11/11/2012 | 15:47:00

Lễ Thức và phong tục dân gian ở đất Thăng Long

Khi xem xét lễ thức phong tục Thăng Long, đó là mối quan hệ giữa lễ thức - phong tục dân gian với lễ thức - phong tục cung đình, chính thống.

Lễ thức - phong tục Thăng Long là một bộ phận của nền văn hóa Thăng Long, một nền văn hóa có cội nguồn từ nền văn minh sông Hồng và nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đó là nền văn hóa bản địa phương Nam, nền văn hóa nông nghiệp lúa nước thuộc khu vực văn hóa Đông Nam Á, khác hẳn với văn hóa phương Bắc - văn hóa Trung Hoa, về bản chất.

Núi sông bờ cõi đã riêng,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

(Bình Ngô đại cáo)

Đó là lời tự khẳng định đanh thép của Nguyễn Trãi, nhà văn hóa Việt Nam, nổi tiếng ở thế kỷ XV. Nhưng sớm hơn thế, chính Trần Phu, viên sứ nhà Nguyên, sau khi tới Thăng trong thời Trần, cũng tã từng nhận xét:

“Phong tục của đám dân thấp kém ở đây đơn bạc chẳng ra gì, Mà lễ nhạc như của Trung Hoa không thấy có”

(Hạ tục kiêu phù thậm,

Trung Hoa lễ nhạc vô)

(An Nam tức sự)

Lời lẽ có phần miệt thị, song chính đó lại là bằng chứng hùng hồn, khách quan, nói lên bản lĩnh, bản sắc của văn hóa Việt mà viên sứ thần phương Bắc đã tận mắt chứng kiến trên đất Thăng Long.

Trong hơn một ngàn năm đô hộ, cũng như trong các thời kỳ tạm chiếm sau này, bọn phong kiến Trung Hoa đã tìm đủ mọi cách đề tiêu diệt và đồng hóa văn hóa Việt. Hà Nội thời kỳ “tiền Thăng Long” có nhiều thế kỷ liên tục là trị sở của bọn đô hộ phương Bắc, và hàng ngàn năm sau trong kỷ nguyên Đại Việt lại giữ vị trí trung tâm của đất nước. Do đó, nơi đây đã trở thành nơi phải đấu tranh gay go nhất, quyết liệt nhất nhằm chống lại chính sách đồng hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược và bành trướng. Sử sách thành văn cùng với bao nhiêu truyền thuyết dân gian và “sử miệng” đã phản ánh khá trung thực về cuộc chiến đấu này. Rốt cuộc văn hóa Hán chẳng những không đồng hóa nổi văn hóa Việt, mà trái lại, đến lượt mình, văn hóa Việt lại thâu hóa những yếu tố thích hợp trong văn hóa Hán để làm giàu cho kho tàng văn hóa dân tộc. Điều đó cũng được thể hiện rõ trong lễ thức và phong tục của Thăng Long - Hà Nội.

Có những phong tục, lễ tiết rõ ràng là gốc Hán, nhưng ở đây chúng chỉ còn cái tên gọi chứ nội dung thì đã khác xa.

Chẳng hạn như tết Hàn Thực, mồng ba tháng ba âm lịch. Ở Trung Hoa tết này vốn bắt nguồn từ tục kiêng lửa và được giải thích theo tích truyện Giới Tử Thôi, một công thần của vua Tấn, vì oán giận vua quên công nên đã chịu chết cháy ở trong rừng, nhân dân thương tiếc nên hàng năm cứ đến ngày đó lại kiêng đốt lửa và ăn nguội (Hàn thực) để ghi nhớ. Tất nhiên, đây chỉ là một lễ tục nông nghiệp cổ đại của Trung Hoa, đã được dân gian lịch sử hoá, và sau đó đan xen vào văn hoá Việt. Các sách cổ Trung Quốc ghi chép về lễ tục này đều có nói đến tục cấm lửa. Và chính nhờ đó mà ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt với ngày Tết tương tự của Việt Nam.

Có thể dẫn một cuốn sách soạn từ đời Lương, đó là sách Kinh Sở tuế thì kí, chuyên ghi chép phong tục nước Sở, đã ghi như sau: “Sau Đông chí 105 ngày, gọi là tết Hàn Thực, kiêng lửa 3 ngày” . . .

Vậy mà ở Việt Nam, dân gian chỉ gọi Tết này với cái tên nôm na quen thuộc là tết bánh trôi bánh chay, và chẳng hề kiêng lửa, dù chỉ một ngày. Xin lưu ý thêm, bánh chay có lẽ xuất hiện muộn hơn, vì các sách phong tục cổ của ta chỉ thấy nói đến bánh trôi mà thôi (1). Còn cái tên Hàn Thực cũng chỉ có trong sử sách, chứ dân gian hầu như ít gọi. Lại nữa, Tết này ở ta chỉ cúng gia tiên chứ không ai cúng Giới Tử Thôi. Các sách Giao Chỉ thông chí của Trung Quốc, An Nam chí lược của Lê Trắc, tác giả người Việt, sống lưu vong ở Trung Quốc thời Nguyên, đều ghi rằng, Tết mồng 3 tháng 3 dân gian làm bánh trôi dâng cúng tổ tiên, quan liêu sĩ thứ uống rượu làm vui.

Riêng ở Hà Nội, thì tục ăn bánh trôi lại gắn với lễ tục tưởng niệm Hai Bà Trưng. Vào ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch, tức ngày Hai Bà Trưng hi sinh vì nước, dân làng Hát Môn có tục làm bánh trôi dâng cúng. Trước ngày này, dân làng không ai ăn bánh trôi. Theo tục, phải nặn 100 viên nhỏ, tế Hai Bà xong thì đặt 49 viên vào trong lá sen, rồi thả xuống sông Hát cho trôi ra biển. Có thuyết cho rằng vì thế mà có tên “bánh trôi”, và 100 viên là tượng trưng cho một bọc 100 trứng của bà Âu Cơ.

Đấy là nói về nội dung lễ tục của Tết Hàn Thực ở Việt Nam và ở Trung Quốc. Còn thực ra ngày 3 tháng 3 âm lịch thì ở Trung Quốc chính là Tết Thượng Tị chứ không phải Tết Hàn Thực . Sách Hậu Hán Thư ghi: “Ngày Thượng Tị tháng 3, quan dân đều tắm giặt cho sạch sẽ ở dòng nước chảy ra biển”. Đây là lễ tiết thanh khiết nhằm ý nghĩa cầu mạnh khỏe sống lâu, trừ bỏ những cái chẳng lành. Ở Trung Quốc, lễ tiết này cũng đã mấy lần thay đổi. Theo Tấn thư thì từ đời Ngụy trở về sau, lấy ngày 3 tháng 3 chứ không lấy ngày Tị nữa.

Theo Từ Hải, thì từ năm Dân quốc 19,Trung Quốc đã bỏ ngày Thượng Tị (Ngày Tị của thượng tuần tháng 3 gọi là Thượng Tị), và thay bằng ngày 3 tháng 3 dương lịch. Ở ta, ngày nay không còn thấy tết Thượng Tị. Nhưng ngày xưa chắc rằng đã có lúc tết Thượng Tị mồng 3 tháng 3 trùng hợp với Tết Hàn Thực . Sách Giao chỉ thông chí còn ghi: “Mồng 3 tháng 3 là Tết Thượng Tị, làm bánh trôi…” Dầu sao thì ta cũng thấy rằng cả hai lễ tục này khi chen lấn vào lễ tục Việt Nam, lễ tục Thăng Long, chúng đã bị hòa nhập làm một, mà về thực chất, chúng đã biến dạng, không còn giống với nơi phát sinh ra chúng nữa. Những thí dụ tương tự còn có thể kể ra nhiều.

Một điều nữa không thể không nói đến khi xem xét lễ thức phong tục Thăng Long, đó là mối quan hệ giữa lễ thức - phong tục dân gian với lễ thức - phong tục cung đình, chính thống.

Thăng Long vốn là đất đế đô của các triều đại phong kiến, vì vậy không tránh khỏi có những ảnh hưởng qua lại giữa lễ tục cung đình với lễ tục dân gian. Trong tiến trình lịch sử có những lễ tục vốn là của cung đình, nhưng được nhân dân hưởng ứng, nên dần dần đã bị dân gian hóa, hoặc mang đậm màu sắc dân gian, hoặc cũng biến thành tục của dân gian. Chẳng hạn, tục ăn thề ở đền Đồng Cổ và tục thả chim trong ngày lễ tắm Phật. . . chính là những ví dụ như vậy.

Tục mở hội thề mồng 4 tháng 4 tại đền Đồng Cổ (trống đồng) ở Thăng Long, vốn là một lễ tục của các triều đại Lý, Trần, Lê để ràng buộc các quan phải giữ vững lòng trung đối với nhà vua. Nhưng theo sử cũ cho biết. thì ngày hôm đó, cả nhân dân và đặc biệt là trai gái cũng đứng chật đường như một ngày hội lớn. Và về sau thì tại đền Đồng Cổ, chẳng những chỉ có vua quan theo lệ tới ăn thề, mà cả nam nữ thanh niên của kinh thành cũng tới để thề thốt việc trăm năm như một lễ tục thiêng liêng để ràng buộc lẫn nhau.

Đôi ta đã thốt lời thề

Con dao lá trúc đã kề tóc mai

Hẹn rằng ai chớ quên ai . . .

Cũng cần phải nói thêm rằng, nhìn vào quá trình diễn biến thì đây là một lễ tục cung đình được dân gian tiếp nhận. Nhưng kỳ thật, thề thốt lại vốn là một hình thức ma thuật, ngôn từ có từ thời nguyên thủy. Còn trống đồng thì cũng là vật thiêng để cầu mưa trong lễ nghi nông nghiệp Việt cổ. Tục thả chim vốn là một nghi thức trong lễ Phóng Sinh.

Hằng năm cứ đến ngày mồng 8 tháng tư, vua Lý lại tới chùa Một Cột làm lễ tắm Phật - vốn cũng là một lễ thức cầu nước thời tiền sử bị Phật giáo hóa. Nhân dân Thăng Long và các vùng phụ cận đi dự rất đông. Sau lễ tắm Phật là lễ Phóng Sinh. Vua đứng trên đài cao trước chùa, cầm một con chim rồi thả cho bay đi. Thế là nhân dân cũng reo hò rồi tung chim cho bay theo. Theo sử sách miêu tả, thì lúc ấy bóng chim bay rợp trời, quang cảnh lễ hội vô cùng náo nức, tưng bừng. Như vậy, tục thả chim ở đây vốn mang tính chất tôn giáo - cung đình, đã trở thành một lễ tục thật đậm đà màu sắc dân gian.

Hai thí dụ vừa nêu, đã cho thấy rõ một xu hướng, nhưng xu hướng này tuyệt không chứng tỏ rằng lễ tục cung đình đã ảnh hưởng tới mức lấn lướt lễ tục dân gian. Mà ngược lại, chỉ chứng tỏ sự hấp thụ và đồng hóa của văn hóa dân gian nói chung, lễ tục dân gian nói riêng, thật là vô cùng mạnh mẽ. Từ lâu, trong nhân dân có câu “Phép vua thua lệ làng”. Câu đó cũng có nghĩa là nói về sức mạnh của lễ tục dân gian vậy. Xem xét ngay trên địa bàn Thăng Long, nơi thường xuyên và trực diện có sự đụng độ, tiếp xúc, giữa lễ tục dân gian với lễ tục cung đình, càng thấy rõ cái chân lý dân gian đó.

Các phong tục dân gian cổ truyền như bơi chải, đấu vật, chọi trâu, chọi gà, đá cầu, đánh phết, ném còn. . . trong các hội hè ở thôn quê, đã được cung đình tiếp thu và biến thành các lễ tục của mình. Các vua chúa thời Lý - Trần đều thích đá cầu, đánh phết, thường tổ chức ngay tại sân rồng. Trong thời kỳ này, các vương hầu, quan lại và nhân dân kinh thành đều ham mê chơi cầu. Thời Trần, nhà vua còn tổ chức những đội đánh phết, đấu vật có mặt thường trực ngay tại triều đình như là những đội chuyên nghiệp.

Các vua nhà Lý đều thích xem các vương hầu, thái tử ném còn. Tục ném còn thực chất là một phong tục của trai gái giao duyên mùa xuân. Các sách như Quế Hải ngu hành chí của Phạm Thành Đại, đời Tống, và An Nam chí lược đều miêu tả tỉ mỉ tục ném còn như một chỉnh thể sinh hoạt văn hóa dân gian mùa xuân, gồm có trai gái tụ tập vui chơi, hát đối đáp, tung còn. . . Vào thời Lý - Trần, phong tục này vẫn thịnh hàn tại kinh đô Thăng Long.

Tục chọi trâu, chọi gà ở nơi thôn dã đã trở thành những trò vui thượng võ có sức hấp dẫn đối với các vua chúa, quan lại. Năm 1048, Lý Thái Tông phải xuống chiếu định rõ phép chọi trâu. Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo phải nhắc nhở tướng sĩ chớ ham chọi gà. Đủ thấy ở hai thời Lý - Trần, các phong tục này rất được triều đình hâm mộ. Theo Baron, trong cuốn Miêu tả vương quốc Đàng Ngoài - 1683 (bản dịch tiếng Pháp, trong R.I. 1914 - 1915) thì tục chọi gà cũng rất thịnh hành trong cung đình Lê – Trịnh.

Một phong tục dân gian đặc sắc tính bản địa Việt Nam và Đông Nam Á, có từ thời các vua Hùng mở nước, đó là tục bơi chải trong các hội mùa thu hàng năm. Tục này cũng đã được các triều đại Lý - Trần đặc biệt ưa thích, và việc đua thuyền được triều đại đứng ra tổ chức thường xuyên vào mùa thu, tháng tám hằng năm.

Tại bến Đông Bộ Đầu của kinh thành Thăng Long, nhà Lý từng xây cung điện nguy nga để vua chúa và quý tộc xem đua thuyền. Tục đua thuyền cũng lại là một sinh hoạt nằm trong chỉnh thể văn hóa dân gian gồm cả ca, múa, nhạc và múa rối nước. Văn bia chùa Đọi năm 1121, thời Lý đã miêu tả lễ tục này với tất cả sự tiếp cận thẩm mĩ thật sống động và hấp dẫn. Ngày nay đọc lại, chúng ta vẫn còn tưởng như thấy được tận mắt cái quy mô hoành tráng của tổng thể những lễ tục dân gian - cung đình này, từ ngàn xưa văn vật đất Thăng Long.

Ngoài những phong tục vui chơi tiếp thu từ dân gian, một số lễ thức - phong tục của triều đình đã đạt tới tính quy phạm và đi vào điển chế của nhà nước phong kiến như lễ tế thần Xã Tắc, lễ tế Giao, lễ Nghênh Xuân và lễ Khuyến Nông . . . hằng năm, thì xét cho cùng, đó cũng vẫn là những lễ tục nông nghiệp, có nguồn gốc từ những tín ngưỡng xa xưa của người Việt cổ, nhằm mục đích cầu cho mùa màng phong đăng, muôn vật hưng thịnh.

Lễ thức - phong tục chẳng những thể hiện trong các lễ hội - một loại hình fôn-klo có tính tổng hợp cao và tính thẩm mĩ phong phú, đa dạng - mà còn thể hiện rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội khác của fôn-klo.

Trong các lĩnh vực này, không kể những lễ tục thật sự riêng biệt của Thăng Long - Hà Nội, do vị trí kinh đô, thủ đô mà có, những lễ tục khác đều là những phong tục, tập quán quen thuộc của các nước, nhưng phong cách thể hiện của người Hà Nội thì lại không giống bất kỳ một địa phương nào. Phải chăng chính phong cách đó là cái đã tạo nên sắc thái riêng của lễ thức - phong tục Hà Nội?

Chỉ xem xét một vài tập tục trong đồ ăn thức mặc của người Hà Nội cũng đủ thấy rõ điểm này.

Chẳng hạn, cũng là tục gói bánh chưng ngày Tết Nguyên đán, nhưng bánh chưng Hà Nội bao giờ cũng ngon hơn và đẹp hơn. Cũng là tục làm bánh nướng, bánh dẻo Tết Trung thu, và tục làm bánh trôi, bánh chay Tết mồng ba tháng ba, nhưng về hương vị, phẩm chất của các loại bánh này thì thật không đâu sánh bằng Hà Nội. Cái nón ba tấm rất quen thuộc với các cô gái nhiều vùng thuở trước, nhưng cái nón ba tầm Hà Nội bao giờ cũng khác các nơi:


 Hà Nội thì kết quai tua

Có hai con bướm đậu vừa xung quanh

Suy nay ngẫm xưa, cái vẻ độc đáo của lễ tục Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật chính là ở chỗ đó. “Người sao tục vậy”. Con người tạo ra phong tục, nhưng rồi đến lượt mình, phong tục lại tạo ra phẩm cách con người.

- Ếch tháng mười, người Hà Nội.

Nhất cao là núi Ba Vì.

Nhất lịch nhất sắc kinh kỳ Thăng Long.

Nếu con người Thăng Long - Hà Nội đã được lịch sử ngàn đời phú cho những phẩm chất thanh lịch, tế nhị, sành ăn khéo mặc, “khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ” . . . thì lễ tục ở đây, cũng phản ánh khá trung thực những đặc điểm ấy.

Cùng với các thành tố fôn-klo khác, lễ thức và phong tục Thăng Long là một thành tố quan trọng đã góp phần tạo nên cái cơ tầng vững chắc của văn hóa, văn minh Thăng Long - Hà Nội. Lịch sử cho thấy mỗi thời đại đều xây dựng cho mình những lễ thức và phong tục mới tương ứng, nhưng không cắt đứt với truyền thống, mà vẫn lựa chọn và tiếp nhận trong đó những yếu tố thích hợp. Là sản phẩm của lịch sử. lễ tục không phải là nhất thành bất biến. Nhưng sức ỳ, sức bảo thủ của nó cũng thật ghê gớm và vô cùng dai dẳng. Tư tưởng cũ vẫn còn tồn tại, ngay cả khi nó không còn thích hợp nữa với nhu cầu kinh tế mới.

Như Karl Max đã từng nói: “Truyền thống của tất cả các thế hệ đã qua đè trĩu lên đầu óc những người đang sống”. Bởi thế, quá trình lựa chọn và tiếp nhận những tinh hoa trong truyền thống lễ tục ngàn đời của Thăng Long - Hà Nội cũng chính là quá trình đấu tranh liên tục và phức tạp, để sàng lọc và gạt bỏ những lễ tục lạc hậu, những lề thói bảo thủ lỗi thời.

Thủ đô Hà Nội đang trên đường xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới và xây dựng các phong tục tập quán mới xã hội chủ nghĩa, vừa dân tộc vừa hiện đại. Trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng văn hóa - tư tưởng lớn lao này, thì một nhiệm vụ được xem như một dữ kiện không thể thiếu, đó chính là việc xem xét tìm hiểu một cách khoa học và trên quan điểm thẩm mĩ những hình thái fôn-klo lễ tục của Thăng Long - Hà Nội ngàn xưa./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark