26/08/2010 | 15:24:00

Sưu tập máy ảnh cổ, thú chơi thượng lưu

Anh Phạm Văn Phương và một số máy ảnh cổ của mình. (Nguồn: Internet)

“Tôi nghe nói, hãng Leica (Đức) chuẩn bị cho ra đời một phiên bản đặc biệt nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, sẽ ra mắt vào tháng 10/2010 - tháng kỷ niệm Đại lễ. Tôi đang rất mong chờ và quyết tâm mua bằng được một chiếc để giữ lại làm kỷ vật nhân ngày Thủ đô tròn 1.000 tuổi."

Anh Phạm Văn Phương - chủ cửa hàng Fương máy ảnh, ở số 5 Tràng Thi (Hà Nội) và cũng là tay chơi máy ảnh cổ có tiếng đất Hà Thành, cho biết.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề ảnh, từ nhỏ, Phạm Văn Phương đã được làm các công việc liên quan đến ảnh. Lớn lên đi học (Cao đẳng Nhạc - Họa Trung ương, Đại học Văn hóa - khoa Guitare và Đại học Luật Hà Nội), anh có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các loại máy ảnh, có cơ hội gặp gỡ với những người chơi máy ảnh cổ, đặc biệt là những người đam mê ảnh trong và ngoài nước. Và thú sưu tầm máy ảnh cổ đã ngấm vào anh từ lúc nào không rõ.

Chiếc máy ảnh đầu tiên mà anh mua được mang hiệu EXA 1C còn mới “cứng," sản xuất năm 1965 tại Đông Đức (cũ), do một thầy giáo trong trường để lại. Đến giờ, chiếc máy này vẫn hoạt động rất tốt, kính ngắm là một cái hộc được bật ra từ phía nóc máy còn cò bấm thì lại ở phía bên trái.

Ở Việt Nam, người sưu tầm máy ảnh cổ không nhiều. Ngay cả ở Hà Nội, những người có thú chơi máy ảnh cổ cũng rất ít, bởi chơi máy ảnh cổ không chỉ cần có tiền, có đam mê mà còn cần phải am hiểu về kỹ thuật, nguyên lý hoạt động của máy.

Với các loại đồ cổ khác, thường chỉ dùng để trưng bày, nhưng với những người sưu tầm máy ảnh cổ, một trong những điều quan trọng là phải biết chụp ảnh, bởi nếu không phải dân chuyên thì khó mà sử dụng được các loại máy ảnh này. Cái thì ống ngắm từ trên xuống, cái lại phải ngắm từ bên hông, rồi cách lên phím, bấm cò, cấu trúc thân máy mỗi cái một khác. Có những chiếc máy cổ được sản xuất thủ công, chẳng có tài liệu nào hướng dẫn, người sưu tầm phải bỏ công sức để học cách sử dụng. Thỉnh thoảng đem máy ra lau chùi để khỏi bị mốc ống kính, rồi những hôm trời đẹp, lại vác máy ảnh đi chụp để vận hành máy, bảo quản tốt hơn.

Phương bắt đầu chụp ảnh cho các sinh viên trong trường, khi rảnh rỗi lại tranh thủ đi chụp ảnh các phố cổ Hà Nội bán cho khách nước ngoài. Tiền kiếm được từ chụp ảnh, bán ảnh, ngoài trang trải cho nhu cầu cuộc sống, còn lại anh đều dành mua máy ảnh. Từng bước như thế, anh đã làm giàu thêm cho bộ sưu tập máy ảnh cổ của mình bằng thu nhập từ nghề.

Anh Phương tâm sự: “Chơi máy ảnh cổ nếu chỉ đam mê thôi chưa đủ, mà cần phải có điều kiện về kinh tế, bởi đây được coi là “thú chơi thượng lưu," rất tốn kém. Có đến 60% lãi suất kinh doanh được đổ vào nuôi thú vui sưu tầm máy ảnh cổ của tôi."

Để có được những chiếc máy cổ, anh phải cất công săn lùng khắp nơi trong nước lẫn ngoài nước. Và theo thời gian, số máy ảnh cổ trong bộ sưu tập của anh được nhân lên nhiều hơn về số lượng và chủng loại. Hiện anh đang có trong tay một bộ sưu tập máy ảnh “khủng” với trên 300 chiếc. Trong đó có khoảng 50 chiếc thuộc loại đắt tiền vì là hàng độc. Từ cái rẻ nhất chỉ trên dưới 1.000 USD cho đến cái đắt nhất khoảng 10.000 USD, đấy là chưa kể còn có những chiếc máy ảnh cổ mà với anh là vô giá, bởi trên thế giới khó tìm được chiếc thứ hai.

Trong kho tàng máy ảnh cổ của anh, hầu như muốn tìm loại nào, kiểu nào cũng có. Điểm danh sơ bộ, đã nhận thấy những chiếc máy ảnh của các hãng nổi tiếng trên thế giới như Leica, Contax, Rolleiflex, Pearlette, Zenit, Pratica, Kodak. Mỗi dòng máy ảnh có một kiểu dáng thiết kế, màu sắc, chất liệu và kết cấu kỹ thuật khác nhau đã tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của từng chiếc máy. Mỗi chiếc máy cũng có lịch sử hoặc gắn với những kỷ niệm khó quên của anh.

Chiếc máy anh quý nhất trong bộ sưu tập là chiếc máy ảnh cực cổ do Edman Kodax (ông tổ của hãng ảnh Kodak) sản xuất năm 1897. Chiếc máy có series số 02 (moden 02 được hãng Kodak sản xuất) và vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện. “Đến nay chưa nghe nói ở đâu có chiếc thứ hai,” anh Phương cho biết.

Một chiếc máy ảnh cổ khác mà anh cũng rất quý, đó là chiếc Leica số hiệu No 10508 có dòng chữ Kriegsmarine bên trái. Anh kể, chiếc máy ảnh này rất đặc biệt bởi thân máy và nắp máy đều có hình một con chim đại bàng, phía dưới là hình chữ thập ngoặc của Đức quốc xã ngày xưa được bọc trong hai cành tùng. Đây là loại máy phục vụ cho quân đội Đức dùng nơi chiến trường.

Chiếc máy được một vị đạo diễn người Pháp mang sang Việt Nam làm phim. Khi đến sân bay, không hiểu suy nghĩ thế nào ông ta lại tháo nắp ống kính có hình thập ngoặc của Đức quốc xã mài xuống nền ximăng, làm cho nắp ống kính xước tả tơi. Khi hoàn thành bộ phim và trở về nước, vị đạo diễn này đã tặng lại chiếc máy ảnh cho họa sỹ Thái - người làm thiết kế mỹ thuật cho phim. Sau rất nhiều lần gặp gỡ và giao lưu, họa sỹ Thái mới đồng ý nhượng lại chiếc Leica bị mài nắp cho anh.

Quả thật, khi ngồi trò chuyện với anh, nghe anh say sưa kể về những chiếc máy ảnh cổ, về nguồn gốc, về tiểu sử, về cách sử dụng hay chất lượng chụp của từng chiếc máy, mới thấy được hết niềm đam mê của anh. Với anh, việc lưu giữ những chiếc máy ảnh cổ này, như một minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của công nghệ chụp ảnh trải qua nhiều thế kỷ và đây cũng là thú chơi thượng lưu ở đất Hà Thành nghìn năm tuổi./.

Phạm Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark