12/11/2012 | 16:22:00

Hà Nội: Những điều chưa biết về Hội đền Thụy Khuê

Đền Thụy Khuê - vốn tên là đền Thụy Chương – là đền cổ từ lâu đời. Đền toạ lạc ở số 251 đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Xưa, cổng đền hướng phía tây thành Thăng Long. Vào các năm 1608, 1618, triều Lê hai lần tổ chức lễ cầu đảo xin mưa thuận gió hoà, đều linh ứng; nhân đó cho lập biển “Hạ mã”. Nhưng vì hướng tiền trông vào đường thành nên có nhiều bất tiện trong giao thông, nên năm 1621 đổi sang hướng chính bắc. Sau đó dân làng đào giếng Ngọc ở trước cửa. Khi đào, tìm được đôi voi đá nguyên khối, bèn đưa lên xây bệ trước cổng để thờ. Từ đó gọi là đền Voi phục Thụy Chương để phân biệt với đền Voi Phục Thủ Lệ (theo văn bia tại đền).

Tên Thụy Chương tồn tại đến năm Thiệu Trị lên ngôi (1840), kiêng tên huý vua, đổi là Thụy Khuê (đường Thụy Chương cũng đổi thành đường Thụy Khuê).

Thần tích ghi, đức thánh Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông. Xưa, ở xã Bồng Lai, huyện Từ Liêm có người con gái họ Dương tên là Ngoan, cha mất sớm, cô ở với mẹ. Cô Ngoan nổi tiếng xinh đẹp từ bé. Năm mười tám tuổi được đưa vào cung, làm “đệ nhị cung phi”. Sau hai năm chưa có thai, vua bèn lập một cung ở Hồ Tây để bà ở. Một con giao long đầu đội mũ hoa quan (?), mình vẩy ngũ sắc quấn lấy cung phi. Bà sợ hãi ngất đi bất tỉnh. Trở về, bà tâu mọi chuyện vua rõ. Thánh Tông cả giận, họp đình thần kể tội thuỷ thần, sai quân bắn tên xuống hồ để diệt trừ. Bỗng dưng vua thấy mê man, phải dựa vào long án, đang lúc mơ màng chợt thấy một người mặc áo xanh cầm cờ vàng đến bên long án nói:

- Ba năm nữa sẽ có giặc xâm lấn bờ cõi, nếu không có người tài giỏi thì giữ sao được nước. Nhà vua hãy bình tĩnh, cần lo mọi việc phòng bị ngay.

Cũng từ đó bà Ngoan có thai, đến tháng Hai năm Nhâm Thìn thì sinh một người con trai mặt rồng, mắt phượng, hàm én mày ngài. Vua mừng lắm đặt tên là Hoàng Lang, đưa cả hai mẹ con về cung.

Ba năm sau, có giặc Chiêm xâm lấn cõi Nam Hải, vua sai sứ đi chiêu mộ hiền tài. Khi sứ giả đi qua nơi Hoàng Lan ở, cậu bé đang nằm liền khai khẩu bảo mẹ cho mời sứ giả vào. Khi sứ giả vào, Hoàng Lan bảo rằng: Ngươi về tâu với phụ hoàng sắm cho ta một ngọn cờ đào thật lớn, chọn cho ta một von voi đực cực khoẻ để ta dẹp giặc dữ.

Sứ giả về triều tâu với vua, vua bèn sai kén voi, sắm cờ rồi đưa lại cho Hoàng Lang. Hoàng Lang vươn mình đứng dậy, cưỡi voi, cầm cờ tiến thẳng đến Nam Hải. Bọn giặc đánh tan. Ông thu quân về nhà, đi tới đâu cũng được nhân dân tới trước đầu voi đón rước.

Về kinh đô ít lâu sau, Hoàng Lan bị bệnh đậu mùa, nhà vua hết lòng trông nom, cho mời các thầy thuốc đến chữa, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Vua bèn nói: “Nếu phải con ta thì hãy mau lành bệnh, nếu không phải thì hoá đi, đừng là yêu nghiệt trong cung nữa”. Hoàng Lang thưa rằng: “Thần vốn là thuỷ thần đầu thai để giúp nước. Nay công việc đã xong, xin được về Thuỷ phủ”. Nói xong, bèn hoá thành một con thuồng luồng lao xuống Hồ Tây biến mất. Tại nơi con rắn xuống, nhân đó lập đền thờ. Vua Lý phong cho là Linh Lang đại vương, dân Thụy Chương lập đền thờ tại nơi rắn đi xuống Hồ Tây để thờ. Miền quê Thủ Lệ (Bồng Lai) quê mẹ không có bài vị nên mới cho người đến lấy trộm bài vị về thờ. Hai làng vì thế mà xô xát, sau khi biết rõ thì kết chạ, nhận nhau là an hem, hàng năm thay nhau mở hội tưởng niệm thần.

Ngày trước, mỗi khi tổ chức lễ hội thường có quy mô hàng tổng, theo câu ca vẫn còn lưu truyền tại Thụy Khuê:

Mồng Mười, thánh hoá giờ thiêng

Mười hai, tiệc huý, hội đền vua ra

thì các cụ lại giải thích rằng: Ngài mất vào ngày mồng mười tháng Hai, nhà vua biết tin truyền lập bài vị để thờ, phong ngài là Linh Lang đại vương. Đền thờ lập ngay tại nơi ngài mất nay là đền Thụy Chương, đến ngày 12 tháng Hai nhà vua thân hành đến tế. Khi Linh Lang mất, dân Thủ Lệ đến xin bài vị về thờ, dân Thụy Chương không cho, nên dân Thủ Lệ bèn lội qua sông mà trộm bài vị. Sau khi hai làng kết chạ, Thụy Chương làm anh. Hàng năm đến ngày 10 tháng Hai ngày thánh hoá, dân Thụy Chương sang Thủ Lệ làm lễ. Ở Thủ Lệ, các bô lão phải đảm đương việc “dọn trưởng”. Đường đi của đám rước từ Thụy Khuê sang Thủ Lệ khá xa, nên có trạm nghỉ là miếu Trắng (nay đã bị phá để mở đường 32).

Về ngày hội đền Voi Phục là ngày hội chung của cả làng, cả tổng nên dân nô nức đi xem hội. Do tốn kém nên cứ năm năm mới tổ chức lớn một lần, hàng năm mở hội lệ. Mồng 10 tháng Hai là chính hội: làng Thụy Khuê cử một đám rước xuống Thủ Lệ làm lễ. Nghi thức đoàn đi có: Cờ hội do một cụ mang dẫn đầu - tiếp đến là cờ tứ linh, cờ ngũ hành - bộ chấp kích – dàn nhạc bát âm - trống cái – chiêng lớn - bốn cô múa “đánh bồng”- hương án. Tiếp là kiệu bát cống do mười hai người trai cởi trần, đóng khố khiêng (diễn lại tích Thủ Lệ vượt sông Tô Lịch vào đền chép trộm bài vị) – Các quan viên bô lão đi theo. Đoàn rước đi rất dài, qua nhiều chỗ khó khăn: lên núi Bò phải vừa bò vừa đỡ kiệu, khi xuống núi có làng Hào Nam đỡ vai, đến làng Ngọc Khánh thì Hào Nam giao lại Ngọc Khánh rồi từ đó chỉnh trang rước về đền Thủ Lệ.

Đến đền Thủ Lệ làm lễ cáo yết. Các cụ ở Thụy Khuê lại quay về đền Thụy, làm lễ bao sái đồ thờ, chuẩn bị “dọn trưởng” đón đoàn Thủ Lệ rước sang.

Ngày 12 tháng Hai, đám rước lại khởi hành từ đền Thủ Lệ sang Thụy Chương, và cũng trải qua các bước như rước từ ban đầu. Tới Thụy Khuê, đám rước tập kết ở đình Trên (nay đã phá), chỉnh trang rồi mới vào đền làm lễ. Khi tan đám, đoàn nào ra về, cai hàng đô đánh ba tiếng trống khẩu, các giai kiệu đứng lên hú vang “hí…hà…” tỏ vẻ vui mừng.

Vì truyền thuyết nói rằng: “Khi Linh Lang đại vương hoá, biến thành giao long bò rừ trong trướng ra Hồ Tây nên có nhiều nơi thờ vào các ngày khác nhau: Vạn Phúc thờ ngày mồng 9 tháng Hai; Thủ Lệ làm lễ ngày mồng 10 tháng Hai; Trường Lâm làm lễ ngày 11 tháng Hai. Thụy Chương làm lễ ngày 12 tháng Hai; Hào Nam làm lễ ngày 13 tháng Hai…”

Ngoài việc tế lễ ở đền Thụy Chương, ngày trước ở bãi đất chợ Thụy Khuê (quãng giữa hai đình Trên và đình Dưới, nay là cửa hàng lương thực) có trò chơi đu bay. Ngoài ra có tổ chức hát chèo, có năm làm ở đình Trên, có năm làm ở đình Dưới. Ngày 16 tháng Hai làng Thụy có tổ chức thi cỗ gọi là “ăn nhắm”. Lễ hội đền Thụy Chương lúc đó mới kết thúc./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark