24/10/2012 | 21:14:00

Hội thảo “Phát triển nhiên liệu sinh học bền vững” tại HN

Sắn năng suất cao trồng ra không có nơi tiêu thụ, dự án đầu tư hàng nghìn tỷ sản xuất nhiên liệu sinh học phải “đắp chiếu” vì nhà đầu tư muốn bỏ cuộc, xăng sinh học E5 dù mang lại lợi ích lớn là bảo vệ môi trường nhưng lại chưa hấp dẫn người tiêu dùng nên chỉ được tiêu thụ “èo uột” tại 150/12.000 cây xăng trong cả nước.

Đây là những hệ lụy không mong muốn sau gần 5 năm triển khai Đề án của Chính phủ về “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2020” trong điều kiện thiếu một cơ chế chính sách đồng bộ và cụ thể.

Khổ vì nhiên liệu sinh học

Đã gần hết năm 2012 tức là chậm tiến độ khoảng 1 năm so với cam kết ban đầu nhưng Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vẫn chưa biết ngày nào đi vào hoạt động khiến cho nhiều hộ dân của Phú Thọ trót đầu tư tiền của trồng sắn năng suất cao KM94 (sắn Ethanol) đang “ngồi trên đống lửa” vì không có chỗ tiêu thụ sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hoàng Công Thủy đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo “Phát triển nhiên liệu sinh học bền vững” do Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp tổ chức ngày 24/10 tại Hà Nội.

Ủng hộ chủ trương của Chính phủ về phát triển nhiên liệu sinh học, hàng trăm hộ dân trong vùng quy hoạch 5 ha của Dự án nhà máy sản xuất Ethanol đã phải di dời chỗ ở để nhường đất cho dự án. Tỉnh cũng đã triển khai quy hoạch 8.000 ha đất vùng nguyên liệu tại 3 huyện đặc biệt khó khăn của Phú Thọ là Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập với kỳ vọng “hai trong một” là đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho Dự án và giúp nông dân các huyện này xóa đói giảm nghèo. Do vậy, việc dự án chậm vào hoạt động khiến nhiều mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Phú Thọ bị ảnh hưởng lớn, ông Thủy nhấn mạnh.

Lý giải về sự chậm tiến độ này, đại diện PVN-cổ đông đang nắm giữ 39% vốn góp Dự án Ethanol Phú Thọ là Chủ tịch Phùng Đình Thực thừa nhận: Chẳng nhà đầu tư nào dám đổ tiếp tiền vào dự án phát triển nhiên liệu sinh học bởi sản phẩm làm ra không bán được và càng làm càng lỗ.

Theo ông Thực, 9 tháng qua, cả ba doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng sinh học là PV Oil, Petec và SaigonPetro mới chỉ bán được ra thị trường hơn 15.000 m3 xăng sinh học E5, tương ứng với nhu cầu tiêu thụ 750 m3 nhiên liệu Ethanol, bằng công suất sản xuất trong 2,5 ngày của một nhà máy. Vì vậy, các nhà máy sản xuất Ethanol đã phải chấp nhận xuất khẩu Ethanol sang một số nước lân cận với mức giá 13.000 đồng/lít, thấp hơn cả giá thành sản xuất 2.000 đồng/lít trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt để tránh tồn kho quá lớn và có tài chính duy trì sản xuất.

Trầy trật vì thiếu đồng bộ

Chỉ ra nguyên nhân khiến Đề án 177 triển khai không thành công, ông Võ Tấn Nhơn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Công nghệ Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Với các mục tiêu lợi ích lớn lao là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, nhưng đến nay Đề án 177 vẫn bị vướng là do Nhà nước thiếu chính sách đồng bộ, cơ chế ưu đãi cụ thể với từng đối tượng tham gia vào Đề án.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch PVN Phùng Đình Thực khẳng định: Việc Nhà nước “thả” nhà đầu tư tự thân “vẫy vùng” với nhiên liệu sinh học trong giai đoạn “trứng nước” mà không có các chính sách quyết liệt hỗ trợ kịp thời đã khiến cho sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

Trong khi đó, Bộ Công Thương với vai trò quan trọng trong chỉ đạo điều hành triển khai Đề án lại chỉ có các gợi ý chính sách chung chung thay vì có các đề xuất chính sách cụ thể gắn với quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nhiên liệu sinh học vẫn bị áp các mức thuế giống như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường khác.

Thực tế cho thấy, các nước láng giềng thành công trong phát triển nhiên liệu sinh học như Thái Lan hay Philipin đều có chính sách bắt buộc sử dụng xăng sinh học, có cơ chế hỗ trợ thiết thực với doanh nghiệp sản xuất và phân phối, hỗ trợ tuyên truyền lợi ích sử dụng nhiên liệu sinh học… giúp giá thành sản phẩm xăng sinh học thường thấp hơn so với giá xăng thông thường đáng kể, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen dùng xăng thông thường, ông Thực nhấn mạnh.

Cần sớm ban hành lộ trình cụ thể

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ nhờ có các quy định bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế vì các mục đích bảo vệ môi trường.

Tại Ấn Độ, Chính phủ nước này đã thực thi thành công chính sách bắt buộc pha 5% Ehtanol trong 10 tiểu bang, giúp cho Ấn Độ đang trở thành một trong bốn quốc gia có sản lượng Ethanol sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thế giới. Tương tự như vậy, Philipin đã trở thành nước tiêu thụ nhiên liệu sinh học lớn trong khu vực nhờ việc thông qua Luật Nhiên liệu sinh học 9367 năm 2007 bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học với tỷ lệ Ethanol biến tính ít nhất 5% trong tổng nhu cầu xăng được bán và phân phối tại mỗi công ty xăng dầu trên toàn quốc.

Trong khi đó, tại Việt Nam, lộ trình cụ thể thực hiện Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học; trong đó có quy định chi tiết về tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, thời gian áp dụng… vẫn chỉ đang ở giai đoạn Dự thảo. Vì vậy, việc sớm thông qua Lộ trình cụ thể sẽ là mấu chốt quan trọng để triển khai thành công Đề án nhiều lợi ích này, ông Cường khẳng định.

Gợi ý các giải pháp nhằm gỡ vướng cho Đề án 177, chuyên gia Prissana Prakanwiwat đến từ Viên Nghiên cứu Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT) cho biết: Xăng sinh học tại Thái Lan có mức giá rẻ hơn xăng truyền thống 1,5 baht/lít nhờ các chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, Quỹ hỗ trợ Dầu và thuế bảo tồn năng lượng. Nhờ vậy, người tiêu dùng Thái Lan chấp thuận sử dụng xăng sinh học.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ rõ ràng, chương trình phát triển nhiên liệu sinh học của Thái Lan cũng thành công còn là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành liên quan như Tài chính, Nông nghiệp, Công nghiệp, Năng lượng để có sự đồng bộ giữa đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng phân phối và truyền thông nhằm giúp người dân hiểu rõ lợi ích của sử dụng nhiên liệu sinh học.

Đồng tình với các quan điểm này, ông Võ Tấn Nhơn cũng cho rằng, bên cạnh việc sớm đề ra các cơ chế hỗ trợ cụ thể như thuế ưu đãi với nhập khẩu thiết bị sản xuất nhiên liệu sinh học để tạo điều kiện giảm giá xăng sinh học, Nghị định 84 của Chính phủ về quản lý xăng dầu cần sớm sửa đổi để cho phép các cây xăng được làm đại lý tiêu thụ xăng dầu của nhiều đầu mối.

Đặc biệt, Lộ trình thực hiện Đề án 177 cần quy định rõ vai trò của Nhà nước và Chính phủ, trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân trồng nguyên liệu thì mới có thể triển khai thành công Đề án nhằm mang lại lớn ích lớn lao cho môi trường, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng như giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, ông Nhơn chỉ rõ./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark