20/08/2010 | 15:18:00

Nghề mài dao, nét cũ Hà thành

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giữa nhịp sống phố phường vội vã, thi thoảng lại bắt gặp những người đàn ông đứng tuổi ngồi cặm cụi liếc dao, mài kéo. Những con dao cùn, sứt, mẻ hay những cây kéo hoen gỉ... qua bàn tay họ lại sáng loáng, sắc ngọt như mới.

Đã từ hai mươi năm nay, anh Lê Viết Tuấn gắn bó với chợ Nguyễn Công Trứ bằng nghề mài dao kéo. Cứ mỗi ngày vào khoảng đầu giờ sáng, người đàn ông vóc dáng cao, gầy này lại đạp xe từ nhà ở phố Lò Đúc đến chợ để hành nghề.

Ngồi xuống chiếc ghế gỗ thấp bé, anh Tuấn rít một hơi thuốc thật sâu rồi lôi xuống bộ đồ nghề từ chiếc xe Cup 82 cũ kỹ. Nói là đồ nghề cho “oách” chứ thực ra chỉ có ba viên đá mài, một túi nilông đựng cát, một cái búa và một can nhựa đựng nước.

“Này nhé, bàn mài lớn là chuyên để 'tề' những con dao to bản đã cùn, hoen gỉ. Bàn mài nhỏ, mịn hơn để 'đi' hai mép của lưỡi dao. Dao để tới đâu là bàn mài 'ăn' tới đó. Nhanh, gọn gàng lắm! Còn viên đá bùn là để làm sáng nước dao và để chỉnh lại những chỗ chưa đều” - anh Tuấn vừa mê mải mài những chiếc dao, chiếc kéo của bà con trong chợ Nguyễn Công Trứ vừa thủng thẳng trò chuyện.

Mặt trời đứng bóng. Những giọt mồ hôi lăn trên gò má anh nhỏ xuống, từng đường mài hòa quyện vào nhau làm cho những lưỡi dao kéo đã hoen rỉ kia trở nên sáng bén như mới.

Nghề mài dao kéo xuất hiện ở Hà Nội từ đầu khá lâu nhưng thời hoàng kim là vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Hà Nội ngày ấy hầu như cái gì cũng là “hàng hiếm” cho nên mỗi vật dụng đều phát sinh những thứ “nghề” ăn theo.

Con dao, cái kéo càng không phải là ngoại lệ. Cùn, mòn là y như rằng người ta phải tìm tới những người thợ mài dao, kéo ngồi tập trung trong các chợ ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi... Hoặc ngóng chờ những người làm nghề này nhưng hành nghề ở hầu khắp các tuyến phố chính bằng cách đi dạo với lời rao: “Ai mài dao kéo đê...” để “chỉnh trang” lại cho vật dụng của mình.

Qua lời kể của người đàn ông đã hai chục năm bám chợ mưu sinh với nghề mài dao kéo, cái khó nhất của việc mài dao là phải làm sao cho lưỡi dao sắc ngọt, đều, chứ không được "lồi lõm" chỗ sắc chỗ cùn.

Dao có hai loại là dao thái và dao chặt. Những con dao thái mài khoảng mười phút, còn những con dao chặt mài ít nhất cũng hai chục phút mới “nuột.” Trong khi mài thường phải nhúng con dao vào nước vài lần để lưỡi dao trơn láng, bám "ngọt" vào hòn đá mài khiến cho những đường đưa lên đưa xuống nhịp nhàng, trôi chảy.

Còn với những con dao để lâu bị han gỉ, phải nhúm ít cát phủ lên đá mài rồi mới tiến hành mài dao, làm như vậy sẽ dễ dàng lấy đi những vết han gỉ trên bề mặt dao. Đặc biệt với những con dao thái thịt, chặt xương lâu ngày cáu mỡ, nếu không có lớp cát mỏng phủ lên hòn đá mài, thời gian mài thường kéo dài rất lâu dao mới có thể sắc bén. “Làm lâu rồi nên giờ đứng đằng xa nghe tiếng mài dao kéo tôi cũng biết dao nào tốt, kéo nào xấu,” anh Tuấn cho hay.

Nói về cái “nghiệp” mài dao, anh Lê Viết Tuấn xòe cho tôi xem đôi bàn tay đầy những vết sẹo do dao kéo cắt phải những lúc mài dao sơ ý. Rồi anh tâm sự: "Chả sung sướng gì đâu. Nhọc nhằn lắm! Đã thế bây giờ, hàng hóaá ngập tràn, đáp ứng đủ mọi yêu cầu: rẻ, bền, đẹp thành ra đồ đạc cứ hễ hỏng hóc là vứt đi thay cái mới, có mấy ai chịu mang ra sửa chữa. Con dao, cái kéo cũng thế. Người Hà Nội bây giờ mấy ai còn nghĩ đến chuyện mài dao nữa, vì dao kéo ngoại sáng loáng bán đầy đường, hỏng thì mua cái mới. Khách hàng của tôi những năm gần đây đã vãn đi nhiều rồi. Chỉ còn những bà hàng thịt trong các chợ Hà Nội này là vẫn ưa dùng ‘dao ta’ thôi.”

Nghe người thợ mài dào kéo nói chuyện chợt thấy nôn nao. Phải chăng những người mài dao kéo còn "sót lại" của đất Hà Thành sắp trở thành thất nghiệp. Nghề mài dao kéo vì vậy rồi cũng bị xóa sổ?. Và đến một ngày kia người ta chỉ còn nghe kể về nghề mài dao kéo ở Hà thành qua những bức ảnh xưa cũ về phố phường Hà Nội?./.

Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark