09/03/2010 | 15:38:00

Mùng một Tết - Ngày của ấm áp và sum vầy

Hoa đào ngày tết. (Ảnh: Internet)

Thế là mọi công việc vất vả một năm đã chấm dứt. Mấy tháng trời chuẩn bị công phu, lo toan gánh gồng đè nặng đôi vai lo cho cái Tết đã xong xuôi.

Lo đụng con lợn từ một, chạp, lo tháng củ mật, nào buộc lại cái hàng rào, thay chỗ tường nứt nẻ, làm lại chiếc cánh cổng xã bản lề, dọn chuồng gà vào nơi kín đáo để đề phòng kẻ trộm...

Tháng củ mật này là đáng sợ lắm, tuần đinh trai tráng canh gác thì cũng có đấy nhưng có thân có của thì tự lo trước đã.

Nghìn vàng hoa, bộ mũ Ông Công, Ông Táo đã có, lấp lánh giấy tráng kim trên bàn thờ, bó nhang đen, cuộn nhang vòng, mấy cây nhang sào cũng đã đủ.

Mấy chiếc áo của lũ trẻ bên nhà đã may xong, đã lấy về, gớm cái ông thợ may ngày Tết làm cao. Chiếc áo dài của cụ cùng đã mặc thử, chiếc thắt lưng hoa đào cô con gái năm nay mới lớn đã nhuộm tươi thật là tươi.

Bộ đồ thờ chỉ bằng gỗ chứ không bằng đồng như ông Cả ông Hai được đánh bằng gio bằng trấu bóng lộn, mà nước sơn then đã long lở đi chút cũng đã được lau chùi sạch sẽ, bày ngay ngắn đâu ra đấy trên bàn thờ...

Mâm bồng ngũ quả đã đầy đủ: nải chuối xanh, quả bồng, mấy trái cam, quả khế mọng nước, quả ớt sừng chân chín đỏ, mấy quả táo vườn nhà tròn như viên bi, như viên ngọc màu vàng... trông mà tươi mà đẹp, chắc năm nay nhà ta làm ăn khấm khá đây.

Việc tảo mộ cũng đã xong xuôi từ hôm hăm ba. Lạy trời lạy phật, lạy tổ tiên phù hộ cho các cháu tốt lành...

Nồi bánh chưng là vất vả nhất, nào rửa lá cho thật sạch, lau cho thật kĩ thì bánh mới không thiu, mới để được đến rằm tháng riêng.

Nào là vo gạo, đãi đỗ, nào đóng cái khuôn cho vuông vức, nào mâm bó lạy cho mềm... cả việc thu gọn khúc củi khô, cành nhãn gẫy, chiếc thang giường mọt, cùng với chiếc chổi cùn, rế rách, chiếu nát, gộc tre đào từ mùa hè… tất cả cũng đã xếp thành đống để sẵn sàng cho lửa đượm thâu đêm đến sáng.

Và nồi bánh chưng đã vớt, đã ép, đã đặt lên bàn thờ cái đẹp nhất để thắp hương các cụ...

Nồi thịt đông đã đông, cứ lo mãi nếu trời nồm mà không nổi gió bấc thì nó vữa. Hai thanh tre già để ép chiếc giò thủ cũng đã cởi ra, vứt và góc vườn, thế là món giò thủ năm nay chắc ngon chắc đẹp.

Không hiểu còn thiếu thứ gì nhỉ, cha và mẹ cứ quẩn quẩn quanh quanh trong nhà, nhẩm tính xem đã đủ hết chưa.

Trầu cau, bánh trái, mứt ngọt, trà thơm, bình vôi đã tôi, gói vôi bột đã rắc ra sân ra rãnh, ra cống. Liễn muối đã đầy, chục diêm, bó nến cũng đã nắm kia... Tết không thể sang nhà hàng xóm xin ít lửa, mượn bao diêm hay vay tí muối... rông chết.

Tóm lại, trăm thứ bà rằn, nghìn thứ lặt vặt, từ cổ tam cúc thật còn thơm mùi mực in, mớ rau mùi già để đun nước rửa mặt, đôi quai guốc đã đóng lại cho chắc chắn chưa, đến bó hoa huệ, cành hải đường làm hoa thờ, cùng là tờ giấy trắng tinh, chiếc bút đầy mực để ông khai bút đầu Xuân.

Đúng là suốt tháng trời, ai cũng hỏi nhau nhà bác, nhà anh năm nay ăn Tết thế nào, nên công việc cứ tít mù, nhưng tít mù mà vui vẻ, mà háo hức, nhất là mấy đứa trẻ trong nhà hí hửng chờ bộ quần áo mới, chờ mừng tuổi, chờ vốc từng vốc mứt trứng chim cho vào túi và vừa chơi vừa ăn ngoài sân đình, ngoài đầu ngõ.

Đã qua đêm giao thừa. Hồi trống động thổ đầu tiên cụ Từ dóng lên ngoài đình, nhà nhà thắp hương cúng giao thừa ngay giữa sân, cúng trời cúng đất, cúng thêm tuổi mới. Hình như lòng ai cũng xao xuyến trong phút giây đầu tiên nghe được cả tiếng đất trời thiêng liêng trong hơi sương, hơi gió, trong lời khấn khứa, tụng niệm, trong hơi thở phập phồng lồng ngực.

Cúng xong, cha đã ra vườn hái lộc. Trong đêm ba mươi Tết, trời tối đen như mực, dù rằng bây giờ đã qua giờ tý, đã năm mới nhưng bầu trời không một vì sao, bao nhiêu làng xa phố gần chỉ có âm thanh mà ít ánh đèn ánh đuốc.

Cha tìm đến khóm cây chọn từ chiều, hái hú họa một cành, chỉ một cành nhỏ xíu, vài ba chiếc lá, đem vào ánh đèn, ánh nến mà đếm lá đếm hoa theo ước vọng thầm đã tự dịch với mình, rồi cha cắm lên bình hoa trên bàn thờ.

Không hiểu từ lúc nào, ai đi ngủ, ai thức đến sáng, không có quy thức nào định sẵn, chỉ biết một việc là đã hoàn tất một núi công việc suốt mấy tháng trời.

Sáng nay là sáng mùng một tết, hầu như cả nhà đều dậy sớm hơn ngày thường.

Không hiểu từ lúc nào mà mẹ đã làm sắp xong mâm cỗ Tết, còn cha thì khăn đóng áo dài, chỉnh tề, mặt tươi rói chờ ông bà mặc xong quần áo để mừng tuổi cha mẹ mình.

Chỉ riêng lũ trẻ hình như choàng dậy sau một giấc mơ đầy ước vọng và chờ đợi. Không sao, chưa có khách đến xông nhà, nên cũng chưa có ai được ra khỏi nhà.

Trước hết là mẹ và chị giục đàn em đi rửa mặt bằng nước lá mùi già. Lạ thật, cây lá mùi già quen thuộc trong bữa ăn, bỗng hôm nay trở thành mùi nước hoa thơm thế, nhiều người còn cho rằng nó còn thơm suốt một đời người.

Trong chiếc chậu thau đồng, đôi ba hạt quả, vài chiếc lá mùi chìm xuống đáy, khác hẳn ngày thường, nước sao mà buốt thế.

Hôm nay đúng là ngày Tết nên khác quá, ấm quá, thơm quá, cứ muốn ngâm tay mãi, rửa mãi.

Quanh tâm ghế nhựa giữa nhà, cha mẹ mừng tuổi ông bà, ông bà mừng tuổi con mình, và các cháu mình đang quây quần đông đủ. Những đồng tiền nhỏ bé nhưng mới, chưa một nếp gấp nào, và những đồng xu, hào... được trao vào tay tất cả mọi người.

Bà và mẹ nhai trầu, ông và cha nâng chén trà gì không biết, sao mà thơm thế, những làn khói mờ ảo, bay lượn, hình như nó cũng là Tết, góp mặt với Tết, chứ ngày thường, chỉ có tiếng điều cày và tiếng ừng ực bát nước vối, nước chè tươi.

Tiếng pháo nổ (ấy là nói về một thuở đã xa) cùng tiếng guốc trên đường, tiếng râm ran ngoài ngõ, lan dần vào cổng vào sân vào cửa, thì ra chú Ba cùng các anh các chị con nhà bác đến xông nhà.

Người khách đầu tiên đến nhà được coi là khách Tết, khách xông nhà, là người xởi lởi, vui vẻ, may mắn, dễ tính, ăn nên làm ra, trong nhà không có tang, gọi chệch đi là không có "hụi"... Khách mang đến cho nhà niềm vui mới, sự may mắn, làm ăn tấn tới.

Bao giờ thì chủ nhà cũng hồ hởi, cứ như hàng chục năm chưa hề gặp nhau dù rằng mới chiều hôm qua, tức chiều ba mươi, cha và bác đã gặp nhau, đã hẹn nhau sáng nay đến xông nhà.

Với các em bé thì mấy xu, mấy hào tiền mừng tuổi là vui nhất, nó nằm trong túi, chỉ lát nữa thôi sẽ biến thành dây pháo hoa cà hoa cải, thành bộ bài tam cúc giả in nhòe nhoẹt, thành mấy viên kẹo bi giòn tan, thành những tờ giấy màu xanh đỏ tím vàng để làm trò chơi hay dán thủ công.

Người lớn chúc mừng nhau, mừng tuổi nhau, tiếp nhau điếu thuốc, chén chà thơm thật nóng, mở chai rượu mới, chúc nhau những gì qua hơi men nồng ấm.

Nào làm ăn phát đạt, buôn bán thì nhất bản vạn lợi, đi làm thì thăng quan tiến chức, đi học thì văn hay chữ tốt, chiếm bảng vàng, con gái thì đắt chồng, con trai thì đắt vợ, các bà chúc nhau có của ăn của để, mấy ông hay đi xa thì thuận buồm xuôi gió, các cụ già thì thọ ngoài trăm tuổi.

Nếu là có họ hàng, gần hay xa cũng thế, khách sẽ thắp ba nén nhang trên bàn thờ, vái mấy cái đầy lòng thành kính.

Cũng theo thông lệ, khách xông nhà và khách Tết nói chung không ai ngồi lâu. Chỉ giập bã trầu hoặc tàn nửa điếu thuốc lá, khách đã xin phép đứng lên để ra về.

Đã có thời khách đến xông nhà và tiễn khách xông nhà đều có tràng pháo nổ. Nay chỉ còn lời chúc, lời chào, cái cúi đầu tiễn ra tận cổng.

Đến lúc này ngày mùng một Tết mới coi như được bắt đầu. Mẹ bưng mâm cỗ lên cúng đầu tiên. Đúng là có một phép thần thông biến hóa, không hiểu mẹ dậy từ lúc nào, làm từ lúc nào mà mâm cỗ đầy đặn ngon lành đến thế. Giò nem ninh mọc, đĩa này đĩa khác, chẳng thiếu thứ gì... Tuy nhiên hãy còn sớm, mâm cơm cúng chưa phải là bữa ăn.

Ông còn ra đình lễ Thánh, bà lên chùa lễ Phật, cha đi xông nhà người khác, còn lũ trẻ thì đã được phép chạy ùa ra đường hí hửng cùng chúng bạn. Có lẽ chỉ có mẹ và chị lớn là phải cặm cụi trong nhà, lo thêm mọi việc, từ cơi trầu đến mọi việc khác có khi phải quá ngọ sang chiều mới ngơi tay, mới nghĩ đến việc đi chúc Tết họ hàng hay bè bạn.

Và cũng từ phút này, nhà ai cũng có nhiều khách Tết đến vui mừng, tùy theo quan hệ họ hàng, bạn học hay bạn làm ăn.

Tết Việt Nam không phải là Tết vui ngoài công cộng. Nó thực sự là tết sum họp, tết vui vầy đầm ấm trong mỗi gia đình Hà Nội.

Có tục đi đón giao thừa Hồ Gươm, nhiều nơi có trò chơi ngoài đình, ngoài bãi nhưng quan trọng nhất vẫn là Tết gia đình. Có lẽ vì thế mà rất ít nhà đón khách, mời khách đến nhà mình ăn cỗ, cũng như rất ít người đến nhà bạn ăn cỗ Tết.

Trưa đã đến, đôi ba nơi quan trọng nhất cần đến chúc Tết thì ông hoặc cha đã đi xong. Buổi sáng mùng một Tết này là quan trọng nhất, quý nhất, thiêng liêng nhất, nên đi chúc Tết là đến nơi quan trọng nhất như đến nhà bác cả, đến nhà cha mẹ, đến nhà ai đó mình chịu ơn sâu nặng.

Và đến lúc này mâm cỗ mới ngả xuống. Cả nhà quây quần, bao nhiêu chuyện vui ngày Tết vừa gặp sáng nay hay đã gặp hôm qua hôm kia, gọi là "trong năm", chuyện mưa thuận gió hòa hay chuyện mùa màng buôn bán.

Chỉ có một điều là không ai nhắc đến những điều không may, những điều xấu, những rủi ro, những mất mát kể cả tên những con vật mà mọi người cho là xấu một cách oan uổng như con chó con khỉ cũng không được ai nhắc đến.

Đây là bữa cỗ quan trọng nhất trong một năm, nó là bữa ăn đầu tiên cho cả một năm đang đến... Ngày thường không có rượu thì hôm nay cũng có chiếc bánh chưng đầu tiên cắt quân cờ thành 8 miếng, và bao nhiêu món ngon, không thể nào kể hết, ăn hết.

Bữa cỗ không như ngày thường, nó được kéo dài hơn, thong thả hơn.

Sang chiều, hình như ngày mùng một Tết này ngắn lắm, nên không ai có thể nghỉ trưa. Phải đi chúc Tết tiếp những nơi cần mà sáng nay chưa đến kịp, cũng lại phải ở nhà để tiếp khách đến mừng tuổi Tết.

Vì thế mà đã có nhiều cảnh vui một cách khôi hài, anh đến nhà tôi trong khi tôi đang trên đường đến nhà anh, cứ như chiếc đèn kéo quân chạy vòng tròn, mà không gặp được nhau.

Biết trước là thế, nhưng không thể không đi. Không đi là thất lễ. Đến uống một chén nước rồi xin phép ra về cũng được. Đến, gặp bà chủ nhà hoặc nhắn các cháu rằng bác đến, chú đến nhưng bố các cháu đi vắng cũng là làm xong một nhiệm vụ ngày Tết thiêng liêng cao cả nhất trong năm.

Bà lên chùa đã về, lộc phật là phần oản, quả chuối bà đặt lên bàn thờ. Khẩu trầu thì bà đang nhai, có khi bà cho mẹ. Mặt bà, mặt mẹ hồng nay đều hồng hào, cũng như có chút men cay, bố cũng tươi cười hơn hẳn mọi  ngày.

Chiều xế, ngọn đèn ba dây được châm lên, bây giờ có điện đèn điện bật lên, sáng vàng, sáng trắng hòa lẫn vào ánh đèn thờ, ánh nến, chấm đỏ đầu những cây nhang làm gian nhà thêm thiêng liêng, thêm ấm cúng.

Mâm cỗ chiều được dọn ra. Bao nhiêu chuyện ngày hôm nay, nào là đi chúc Tết được những ai, ai đã đến chúc tết nhà mình, ai đến và có lời nhắn lại... bọn trẻ bé thì giở tiền mừng tuổi ra đếm lại, ra khoe.

Hình như không bao giờ có được một buổi chiều kỳ lạ như buổi chiều mùng một Tết. Tại thời tiết hay tại lòng người?

Vì phong tục hay niềm vui từ xa xưa vọng lại? vì mỗi người đều có dịp tổng kết lại một năm, đâu là lòng thành, điều thiện? Chính những chiều mùng một Tết như thế đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ từ ngàn xưa đến nay.

Trong ánh chiều đã xuống, ngoài kia đã có những bước chân người đi vội. Còn trong này, trên chiếc ổ rơm bập bềnh như con thuyền và ấm rực hương đất quê xóm mạc, chị gái mở tấm bài tam cúc mới tinh, rủ các em lại chơi bài.

Tết mới được phép chơi bài lá. Ba mươi hai quân, có lúc tứ tử chờ, bộ ba cọc cạch tức chết đi được, nên có người gọi là chơi "tam cúc."

Bà và mẹ không chơi để cho các con các cháu chơi cho thỏa mái. Đánh tam cúc ăn dẹt vào má vào tay, có khi ăn mấy que tăm, mấy que diêm, nhưng vui thì không để đâu cho hết.

Có khi có một anh chàng trai nào đó đến chơi ghé, thì ra đó là người bạn của chị gái, đã được cha mẹ cho phép và anh chị chơi tài thật, cứ thắng luôn. Thì ra hai người bảo nhau cũng hơn một người. Cũng không hiểu ván bài tam cúc bao giờ thì tan.

Nhang trên bàn thờ đã châm tiếp. Mẹ đã dọn ra bữa cỗ phụ trong ngày Tết. Trời rét, nhiều món nấu đã phải đun lại.

Nhìn ra ngoài sân, tối đen như mực. Nhiều người nói rằng, ngày hôm nay, mùng một Tết, thằng kẻ trộm cũng phải ở nhà để cúng ông bà tổ tiên nó, nên nó không thể đi ăn trộm, ta không còn phải lo.

Tết, có năm mưa gió, có năm rét ngọt, có năm đẹp trời. Chuẩn bị cả tháng sau một năm vất vả, ngày mùng một Tết là ranh giới giữa cũ và mới, giữa thiêng liêng đất trời và trần thế con người...

Không hiểu sao, năm nào cũng có ai đó cất nên một câu nói ngắn gọn, người lớn thì cho là bình thường, nhưng người bé thì lại hơi buồn, và cho là không đúng: "thế là hết Tết"./.

Băng Sơn

Bản để in Lưu vào bookmark