20/11/2012 | 18:10:00

Quá trình hình thành và biến đổi Cấp phường ở Hà Nội

I. Quá trình hình thành và xác lập “36 phố phường” ở Thăng Long - Kẻ Chợ
 
Vùng đất nội thành Hà Nội bắt đầu trở thành trung tâm chính trị của đất nước từ sau năm 544 với việc Lý Bí dựng nước Vạn Xuân và chọn đây là đất đóng đô. Sau khi đánh tan nhà nước Vạn Xuân, nhà Tùy từ đầu thế kỷ VII quyết định đưa trị sở của chính quyền đô hộ về đất Tống Bình, thành Tống Bình và tiếp sau đó là thành Đại La là dinh lũy của chính quyền đô hộ Tùy, Đường. Ở vào vị trí trung tâm châu thổ sông Hồng, nơi tụ hội và tỏa rộng của các tuyến giao thông thủy bộ, lại có quá trình phát triển lâu dài, đặc biệt vào nửa cuối của thiên niên kỷ thứ nhất, khu vực thành Tống Bình - Đại La đã dần dần hình thành một đô thị tập trung khoảng 15 vạn dân, trên 5 nghìn gian nhà. Không có tư liệu nào nói đến cấp phường xuất hiện ở Tống Bình - Đại La vào thời kỳ này, tuy nhiên, chúng ta từng biết hồi đầu thế kỷ thứ VII, khi là Giao Châu Đại Tổng quản của nhà Đường, Khâu Hòa đã tìm mọi cách biến làng thành đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn gọi là “xã”[1]. Nguồn tư liệu này cũng cho phép suy đoán là đồng thời việc áp đặt “xã” vốn là mô hình thống trị nông thôn Trung Quốc lên nông thôn Việt Nam, Khâu Hòa cũng có thể đưa cấp “phường” vào quản lý đô thị Tống Bình ngay từ thời kỳ này.
 
Đầu thế kỷ X, họ Khúc, họ Dương vươn dậy giành chính quyền tự chủ cũng đều đóng đô ở thành Đại La. Tổ chức hành chính cấp cơ sở của Khúc Hạo ở Đại La cũng không thấy sách nào đề cập đến, nhưng ở nông thôn thì trên căn bản vẫn dựa theo mô hình của Khâu Hòa. Nhà Ngô, nhà Đinh và nhà Tiền Lê tuy không đóng đô ở Đại La, nhưng vùng đất này vẫn không hề bị suy giảm vị thế trung tâm bờ cõi.
 
Lý Thái Tổ sáng lập vương triều Lý, đảm nhận sứ mệnh xây dựng đất nước trên quy mô lớn, “tính kế cho muôn vạn đời”, không thể không chọn thành Đại La là “chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương” để làm “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”[2]. Điều kiện tự nhiên và lịch sử, cùng với quyết định sáng suốt của Lý Thái Tổ đã tạo nên bước phát triển nhảy vọt của đô thị Thăng Long. Đồng thời với việc triển khai xây dựng tổng thể, trên quy mô lớn các cung điện, chùa, đền, thành quách là việc mở mang chợ búa, bến cảng, phường thợ, phố xá..., khiến bộ mặt đô thị Thăng Long thay đổi hẳn so với trước. Cửa Đông thành Thăng Long xưa mở ra khu trung tâm của Phố cổ Hà Nội bây giờ, với nhiều phường, phố, chợ, bến, trên bến, dưới thuyền, buôn bán tấp nập. Cửa Tây thành Thăng Long có thể đến khu vực Thủ Lệ, Cầu Giấy hiện nay. Khu vực Cầu Giấy cùng với Bưởi và phụ cận bên Hồ Tây, hồ Trúc Bạch ở phía ngoài cửa Bắc, không chỉ là trung tâm làm giấy lâu đời mà còn là vùng có các nghề lĩnh, dệt vải rất nổi tiếng.
 
Không có tư liệu trực tiếp, nhưng qua các nguồn tư liệu gián tiếp vẫn có thể hình dung khu vực “thị” của Thăng Long thời Lý cũng được gọi là “phường” và cấp phường là cấp quản lý hành chính cơ sở ở đô thị Thăng Long thời Lý. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép vào mùa xuân, tháng 3 năm 1230, nghĩa là chỉ sau chưa đầy 3 năm rưỡi tính từ ngày lên ngôi lập ra vương triều Trần (tháng 10 năm 1226), vua Trần Thái Tông tổ chức “khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi gồm 20 quyển”, tiến hành đặt ty Bình Bạc là cơ quan hành chính và tư pháp ở Kinh đô Thăng Long và sửa đổi hệ thống quan chức ở các phủ lộ[3]. Tại các phủ lộ, ông cho đặt An phủ sứ, An phủ phó sứ. Nếu An phủ sứ qua trị nhậm các lộ mà đủ lệ khảo duyệt thì cho vào làm An phủ sứ phủ Thiên Trường (khu vực Nam Định - quê hương nhà Trần, Kinh đô thứ hai của đất nước lúc đó). Nếu An phủ sứ Thiên Trường lại đủ lệ khảo duyệt nữa thì bổ nhiệm làm việc ở Thẩm hình viện. Sau quá trình làm việc ở Thẩm hình viện có nhiều thành tích và kinh nghiệm rồi thì có thể được cất nhắc làm An phủ sứ Kinh sư[4]. Mặc dù cùng là An phủ sứ, nhưng An phủ sứ Kinh sư cao hơn An phủ sứ các lộ nhiều bậc và là chức vụ cao nhất trong các hàng quan chức địa phương. Sau khi đã hiệu chỉnh lại các cơ quan quản lý Kinh đô, Trần Thái Tông tiến hành định các phường về hai bên tả hữu của Kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường”[5]. Như thế, Thăng Long 61 phường là mô hình tổ chức Kinh đô từ các đời trước (mà cụ thể là từ đời nhà Lý), đến đây được chính thức xác nhận và hoạch định lại. Điều này cũng được phản ánh trong các nguồn tư liệu khác, chẳng hạn Lý Thường Kiệt, người Hà Nội gốc được sử sách xác nhận “là người phường Thái Hòa thành Thăng Long”[6]. Sách Thiền uyển tập anh chép truyện Thiền sư Đại Xả, người họ Hứa ở phường Đông Tác dưới triều Lý Anh Tông. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã chứng minh phường Đông tác thời Lý ở khoảng thôn Trung Phụng, quận Đống Đa hiện nay, chứ không phải là phường Đông Tác ở khu vực Cửa Nam[7]. Như thế có thể hình dung thời Lý đã có khá nhiều phường và đến đầu thời Trần thì phường được mở mang thêm và quy hoạch chặt chẽ hơn.
 
Không thể kể ra đầy đủ 61 phường ở hai bên tả, hữu Kinh thành Thăng Long thời Trần, nhưng vẫn có thể xác định được một số phường như An Hoa (khu vực Yên Phụ), Giang Khẩu (ở khu vực bến Giang Khẩu cửa sông Tô Lịch (sau đổi thành phường Hà Khẩu, phía ngoài cửa Đông thành Thăng Long), Phục Cổ (khu vực phố Nguyễn Du), Toán Viên (bờ phía Bắc sông Tô Lịch khoảng từ Hồ Tây đến khu vực cửa Bắc thành nhà Nguyễn), Đông Tác (ở khu vực Trung Phụng, quận Đống Đa), Cơ Xá (khu vực bến cảng ở ngoài bãi Phúc Xá bên bờ sông Hồng), Hạc Kiều, Các Đài, Nhai Tuân, Tây Nhai...
 
Đến tháng 3 năm 1265, Trần Thánh Tông lại có quyết định đổi ty Bình Bạc ở Kinh sư làm Đại An phủ sứ vừa có ý khẳng định người đứng đầu bộ máy hành chính ở Thăng Long vẫn thuộc hàng quan chức địa phương (An phủ sứ) nhưng là hàng quan chức địa phương cao nhất (Đại An phủ sứ) và chỉ đặt riêng ở Thăng Long mà thôi. Đại An phủ sứ vẫn có trách nhiệm trực tiếp cai quản 61 phường ở hai bên tả hữu Kinh thành.
 
Vào đầu thời Lê, căn cứ theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết năm 1435 thì cả nước có 56 phủ, 187 huyện, 54 châu, hương, 9728 xã, 294 thôn, 59 phường[8]. Riêng khu vực Thượng kinh có 1 phủ (Phụng Thiên), 2 huyện (Vĩnh Xương (Thọ Xương), Quảng Đức), 36 phường (mỗi huyện đều có 18 phường)[9]. Sách cũng giới thiệu một số phường tiêu biểu như “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm, võng, gấm trừu và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy. Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi. Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt. Tây Hồ có cá to. Phường Thịnh Quang có long nhãn. Phường Đường Nhân bán áo diệp y”[10].
 
Vào thời kỳ đầu nhà Lê, khu phố phường dân cư ngoài Hoàng thành Thăng Long vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1466 vua Lê Thánh Tông chia đặt cả nước thành 13 đạo thừa tuyên và vùng Kinh sư được gọi là phủ Trung Đô. Đến năm 1469 Lê Thánh Tông quy định bản đồ các phủ, châu, huyện, xã trang sách thuộc 12 thừa tuyên, đổi gọi phủ Trung Đô thành phủ Phụng Thiên, gồm 2 huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương[11], mỗi huyện vẫn giữ 10 phường. Thực hiện chủ trương thống nhất quản lý, đưa toàn bộ sông núi vào chung một bản đồ, ngày 4 tháng 4 năm 1490, Lê Thánh Tông xác định bản đồ toàn quốc gồm 13 xứ thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường[12].
 
Giai đoạn từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVIII mà đỉnh cao là thế kỷ XVII, là thời kỳ phát triển thịnh đạt, năng động nhất của nền kinh tế hàng hóa và đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ. Có tác giả người phương Tây cho rằng Thăng Long khi đó không thua kém Vơ-ni-dơ (Italia) hay Pa-ri (Pháp) với dân số khoảng một triệu người và 2 vạn nóc nhà. Ở Thăng Long có đủ các thành phần kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp, trong đó hoạt động công thương nghiệp đã giữ vai trò chi phối.
 
Tại Thăng Long, trải qua hơn nửa thiên niên kỷ phát triển đến đây đã định hình 2 khu vực sản xuất và trao đổi hàng hóa chính ở phía Bắc và phía Đông Hoàng thành. Khu vực phía Bắc có hồ Trúc Bạch và Hồ Tây rộng lớn, có sông Tô Lịch chạy dài, rất thuận lợi cho các nghề thủ công và hoạt động buôn bán, trao đổi đòi hỏi một diện trường rộng. Nhiều nghề thủ công và buôn bán vốn có từ trước, nay được mở mang thêm như các nghề dệt lụa ở Trúc Bạch, Yên Thái, Bái Ân; nghề dệt gấm và lĩnh Trích Sài, nghề nhuộm thâm Võng Thị, giấy lệnh Yên Thái, giấy sắc Nghĩa Đô, đúc đồng Ngũ Xã... Khu vực phía Đông là nơi có nhiều nghề thủ công phong phú, đa dạng, nằm xen lẫn trong khu phố xá buôn bán. Chợ, bến, phố xá, hàng hóa chồng chất, ken dầy và kéo dài ra đến tận bờ sông Hồng. Khu vực này trước sau vẫn là khu buôn bán đông vui, tấp nập nhất của Thăng Long - Kẻ Chợ. Tại đây, ở thế kỷ XVII, các Công ty Đông Ấn Hà Lan, Anh được chính quyền Lê - Trịnh cho phép đã xây dựng các thương điếm vừa làm cơ sở đại diện thương mại, vừa làm kho chứa hàng và là nơi trực tiếp nhập hàng và xuất hàng.
 
Thăng Long lúc này có khoảng 30 nghề thủ công cổ truyền như các nghề nhuộm, thêu, mộc, tiện, sơn, khảm xà cừ, khắc ván in, làm quạt, làm đồ mây tre, làm đồ da, rèn sắt, làm đồ vàng bạc, đồ mỹ nghệ, nghề vàng mã, làm hương nến, các nghề chế biến thực phẩm... Những nghề thủ công này quy mô sản xuất nhỏ nhưng đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo và phần nhiều mới được đưa vào các làng thủ công nghiệp từ các trấn ngoài thành.
 
Đã có không ít tác giả quan tâm nghiên cứu và lập danh sách phố phường Thăng Long - Kẻ Chợ qua các đời, nhưng cố giáo sư Trần Quốc Vượng thì “cho tới nay chưa ai nêu ra được một danh sách đầy đủ có căn cứ về phố phường Hà Nội”[13]. Chúng tôi cũng chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ, chỉ mới bước đầu tập hợp các nguồn tư liệu, tham khảo các phương án lý giải của Trần Huy Bá, Nguyễn Vinh Phúc, Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán và Nguyễn Khắc Đạm, tạm đưa ra tên gọi và vị trí tương đối của 36 phường ở Thăng Long - Kẻ Chợ vào khoảng thời gian thế kỷ XVIII:
 
1. Ở khu vực phía Bắc và xung quanh Hồ Tây có 13 phường (đều nằm trong tổng Thượng và tổng Trung huyện Vĩnh Thuận đầu đời Nguyễn) là Bái Ân, Hồ Khẩu, Nghi Tàm, Nhật Chiêu (Nhật Thiêu), Quảng Hà, Tây Hồ, Thụy Chương, Trích Sài, Võng Thị, Yên Hoa, Yên Thái, Thạch Khối, Hòe Nhai.
 
2. Khu vực phía Đông có 10 phường (nằm trong các tổng Tả Túc, Tiền Túc, Hữu Túc, Hậu Túc huyện Thọ Xương đầu đời Nguyễn) là Báo Thiên, Cổ Vũ, Diên Hưng, Đông Các, Đông Hà, Đồng Xuân, Hà Khẩu, Kim Cổ, Thái Cực, Phúc Phố.
 
3. Khu vực phía Nam có 9 phường (thuộc các tổng Tả Nghiêm, Hữu Nghiêm, Tiền Nghiêm, Hậu Nghiêm huyện Thọ Xương đầu đời Nguyễn) là Đông Tác, Đồng Lạc, Vĩnh Xương, Yên Xá, Xã Đàn, Kim Hoa, Phục Cổ, Phúc Lân, Hồng Mai.
 
4. Khu vực phía Tây Nam có 4 phường (nằm trong tổng Hạ, huyện Xĩnh Thuận đầu đời Nguyễn) là Nhược Công, Thịnh Quang, Thịnh Hào, Quan Trạm.
 
 Bắt đầu từ thập kỷ 30 của thế kỷ XVIII, trong bối cảnh khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam, đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ cả phần thành và phần thị cũng đều suy thoái dần. Lúc này do toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp bị đình đốn, nông dân bị phá sản, lưu vong hàng loạt từ khắp nơi đổ về Thăng Long kiếm sống một cách tuyệt vọng. Thương nhân, thợ thủ công ở Thăng Long không chỉ mất đi cơ sở phát triển được đặt cược ở nông thôn, nông nghiệp mà tại thành phố họ cũng nhanh chóng bị đẩy vào tình trạng bần cùng và phá sản. Thăng Long - Kẻ Chợ 36 phường bắt đầu có sự xô lệch và biến dạng. Tuy thế 36 phường hay cấp phường đã đồng hành cùng lịch sử Thăng Long - Hà Nội vẫn là nét đặc trưng riêng của đô thị Thăng Long - Hà Nội, ngay trong bối cảnh đang bị nông thôn hóa ở nửa cuối thế kỷ XVIII.
 
II. Tổ chức và chức năng của cấp phường ở Thăng Long - Kẻ Chợ
 
Nếu xét thuần túy về mặt nghề nghiệp của cộng đồng dân cư trong phường, có thể dễ dàng nhận thấy ở Thăng Long có khá nhiều phường chuyên làm nghề thủ công, cũng có phường chuyên buôn bán, chuyên trồng trọt thậm chí chuyên đánh cá ở khu vực Hồ Tây..., nhưng không thể chỉ căn cứ vào đó mà cho rằng phường ở Thăng Long chỉ là các phường thợ, phường hội thủ công hay buôn bán như thường thấy ở các làng quê. Hình thức tổ chức theo nghề nghiệp xuất hiện ở Thăng Long từ rất sớm và cũng được gọi chung là “phường”, nhưng loại phường này khác với cấp phường nằm trong hệ thống 36 phố phường là đơn vị hành chính cấp cơ sở của đô thị Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi hoàn toàn tán đồng quan niệm của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng: “Phường ở Kinh thành Thăng Long là một đơn vị hành chính tương đương với xã ở vùng nông thôn. Hoàn toàn không thể đồng nhất phường với phường hội, rằng mỗi phường chỉ sản xuất một mặt hàng thủ công nhất định” [14].
 
Dưới thời Lý, Thăng Long đã có 61 phường và phường là đơn vị hành chính cơ sở có chức năng tổ chức và quản lý cư dân đô thị Thăng Long theo địa vực. Nhà Trần vẫn tiếp tục duy trì tổ chức 61 phường của nhà Lý, tuy nhiên không chỉ cơ cấu tổ chức mà cả việc hoạch định vị trí, quy mô của mỗi phường cũng được tính toán kỹ lưỡng hơn. Không có tư liệu cụ thể cho biết vào thời Lý, phường chịu sự quản lý và lãnh đạo trực tiếp của cơ quan nào ở bên trên. Đồng thời với việc cải tiến bộ máy quản lý ở địa phương (phủ, lộ), Trần Thái Tông đã đặt ty Bình Bạc quản lý Kinh đô (khu vực ngoài Hoàng thành và Triều đình). Phường được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của ty Bình Bạc mà người đứng đầu là An phủ sứ Kinh sư. Như thế bộ máy chính quyền ở Kinh đô lúc đó chỉ có 2 cấp là ty Bình Bạc ở trên và phường ở cơ sở. Người đứng đầu phường lúc đó có lẽ là Phường quan - cũng giống như Xã quan thời Trần và Phường quan chịu sự lãnh đạo của An phủ sứ Kinh sư. Đến khi Trần Thánh Tông đổi ty Bình Bạc thành Đại An phủ sứ thì mặc nhiên phường được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Đại An phủ sứ. Việc quy định thống nhất tổ chức và chức danh người đứng đầu chính quyền ở Kinh đô Thăng Long đã làm cho vai trò và chức năng của bộ máy quản lý hành chính rõ ràng hơn, minh bạch hơn.
 
Theo Phan Huy Chú, chức danh người đứng đầu chính quyền ở Kinh sư đến niên hiệu Khai Hựu (1329 - 1341) được đổi thành Kinh sư Đại doãn, niên hiệu Quang Thái (1388 - 1398) lại đổi thành Trung Đô doãn (Phủ doãn, Thiếu doãn).
 
Vào đầu thời Lê, nếu căn cứ vào Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì ở Thăng Long đã hình thành chính quyền 3 cấp là Phủ (1phủ Phụng Thiên/ Trung Đô) ->Huyện (2 huyện vĩnh Xương và Quảng Đức) ->Phường (36 phường, mỗi huyện đều có 18 phường như nhau). Điều đáng lưu ý là Dư địa chí cho hay cả nước lúc đó chỉ có 59 phường nên có thể nghĩ đến 23 phường còn lại là của các đô thị khác ngoài Thăng Long. Điều này càng có cơ sở để mà tin rằng phường chính là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở đô thị và trên phạm vi cả nước chỉ duy nhất Thăng Long là đô thị có chính quyền ba cấp đầy đủ và qui chuẩn. Người đứng đầu phường lúc này có lẽ vẫn là Phường quan (đến Lê Thánh Tông mới đổi thành Phường trưởng, giống như Xã trưởng ở nông thôn) và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện úy (đến thời Lê Thánh Tông thì đổi thành Tri huyện) phụ thuộc (Vĩnh Xương/ Thọ Xương hay Quảng Đức). Chính quyền cấp huyện là cấp dưới trực tiếp của Trung Đô Phủ doãn và Thiếu doãn (hay Phụng Thiên Phủ Doãn và Thiếu Doãn) là đại diện của chính quyền Đông Kinh thời Lê.
 
Điều đáng lưu ý là đến năm 1490, theo con số chính thức của nhà Lê thì trên phạm vi cả nước chỉ có 36 phường (ít nhất có đến 23 phường ở các đô thị khác ngoài Đông Kinh đã bị mất đi hay không còn được chính thức công nhận là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở đô thị nữa). Như thế lúc này trên phạm vi toàn quốc chỉ có ở Đông Kinh mới có tổ chức phường và số phường ở Đông Kinh dường như là con số cố định, không hề có sự thay đổi suốt trong khoảng thời gian từ ngày đầu thiết lập Vương triều cho đến cuối thế kỷ XV. Tuy số lượng các phường vẫn giữ nguyên như cũ nhưng lúc này số người ở các nơi đổ về Đông Kinh làm ăn, buôn bán ngày càng đông, thành phần dân cư và đối tượng quản lý ở đô thị cũng phức tạp thêm lên, nên những nội dung quản lý cấp phường chắc chắn cũng có nhiều thay đổi so với trước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Dân cư phủ Phụng Thiên, trừ những người quê quán ở phủ đó, gián hoặc có người tuy không phải quê ở đó, nhưng có cửa hiệu, thuế ngạch và nộp thuế, chịu sai dịch với bản phường... Ngoài những kẻ vô loài tạp cư thì nên đuổi đi, còn những người nguyên có hàng chợ, cửa hiệu, trước đây đã biên vào thuế ngạch thì hãy cho được cư trú để buôn bán sinh nhai, cho vào bản phường nộp thuế theo lệ cũ”[15]. Quản lý phường là quản lý cư dân đô thị sinh sống và làm ăn trên phạm vi địa vực phường. Trong bối cảnh quan niệm chính cư và ngụ cư vốn hết sức nặng nề mà nhà Lê chấp thuận cho tất cả những người mới đến Đông Kinh nhưng có cửa hiệu, thuế ngạch (nghĩa là có nghề nghiệp đàng hoàng, chân chính), nộp thuế và chịu nghĩa vụ sai dịch với phường, hoàn toàn có thể trở thành người dân chính thức của phường, thì là một quan niệm cởi mở và phù hợp với yêu cầu phát triển của đô thị[16]. Tuy nhiên khi đi vào xác định chức năng của cấp phường và trách nhiệm cụ thể của Phường trưởng thì dường như nhà Lê lại tỏ ra lúng túng. Lê Thánh Tông đã lấy các quy định về chức danh Xã trưởng vốn được dầy công xây dựng để áp dụng cho Phường trưởng (hay nói một cách khác là nhiều trách nhiệm của Phường trưởng ở đô thị đã được phiên sang từ nhiệm vụ của Xã trưởng ở nông thôn). Một xã lớn theo quy định thời Lê có thể đến 5 Xã trưởng thì ở Thăng Long một phường lớn cũng có đến 5, 6 Phường trưởng[17]. Xã trưởng được phân ra các chức Xã chính, Xã sử, Xã giám thì phường ở Thăng Long cũng có đủ cả Phường chính, Phường sử và Phường giám[18]. Đến việc bảo đảm giới thiệu người tham gia các kỳ thì Hương, Luật đời Lê cũng quy định: “Các Phường trưởng, Xã trưởng phải xét thực trong phường xã mình có các học trò thông hiểu văn bài khai báo cho rõ. Mỗi phường xã lớn 20 người, phường xã vừa 15, phường xã nhỏ 10 người, không được khai quá số ấy”[19]. Ở đây dường như không có sự phân biệt chức năng của phường xã cũng như trách nhiệm của Phường trưởng và Xã trưởng.
 
Hai nội dung quản lý quan trọng nhất ở phường là thu thuế và giữ gìn trật tự an ninh đô thị trên địa vực phường.
 
Riêng việc thu thuế ở Kinh thành Thăng Long, vai trò của Phường trưởng khá mờ nhạt. Nhà Lê giao cho Huyện quan “chiếu số chợ trong các phường, mỗi chợ đặt hai viên Thị chính, cho bản phường chọn lấy viên mục nào giỏi giang liêm thạo thì cho làm. Và xin lại dịch các quan ty như có kê giá mua vật gì, giá bao nhiêu quan, lưu ở bản thị làm bằng. Viên Thị chính chiếu số dẫn nộp, theo kỳ lĩnh tiền, nhưng phải thông tính ngày nào, tháng nào mua vật gì, giá bao nhiêu, đã lĩnh được tiền hoặc chưa lĩnh được, cùng là những tình tệ bị các nhà [quyền thế] trong khu ấy phiền nhiễu sai khiến, đều cho khai đơn rõ ràng đích thực, cứ 3 tháng một kỳ, nộp tại Huyện quan, lập tức chuyển đến công điếm để bằng cứ vào đấy mà tra xét”[20]. Ở đây chỉ thấy trách nhiệm của các viên Thị chính và Huyện quan chứ không thấy vai trò của Phường trưởng. Phạm Đình Hổ trong sách Vũ trung tùy bút còn cho biết thêm: “Theo lệ cũ, chốn Kinh thành không phải chịu thuế dung, thuế điệu, chỉ tính từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang đắp lại nền cắm cờ tướng, dọn cỏ chung quanh cung điện, cung ứng các việc kiến trúc. Họ phải thay phiên nhau sắm đủ dây đòn, câu liêm, thang tre, bó đuốc, thùng gánh nước để theo quân quan Đề lĩnh đi túc trực các nơi điếm canh, phòng khi sai khiến”[21]. Vai trò của Phường trưởng ở chỗ này lại chỉ là đốc thúc công việc sai dịch, nhưng chính công việc sai dịch này, theo Phạm Đình Hổ cũng được quy thành tiền và nếu “không tiền là không xong”[22].
 
Công việc giữ gìn trật tự an ninh đô thị là công việc hết sức nặng nề và quan trọng, nhưng hình như vai trò của Phường trưởng ở ngay trong địa vực mình phụ trách cũng không được quy định cụ thể. Phạm Đình Hổ cho biết: “Kinh thành Thăng Long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người Phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ Doãn, quan Thiếu Doãn kiêm coi việc tuần phủ và việc liêm soát, đốc suất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có quan Huyện úy cai trị. Toàn thành thì cử một quan trọng thần sung chức Đề lĩnh tứ thành quân vụ, phân ra chánh, phó hai dinh, chuyên coi việc cấm phòng, xét hỏi. Song đất Kinh thành đông đúc, nhà ở liền nhau, thường có hỏa hoạn, lại nhiều những kẻ đầy tớ nhà quan, du đãng cờ bạc, gây chuyện đánh nhau, cãi nhau, cùng là những kẻ vô lại trộm cắp, nhiều lắm không kể xiết được, chẳng khác gì lục hải khi xưa là nơi bể cạn, vật sản rất nhiều, mà lại không thiếu một hạng người nào cả. Đời Trịnh An Đô Vương, Nguyễn Công Hãng làm thượng thư cầm quyền chính, mới chia hai huyện ra làm 8 khu, mỗi khu đặt một người Trưởng khu và một người Phó khu: lại chia ra 5 nhà là một tị, 2 tị là một lư, mỗi lư cũng có một Lư trưởng; 4 lư là một đoàn, mỗi đoàn đặt một Quản giám, hai Quản kiểm, dưới quyền người Khu trưởng và trực thuộc quan Đề lĩnh. Đó là phỏng cái ý cổ nhân bảo trợ phù trì lẫn nhau. Phàm những việc phòng hỏa, phòng trộm, và nhất là những việc giao dịch thuế má đều ủy thác cho Khu trưởng, Đoàn trưởng cả”[23]. Có thể hình dung được lư tương đương với ngõ phố và đoàn tương đương như phường, nhưng theo cách tổ chức này thì Đoàn trưởng (Quản giám, Quản kiểm) không phải là Phường trưởng. Điều này góp phần xác nhận một thực tế là công việc quản lý phường ở Thăng Long - Kẻ Chợ không phải quy cả vào cho Phường trưởng (giống như Xã trưởng ở nông thôn), mà bên cạnh Phưởng trưởng còn có khá nhiều các cơ quan chuyên môn cùng đảm trách.
 
III. Cấp phường ở Hà Nội thế kỷ XIX - sự trở lại nguyên mẫu mô hình quản lý nông thôn
 
Sang thời Nguyễn, Thăng Long trở thành thủ phủ của 11 trấn Bắc Thành, rồi bị hạ xuống thành tỉnh thành Hà Nội. Hà Nội có xu hướng nông thôn hóa với tuyệt đại đa số là các thôn, trại mang nặng cơ cấu tổ chức nông nghiệp và thủ công nghiệp. Trên địa vực 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, nghĩa là trên địa bàn của 36 phườ ng xưa, đầu thời Nguyễn có tất cả 250 đơn vị hành chính cấp cơ sở thì số thôn trại chiếm đến 85,20% (213 đơn vị), trong khi đó phường chỉ chiếm 14,80% (37 đơn vị)[24].
 
Dưới đây là thống kê số lượng phường và thôn trại của 13 tổng thuộc 2 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận ở hai thời điểm 1805 và 1837:

Tuy về hình thức số lượng phường không giảm (ở đầu thế kỷ XIX) hay giảm không nhiều (ở giữa thế kỷ XIX), nhưng trong thực tế phần lớn các phường đã biến thành các thôn, trại. Đó là chưa nói đến nhiều phường chỉ là tập hợp của các thôn, trại, hoàn toàn không có chức năng riêng. Có những phường là tập hợp của 6-7 thôn (mà các thôn này lại không nằm trong cùng một tổng). Chẳng hạn như phường Cổ Vũ có 7 thôn thì 5 thôn nằm ở tổng Tiền Túc là các thôn Thượng, Trung, Trung Hạ, An Nội, Thị Vật, còn 2 thôn lại thuộc tổng Tiền Nghiêm là các thôn Bắc Thượng, Bắc Hạ, Phường Báo Thiên có 5 thôn thì các thôn Chùa Báo Thiên, Chùa Tháp thuộc Tổng Tiền Túc, các thôn Thượng Môn, Thượng Môn Hạ, Thượng Đồng Hạ lại thuộc tổng Tiền Nghiêm[25]. Vì phạm vi địa vực của phường thời Lê rất rộng nên khi bị chia nhỏ thành các thôn thì nó chắc chắn phải bao gồm nhiều thôn. Mô hình tổng được đưa vào đô thị Hà Nội khoảng cuối thế kỷ XVIII nhưng trên quy mô lớn hơn và theo một tiêu chí tổ hợp khác, thành thử các thôn thuộc phạm vi một phường thời Lê dễ có thể nằm trong tổng khác nhau của thời Nguyễn. Điều đáng được quan tâm trong trường hợp cụ thể này là phường đã mất đi chức năng quản lý hành chính, chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, trong khi đó các thôn thuộc phường mới là đơn vị hành chính cấp cơ sở đích thực[26].
 
Những khu vực có số phường tập trung nhiều như các tổng Thượng (7 phường), tổng Trung (6 phường) ở khu quanh vực Hồ Tây, tổng Tả Túc (6 phường), tổng Tả Nghiêm (5 phường) lại không phải là những trung tâm kinh tế hàng hóa và đô thị phát triển cao vào đầu đời Nguyễn. Nhiều phường ở đây lại chủ yếu sản xuất nông nghiệp (có kết hợp với thủ công nghiệp) như các phường An Hoa, Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Hồ, Nhật Chiêu, Hồ Khẩu, Bái Ân, Trích Sài, Võng Thị (các tổng Thượng, Trung huyện Vĩnh Thuận), Phúc Lâm, Phục Cổ, Kim Hoa, An Thọ, Hồng Mai (tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương); nhiều phường chỉ là các phường thủy cơ khai thác nguồn lợi sông nước như Đông Trạch, Trúc Võng, Biện Dương, Vũ Xá, Tự Nhiên, Lãng Hồ (tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương). Khu vực Phố cổ với các phố “hàng” trung tâm của 36 phường Thăng Long - Kẻ Chợ, đến thời Nguyễn vẫn còn là nơi phồn hoa, đô hội bậc nhất của đất Long Thành “phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ”, thì lại bị “thôn hóa” gần như hoàn toàn[27]
 
Thời kỳ đầu nhà Nguyễn, người đứng đầu đơn vị hành chính cấp cơ sở ở Thăng Long là Thôn trưởng (cho đơn vị thôn), Trại trưởng (cho đơn vị trại) và Phường trưởng (cho đơn vị phường). Các Thôn trưởng, Trại trưởng, Phường trưởng hầu như không có sự phân biệt chức năng, đều chịu trách nhiệm về mọi mặt quản lý hành chính trên địa vực mình phụ trách (tương đương với cấp xã hay cấp thôn độc lập ở nông thôn). Mỗi phường tùy theo quy mô diện tích và dân số mà có thể có từ 1 đến 2, 3 phường trưởng. Đặc biệt, những phường có từ 2 đến 3 Phường trưởng không nằm trong khu vực kinh tế hàng hóa phát triển mạnh (là phố “hàng”) mà chủ yếu cụm lại ở khu vực Hồ Tây. Đây là các phường mang nặng tính chất nông nghiệp thủ công nghiệp như Yên Thái, Thụy Chương, Yên Hoa, Tây Hồ (có 3 phường trưởng), Nhật Chiêu, Thạch Khối (có 2 phường trưởng). Riêng phường Quan Trạm nằm ở gần Ô Chợ Dừa cũng có 3 phường trưởng. Ký tên trong sổ địa bạ còn có nhiều vị là Sắc mục, Viên mục, Hương lão, Cán đương, Khán thủ.
 
Năm 1828, vua Minh Mạng tiến hành cải tổ lại bộ máy quản lý hành chính cấp cơ sở, chấp nhận cho “các xã thôn, các phường đều đặt một Lý trưởng, định số 50 người trở lên thì đặt thêm 1 Phó Lý trưởng, định số 150 người trở lên thì đặt thêm 2 Phó Lý trưởng. Đều lấy người vật lực cần cán cho làm, do Cai tổng cùng dân làng đồng từ bầu cử, phủ huyện xét kỹ lại, bẩm tâu lên trấn để cấp văn bằng và mộc triện cho. Phàm công việc trong làng đều chịu trách nhiệm...”[28]. Địa bạ Hà Nội lập vào năm 1837 đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định này, hoàn toàn không còn các chức Trại trưởng, Phường trưởng, Thôn trưởng như trước, mà thống nhất một chức vụ Lý trưởng dù đơn vị có là thôn, trại, hay phường. Giúp việc cho Lý trưởng là Phó Lý trưởng, Khán thủ... Tuy nhiên có thể do quy mô của các đơn vị hành chính ở Hà Nội lúc này không lớn cho nên chỉ có 1 thôn Dũng Thọ có 2 Phó Lý trưởng, 2 phường Hà Khẩu, Đồng Xuân, 2 thôn Trừng Thanh Thượng, Tự Tháp mỗi đơn vị có 1 Phó Lý trưởng. Ký tên trong địa bạ thời Minh Mạng còn có các Hương trưởng, Hương mục, Hương lão, Hương dịch, Chức dịch, Dịch mục... Đây là những chức sắc trong Hội đồng Kỳ mục - một tổ chức tự quản mang tính cộng đồng làng xã ở nông thôn đã được đưa vào đô thị trong thời kỳ nông thôn hóa mạnh mẽ. Điều không thể không nhắc tới là chỉ trừ những thôn, phường nằm ở khu vực phố “hàng” huyện Thọ Xương là hầu như không còn ruộng đất công, còn khá nhiều các trại, thôn, phường ở huyện Vĩnh Thuận vẫn duy trì được một số lượng đáng kể ruộng đất công[29]. Đây là một cơ sở rất quan trọng để cố kết người dân thành thị trong một cộng đồng làng quê. Những thôn, phường ở trung tâm phố phường đô hội, tuy không còn ruộng đất công, nhưng lại tìm được các biện pháp hữu hiệu khác để tăng cường quan hệ cộng đồng như triệt để khai thác các mối quan hệ thân tộc, quan hệ nghề nghiệp và nhất là quan hệ kinh quán - cựu quán. Những mối quan hệ này chưa kịp nhạt phai trong các thế kỷ trước, thì bây giờ được củng cố làm sợi dây gắn kết những người dân đô thị lại với nhau trong tình làng nghĩa xóm, với các mối quan hệ tập tục cổ truyền ở thôn quê. Đó là chưa kể đến rất nhiều người kể cả thành công hay không thành công trong cuộc sống làm ăn ở Kinh đô, đều tìm cách quay trở về đầu tư cho nhà cửa, ruộng vườn, các cơ sở sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp ở nông thôn.
 
Nhà nước phong kiến từ chỗ lúng túng, thiếu sự phân biệt rạch ròi giữa cấp phường ở đô thị với cấp xã ở nông thôn, thành thị và mặc nhiên, lấy nguyên tắc tổ chức quản lý cấp xã ở nông thôn để chuẩn định các mặt tổ chức quản lý cấp phường ở đô thị. Như thế có thể hình dung bộ máy tổ chức và quản lý cơ sở ở đô thị Thăng Long - Hà Nội sau hàng thế kỷ liên tục bứt ra khỏi nông thôn, cố tạo lập một mô hình tổ chức quản lý phù hợp với điều kiện đô thị, từ giữa thế kỷ XVIII trở đi dần dần lùi bước và đến đây thì trở lại nguyên mẫu mô hình tổ chức và quản lý nông thôn. Trong lịch sử đô thị và quản lý đô thị Thăng Long - Hà Nội phải coi đây là một sự tụt hậu, mà hậu quả của nó còn nặng nề mãi cho đến tận thời hiện đại.
 
 Thực dân Pháp sau khi chiếm được Hà Nội đã lấy phần lớn huyện Thọ Xương và một phần huyện Vĩnh Thuận làm Thành phố, chia Hà Nội thành 8 hộ (tức 8 khu phố) và dưới hộ là các phố. Lúc này phố là đơn vị hành chính cấp cơ sở. Đứng đầu phố là Phố trưởng (có khi vài ba phố mới đặt một Phố trưởng). Phố trưởng thay mặt Chính quyền Thành phố quản lý trực tiếp dân chúng An Nam về trật tự trị an, vệ sinh thành phố. Tuy không trực tiếp thu thuế, nhưng Phố trưởng có trách nhiệm lập danh sách những đối tượng đóng thuế, theo dõi tình hình đóng thuế của những người đã thay đổi nơi cư trú. Phố trưởng còn phải nắm tình hình sử dụng đất đai, buôn bán, sản xuất và cư trú của các kiều dân châu Á ở địa hạt mình quản lý. Phố trưởng có quyền nhận thực và chứng thực một số giấy tờ, văn bằng...
 
Sau cách mạng Tháng Tám thành công, Hà Nội được chia thành 22 khu phố nội thành và 120 xã ngoại thành. Thực dân Pháp chiếm lại Hà Nội, chia Thành phố thành 8 quận (4 quận nội thành và 4 quận ngoại thành). Dưới quận nội thành là các khu (do Trưởng khu đứng đầu), dưới khu là các phố (do Trưởng phố đứng đầu).
 
Tháng 10 năm 1954, Giải phóng Thủ đô, tiếp quản Thành phố, Ủy ban Hành chính Thành phố được thành lập, chia Hà Nội thành 4 quận nội thành với 36 khu phố và 4 quận ngoại thành với 46 xã. Năm 1958, bỏ cấp quận ở 4 khu vực quận nội thành và tổ chức lại thành 12 khu phố: Hoàn Kiếm, Hàng Cỏ, Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Cửa Đông, Hàng Đào, Trúc Bạch, Văn Miếu, Ba Đình, Bạch Mai, Bẩy Mẫu, Ô Chợ Dừa. Năm 1959, các khu phố này lại được tổ hợp lại thành 8 khu phố là Trúc Bạch, Ba Đình, Đồng Xuân, Hàng Cỏ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Bạch Mai. Năm 1961, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hà Nội được chia ra thành 4 khu phố nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) gồm 363 khối dân phố và 4 huyện ngoại thành gồm 101 xã, 3 thị trấn. Đến ngày 21 tháng 12 năm 1974 các khối dân phố ở nội thành lại được thay bằng các tiểu khu.
 
Ngày 16 tháng 6 năm 1981, cấp quận được thành lập (gồm 4 quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và bên dưới cấp quận là cấp phường (với tổng số 79 phường). Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ngày 26 tháng 9 năm 1981 xác định quy mô phường từ 7.000 đến 12.000 dân và nhiệm vụ của phường chủ yếu là quản lý hành chính Nhà nước, quản lý xã hội và chăm lo phục vụ đời sống dân cư ở phường. Từ năm 1986 thực hiện chủ trương “xây dựng cấp phường thành cấp kế hoạch và ngân sách”, vai trò và cơ cấu tổ chức quản lý toàn diện ở cấp phường càng có điều kiện được tăng cường. Đến đây phường với tư cách là đơn vị hành chính cấp cơ sở sau nhiều thế kỷ bị bãi bỏ, lại được phục hồi trong hệ thống bộ máy tổ chức và quản lý đô thị Hà Nội, nhưng với quy mô, chức năng và nhiệm vụ có nhiều đổi mới so với trước.
 
Thăng Long - Hà Nội là một đô thị sinh thành và phát triển cùng với quá trình hình thành và xác lập quan hệ sản xuất phong kiến với đặc điểm riêng của phương Đông và Việt Nam, trên nền tảng kinh tế xã hội tiểu nông lúa nước. Chính thực tế này đã dẫn đến một hệ quả mà như C.Mác đã từng nhận xét: “Công nghiệp đem áp dụng những nguyên tắc tổ chức nông nghiệp vào thành thị và vào các mối quan hệ của thành thị”[30]. Ở đây không có sự đối lập mà trái lại là sự hòa đồng giữa thành thị và nông thôn. Thăng Long ở giai đoạn phát triển cực thịnh của nó có thể được hình dung giống như một cái chợ khổng lồ, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa các làng chuyên thủ công và mạng lưới chợ, có độ đậm đặc về số dân, hoạt động sản xuất và nhịp độ trao đổi lớn hơn bất cứ một khu vực nào khác trong phạm vi toàn quốc. Đây là một kết cấu hợp lý, bền vững, rất ít biến đổi, làm cho Thăng Long luôn giữ vị trí trung tâm kinh tế, nhưng lại không thể đột khởi trở thành một trung tâm kinh tế tự do kiểu thành thị phương Tây cuối thời trung đại. Điều này đã quy định các đặc trưng của ngành nghề, của dân cư... khiến cho các nhà quản lý đô thị Thăng Long - Hà Nội không thể không chọn một mô hình dung hòa giữa quản lý đô thị và quản lý nông thôn. Cấp phường ở Hà Nội là sản phẩm đặc trưng của quá trình hình thành, phát triển đô thị Thăng Long - Hà Nội, nó có tất cả những cái mạnh, những cái yếu của kinh tế, của xã hội, của con người và văn hóa, của cả hệ thống tổ chức quản lý đô thị Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử.
 
Cấp phường ở Hà Nội là cấp quản lý toàn diện ở cơ sở đô thị theo địa vực phường. Mặc dù đã trải quan nhiều thể nghiệm, nhưng nó cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó quan trọng nhất là cấp phường đã thực sự là cấp cơ sở của chính quyền đô thị hay chưa. Ngày 25 tháng 8 năm 1990 Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3490 quy gọn lại nhiệm vụ và chức năng của cấp phường là thực hiện quản lý Nhà nước và xây dựng phong trào quần chúng trong các lĩnh vực đời sống của địa phương. Như vậy, mô hình cấp phường ngày càng được hoàn thiện. Trên con đường xây dựng hệ thống chính quyền đô thị Hà Nội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, cấp phường và quản lý phường ở Hà Nội có những gì còn có thể tiếp tục phát huy và có những gì phải kiên quyết loại bỏ; mô hình tổ chức và quản lý đô thị Hà Nội (trong đó có cấp cơ sở) ra sao. Đó là một bài toán khó, rất khó, nhưng không thể không tìm ra lời giải đúng đắn, chính xác./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark