16/01/2012 | 17:57:00

Nghi lễ truyền thống trong văn hóa Thăng Long

Được sự nhất trí của UBND Thành phố Hà Nội, BCH Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phối hợp với Ban Quản lý đình, đền Hào Nam tổ chức Hội thảo về "Nghi lễ truyền thống trong các Di tích lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội" vào sáng ngày 21/11/2009 tại Đình - Đền Hào Nam, ngõ 29 phố Vũ Hạnh. Hội thảo kết thúc ngày 22/11/2009.

Tới dự có: ông Vũ Tiến Tuynh - Trưởng phòng Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Thành ủy; TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội; GS. TS Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian Việt Nam; Đại diện Ban Quản lý các đình, đền Hà Nội cùng nhiều khách quý và đại biểu các ngành, các cấp.

Trước khi chính thức vào Hội thảo, các đại biểu đã được thưởng thức nghi lễ của Đội tế nam Đình Chèm (Thụy Phương, Từ Liêm); Đội nữ quan dâng hương Đình Hạ Yên Quyết (phường Yên Hòa Cầu Giấy); Đội tế nam Đình Kim Mã Thượng (phường Cống Vị).

Hội thảo đã nghe TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội báo cáo đề dẫn Hội Thảo. Tiếp đó là tham luận của GS. TS Ngô Đức Thịnh, GS. TS Nguyễn Minh Khang, Nhạc sĩ Thao Giang, TS Nguyễn Thị Dơn và tham luận của một số đại diện Ban Quản lý các đình, đền Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng có hơn 500 đình, đền, chùa, phủ, quán. Các di tích đó hàng năm đều có ngày tuần tiết, nhất là ngày cúng giỗ và lễ hội để tưởng nhớ các vị thần có công với nước, với làng.

Nghi thức cúng, tế, lễ, rước... mỗi nơi một vẻ, rất phong phú theo truyền thống xưa để lại. Tuy nhiên, nghi lễ cúng tế do việc kế thừa thiếu sự truyền đạt đầy đủ, nên không ít nơi làm chưa đúng trật tự xưa. Mặt khác, ngày nay trong đời sống hiện đại, nghi thức tín ngưỡng cổ truyền cũng cần được điều chỉnh, để vừa bảo đảm bản sắc truyền thống vừa phù hợp với điều kiện xã hội mới.

Đình xưa: là ngôi nhà công cộng của làng xã Việt Nam, có ba chức năng: Hành chính, Tôn giáo và Văn hóa.

Hành chính: Là chỗ để họp bàn "việc làng để xử kiện, phạt vạ" theo những quy ước của làng.

Tôn giáo: Là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, cũng có nơi nhiều vị, được gọi là "Thành hoàng làng".

Văn hóa: Là nơi biểu diễn kịch hát như chèo, hát cửa đình - một hình thức khá phát triển trong thế kỷ trước, nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi... Các chức năng này không tách bạch mà hòa quyện cùng nhau.

Đến lễ tại Đình: Thành hoàng làng là vị thần ngự trị trong lòng dân từ nhiều thế kỷ nên chức năng tôn giáo vẫn được duy trì gắn với chức năng văn hóa, nhất là lễ hội.Từ cõi tục cuộc sống đầy gian lao vất vả, lại gặp muôn vàn khó khăn bởi tại trời, vạ người... khiến người dân chỉ biết trông cậy vào sự âm phù của siêu nhân nhất là thần hoàng làng. Nên việc thờ Thành hoàng làng trở thành lệ tục của nhân dân Việt Nam. Và việc tế lễ xuân thu vẫn được cộng đồng tâm niệm thờ cúng, cũng như mở hội làng, thể hiện sự thành tâm của cộng đồng đối với thần, thánh, đồng thời là cơ hội gặp mặt bà con họ hàng. Ngày nay nhiều nơi đình làng đã bị phá hoặc đổ nát, tuy vậy việc thờ cúng tế lễ ở đình vẫn được duy trì ở mức độ phù hợp, trong đó có lễ hội.

Đền: thờ thần, thánh (kể cả thánh Mẫu) của một cộng đồng dân cư một vùng, một xã, thôn nào đó. Các vị thần, thánh được thờ ở đền phần lớn là anh hùng có công với nước, với dân trong việc chống ngoại xâm, khai hoang lập ấp, như Đền Voi Phục, Hai Bà Trưng, Cơ Xá...; các vị siêu nhiên, thần mây, mưa, nước... như Đền Đống Nước (phường Ngọc Hà Ba Đình)...

Miếu: thường để thờ các vị thổ thần của từng ngõ xóm. Nhưng cũng có miếu thờ thánh, thờ thần như Miếu Trần ở Nam Định, Y Miếu ở quận Đống Đa thờ đại danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông. Lại có Thái Miếu thờ các vị hoàng đế. Do vậy đền và miếu cũng chỉ phân biệt một cách tương đối, không thể tách bạch cặn kẽ.

Phủ thờ: Là nơi để mọi người đến xin xem xét cho một việc nào đó mà bản thân hay gia đình đang bế tắc, chưa giải thoát được (chữ "Phủ" ở đây là cúi, cúi xin xem xét). Nói đến Phủ, tất phải nghĩ đến tín ngưỡng thờ Mẫu, đây là đặc thù bản địa ăn sâu vào lòng người như phủ Tiên Hương, Vân Cát, Tây Hồ...

Nghi lễ tại đình: vào các ngày tuần tiết, các cụ ông thường ra đình làm lễ, hoặc làm phận sự mà làng giao phó. Ngày nay không còn quan niệm phong kiến"trọng nam khinh nữ", nên các bà, các chị đều được lên đình lễ thánh. Các đội dâng hương nữ quan đã đến đình, đền làm lễ với nghi thức trang trọng. Trong lễ hội thường có đám rước. Đám rước xưa cũng có trật tự nhất định, và từng đình, đền lại có trật tự cụ thể phù hợp với đặc điểm vị thần được thờ ở đình, đền đó.

Dù việc tế lễ ở mỗi đình đền không hoàn toàn giống nhau nhưng nghi thức chung đều có trật tự nhất định, như là cái khung chung.

Nhắc đến lễ hội không thể thiếu vai trò âm nhạc. Âm nhạc nghi lễ tại các đình, đền, phủ ở Thăng Long - Hà Nội là sự ra đời và sức biểu hiện của bản Lưu Thủy. Có lẽ không cần diễn giải thêm nữa, vì thực chất để có bản Lưu Thủy - một nhạc phẩm độc đáo vừa mang tính chuyên dụng (dùng trong các nghi lễ dân gian) lại vừa mang tính đa dụng (dùng cùng lúc có thể trong nghi lễ đình, nghi lễ đền và nghi lễ Phủ) có một không hai đã lan tỏa trên khắp lãnh thổ nước ta từ hàng thế kỷ nay. Thăng Long - Hà Nội nơi hội tụ tinh hoa của đất nước đã nuôi dưỡng những di sản văn hóa cội nguồn và để lại cho thế hệ ngày nay được thừa hưởng những báu vật. Chúng ta tự hào và tỏ lòng biết ơn những bậc tiền nhân đã để lại những viên ngọc trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam mãi mãi được tỏa sáng .

Hội thảo "Nghi lễ truyền thống trong các Di tích lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội" cho thấy sự phong phú của nghi thức, tế lễ, đám rước... và nhằm dần dần thống nhất những nội dung và trật tự cơ bản của các nghi thức này, đồng thời chọn lọc những mô hình nghi lễ đảm bảo nội dung chuẩn mực, qua đó định hướng và phổ biến đến các di tích khác để tham khảo./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark