12/03/2010 | 18:46:00

Khi người làng trở thành công dân thủ đô

Đất nông nghiệp nhanh chóng được bêtông hóa. (Ảnh: TT&VH)

John Kleinen, phó giáo sư Nhân học, Đại học tổng hợp Amsterdam (Hà Lan) đã có ít nhất 30 năm gắn bó với Hà Nội và Việt Nam, nếu tính từ thời điểm ông sang Hà Nội lần đầu tiên năm 1979, trong một chương trình vận động góp quỹ xây dựng ngôi trường Phổ thông trung học Hà Nội - Amsterdam.

Cho đến nay, ông là một trong số không nhiều các nhà khoa học nước ngoài có những nghiên cứu nhân học và xã hội học khách quan, độc lập về đời sống xã hội Việt Nam. Ông từng có một thời gian dài sống ở một ngôi làng dệt lụa tơ tằm truyền thống (sau này, trong sách nghiên cứu, ông gọi là làng Tơ) thuộc địa phận Hà Đông, Hà Nội, trong năm 1992.

Cuốn sách "Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ" - một nghiên cứu về biến đổi xã hội từ thời Pháp thuộc đến Đổi Mới của một ngôi làng đồng bằng Bắc Bộ (Nhà xuất bản Đà Nẵng và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2007) là kết quả của quãng thời gian đó cùng với rất nhiều thời gian khác dành cho nghiên cứu Việt Nam.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông John Kleinen về Hà Nội những ngày này với nhiều thay đổi lớn lao nhưng vẫn còn đó những dùng dằng với quá khứ…

- Thưa ông, từ sau quãng thời gian sống ở ngôi làng dệt lụa thuộc Hà Đông (trước thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc địa phận Hà Nội) mà ông gọi là làng Tơ năm 1992, lần gần đây nhất ông quay lại đó là khi nào và ông nhận thấy điều gì biến đổi nhất ở đây?

- Hầu như năm nào tôi cũng sang Việt Nam và nhất định phải thu xếp thời gian để về lại đó (làng Tơ). Tôi gắn bó với nơi đó lắm và mấy thế hệ người làng ở đó đều biết tôi và nhớ tôi rồi. Duy chỉ có năm nay sang Việt Nam tôi làm việc chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh nên có lẽ không thu xếp về lại đó được.

Vì vậy, lần gần đây nhất theo câu hỏi của bạn là năm ngoái. Khi ấy, tôi đã thấy làng đang bị bao vây bởi rất nhiều khu chung cư cao tầng rồi, như thể là chúng sắp sửa nuốt chửng ngôi làng ấy. Vài năm trước, đứng ở rìa làng, tôi còn nhìn thấy được rất xa về phía trung tâm Hà Đông...

- Cách đây hai tuần, tôi có vào thăm làng La Khê, gần làng Tơ của ông. La Khê nay thành một phường của Hà Đông, không còn đất nông nghiệp, người dân sống nhờ vào các dịch vụ quanh khu di tích Bia Bà và buôn bán vặt hàng ngày...

- Tôi cũng tự hỏi liệu sẽ xảy ra những gì với người dân ở ngôi làng mà tôi từng sống cùng, gắn bó cùng nhau bao lâu nay... Trước tốc độ mở rộng của đô thị hóa về phía Hà Đông tôi nhận ra là ngôi làng của tôi có khi rồi cũng sẽ trở thành một phường thuộc Hà Nội.

Thành phố này là sự kết hợp của những ngôi làng, và cho đến nay, vẫn vậy. Đi sâu vào những khu vực dân cư lâu đời, vẫn còn đấy những đình, chùa của riêng từng nơi, và tên làng được đặt theo tên đình, chùa đó. Ví dụ, Kim Liên, Ngọc Hà, Nhật Tân, Quảng Bá...

Tôi còn nhớ lần đầu tiên sang Hà Nội, năm 1979, đạp xe đạp quanh khu vực Hồ Tây, những khu vực quanh đó như Quảng Bá, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên... là đất trồng hoa. Theo thời gian, Hà Nội tiến lên hiện đại hóa và công nghiệp hóa, và những làng hoa truyền thống bao quanh nó dần trở thành "làng trong thành phố," người dân ở đó thành người dân sống ở phố (city dwellers) nếu họ không dời chuyển đi nơi khác...

- Cảm giác của ông ra sao khi nghe tin Hà Tây, nơi có ngôi làng của ông, thuộc về địa phận thủ đô Hà Nội? Theo ông thì đâu là cơ hội cho những người dân làng khi trở thành công dân của một thủ đô?

- Tôi được đặt chân đến làng Tơ lần đầu tiên trong năm 1992, khi đó tỉnh Hà Tây mới được thành lập. Sự kiện này xảy đến trong khi trước đó, tôi đã hoàn thiện khá nhiều thủ tục giấy tờ hành chính với tên tỉnh cũ Hà Sơn Bình. Thế là lại phải làm lại tất cả từ đầu... Câu chuyện này được nhớ lại khi tôi nghe tin Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Cho đến tận lúc ngồi nói chuyện với bạn đây, tôi vẫn tự hỏi tại sao chuyện tách, nhập tỉnh ở Việt Nam cứ hay xảy ra vậy...

Về câu hỏi thứ hai của bạn, tôi sẽ trả lời ngược lại. Có một quá trình xảy ra trong các thành phố lớn, khi những người giàu có hơn mua lại đất đai, nhà cửa của những cộng đồng nghèo khó hơn. Kết quả là trong cộng đồng nghèo khó hơn ấy, thu nhập bình quân đầu người tăng, quy mô gia đình trung bình giảm.

Trong nhiều trường hợp, sự phát triển này đem lại những kết quả tích cực. Song với những gì tôi thấy được, đặc biệt ở Hà Nội, thì đã xảy ra một sự phát triển ngược. Lấy ví dụ về việc giải phóng mặt bằng để mở "con đường đắt nhất hành tinh" theo cách gọi của các bạn. Chính quyền muốn mở một con đường để giải quyết nạn kẹt xe nên trả một khoản tiền lớn đền bù cho người dân.

Mặt tiêu cực là sau khi thông đường, khu vực đất đai hai bên thành nơi của đầu tư bất động sản và chủ yếu là để xây dựng văn phòng, cho thuê cửa hàng, nhà hàng. Hệ quả buồn cho dân chính gốc ở đó là họ phải dời đến ở trong những căn hộ chung cư nhỏ hẹp, nơi họ vẫn tiếp tục lối sống từ xưa khi còn quần tụ trong một cộng đồng ở nơi chốn cũ, là nuôi gà trên ban công, bán bia hơi ở lối ra vào tầng một...

Rõ ràng là người dân không bị bắt buộc phải dời đi song sự đề xuất về một khoản tiền đền bù lớn dẫn đến những lựa chọn không mong muốn, không phải là khát vọng sâu thẳm của họ.

Trở lại với "con đường đắt nhất hành tinh," có bao nhiêu nhà hàng, cửa hàng đẹp đẽ ở đó là của người dân sở tại còn lại? Bao nhiêu trong số đó cần thiết cho họ, hoặc họ có thể mua sắm, chi trả? Ngay ở quanh làng Tơ của tôi giờ đây, tôi biết rõ là có nhiều đất được bán hoặc chuyển nhượng cho những kẻ đầu cơ vốn chẳng có dây mơ rễ má gì với ngôi làng...

- "Sự phát triển ngược" như ông vừa đề cập đến cũng luôn là một chủ đề bàn luận nóng trên truyền thông trong nước và ngay cả trong các câu chuyện bàn trà của người dân. Với con mắt người ngoài như ông, có cách nào để đảo ngược sự phát triển này?

- Tôi nghĩ là những nhà quy hoạch cho thành phố nên hết sức cẩn thận khi đối diện với nhiệm vụ to lớn này nếu không muốn lặp lại các sai lầm. Điều quan trọng là nên tiếp xúc, trao đổi nhiều hơn nữa với người dân, đưa ra các sáng kiến phát triển và cùng với họ thảo luận.

Hiểu được khát vọng sâu thẳm của họ về cuộc sống và tìm cách đáp ứng chúng, như vậy, sự phát triển mới thuận cho cộng đồng. Một ngôi làng trở thành phường, người nông dân sẽ sống lâu dài và bền vững bằng gì khác hơn nữa chứ không thể mãi chỉ trông vào một khu di tích, phải không bạn?

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark