13/08/2010 | 14:58:45

Sản phẩm mây tre độc đáo dâng ngày Đại lễ

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Gần một năm trời dồn tâm sức trong từng động tác, chau chuốt từng đường nét, nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng đã tạo nên chiếc đài sen bằng mây tre độc đáo dâng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đài sen dâng Bác, mừng ngày Đại lễ

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng (người xã Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội) tâm sự khi còn trong quân ngũ và cho đến tận bây giờ, hình ảnh Bác Hồ kính yêu ngồi làm việc trên chiếc nghế song mây luôn in đậm trong tâm trí ông. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định làm một chiếc đài sen bằng mây tre để đặt tượng Bác. Bởi chiếc đài sen vừa thể hiện được vẻ đẹp thanh cao, vừa nói lên được sự giản dị, gần gũi của Người.

Ban ngày, ông cẩn thận lựa chọn từng sợi mây, gióng tre. Ban đêm, khi gia đình đã yên giấc ngủ, ông vẫn cần mẫn thiết kế mẫu mã, tính toán các con số. Gần một năm trời, ông tỉ mỉ từng động tác, chăm chút từng đường nét hoa văn.

Nhìn tấm hình Bác Hồ, ông Trọng bộc bạch: “Với chiếc đài sen này, tôi mong muốn được góp một sản phẩm độc đáo vào ngày hội chung của cả dân tộc.”

Chiếc đài sen bằng mây tre đan của ông có ba phần gồm chân đế, phần thân và phần đài được kết hợp hài hòa với nhau trong một khối thống nhất. Ở phần đài có 79 cánh hoa sen làm bằng song mây sơn hồng kết lại với nhau giống như tràng hoa sen dâng 79 mùa xuân.

Ở giữa phần thân là bông sen cách điệu ghép bằng tre. Bốn góc được đan cách điệu bốn con dơi. Theo triết học phương Đông, con dơi đứng chữ phúc chầu bông sen, ứng với phúc đức thịnh vượng của nước Nam con Lạc cháu Hồng. Hai bên sườn là hình mặt trời với những tia nắng thể hiện Bác Hồ là bậc vĩ nhân tỏa ánh hào quang khắp nhân gian, đem lại ánh sáng tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc và cho thế giới.

Các thông số của chiếc đài sen đều hết sức đặc biệt. Đài sen có tổng trọng lượng là 120kg tương ứng với 120 năm kỷ niệm Ngày sinh của Bác; chiều cao 1.969cm ứng với năm 1969 là năm Bác Hồ đi xa. Bề ngang thân phần đài sen mặt trước có chiều dài là 79cm tương ứng với tuổi 79 của Người.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng cho biết đến nay chiếc đài sen đã hoàn tất. Khi Bảo tàng Hà Nội hoàn thành, đài sen sẽ được trưng bày tại đó để mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đây được xem là chiếc đài sen làm bằng mây tre độc đáo nhất Việt Nam hiện nay.

Người mang nghề mây tre về làng

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng còn được nhiều người dân trong vùng gọi với cái tên trìu mến là “Bác Trọng mây, tre đan.” Bởi ông là người đã đưa nghề mây tre về xã Liệp Tuyết, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Ông Trọng nhớ lại những ngày đầu đến với nghề: “Quê tôi vốn là vùng đất chiêm trũng, quanh năm chỉ cấy được một vụ lúa nên cuộc sống của người dân vô cùng vất vả, thiếu thốn. Từ chiến trường trở về, tôi luôn trăn trở phải làm gì đó để giúp người dân phát triển kinh tế.”

Sau hơn 10 năm trong quân ngũ, từng chiến đấu ở những chiến trường khốc liệt nhất như Quảng Trị, Thượng Lào, Đà Nẵng, năm 1976, ông giải ngũ, trên mình mang theo di chứng chất độc da cam.

Cũng vào thời điểm đó, xã Liệp Tuyết có chủ trương đưa nghề mây, tre đan về xã. Vốn là người khéo tay và năng động, ông đã được tín nhiệm giao làm Tổ trưởng Tổ mây tre đan xã Liệp Tuyết.

Sau khi học được cách làm nghề mây, tre đan, ông nhanh chóng mở các lớp dạy nghề cho người dân trên toàn xã rồi tận tình chỉ dẫn từng người một. Chỉ trong vài tháng, hàng nghìn người dân trong xã đã thành nghề.

Những sản phẩm mây tre làm ra đều được tiêu thụ ổn định ở thị trường Liên Xô cũ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhờ vậy, người dân đã có thêm nghề mới, nâng cao thu nhập, phá thế độc canh cây lúa.

Đầu những năm 1990, đúng lúc nghề mây tre đang phát triển thì Liên Xô tan rã, thị trường tiêu thụ không ổn định, hàng làm ra không bán được. Người dân trong xã chán nản, nhiều người đã bỏ nghề mây tre, đi nơi khác làm thuê kiếm sống.

Không nản lòng, ông Trọng quyết tìm hướng đi mới cho nghề mây tre. Ông một mình lăn lội trên chiếc xe đạp cũ đi hàng chục cây số sang các làng làm nghề mây tre truyền thống ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội để học cách làm các mặt hàng mây tre xuất khẩu và tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

“Thấy nghề làm mây, tre đan giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở quê nhà nên tôi quyết tâm tìm mọi cách để giữ nghề. Ban ngày, tôi đi đến các công ty thương mại để tìm hiểu nhu cầu của thị trường nước ngoài. Ban đêm, tôi một mình mày mò, sáng tạo những mẫu mã mới, có nhiều đêm tôi thức trắng,” ông Trọng nói.

Sau đó, ông lại tiếp tục dạy người dân cách làm các mặt hàng mây tre xuất khẩu và nhận bao tiêu sản phẩm. Dần dần, nhiều người đã quay trở lại với nghề làm mây tre.

Đến nay, nghề làm mây, tre đan xuất khẩu đã giúp người dân trong xã thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm mây, tre đan của xã Liệp Tuyết đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…

Năm 2005, tham dự Hội chợ việc làm Hà Tây lần thứ 2, sản phẩm "Lọ lục bình" của ông đã đạt Huy chương Vàng. Năm 2006, ông nhận Bằng Sáng tạo kiểu dáng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng, đồng thời, ông được Ủy ban Nhân dân tỉnh phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân mây, tre đan."

Hiện ông đang là thành viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân thành phố Hà Nội./.

(Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark