19/10/2010 | 15:45:00

Phố Lụa

Trong số các đường phố của Thủ đô hiện nay, con phố được coi có tên gọi nên thơ nhất có lẽ là phố Lụa, thuộc quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Đây là con phố mới được đặt tên, với điểm đầu tính từ đoạn đường cổng làng lụa Vạn Phúc, qua trụ sở Ủy ban Nhân dân phường, đình Vạn Phúc đến điểm cuối là cổng làng phía Bắc (có đường rẽ vào miếu Vạn Phúc).

Phố Lụa dài 450m, rộng 5-6m vốn là trục giao thông chính của làng cổ Vạn Phúc, san sát dọc hai bên phố là những cửa hàng giới thiệu sản phẩm tơ lụa truyền thống của làng nghề.

Lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi… được bầy xen kẽ, mầu sắc rực rỡ. Trong làng lách cách tiếng thoi đưa, lúc rộn ràng khi lại khoan thai, dìu dặt. Lụa Vạn Phúc bền đẹp, ấm áp vào mùa Đông, mát mẻ vào mùa hH nên suốt bốn mùa luôn là điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Năm 2010, để kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, đã thiết kế mẫu lụa vân mới có tên gọi “Long Vân” với hoa văn mang hình tượng lưỡng long chầu Khuê Văn Các được cách điệu trong hình ảnh hoa sen. Đây là thứ lụa thích hợp để may những tà áo dài truyền thống, tinh tế và sang trọng cho người phụ nữ Việt Nam.

Làng lụa Vạn Phúc còn nổi tiếng là “Làng cách mạng” bởi trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, đây là một trong các cơ sở cách mạng vững mạnh nằm trong ATK (An toàn khu) của Xứ ủy Bắc Kỳ. Người Vạn Phúc hiện nay vẫn giữ được nhiều di tích cách mạng quý giá: nhà cụ Nguyễn Quang, xóm Quyết Tiến, nơi các đồng chí lãnh đạo của Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh… đã từng ở và làm việc.

Nhà cụ Ba Niệm, cụ Bính Thu xóm Hạnh Phúc, là nơi đặt cơ quan và xưởng in báo Cứu quốc do đồng chí Xuân Thủy phụ trách. Nhà cụ Ba Niệm cũng là nơi Xứ ủy Bắc Kỳ họp Hội nghị phát động khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Nhà cụ Tý Hà xóm Độc Lập, nơi ở và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh…

Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc ở Vạn Phúc, tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương, từ ngày 3/12 đến 9/12/1946.

Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Trung ương mở rộng, phát động cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hội nghị cũng đã thông qua “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Ngôi nhà Bác ở và làm việc trong thời gian ở Vạn Phúc nay trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Trên phố Lụa còn có đình làng Vạn Phúc - một công trình có giá trị về kiến trúc, cũng là di tích cách mạng. Đình được xây dựng lại cách đây trên 10 năm gồm Hậu cung, Phương đình tám mái và 10 gian tả mạc, thờ bà Ả Lã Thị Nương - tổ nghề dệt lụa làng Vạn Phúc.

Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc ngày nay vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải. Nghề dệt vẫn được truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên một nét văn hóa trang phục của người dân Việt Nam./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark