựng lộn xộn không theo quy hoạch. Thực tế đó đã xẩy ra ở một số nơi. Nhưng trong hoàn cảnh vừa qua, cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta không thể dùng các biện pháp áp đặt bắt buộc người dân phải tuân theo một cách máy móc, trong khi vấn đề chủ quyền sử dụng đất đai chưa được xác định rõ ràng, đầy đủ, nhu cầu nhà ở của họ lại quá thiếu, khiến họ phải cơi nới, xây dựng bất hợp pháp, mặt khác do thu nhập thấp, không đủ tiền xây nhà đẹp nên người ta phải làm lều, làm lán ngay bên đường mới mở. Những việc làm đó góp phần tạo nên các khu phố nhếch nhác không theo quy hoạch. Vấn đề giải phóng mặt bằng là một thách thức lớn trong quá trình thực hiện quy hoạch, nhiều nơi do chưa giải phóng được mặt bằng nên quy hoạch trở thành quy hoạch treo.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng: để triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch đô thị được tốt, cần phải có các điều kiện cơ bản như:

- Phải xây dựng hệ thống lý luận khoa học làm rõ nội dung, phương pháp làm quy hoạch để thống nhất từ cơ sở đào tạo đến các cơ quan Nhà nước và đến các thành phần kinh tế khác.

- Phải xây dựng các tổ chức làm quy hoạch mạnh, có điều kiện vật chất thích hợp, có hình thức tổ chức hợp lý, có đội ngũ cán bộ trình độ chuyên môn cao để lập các đồ án quy hoạch có chất lượng.

- Phải có cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách về lĩnh vực kiến trúc

– quy hoạch, cơ quan này phải được tổ chức có hệ thống từ cấp Thành phố, cấp quận, huyện, phường xã, để có đủ năng lực chỉ đạo việc lập quy hoạch đến tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

- Phải có luật lệ cần thiết để làm cho việc xây dựng theo đúng quy hoạch, đúng pháp luật.

- Phải có chính quyền mạnh, có lực lượng giữ gìn giám sát việc xây dựng (có thể là thanh tra xây dựng hoặc cảnh sát xây dựng) để có khả năng ngăn chặn những người cố tình vi phạm luật, xây dựng không phép, trái phép.

- Phải có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp một cách chặt chẽ có trách nhiệm rõ ràng, không đổ lỗi cho nhau.

- Phải tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ dân trí, tổ chức để cộng đồng dân cư tham gia công tác quy hoạch, công bố công khai quy hoạch cho mọi người hiểu rõ quy hoạch để thực hiện.

- Phải tìm cho được vốn đầu tư và có nhà đầu tư đích thực.

- Phải xác định được nội dung, biện pháp các bước triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị một cách khoa học phù hợp với thực tiễn.

Qua những phân tích trên có thể thấy công tác lập quy hoạch quản lý xây dựng đô thị ở Hà Nội đã trải qua một quá trình dài, tuy có nhiều cơ hội nhưng đã gặp phải vô vàn khó khăn từ lựa chọn địa điểm xây dựng, cơ sở lập quy hoạch đến lý luận kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ làm quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị, từ việc lập quy hoạch chỉ theo ý chí chủ quan và lòng mong mỏi, đến lập quy hoạch để “đón thời cơ” không biết đến bao giờ thực hiện và đã có lúc quy hoạch không đáp ứng được yêu cầu đầu tư, phải vừa làm quy hoạch vừa điều chỉnh cho phù hợp. Trong việc lập quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị cũng có nhiều thuận lợi lớn là chế độ chính trị ổn định, chính quyền vững mạnh, có đội ngũ cán bộ quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị có quyết tâm cao và không ngừng được nâng cao trình độ, đa số nhân dân đồng tình ủng hộ, có sự giúp đỡ của chuyên gia nhiều nước. Tuy thế, kinh nghiệm quy hoạch xây dựng quản lý đô thị còn ít, đội ngũ cán bộ còn thiếu. Văn bản pháp luật chưa hoàn chỉnh, trình độ dân trí chưa cao đó là những thử thách vô cùng to lớn.

Có lẽ không thể kể hết những thực tế khó khăn và thuận lợi, những thách thức và cơ hội trong quá trình lập, thực hiện quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị của Hà Nội. Chúng tôi chỉ xin nêu lên những việc đã làm để qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy và những bài học cần tránh để Thủ đô được phát triển bền vững, xứng đáng Thủ đô của một đất nước 100 triệu dân và có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark