23/09/2010 | 10:53:00

Tưng bừng lễ khai hội mùa thu Kiếp Bạc-Côn Sơn

Du khách đến với lễ hội Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương. (Nguồn: haiduong.gov.vn)

Lễ khai hội mùa Thu Kiếp Bạc-Côn Sơn năm 2010 và lễ dâng hương tưởng niệm 710 năm (1300-2010) ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tổ chức sáng 23/9, tức ngày 16/8 Âm lịch, tại Khu di tích đền Kiếp Bạc ở xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đây là lễ hội lớn của tỉnh Hải Dương được tổ chức theo nghi lễ truyền thống hàng năm, nhằm ôn lại giai đoạn lịch sử vẻ vang của đức Thánh Trần.

Từ đầu tuần, khi chưa chính thức khai hội, hàng ngàn người dân Hải Dương và du khách thập phương đã đổ về Khu di tích đền Kiếp Bạc để tham quan và dâng hương tưởng niệm Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội truyền thống mùa Thu Kiếp Bạc-Côn Sơn năm nay diễn ra từ ngày 23-27/9 với hai phần lễ và hội; trong đó, nhiều nghi lễ truyền thống được phục dựng với sự tham gia của đông đảo người dân trong tỉnh như lễ Hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cáo yết, lễ rước bộ, lễ cầu an...

Cùng với phần lễ là các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ bà con và du khách như các trò chơi dân gian thi đấu vật, cờ tướng, biểu diễn võ gậy, chọi gà, múa rối nước. Các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, hát chèo... làm tăng thêm âm sắc văn hóa truyền thống của ngày lễ hội.

Ngay sau lễ dâng hương đã diễn ra lễ “Hội quân trên sông Lục Đầu.” Sông Lục Đầu, còn gọi sông Thương, là dòng sông nhỏ êm đềm chảy qua Khu di tích đền Kiếp Bạc, là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Hải Dương.

Thời Trần, dòng sông Lục Đầu có tên là Bình Than, gợi cho du khách về Hội nghị Bình Than (năm 1282) để bàn kế sách chống quân Nguyên, rồi phòng tuyến Bình Than, chiến thắng Vạn Kiếp dẹp tan mưu đồ đánh chiếm của quân Nguyên.

Giữa dòng sông Lục Đầu nay vẫn một cồn cát dài khoảng 200m, dân gian gọi là Cồn Kiếm do Trần Hưng Ðạo để lại thành kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Với một địa thế chiến lược, sau lưng ngôi đền Kiếp Bạc là dãy núi Trán Rồng sừng sững, bên tả là ngọn núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc, như vành ngai vững chắc...

Bến Kiếp Bạc mênh mông sóng nước, nét bằng lặng ngày thu bỗng trở nên náo nhiệt khi bước vào ngày khai hội. Người ta trảy hội về Kiếp Bạc-Côn Sơn bằng đường bộ từ Hà Nội theo Quốc lộ 5A, từ Bắc Ninh theo đường 18 về Phả Lại và dọc đê sông Lục Đầu nhưng đường thủy là vui hơn cả.

Từ sông Ðuống xuôi dòng về Lục Ðầu, có người của xứ Đoài và người đông bắc miền biển. Gần 100 chiếc thuyền rồng treo cờ xí rực rỡ của ngư dân Quần Mục ở huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng và Kênh Giang ở thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương dàn trận trên dòng sông Thương thơ mộng.

Trong tiếng chiêng trống từng hồi theo nhịp chèo suốt dọc con sông, bến Kiếp Bạc trở nên sầm uất, đông vui.

Trên dòng sông Thương thơ mộng, từng đoàn thuyền được trang trí cờ hội, những bức đại tự, cùng với đôi câu đối được trên nghi môn của đền “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí. Lục Đầu vô thủy bất thu thanh,” được dịch là “Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng. Lục Đầu vang dội tiếng quân reo,” với ý nghĩa tôn vinh, ca ngợi và tôn vọng uy linh đền Kiếp Bạc và đức Thánh trần.

Có thể thấy các màn diễn của thuyền hội trên sông đã tái hiện màn ăn mừng chiến thắng của các tướng sĩ triều Trần cách đây hơn bảy thế kỷ sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông.

Hội thủy quân huy hoàng giữa đất trời Vạn Kiếp, cùng với những cờ phướn nhiều màu sắc lồng lộng tung bay trong gió trên sông Thương, làm tâm trạng hàng chục vạn du khách hành hương về Vạn Kiếp thêm phấn chấn, xốn xang...

Đến 9 giờ 10, lễ "Hội quân trên sông Lục Đầu" kết thúc./.

Hồng Cường (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark