11/10/2012 | 12:41:00

Lập lại trật tự ATGT ở Hà Nội: Bài 1 - Ngang nhiên phạm luật

Dù đã tăng cường xử phạt cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song việc lập lại trật tự kỷ cương, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn là bài toán khó.

Bên cạnh sự bất cập về hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng thì hầu hết nguyên nhân được xác định là do ý thức chấp hành luật pháp yếu kém của người tham gia giao thông. Hệ lụy của nó là tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí năm sau luôn cao hơn năm trước ...

Mặc dù Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội và ngành giáo dục đã có quy định cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền và xử phạt, nhưng thực tế cho thấy, tình trạng trên vẫn diễn ra khá phổ biến.

Ghi nhận vào giờ tan tầm tại nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn một số quận nội thành như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân cho thấy điều đó. Ðể tránh bị phát hiện, nhiều học sinh này đã gửi xe máy tại các địa điểm trông, giữ xe gần trường.

Đơn cử như Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng) hay Trường trung học phổ thông Việt Đức (Hoàn Kiếm), Trường trung học phổ thông dân lập Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình), chỉ cách cổng trường vài chục mét, có tới ba, bốn điểm giữ xe cho học sinh. Số lượng xe máy gửi tại đây khá nhiều với đủ chủng loại, từ xe số tới các loại xe tay ga phân khối lớn. Đến giờ tan trường, các em leo lên xe, đầu trần không mũ bảo hiểm, mặc áo khoác, đeo khẩu trang, để che đồng phục rồi vô tư hòa vào dòng xe đông đúc.

Tình trạng vi phạm này thể hiện qua báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Năm học 2011-2012, Phòng CSGT Thành phố Hà Nội đã bắt giữ, xử phạt và gửi danh sách về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xử lý vi phạm gần 400 học sinh. Còn ngay trong những ngày đầu năm học 2012-2013- khi quyết định cấm học sinh đi xe máy đến trường có hiệu lực- cảnh những “cậu ấm, cô chiêu” đèo đôi, kẹp ba, rồ ga, tăng tốc trên đường đến trường không hiếm.

Sự ngang nhiên vi phạm này đã thể hiện qua ngày đầu tiên ra quân xử lý vi phạm an toàn giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), chỉ sau vài giờ đồng hồ, Đội Cảnh sát giao thông số 7 đã xử lý 55 trường hợp. Trong số những người vi phạm có tới 1/5 là học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy và không đội mũ bảo hiểm. Tại Đội CSGT số 1 và số 2, con số vi phạm cũng tương tự.

Nhưng theo đánh giá của Trung tá Nguyễn Thanh Ca, Đội phó đội 4 Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội: Số liệu xử phạt trên thấp hơn nhiều so với thực tế. Các em học sinh có thể gửi xe ở các hộ dân mà thẩm quyền của nhà trường không thể xử lý được. Còn bản thân lực lượng Cảnh sát giao thông cũng không thể kiểm soát hết lượng học sinh đi xe máy nên khó có thể ngăn chặn việc học sinh tham gia giao thông bằng xe phân khối lớn. Đó là chưa nói đến các em học sinh tìm cách "lách chốt", chọn đi trên những tuyến đường không có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ.

"Vi phạm của các em học sinh tập trung ở các lỗi như chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp sau khi kiểm tra giấy tờ xe, lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện một số học sinh lớp 10, chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, nhưng có mang theo cả hung khí và bình xịt hơi cay giấu trong cốp xe máy. Nhưng đáng nói là không ít trường hợp bị lực lượng chức năng lập biên bản và gửi giấy thông báo về nhà trường, địa phương, song vì nhiều lý do mà những thông báo này không đến đúng địa chỉ"- Ông Nguyễn Thanh Ca bức xúc nói.

Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội 6 Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội, cho biết: Những năm qua, đặc biệt là từ đầu tháng 8/2012, đơn vị đã phối hợp với nhà trường, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Nhưng tình trạng sinh viên, học sinh vi phạm vẫn còn rất nhiều. Tình trạng này chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, mất an toàn cho bản thân người điều khiển phương tiện và cộng đồng.

Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã gửi hơn 55.000 thông báo tới các cơ quan, trường học, địa phương nhưng nhận được hồi âm rất ít, chưa đầy 4%. Đơn vị đã phải đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các cấp khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan công an phải có trách nhiệm giáo dục cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Không chỉ học sinh, vi phạm Luật giao thông đường bộ còn có sự "góp sức" tích cực của người lớn ở nhiều tầng lớp, độ tuổi. Sự "nhờn luật" này diễn ra dưới nhiều hình thức, từ không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đến "đùa giỡn" khi tham gia giao thông tại các cầu vượt.

Mới đây, một clip trên mạng ghi lại những hình ảnh vi phạm luật giao thông như: Ôtô đi lấn làn; xe máy quay đầu; xe đạp đi vào đường cấm; người đi bộ len lỏi rồi băng qua đầu cầu... ngay trong ngày đầu hai chiếc cầu vượt ở tuyến giao thông trọng điểm tại ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc, Thái Hà - Láng Hạ (26/4/2012) đã gây sốc cho người xem về thói tùy tiện khi tham gia giao thông ở Hà Nội. Chính vì thói tùy tiện này mà cách đây chưa lâu, trên cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc đã xảy ra vụ hai xe môtô va quệt gây thương tích cho chính nạn nhân.

Trước cảnh "nhờn luật" trên, bà Nguyễn Vân Hà, 32 tuổi, ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, than phiền: Tôi khó hiểu là vì sao những người tham gia giao thông trên cầu vượt lại sẵn sàng quay đầu xe, phạm luật? Họ hình như không sợ nguy hiểm? Rõ ràng là do ý thức tham gia giao thông còn kém!". Còn anh David James, một du khách người Mỹ phàn nàn: “Đến Hà Nội thì đáng ngại nhất là tham gia giao thông. Đi đường ai biết việc của người đó. Đó như một trò chơi mạo hiểm, mà ở đó nếu sai một bước tôi sẽ bị mất tính mạng chỉ trong tích tắc”.

Nhưng lo ngại hơn, những nhức nhối từ ý thức chấp hành luật pháp yếu kém của người tham gia giao thông còn là việc dùng "nắm đấm" để giải quyết mâu thuẫn tưởng chừng như rất nhỏ. Trong đó, không ít trường hợp đã dẫn đến án mạng như các vụ ở Lò Đúc, Giải Phóng, Nghi Tàm, Hàng Hành...

Nhận xét về thực trạng đáng lo ngại này, một lãnh đạo Phòng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC 14) Công an Hà Nội nói rằng: Việc sẵn sàng dùng vũ khí để giải quyết mâu thuẫn nhỏ cho thấy tính manh động, bất chấp pháp luật và coi thường tính mạng người khác của các đối tượng. Việc các đối tượng, phần lớn chưa có tiền án, tiền sự nhưng lại hành xử côn đồ như vậy là vấn đề đáng lo ngại về đạo đức, văn hóa ứng hiện nay./.

(Còn nữa)

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark