19/11/2012 | 18:06:00

Vai trò đô thị Tức Mặc-Thiên Trường với Thăng Long

Thăng Long xưa - Hà Nội nay là chiều dài lịch sử từ năm 1010 đến nay luôn là một đô thị đạt đến đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, quân sự của đất nước. Bởi Thăng Long “ở giữa bốn phương Nam Bắc Đông Tây”, là nơi “bốn phương tụ hội”, nơi trung tâm đất nước. Có thể nói Kinh đô Thăng Long, nơi tập trung cao nhất cơ quan đầu não của đất nước: vua và hoàng gia, quan lại và các cơ quan hành chính cao cấp. Thăng Long là Kinh đô của nhiều triều đại quân chủ Việt Nam: Lý, Trần, Lê (thời Lê đổi Thăng Long làm Đông Kinh). Dẫu rằng, Thăng Long mất 20 năm bị quân xâm lược nhà Minh chiếm đóng và sau này, dưới triều Nguyễn, đời Minh Mạng, Thăng Long được đổi tên là Hà Nội, và Hà Nội chỉ còn tư cách là thủ phủ của một tỉnh. Nhưng Hà Nội vẫn luôn là trái tim của cả nước, vẫn là đô thị lớn nhất nước.
 
 Thăng Long, trung tâm chính trị cao nhất nước. Sự ngự trị của trung tâm chính trị là yếu tố thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển. Đô thị Thiên Trường trong quan hệ với Kinh đô Thăng Long thì sao?
 
 Thiên Trường vốn là hương Tức Mặc, là một trong hai trung tâm chính trị lớn nhất nước Đại Việt thời Trần. Từ năm 1262, Thiên Trường là nơi ở và làm việc của Thượng hoàng. Khi vương triều Trần thiết lập, Trần Cảnh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Kiến Trung vào tháng Giêng năm Bính Tuất (1226) thì đến tháng 10 cùng năm đã “tôn cha là Thừa làm Thượng hoàng ở cung Phụ thiên, phường Hà Kiều về bên tả, khi nào nước có việc lớn thì ở trong mà quyết đoán”[1]. Do nhà vua còn nhỏ tuổi (8 tuổi) nên việc chính sự đều do Thượng hoàng quyết. Cung Phụ thiên ở Kinh thành Thăng Long. Bấy giờ Thượng hoàng ở Thăng Long vì Thiên Trường chưa được đầu tư xây dựng.
 
 Như chúng ta đã biết, thời gian đầu, quê hương Tức Mặc chỉ đơn thuần là quê cha đất tổ, nơi có tiên miếu để các thế hệ con cháu về đây hương khói. “Phú quý bất quy cố hương, như ý cẩm tư dạ hành” (giàu sang mà không trở về quê cũ thì như người mặc áo gấm đi đêm”, Trần Thái Tông năm 1226, sau khi lên ngôi vua đã về hương Tức Mặc làm lễ hưởng ở Tiên miếu, ban yến cho các bô lão trong hương. Song quê hương cũng thường là nơi an hưởng tuổi già sau khi nghỉ việc nước. Nhưng điều đặc biệt của nhà Trần là Thượng hoàng sau khi đã nhường ngôi cho con thì lại vẫn chủ yếu nắm quyền điều hành đất nước. Sử thần Ngô Sĩ Liên bảo: “gia pháp nhà Trần..., con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự. Thực ra chỉ truyền ngôi để yên việc sau, phòng khi thảng thốt mà thôi, chứ mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định cả. Vua nối không khác gì hoàng thái tử cả...”[2]. Thượng hoàng là người giữ vai trò quyết định chính yếu của triều đình, thậm chí còn có thể phế truất cả ngôi vua nếu vua mắc lỗi. Ví dụ như sự việc Trần Anh Tông suýt bị truất ngôi nếu không có Đoàn Nhữ Hài viết bài biểu tạ tội quá xúc động, khiến Thượng Hoàng Trần Nhân Tông phải đổi ý.
 
 Thiên Trường chưa phải là đô thị được chú ý đầu tư xây dựng ngay từ đầu. Cung điện giành cho Thượng hoàng và nhà vua được tiến hành xây dựng ở Thăng Long vào năm 1230, trong đó cung Thánh Từ cho Thượng hoàng ở và cung Quan Triều cho nhà vua ở. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Dần năm thứ 6 (1230). Trong thành dựng cung điện lầu các và nhà lang vũ Đông Tây, bên tả là cung Thánh Từ (nơi Thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở)”[3].
 
 Ở hương Tức Mặc lúc bấy giờ chưa xây dựng cung điện lầu các, mà chỉ có hành cung và Tiên miếu, vua thường về đây làm lễ hằng năm. Sử chép: “Mùa Thu, tháng 8 năm Tân Mão (1231), vua ngự đến hành cung Tức Mặc làm lễ hưởng ở Tiên miếu, ban yến cho các bô lão trong hương, và cho lụa theo thứ bậc khác nhau”[4].
 
 Nhiều năm sau, vào năm 1239 Thiên Trường được đầu tư xây dựng theo quy mô của bậc đế vương, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Tý, năm thứ 8 (1239). Mùa Xuân, tháng Giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó, sai về hương Tức Mặc dựng cung điện nhà cửa”[5].
 
 Năm 1262, Tức Mặc từ quy mô của một “hương” được chính thức nâng cấp lên “phủ”. Sử chép: “Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường”. Song không phải đến thời điểm này Thiên Trường mới được gọi là “phủ” mà phủ Thiên Trường đã được gọi từ năm 1255: “Mùa Đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung phủ Thiên Trường[6]. (Đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã thống kê phủ Thiên Trường gồm 4 huyện: huyện Giao Thủy có 79 xã, 33 trang; huyện Nam Chân có 109 xã, 6 thôn; huyện Mỹ Lộc có 51 xã; huyện Thượng Nguyên (xưa là Thượng Hiền có 78 xã, (?) thôn, 1 trại)[7]. Đến năm 1262 phủ Thiên Trường được xây dựng quy mô hơn trước: “Cung gọi là Trùng Quang, lại làm cung riêng cho vua nối đến chầu ở, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa thờ Phật ở phía Tây cung Trùng Quang, gọi là chùa Phổ Minh. Từ đấy về sau các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này. Vì thế đặt sắc dịch hai cung để hầu hạ, lại đặt quan lưu thủ để trông coi”[8]. Như vậy, tới thời điểm 1262, ở Thiên Trường và Thăng Long đều có cung điện cho Thượng hoàng và nhà vua. Ở Thăng Long có cung Thánh Từ và cung Quan Triều, thì ở Thiên Trường có cung Trùng Quang và cung Trùng Hoa. Cũng từ năm 1262, các Thượng hoàng sau khi nhường ngôi đều về cung Trùng Quang, ở trở thành quy định mang tính chất “luật lệ”. Từ đó trở đi, bộ máy giúp việc Thượng hoàng được hình thành ở Thiên Trường. Những năm sau đó, Thiên Trường còn tiếp tục được xây dựng nhiều cung điện, nhiều kiến trúc khác. Khai quật khảo cổ học năm 2005 của Viện khảo cổ học cho thấy, rất nhiều hiện vật kiến trúc cung điện ở Thiên Trường giống như ở Hoàng thành Thăng Long.
 
 Thiên Trường được mô tả qua các bài thơ thật đẹp đẽ, thanh bình và đầy dấu ấn của một đế đô. Trong bài thơ Hộ giá Thiên Trường thi sự, Phạm Sư Mạnh đã viết:
 
 Đông Kinh hình thắng củng thiện phù,
 
 Cơ nghiệp hoằng khai vạn thế mô.
 
 Thủy lãng ngọc hồng sơn thủy quốc,
 
 Bính môn kinh thuyết đế vương tô.
 
 Hải thành thổ cống bao cam quất,
 
 Thiên thuộc quân trang vệ trục lô.
 
 Đại giá niên niên tuần cố trạch,
 
 Nhạc kỳ xuyên hậu tác tiền khu.
 
 (Hình thắng Đông Kinh hệ ấn vàng
 
 Muôn năm cơ nghiệp mở huy hoàng
 
 Sông xanh, cầu ngọc miền sơn thủy
 
 Cửa biếc cung vàng đất đế vương
 
 Cam quýt ngon tươi dâng thổ sản
 
 Thuyền cờ hùng mạnh rực quân trang
 
 Mỗi năm thánh giá về quê cũ
 
 Thần núi sông đi trước dẫn đàng...)[9]
 
 Chức quan cai quản Thăng Long và Thiên Trường là An phủ sứ. An phủ sứ phủ Thiên Trường và An phú sứ Kinh sư được đào tạo cẩn thận. Người giữ chức An phủ sứ phủ Thiên Trường phải kinh qua An phủ sứ cấp lộ (phủ). Tuy nhiên, cũng có trường hợp, xét thấy thực tài thì cũng được giữ chức An phủ sứ Thiên Trường. Sử chép, năm 1317, “Thượng hoàng ngự cung Trùng Quang, Lang trung Hình bộ là Phí Trực theo hầu. Chức An phủ Thiên Trường khuyết, sai Trực kiêm làm. Lúc ấy giặc cướp mới nổi, tên Văn Khánh là đầu sỏ giặc. Có người bắt được một tên giặc đưa nộp quan, bảo là Văn Khánh. Đến lúc xét hỏi tên ấy liều nhận là Văn Khánh, ai cũng cho là thực, duy có Trực vẫn lấy làm ngờ, án để lâu không quyết. Thượng hoàng hỏi tại sao, Trực trả lời: “Mạng người rất trọng, trong lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám xử quyết càn bậy”... Đầy một năm, quả nhiên bắt được Văn Khánh.Thượng hoàng do đấy khen Trực là giỏi”[10].
 
 An phủ sứ ở Thăng Long không những phải kinh qua An phủ sứ cấp lộ để làm An phủ sứ Thiên Trường, mà sau đó còn phải qua khâu khảo duyệt để làm Thẩm hình viện sự, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư: “Tháng 3 năm 1265, đổi Bình bạc ty ở Kinh sư làm An phủ sứ. Theo chế độ trước, An phủ sứ phải qua trị nhậm ở các lộ, đủ lệ khảo duyệt thì cho vào làm An phủ sứ thủ Thiên Trường; lại làm đủ lệ khảo duyệt thì bổ làm Thẩm hình viện sự, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư (Cương mục chép là Đại an phủ sứ - tác giả chú)”[11]. Năm 1341, An phủ sứ Kinh sư được đổi làm Kinh sư đại doãn, đến năm 1394 được đổi là Trung đô doãn. Nhà Trần rất coi trọng chức vụ đứng đầu Kinh thành và như tư liệu trên cho biết, triều đình có một chế độ tuyển chọn rất cẩn thận và thực tế. Vì vậy, xuất hiện nhiều viên quan cai trị Thăng Long có đức, có tài như Nguyễn Trung Ngạn,v.v.
 
 Chức quan đứng đầu Kinh sư thường cao hơn phủ Thiên Trường. Trung đô (tức Kinh sư) có Đại Doãn, Tổng quản, Đại an phủ sứ. Năm 1344, chức quan đứng đầu Thiên Trường được đổi là Thái phủ, Thiếu phủ. Sử chép: tháng 2 năm Giáp Thân (1344) “Đổi Hành khiển ti ở cung Thánh Từ làm Thượng thư sảnh... Phủ Thiên Trường thì đặt Thái phủ và Thiếu phủ”[12].
 
 Để quản lý các sắc dịch phục vụ tại hai cung Trùng Quang và Trùng Hoa có quan Lưu thủ. Chức Lưu thủ được đặt ở Kinh sư và ở Thiên Trường. Ở Thăng Long, chức Lưu thủ cho Hoàng tử làm trong khi vua ra ngoài. Ở Thiên Trường, quan Lưu thủ chưa hẳn đã do hoàng tử làm. Thậm chí có lúc người giữ chức Lưu thủ lại là người có đức, có trung mà thiếu tài.
 
 Nếu như ở Thăng Long có Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng dưới Triều Lý, trường học đầu tiên ở nước ta và triều Trần kế thừa, thì việc dựng nhà học ở phủ Thiên Trường mãi đến năm 1281 mới lập: “Tháng Giêng năm Tân Tỵ (1281), lập nhà học ở phủ Thiên Trường, cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học. (Lệ cũ của nhà Trần, quân sĩ Thiên Thuộc không được học văn nghệ, vì là sợ khí lực kém đi)”[13]. Điều đó chứng tỏ rằng trung tâm chính trị chuyển về đâu thì ở đó có các cơ quan chức năng ra đời để thực hiện nhiệm vụ của mình. Về mặt tổ chức hành chính, nhà Trần rất coi trọng Thiên Trường.
 
 Thượng hoàng ở Thiên Trường có thể ra lệnh triệu tập triều đình đến họp bất cứ lúc nào. Sự kiện năm 1299, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường về Kinh đột xuất, quan trong triều không ai biết cả. Lúc ấy vua Trần Anh Tông uống rượu sương bồ say quá khiến Thượng hoàng rất giận liền quay trở về Thiên Trường và ngay lập tức “xuống chiếu cho các quan ngày mai phải đến họp ở phủ Thiên Trường để điểm mục, ai trái thì xử tội”[14].
 
 Như vậy, có thể thấy mối quan hệ của Thiên Trường với Thăng Long ở các khía cạnh sau:
 
 1. Thiên Trường là nơi làm việc của Thượng hoàng, người có quyền tối cao điều hành triều đình, đồng thời là người trực tiếp rèn luyện người kế vị ngôi vua. Quan hệ giữa Thăng Long và Thiên Trường là mối quan hệ của những trung tâm quyền lực tối cao của xã tắc và hoàng tộc. Trong quan niệm của nhà Trần, tông miếu xã tắc là một.
 
 2. Đô thị Thiên Trường ra đời xuất phát từ nhu cầu riêng của triều đại Trần, đó vừa là quê hương vừa là nơi chỉ đạo vua con và triều đình. Thiên Trường đối với các triều đại trước và sau triều Trần chỉ còn là một đơn vị hành chính như các địa phương khác trong cả nước.
 
 3. Thăng Long vừa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự của đất nước, vừa là Kinh đô không chỉ của triều Trần mà còn là Kinh đô của triều Lý trước đó và triều Lê sau này. Nó có sự trường tồn của một đô thị nghìn năm văn hiến, những nghi lễ mang tính chất quốc gia đều được tiến hành ở Thăng Long. So với Thăng Long, Thiên Trường chưa có bề dày lịch sử của một đô thị trung tâm trời đất, nhưng lại là nơi đầy uy lực đối với vua và hoàng tộc nhà Trần và đương nhiên cũng đầy uy lực đối với các địa phương khác trong cả nước.
 
 4. Như trên đã nêu, nếu Thăng Long là trung tâm của nhiều lĩnh vực thì Thiên Trường nổi bật hơn cả là trung tâm chính trị[15] và dường như thiếu vắng bộ mặt thương mại mang tầm quốc gia của một đô thị gần Thăng Long.
 
 5. Vì Thăng Long là trung tâm đất nước, vì Thiên Trường vừa là trung tâm quyền lực của hoàng tộc, lại vừa là căn cứ bảo vệ hoàng tộc rút lui chiến lược khỏi Thăng Long trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên, nên nhà Trần bảo vệ rất cẩn thận bằng các vị trí của các thái ấp do các vương hầu quý tộc nhà Trần cai quản.
 
 Những người chủ thái ấp thời Trần đều là những người tài giỏi nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư... Xem xét vị trí địa lý của các thái ấp ta mới thấy hết được vai trò quân sự, chính trị của nó như thế nào. Và, các thái ấp dọc đường nước từ Thăng Long đến Thiên Trường được bố trí để bảo vệ Thiên Trường ra sao.
 
 Nếu lấy Thăng Long làm tâm điểm, trong số 12 thái ấp[16] theo nghiên cứu của tôi thì phần lớn các thái ấp nằm ở phía Nam Thăng Long, bảo vệ phía Nam Thăng Long, Bắc Thiên Trường và phía Nam Thiên Trường như: Cổ Mai, Quắc Hương, Độc Lập, Dưỡng Hòa, Dương Xá, Thanh Hóa, Nghệ An (7/12) được phân bố ở các địa bàn trọng yếu của đất nước:
 
 - Cửa ngõ phía Nam Thăng Long: thái ấp Kẻ Mơ của Trần Khát Chân.
 
 - Trục đường nước Bắc - Nam, nối hai trung tâm chính trị lớn nhất nước Thăng Long - Thiên Trường có các thái ấp Dưỡng Hòa (Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam) của Trần Khánh Dư, Quắc Hương (Thành Thị, Vụ Bản, Nam Định) của Trần Thủ Độ, Cao Đài (Thành Thị, Bình Lục, Hà Nam) của Trần Quang Khải.
 
 - Vùng phủ Long Hưng: Thái ấp Dương Xá (Hưng Hà, Thái Bình) của Trần Nhật Hạo.
 
 - Vùng phên dậu phía Nam: Thái ấp Văn Trinh (Quảng Xương, Thanh Hóa) của Trần Nhật Duật, Diễn Châu (Nghệ An) của Trần Quốc Khang.
 
 Tuy nhiên, để thấy rõ hơn vai trò của các thái ấp trong việc bảo vệ Thiên Trường, chúng tôi xin phép giới thiệu ba thái ấp ở Dưỡng Hòa, Quắc Hương, Cao Đài. Đây là những thái ấp gần Thiên Trường và giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Thiên Trường.
 
 - Thái ấp của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư ở Dưỡng Hòa (nay thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)
 
 Dựa vào tư liệu địa phương, chúng ta biết được thái ấp của ông ở làng Dưỡng Hòa. Theo bản Thần tích Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư ở làng Vọng Trung, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi Trần Khánh Dư lập điền trang. Bản thần tích sau khi kể lại sự việc Trần Khánh Dư về khai hoang lập ấp ở Vọng Trung và sống ở đó cho đến khi ông hơn 80 tuổi. Sau đó “vương trở về ấp phong[17] Dưỡng Hòa”. Dưỡng Hòa, thái ấp của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, trong thời kỳ quân Minh xâm lược, làng này đã bị san bằng vào đầu thế kỷ XV. Sau khi quét sạch quân xâm lược Minh ra khỏi bờ cõi, nhân dân về đây lập làng. Làng Dưỡng Hòa được lập lại trên đất Bài Áng cũ đời Trần. Làng có con hào lớn bao quanh. Nên nhân dân quen gọi tên làng là Danh (dạnh = rãnh = hào). Dưỡng Hòa, tên gọi ban đầu là Dương Xá. Khu vực Dưỡng Hòa hiện còn một số địa danh liên quan đến thái ấp và phạm vi thái ấp: “Thượng tựu quán trâu, hạ chí chợ Sàng, dài khoảng 10 km, hai đầu có hai cột đá hạ mã”[18]. Diện tích hào bao quanh làng khoảng 307 mẫu. Diện tích ruộng đất khoảng 1.250 mẫu, trong đó có khoảng 10 mẫu ruộng tế. Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, tuyệt đại bộ phận ruộng đất ở đây đều là ruộng công. Trong làng hiện còn khu “mả vua”, đền thờ Trần Khánh Dư. Thái ấp Dưỡng Hòa là chốt bảo vệ phía Nam Thăng Long và phía Bắc Thiên Trường. Vào Dưỡng Hòa chỉ có một con đường duy nhất phía Bắc. Tại đền thờ Trần Khánh Dư còn câu đối:
 
 “Tức Mặc danh hương hoa cố quận
 
 Dưỡng Hòa, thái ấp thụ nghiêm từ”
 
 (Tức Mặc, quê làng nổi tiếng đất xưa,
 
 Dưỡng Hòa, thái ấp có đền thờ nghiêm trang)[19]
 
 Nội dung câu đối trên còn cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Tức Mặc và thái ấp Dương Hòa.
 
 - Thái ấp của Trần Thủ Độ ở Quắc Hương. Quắc Hương, tên Nôm là làng Vọc, nay là xã Thành Thị, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Những di tích liên quan đến thái ấp Quắc Hương còn lại nằm trong khu vực khoảng 3km2. Vị trí địa lý của Quắc Hương nằm ở vùng ngã ba sông Châu, sông Sắt, trấn giữ và bảo vệ đường nước phía Bắc hành cung Tức Mặc (phủ Thiên Trường). Phía Đông Quắc Hương là sông Ninh Giang chảy ra sông Hồng. Trong bối cảnh chung của vùng nước trũng, bố trí một thái ấp ở đây đã khiến vị trí này trở thành một cứ điểm quân sự. Trần Thủ Độ vừa có trách nhiệm giữ vững an ninh ở khu vực vốn đã từng là “điểm nóng” chống lại triều Trần của công chúa nhà Lý[20], vừa phải thiết lập ở nơi này một trung tâm điểm bảo vệ Tức Mặc, quê hương nhà Trần.
 
 - Thái ấp của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải ở thôn Độc Lập, phủ Thiên Trường (nay là thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam).
 
 Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải là một trong những tướng cầm quân chủ chốt. Ông vừa là nhà quân sự tài ba, vừa là nhà chính trị xuất sắc, nhà ngoại giao tài giỏi. Ổng đã cùng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và triều Trần làm nên chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng. Trong đó thái ấp Độc Lập của ông đóng vai trò không nhỏ, là một cứ điểm bảo vệ cho Thiên Trường.
 
 Thái ấp Độc Lập nằm ở vị trí ngã ba sông Vị Hoàng và Ninh Giang, cận kề với Thiên Trường. Về giao thông đường bộ, thái ấp nằm cạnh đường thiên lý (đường cái quan từ phủ Thiên Trường lên Thăng Long). Từ đường Thiên Lý vào thái ấp có một con đường thẳng, rộng bằng đường cái quan, quanh năm không hề bị ngập nước, dân gian gọi là đường Cao.
 
 Về giao thông đường sông, từ thái ấp có thể theo đường sông Ninh (Ninh Giang) vào sông Châu ra sông Hồng để lên Kinh đô Thăng Long, lại có thể theo sông Vị Hoàng, sông Đáy vào sông Vân đến Trường Yên. Lại có thể theo sông Vĩnh đến cung Trùng Quang, nơi ngự của Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai (1285), thái ấp Độc Lập là một trong những phòng tuyến bảo vệ vùng phía Nam của đất nước Đại Việt, bảo vệ cung Thượng hoàng, bảo vệ cuộc rút lui chiến lược của hoàng tộc từ Kinh đô Thăng Long về Thiên Trường. Tuy thái ấp ở cách sông Hồng không xa, nhưng giặc Mông - Nguyên, mặc dù đã rải quân tạm chiếm đóng dọc sông Hồng từ Thăng Long đến Thiên Trường, vẫn không thể tiêu diệt được căn cứ - thái ấp Độc Lập, vì xung quanh thái ấp là sông, ngòi, lạch không thể di chuyển bằng thuyền lớn, lại là vùng trũng, nước mênh mông nên kỵ binh của giặc không thể vào được.
 
 Như vậy, Thiên Trường - Kinh đô thứ hai, không chỉ là quê hương của nhà Trần mà ở đây còn nổi bật hơn cả trung tâm chính trị, cơ quan đầu não của đất nước và hoàng tộc nhà Trần. Thiên Trường còn là trung tâm văn hóa, hành chính của cả nước. Sự ngự trị của Thượng hoàng - vua cha khiến Thiên Trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với vương triều Trần và được nhà Trần hết sức bảo vệ. Những công trình kiến trúc ở Thiên Trường cho thấy, quy mô của Thiên Trường đồ sộ như một đế đô của Phạm Sư Mạnh đã mô tả “Cửa biếc cung vàng đất đế vương” trong bài thơ nêu trên./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark