13/01/2012 | 16:50:00

Quản lý đô thị Hà Nội một số bài học từ thực tế

Hà Nội đã có những biến đổi to lớn trong thời kỳ đổi mới. Nhiều vấn đề có tính thời sự, đồng thời lại có tính lâu dài đang đặt ra cần phải giải quyết trong quá trình xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại. Quản lý đô thị là một trong những vấn đề như vậy.

Khách quốc tế đến Hà Nội ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và tính cách thanh lịch của người Tràng An; cảm nhận được những bước tiến của Hà Nội với hình tượng từ thành phố của xe đạp vào đầu những năm 90, đến thành phố của xe đạp và xe máy vào cuối thế kỷ trước, thành phố của xe máy và xe ô tô hiện nay. Nhưng người nước ngoài cũng tặng cho Hà Nội danh hiệu không mấy tốt đẹp “thành phố bụi bặm và giao thông hỗn loạn”.

Cái khó của quản lý đô thị hiện nay không nằm ở năng lực phát hiện các vấn đề cần giải quyết, bởi vì đã quá đủ các công trình nghiên cứu, các văn kiện của Đảng và Nhà nước đề cập đến các khía cạnh của quản lý đô thị ở Hà Nội từ quy hoạch tổng thể và quy hoạch các dự án phát triển, các công trình kiến trúc và quản lý xây dựng, đường sá, phương tiện và tai nạn giao thông, cấp nước, thoát nước…

Vấn đề nằm ở năng lực quản lý của bộ máy Chính quyền Hà Nội trong việc đề ra các giải pháp để giải quyết từng lĩnh vực quản lý đô thị. Đó quả là công việc đầy khó khăn mà người viết bài này cảm nhận được, bởi vì đã có sáu năm tham gia công tác quản lý đô thị ở Hà Nội. Do vậy, từ kinh nghiệm thực tế xin gợi ra một vài ý tưởng để khắc phục nhược điểm cố hữu: có đủ năng lực phát hiện nhược điểm và khuyết điểm, nhưng chưa có đủ năng lực đề ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục về cơ bản nhược điểm và khuyết điểm của quản lý đô thị Hà Nội.

1. Cần có nhận thức đúng về quản lý nhà nước

Nhà nước trong thế giới hiện đại là vấn đề có tính toàn cầu. Các cuộc tranh luận về chức năng, vai trò nhà nước trong việc quản lý đô thị vẫn còn tiếp diễn. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, học thuyết “Tân tự do” đã được áp dụng ở Mỹ và Anh, cường điệu vai trò điều tiết của thị trường, hạ thấp chức năng quản lý nhà nước (còn được gọi là học thuyết Reagan - Thatcher). Thực tế đã chỉ ra rằng, cách ứng xử như vậy đã làm suy giảm vai trò nhà nước, rốt cuộc gây ra tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nảy sinh nhiều vấn đề đối với đô thị.

Kinh nghiệm thực tế của Hà Nội cho thấy rằng, việc nhận thức đúng chức năng và vai trò của nhà nước đối với việc quản lý đô thị là tiền đề quan trọng để đềra các giải pháp thích hợp và hữu hiệu nhằm khắc phục về cơ bản những nhược điểm và khuyết điểm hiện có.

Nhà nước hiện đại có liên quan với hàng loạt vấn đề như xử lý mối quan hệ giữa chức năng quản lý bằng luật pháp với tôn trọng quyền làm chủ của người dân; đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với xã hội hóa các hoạt động đầu tư kể cả trong lĩnh vực giáo dục và y tế; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển của Thủ đô, của cả nước và của quốc tế…

Có lẽ vẫn phải nói đến tập quán của đội ngũ công chức nhà nước của “cơ chế xin - cho” đang còn ngự trị ở khá nhiều công sở; cho dù đã có chủ trương cải cách hành chính, “một cửa” nhưng không dễ từ bỏ tập quán đó. Người dân Hà Nội với trình độ dân trí khá cao, là nơi có tỷ lệ người sử dụng máy tính và truy cập Internet cao nhất cả nước, thì việc thực hiện công khai và minh bạch tất cả các quy định có liên quan đến quản lý đô thị là điều có thể thực hiện được và việc đó sẽ lôi kéo được đông đảo người dân Hà Nội tham gia tích cực và chủ động việc hình thành các quy trình, quy phạm của từng hoạt động thích ứng với sự thay đổi của Hà Nội, giám sát tập thể và trực tiếp các công đoạn trong hoạt động quản lý đô thị trên từng địa bàn dân cư như cấp điện, cấp nước và thoát nước, trật tự và an toàn đô thị…

Thực tế cũng đã chỉ ra rằng, để quản lý đô thị thì việc soạn thảo và ban hành các quy định có liên quan đến từng lĩnh vực, từng công đoạn rất cụ thể, chi tiết và minh bạch đến mức bao quát được toàn bộ công việc của từng cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức của cơ quan đó phải thực hiện; từng người dân được tham gia khi hình thành văn bản và cảm nhận được quyền lợi của họ đã được bảo đảm bằng các văn bản pháp quy thì sẽ lôi kéo được đông đảo người dân tự giác thực hiện và giám sát quá trình thực hiện. Đáng tiếc Hà Nội đang có quá ít các văn bản đạt đến mức như vậy.

Trong lời nói đầu cuốn sách “Nhà nước trong một thế giới chuyển đổi” Chủ tịch Ngân hàng thế giới viết: “Nên tập trung các hoạt động của nhà nước sao cho khớp với khả năng của nó. Nhiều nhà nước tìm cách làm quá nhiều việc dù cho họ chỉ có ít nguồn lực và khả năng. Điều cốt lõi là nên làm cho các chính phủ tập trung sức vào các hoạt động công cộng cốt lõi, có tầm quan trọng đối với phát triển và điều đó sẽ nâng cao hiệu quả của họ”1.

Cho dù nguồn lực hiện nay của Hà Nội để giải quyết các vấn đề đặt ra đối với quản lý đô thị như xây dựng nhà ở, phát triển đường giao thông, cơ sở giáo dục và y tế, cung ứng điện nước… đã lớn hơn nhiều so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới, nhưng nhu cầu bao giờ cũng vượt quá khả năng, vì vậy để sử dụng các nguồn lực có hiệu quả thì phải biết tính có giới hạn của nguồn lực mà Chính quyền Thủ đô có thể sử dụng được trong từng giai đoạn, để tập trung cao độ nguồn lực có hạn đó vào việc giải quyết dứt điểm một vấn đề, hoàn thành tốt một nhiệm vụ, đưa vào sử dụng nhanh một công trình xây dựng; mà việc đó sẽ tạo ra đột phá, tiến bộ mới, làm chuyển động cả quá trình quản lý đô thị.

Đây thực sự là khoa học và nghệ thuật quản lý, đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo cao nhất của Hà Nội phải biết lựa chọn trọng tâm và trọng điểm, phải biết hi sinh những ý muốn tốt đẹp nhưng vượt quá giới hạn nguồn lực; phải dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định mà không bị tác động bởi các nhóm lợi ích, những người có quyền lực cao hơn, hoặc đôi khi để thỏa mãn ý đồ cá nhân.

2. Cần có bộ quy tắc ứng xử

Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng, các cơ quan công quyền ở Thủ đô, cũng như các địa phương khác thường có hai khuynh hướng trái ngược nhau: khuynh hướng thứ nhất, đối với việc sử dụng quyền hạn thuộc chức năng của từng cơ quan thì thường có xu hướng mở rộng phạm vi của thực thi quyền lực vượt quá giới hạn, làm cho miền giao thoa quyền lực giữa các cơ quan, các bộ phận trong một cơ quan có xu hướng gia tăng, đến mức xẩy ra tranh chấp về quyền lực, ai cũng tự cho mình có quyền hơn cơ quan, bộ phận khác. Tình trạng đó là nguyên nhân của việc nhiều cơ quan tự ban hành các quy định và thực hiện các chức năng quản lý vượt quá thẩm quyền, gây ra vô vàn phiền hà cho công dân khi đến các cơ quan nhà nước; gây mất đoàn kết giữa các cơ quan và bộ phận trong một cơ quan. Khuynh hướng thứ hai, đối với việc hoàn thành trách nhiệm do luật định được thể hiện chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan, từng bộ phận trong một cơ quan thì tìm cách co lại, không hoàn thành đúng quy định, thường đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan, bộ phận khác đến mức vùng trống về trách nhiệm ngày càng lớn hơn; là nguyên nhân của việc buông lỏng quản lý đô thị như xây dựng trái phép, đào đường vô tội vạ, thiếu trật tự kỷ cương ở các tuyến phố, nhiều công việc kéo dài thời hạn hoàn thành.

Để khắc phục tình trạng đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố cần quan tâm đến việc hình thành Bộ quy tắc ứng xử trong quản lý nhà nước ở Thủ đô. Bộ quy tắc này được hình thành trên cơ sở nhà nước hiện đại, trước hết là tạo lập môi trường thuận lợi để mọi ý tưởng mới, sáng tạo của công dân được dễ dàng thực hiện, mọi cơ hội được tạo ra đều bình đẳng đối với từng cá nhân trong việc phát huy tài năng của mọi người; tiếp đó là việc nhà nước hướng dẫn mọi công dân tự giác tuân thủ pháp luật và cuối cùng mới đến việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi của những người vi phạm pháp luật. Từ đó, Bộ quy tắc ứng xử quy định những nội dung công việc, phạm vi hoạt động của từng cơ quan, từng bộ phận, mỗi công chức trên từng cương vị công tác cần và được làm, những việc không được phép làm; đề ra cơ chế phòng, tránh, ngăn ngừa, xử lý việc lạm quyền, cửa quyền, sách nhiễu, cũng như thói quen làm việc vô trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Chính quyền Thành phố.

Mỗi cơ quan phải dựa trên bộ quy tắc ứng xử đó để xây dựng Quy chế hoạt động của cơ quan, quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bộ phận, mỗi cá nhân trong từng công việc; phạm vi mỗi hoạt động, thời gian khởi đầu và kết thúc, bộ phận, cá nhân chịu trách nhiệm chính đối với từng công việc; bộ phận cá nhân có trách nhiệm phối hợp thực hiện; phương pháp theo dõi, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao; cơ chế khen thưởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ và xử phạt khi thiếu tinh thần trách nhiệm làm bê trễ công việc của cơ quan.

Có lẽ Thành phố đang thiếu Bộ quy tắc ứng xử và các cơ quan Chính quyền thì chưa có Quy chế hoạt động được xây dựng trên cơ sở nhận thức về nhà nước hiện đại và cụ thể theo định hướng trên đây. Do vậy đã xẩy ra tình trạng phổ biến là những người đứng đầu từng cơ quan cũng không hình dung được công việc mà cơ quan đó cần làm, không được phép làm. Trong trường hợp một cán bộ lãnh đạo được điều đến cơ quan mới thì do không có các quy định như vậy nên (hoặc) quản lý theo thói quen từ nơi công tác cũ, hoặc tùy tiện nghĩ ra những công việc theo ý thích của mình, không đặt các hoạt động của cơ quan như là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của Chính quyền Thủ đô. Hậu quả thì ai cũng rõ, những cán bộ lãnh đạo đó chẳng những không góp phần cải thiện bộ mặt đô thị Hà Nội mà ngược lại, làm cho người ta có cảm giác ở khu phố nào của Thủ đô cũng có tình trạng nhếch nhác, thiếu trật tự kỷ cương.

Cần lưu ý rằng, Bộ quy tắc ứng xử và Quy chế hoạt động của từng cơ quan để làm trọng tài phán xử các hành vi của công chức, có quan hệ mật thiết với đối tượng thực hiện là công dân, nhà đầu tư, doanh nhân; họ đồng thời là những người có quyền không thực hiện các quy định trái với pháp luật của nhà nước và quyền dân chủ của con người; do vậy, các quy định phải hướng vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, nhà đầu tư và doanh nhân trong các hoạt động đó.

3. Thận trọng trong việc đề ra chủ trương, đẩy nhanh tiến trình thực hiện

Trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã đi đầu trong việc đề ra những chủ trương khá sáng tạo. Những năm đầu của đổi mới, Thành ủy và UBND Thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đa thành phần, điển hình Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập ngân hàng cổ phần với sự ra đời của Habubank, mở rộng lưu thông hàng hóa tự do giữa Thủ đô và các vùng phụ cận. Những năm gần đây, Hà Nội có sáng kiến đấu thầu quyền sử dụng đất bắt đầu từ 2ha đất ở huyện Đông Anh, đưa lại lợi ích to lớn cho ngân sách nhà nước.

Tuy vậy, đã có không ít những chủ trương của Hà Nội tỏ ra quá vội vàng, thiếu nghiên cứu thực tế của Thủ đô, không chịu tham khảo kinh nghiệm của các thành phố, thủ đô các nước. Chỉ xin dẫn ra đây một vài ví dụ. Việc Hà Nội hạn chế đăng ký xe máy để giảm thiểu tai nạn giao thông là một chủ trương không thực tế, không hợp lòng dân, kém hiệu quả bởi vì xét cho cùng thì số lượng xe máy ở Hà Nội vẫn gia tăng, chỉ có người dân là chịu thiệt vì phải chi phí thêm để đăng ký xe ở nơi khác hoặc mượn người khác đứng tên, và đương nhiên cũng là kẽ hở cho tình trạng tham nhũng của một bộ phận người được quyền cấp đăng ký. Hà Nội hiện có rất ít xe ô tô, theo thống kê mới nhất khoảng 180 nghìn chiếc; so với thủ đô các nước thì chẳng thấm tháp vào đâu; thế mà đã có lúc Hà Nội đề ra chủ trương hạn chế xe ô tô con bằng cách phải có giấy chứng nhận chỗ đỗ xe. Rõ ràng chủ trương đó là phi thực tế bởi vì nó chỉ gây thêm phiền hà cho người dân và tạo cơ hội phát triển sự sách nhiễu khi đăng ký lấy biển số. Còn có khá nhiều quy định như vậy. Điều gì cần rút ra từ đó để làm kinh nghiệm cho các cơ quan Chính quyền Thành phố(?).

Mỗi chủ trương từ đó biến thành quy định của Chính quyền các cấp tác động tức thì và trực tiếp đến quyền lợi cửa người dân, hoặc của một nhóm dân cư. Nếu những quy định được hình thành có tính khoa học và thực tiễn trên cơ sở nghiên cứu một cách nghiêm túc, kể cả dự báo về tác động tích cực và tiêu cực của chúng đến kinh tế và xã hội thì sẽ thúc đẩy việc đổi mới bộ mặt đô thị, được lòng dân, tạo nên sự phấn khích của các tầng lớp dân cư và lòng tin đối với Chính quyền Thành phố. Ngược lại, các quy định như đối với xe máy và ô tô trên đây gây ra phản cảm trong dư luận xã hội, làm giảm sự tín nhiệm bộ máy công quyền, gây ra nghi ngờ đối với những chủ trương đúng đắn khác.

Khi đã có chủ trương đúng thì các điều kiện bảo đảm thực hiện cần được tạo ra đến mức đủ để hoàn thành từng công việc, từng dự án trong thời gian ngắn nhất có thể. Người dân có quyền đặt câu hỏi với lãnh đạo Thành phố: vì sao nhiều dự án phải kéo dài, nhiều công việc bị chậm trễ, chi phí thì tăng lên theo thời gian và hiện tượng lặp đi lặp lại là cứ phát hiện, được giải quyết, tiếp tục trở lại tình trạng ban đầu(?)

Thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với đất nước ta, cũng như Thủ đô trong cuộc ganh đua với các dân tộc khác, với thủ đô các nước tiến đến văn minh và hiện đại. Kẻ thù đáng sợ nhất hiện nay của sự phát triển là thói quen cố hữu của không ít người làm việc đủng đỉnh, được chăng hay chớ, khá chậm chạp trong mọi công việc và kéo dài thời gian của từng dự án, để ảnh hưởng không tốt đến sự hoàn thành các nhiệm vụ.

Để khắc phục tình trạng đó cần thực hiện đồng thời theo hai hướng: hướng thứ nhất, trong mỗi giai đoạn chỉ nên đề ra một số chủ trương đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, mà khi thực hiện có thể tạo ra đột phá, làm chuyển động tình hình, khắc phục trạng thái trì trệ, thúc đẩy mọi công việc tiến nhanh hơn và hướng thứ hai, tập trung sự lãnh đạo và mọi nguồn lực tới hạn đến mức cần thiết cho từng nhiệm vụ, từng dự án để hoàn thành trong thời hạn ngắn nhất. Như vậy, thay vì phải làm hai đoạn đường kéo dài trong hai năm thì năm đầu tập trung vào một con đường để hoàn thành ngay trong năm đó; năm sau làm như vậy đối với con đường thứ hai.

Vì sao Hà Nội là “thành phố bụi bặm” dưới con mắt của người nước ngoài(?). Đơn giản vì Hà Nội là một công trường, bất kỳ ở chỗ nào trong nội thành và ngoại thành đều có công trình đang xây dựng dở dang. Có thể khắc phục tình trạng đó được nếu Chính quyền Thủ đô có chủ trương cải tạo từng khu phố cũ một cách hoàn chỉnh trong thời gian ngắn, sau đó tiến hành ở khu phố khác; nên nghĩ đến chủ trương thực hiện việc cải tạo khu phố cũ trong 5 năm hoặc 10 năm và làm theo kiểu cuốn chiếu dứt điểm, để nơi nào đã được cải tạo thì đảm bảo hoàn chỉnh, không còn là tình trạng công trường nữa. Trong những năm vừa qua, Hà Nội đã triển khai nhiều khu đô thị mới, mỗi năm Thành phố xây dựng được khoảng 1,4 triệu m2 nhà ở; đó là thành tựu đáng khích lệ. Giá như Chính quyền Thành phố không chủ trương phát triển mấy chục khu đô thị mới như hiện nay, mà trong 5 - 6 năm vừa qua tập trung toàn bộ vốn và lực lượng xây dựng các khu đô thị đó vào 3 - 4 khu đô thị mới phụ cận các quận nội thành, làm đồng bộ hạ tầng cơ sở - đường sá, điện nước, thông tin theo hướng hiện đại thì đã có một Hà Nội mới khang trang và sạch đẹp hơn hiện nay.

4. Cấu trúc bộ máy và công chức

Sau giải phóng Thủ đô tháng 10/1954, Hà Nội có hai cấp Chính quyền: Thành phố và khu phố, về sau đổi thành quận. Sau 1975, học tập kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hình thành ba cấp mà phường là cấp cơ sở. Đã có lúc lãnh đạo Thành phố đặt vấn đề nghiên cứu để hợp lý hóa cấu trúc bộ máy Chính quyền của thành phố. Có nhiều đề xuất, trong đó có ý tưởng về việc chia nhỏ các quận mỗi quận có khoảng 100 nghìn dân, bỏ cấp phường. Ý tưởng này xuất phát từ kinh nghiệm quản lý Hà Nội của Chính quyền thuộc Pháp trước đây và những vấn đề nảy sinh gắn với sự ra đời của cấp phường; mà trên thực tế ở các quận đã khó phân biệt các vấn đề quản lý đô thị vì không thể chia cắt theo ranh giới hành chính; thêm đơn vị phường vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Tôi nhận thức đầy đủ rằng, đặt lại vấn đề đó không dễ trong tình hình hiện nay, khi mà nhiều người muốn có sự ổn định về tổ chức Chính quyền ba cấp. Nhưng thử hỏi trong điều kiện mới khi mà công nghệ thông tin đã khá phổ cập ở Thủ đô thì tại sao chúng ta không nghĩ đến việc hợp lý hóa cấu trúc của Chính quyền Thành phố, làm cho hiệu năng quản lý đô thị được nâng cao hơn, thông tin hai chiều giữa UBND Thành phố với cấp cơ sở - các quận được chia nhỏ - nhanh nhạy hơn, do đó khắc phục được tình trạng chậm trễ và thiếu đồng bộ. Cần có một cuộc khảo sát nghiêm túc về hoạt động của Chính quyền cấp phường và các tổ chức có liên quan để đưa ra các kết luận cần thiết, trên cơ sở đó đề ra chủ trương theo hướng hợp lý hóa cấu trúc bộ máy của Chính quyền Thành phố.

Hiện nay cũng như các địa phương khác, Hà Nội sẽ thay đổi tổ chức một số cơ quan để phù hợp với cơ cấu của Chính phủ mới. Có lẽ nên quan tâm đến đặc điểm của Thủ đô để trong phạm vi có thể thiết chế một cơ cấu các sở, ban, ngành của Thành phố vừa bảo đảm nguyên tắc chung, vừa đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ đặt ra cho Thủ đô; tránh tình trạng đã xảy ra trước đây, khi nhận thấy các công trình kiến trúc của Hà Nội không được quản lý tốt thì lập ra chức vụ Kiến trúc sư trưởng Thành phố; trên thực tế chức vụ đó không giúp gì vào việc khắc phục tình trạng các công trình kiến trúc ở Hà Nội, vẫn phô diễn sự lộn xộn. thiếu kỷ cương. Và chức vụ Kiến trúc sư trưởng hiện không còn nữa, Sở Quy hoạch và Kiến trúc được lập lại.

Cuối cùng, mặc dù đã được đề cập đến trong nhiều văn bản của Thành phố và đã hình thành các dự án trọng điểm; nhưng vẫn cần phải nhắc lại rằng, Hà Nội đã đủ tất cả các điều kiện về con người và công nghệ, về tiền vốn và thiết bị để thực hiện Chính phủ điện tử, công khai hóa, minh bạch hóa các quy định của Thành phố trên các phương tiện truyền thông, kể cả mạng Internet để nâng cao hiệu năng của công tác quản lý đô thị.

Nhân tố quyết định là đội ngũ công chức nhà nước của Thành phố. Đã đến lúc Thành phố phải đề ra các chuẩn mực cao hơn về đạo đức công chức, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ; phải có các quy định về tuyển lựa, sàng lọc, bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá phẩm chất và năng lực công chức, có cơ chế thưởng, phạt rõ ràng và gây tác động tích cực theo hướng hình thành đội ngũ công chức của Hà Nội đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao hơn, thu hẹp khoảng cách và tiến tới đạt được trình độ của công chức thủ đô các nước phát triển trong khu vực./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark