12/01/2011 | 15:22:00

Nghệ thuật xiếc Việt Nam chở hồn văn hóa dân tộc

Tiết mục "Du xuân" đoạt huy chương đồng tại Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ ba tổ chức tại Việt Nam. (Ảnh: Liên đoàn xiếc Việt Nam cung cấp).

Thời gian gần đây, xiếc Việt Nam liên tục đoạt được những giải thưởng quốc tế như: Huy chương vàng cho tiết mục “Đu siêu nhân” tại Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ ba tổ chức ở Tây Ban Nha, huy chương vàng ở tiết mục “Sức mạnh đôi tay” và huy chương đồng với tiết mục “Du xuân" trong Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ ba tổ chức tại Việt Nam năm 2010…

Không chỉ để lại tên tuổi qua những lần đua tài tại các liên hoan, xiếc Việt còn thành công trong các buổi lưu diễn quốc tế. Tuy nhiên, con đường làm nên thương hiệu của xiếc Việt Nam cũng đã trải qua không ít chông gai.

Con đường tìm đến với khán giả

Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Đoàn xiếc phải oằn mình tự gồng gánh sự nghiệp. Người nghệ sỹ vốn chỉ quen tới giờ thì diễn bỗng dưng phải lo tính toán xem diễn ra sao để còn bán được vé, duy trì được cái nghiệp.

“Chúng tôi đã có một thời gian bối rối trong đường tìm đến với khán giả vì chưa xác định rõ đối tượng mình phục vụ là ai, họ cần gì và khâu quảng bá cũng thiếu,” ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, cho biết.

Tuy nhiên, cũng từ những khó khăn đó, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã cố gắng trau dồi kỹ năng nghệ thuật, đổi mới trong việc dàn dựng chương trình để xây dựng thương hiệu cho mình.

“Liên đoàn đã cố gắng để thương hiệu xiếc Việt không đơn thuần là người Việt Nam làm xiếc mà các tiết mục diễn phải mang hồn cốt, văn hóa của người Việt,” ông chia sẻ.

Gần đây, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã thành lập gánh xiếc “Làng tôi,” các nghệ sỹ của gánh xiếc ăn vận những bộ quần áo nâu sòng trong mỗi buổi biểu diễn, bên cạnh đó, âm nhạc và phong thái biểu diễn của các nghệ sỹ cũng mang đậm hồn cốt người Việt Nam.

Ngoài ra, trong các tiết mục của Liên đoàn xiếc Việt Nam mấy năm trở lại đây còn được dàn dựng theo những tích cổ của người Việt, tiêu biểu như tiết mục “Du xuân.” Người nghệ sỹ trong tiết mục “Du xuân,” vừa thể hiện đúng những động tác kỹ thuật của xiếc vừa thể hiện sự lẳng lơ, đong đưa, ỡm ờ của nhân vật Thị Màu trong chuyện cổ “Quan âm Thị Kính.”

Theo nghệ sỹ, giáo viên dạy xiếc Ngô Lê Thắng, trước kia, các nghệ sỹ chỉ cần diễn thành công những động tác kỹ thuật khó. Vì vậy, với một tiết mục xiếc rất khó thu hút khán giả đến xem nhiều lần, trong khi cả đời nghệ sỹ xiếc cũng chỉ theo được một tiết mục.

“Xiếc ngày nay cần nhiều hơn thế. Xiếc phải hội tụ đủ cả kỹ thuật, sáng tạo trong hình thức biểu diễn, thậm chí còn phải kết hợp với âm thanh, ánh sáng để thành tác phẩm chứ không phải là tiết mục xiếc đơn thuần,” ông Thắng nói.

Để lôi cuốn khán giả, diễn viên xiếc ngày nay có sự giao lưu với người xem nhiều hơn từ ánh mắt đến cử chỉ, mỗi màn xiếc cũng tìm tòi để có nội dung và kịch tính.

Với những nỗ lực tìm tòi đổi mới, đưa văn hóa dân tộc vào nghệ thuật xiếc, có thể nói, đến nay, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã thực sự tạo được thương hiệu cho mình.

Khẳng định thương hiệu xiếc Việt

Không chỉ phục vụ khán giả trong nước từ miền ngược đến miền xuôi, từ đồng bằng lên miền múi, từ thành phố về nông thôn, Liên đoàn xiếc Việt Nam còn mạnh dạn thâm nhập ra thị trường thế giới.

Ông Vũ Ngoạn Hợp cho biết, tới nay Liên đoàn xiếc Việt Nam đã lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Nhật… Ngay cả trên các nước có thế mạnh về xiếc thì những buổi diễn của xiếc Việt Nam vẫn thu hút rất đông khán giả.

Theo ông Hợp, để các tổ chức nước ngoài ký hợp đồng cho xiếc Việt Nam lưu diễn ở nước họ thì đòi hỏi buổi biểu diễn phải đạt chất lượng và bán được nhiều vé, đó là việc không hề dễ. Tuy vậy, bảy, tám năm qua, số lần xiếc Việt Nam biểu diễn ở nước ngoài ngày càng nhiều, thậm chí có những năm Liên đoàn xiếc Việt Nam đã diễn tới 1.400 buổi trên thế giới trong khi đó chỉ diễn ở trong nước hơn 370 buổi.

Riêng gánh xiếc “Làng tôi,” đã biểu diễn xuyên suốt các năm từ 2007 đến nay, tại các quốc gia châu Âu và để lại dấu ấn khó quên với hàng triệu khán giả thế giới. Trong đó, có thể kể đến chương trình phục vụ ngày lễ Noel tại cộng hòa Pháp có sự hiện diện của Tổng thống pháp và phu nhân, hay những tiết mục tham gia các kỳ Liên hoan xiếc quốc tế uy tín tại Tây Ban Nha, Trung Quốc…

“Cuối năm nay, chúng tôi mới hết hạn hợp đồng ba năm với Hội đoàn sân khấu địa cầu của Pháp nhưng vừa qua, họ đã xin ký tiếp hợp đồng với chúng tôi thêm một năm nữa,” ông Hợp vui vẻ thông báo.

Theo ông Hợp, sứ mệnh của Liên đoàn xiếc Việt Nam trong thời gian tới là cố gắng để ngày càng khẳng định được thương hiệu xiếc Việt trên trường quốc tế, tiếp tục biểu diễn và thi diễn trên các đấu trường lớn của thế giới. Bên cạnh đó, liên đoàn cũng hướng về phục vụ khán giả trên mọi miền của nước nhà. Tới đây, Liên đoàn xiếc Việt Nam sẽ có 20 buổi biểu diễn miễn phí để phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa nhân dịp Tết Nguyên Đán./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark