09/09/2010 | 16:02:00

Nguyễn Cường là cầu nối để hồn trống đồng vang lên

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội Bằng Việt trao giải cho nhạc sĩ Nguyễn Cường. (Nguồn: TT&VH)

Bản hợp xướng đầu tiên dành cho trống đồng mang tên “Ngàn năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã giành Giải Tác Phẩm trong Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội Bằng Việt đánh giá đây là “những dòng thác âm thanh độc đáo chưa từng có.”

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Cường sau lễ trao giải.

- Tại sao ông lại chọn viết hợp xướng cho trống đồng, trong khi đây là một nhạc khí không dễ tiếp cận?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Khi tôi đến Thanh Hóa dự buổi họp giới thiệu 100 trống đồng đúc mới, tôi đã rất ngạc nhiên khi đánh thử lên trống đồng. Tôi thấy rằng trống đồng cổ khai quật ở Đông Sơn chỉ là xác của trống đồng. Còn tiếng vang của trống đồng mới mới thực sự là hồn của trống.

Tôi đã đi nhiều nơi, nghe dân ca khắp ba miền Bắc, Trung, Nam thì thấy giai điệu chủ yếu là buồn thương, trữ tình, nhớ nhung, không có bài ca nào thể hiện sự mãnh liệt, tinh thần sát thát, hào khí Đại Việt. Tôi không nhìn thấy điều đó ở trong dân ca.

Nhưng khi nghe tiếng trống đồng tôi tìm thấy được tinh thần đó. Tôi thấy được sức mạnh của tinh thần Đại Việt. Tôi đã về nhà và viết một hợp xướng cho trống đồng lấy tên là "Ngàn Năm Thăng Long - Nổi trống Lạc Hồng."

- Thưa ông, liệu có mạo hiểm không khi sáng tác hợp xướng cho trống đồng, trong khi có quan điểm cho rằng trống đồng là linh khí không dùng để đánh?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Trong hội nghị bàn về vấn đề này, có một nửa số người nói trống đồng là linh khí, một nửa nói trống đồng là nhạc khí. Theo quan điểm của tôi, trống đồng vừa là nhạc khí, vừa là linh khí, cũng như chiêng của Tây Nguyên, cùng là linh khí và nhạc khí.

Hơn nữa, ý tưởng của tôi không phải là đánh trên trống đồng cổ mà đánh trên trống đồng mới, trống đồng của thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện hào khí của người Việt. Do đó tôi đã mạnh dạn viết và khi thực hiện bản thu demo thấy rất hiệu quả. Tôi mơ ước có 100 chiếc trống đồng và 1.000 người hát trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nhưng để làm được điều đó phải có tài trợ.

- Quá trình để thuyết phục với mọi người trống đồng là một nhạc khí có khó khăn lắm không thưa ông?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Có rất nhiều ý kiến khác nhau về chức năng của trống đồng. Nhưng theo tôi đó là cái trống, mà đã là trống phải dùng để đánh chứ. Trống mới làm thì phải đánh, và khi đánh lên mọi người thấy âm thanh của nó hoành tráng thật. Bản demo của tôi chỉ có 20 cái trống, nhưng tôi đã rất tâm đắc vì tính hoành tráng và hiệu quả thực sự.

Tôi đã nhìn thấy một số nước như Australia, khi đón các nguyên thủ quốc gia, cách đón của họ rất lạ, họ không dùng kèn như đội quân nhạc các nước vẫn dùng, mà dùng trống riêng của họ. Tôi cứ ước ao rằng, nếu chúng ta đón các nguyên thủ quốc gia bằng hai dàn nghi lễ đánh trống đồng, mặc trang phục thời Hùng Vương, sẽ đẹp lắm.

- Thời gian qua nhạc sĩ đã nhận được sự giúp đỡ của ai để có thể tiếp cận được với trống đồng?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Trong thời gian qua tôi nhận được sự giúp đỡ của Hội Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Thanh Hóa, Hội Cổ vật Thanh Hóa, họ rất nhiệt tình và họ cũng là những người tổ chức.

- Tác phẩm của nhạc sĩ sẽ được trình bày một lần duy nhất vì sau đó 100 chiếc trống đồng sẽ được chia về các tỉnh thành trong cả nước. Ông có dự định gì với tác phẩm của mình?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi nghĩ việc đúc một chiếc trống đồng rất tốn kém, có thể tốn đến cả trăm triệu đồng. Tôi muốn nói điều này, Giải thưởng Bùi Xuân Phái hôm nay tôi nhận được là vinh danh trống đồng của tổ tiên ta chứ không đơn giản là vinh danh tác phẩm của tôi.

Tôi là cầu nối, để cho hồn trống đồng được vang lên, để mọi người biết tới. Tôi có cảm giác hồn thiêng của trống đồng đã qua tôi, qua tác phẩm này để mọi người cùng biết. Hôm nay lại được vinh danh trong Lễ trao giải Bùi Xuân Phái lại càng có ý nghĩa lớn hơn.

- Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã liên hệ với ông về việc cho trình diễn tác phẩm này chưa?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Có một số chuyện tế nhị, đó là chương trình Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã được xây dựng từ trước nên việc có thêm tiết mục của tôi hay không là việc sắp xếp của các quan chức. Tôi chỉ biết sáng tác, tác phẩm được đón nhận thế nào, có duyên ra sao thì thuộc về đời sống.

- Thưa nhạc sĩ, sáng tác những bài ca về Tây Nguyên và sáng tác một bản hợp xướng hoành tráng cho 1.000 năm Thăng Long, về cảm xúc có gì khác biệt?

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Không có gì khác nhau vì tất cả đều là tình yêu, những khát khao của chúng ta với cuộc đời này.

- Xin cảm ơn ông!

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark