04/12/2009 | 17:03:00

Thị xã Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: Internet)

Sơn Tây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi đã sinh ra hai vị Vua anh hùng dân tộc là Phùng Hưng và Ngô Quyền, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam.

Vị trí địa lý

Thị xã Sơn Tây nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, phía Đông giáp huyện Phúc Thọ, phía Tây giáp huyện Ba Vì, phía Nam giáp huyện Thạch Thất,  phía Bắc giáp huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Diện tích: khoảng 113,46km² (11.346,85ha).

Dân số: khoảng 117.000 người (năm 2009).

Lịch sử hình thành

Vùng đất Sơn Tây từ đời nhà Lê là trấn lỵ của trấn Đoài, rồi trấn lỵ của trấn Sơn Tây thời kỳ đầu nhà Nguyễn. Năm 1831, trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và vùng đất thị xã Sơn Tây ngày nay trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Sơn Tây.

Thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh lỵ của tỉnh Sơn Tây được đổi thành thị xã Sơn Tây.

Năm 1965, 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây được sáp nhập lại thành tỉnh Hà Tây, khi đó Sơn Tây là một trong 2 thị xã của tỉnh Hà Tây.

Ngày 27/12/1975, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Thị xã Sơn Tây là một trong 3 thị xã thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Theo đó, thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội gồm 3 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung và 2 xã Trung Hưng và Viên Sơn.

Ngày 2/6/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 101-HĐBT về việc phân vạch địa giới hành chính để mở rộng thị xã Sơn Tây trên cơ sở tách các xã Thanh Mỹ, Kim Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn Trầm, Đường Lâm, Sơn Đông, Cổ Đông của huyện Ba Vì chuyển sang. Thị xã Sơn Tây sau khi được mở rộng có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 3 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung và 9 xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm.

Ngày 14/03/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 42-HĐBT về việc chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường Sơn Lộc thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Trung Hưng, xã Trung Sơn Trầm, xã Thanh Mỹ; phường Xuân Khanh thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội trên cơ sở trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu của xã Xuân Sơn, xã Thanh Mỹ.

Sau khi điều chỉnh, thị xã Sơn Tây có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 5 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc, Xuân Khanh; và 9 xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm.

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết chia tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Theo đó, thị xã Sơn Tây lại thuộc tỉnh Hà Tây; thị xã Sơn Tây có 14 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 5 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc, Xuân Khanh; và 9 xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm.

Ngày 9/11/2000, Chính phủ ra Nghị định số 66/2000/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường Phú Thịnh. Sau khi điều chỉnh, thị xã Sơn Tây có 15 đơn vị hành chính gồm 6 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc, Xuân Khanh, Phú Thịnh; và 9 xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm.

Ngày 2/8/2007, Chính phủ ra Nghị định số 130/2007/NĐ-CP, thành lập thành phố Sơn Tây trên cơ sở toàn bộ 11.346,85ha diện tích và 181.831 nhân khẩu của thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Theo đó thành phố Sơn Tây gồm 6 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc, Xuân Khanh, Phú Thịnh; và 9 xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm.

Ngày 1/3/2008, Chính phủ ra Nghị định số 23/2008/NĐ-CP, điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường Trung Hưng thuộc thành phố Sơn Tây, tỉnh Hà Tây trên sơ sở toàn bộ diện tích và nhân khẩu của xã Trung Hưng; phường Viên Sơn thuộc thành phố Sơn Tây, tỉnh Hà Tây trên sơ sở toàn bộ diện tích và nhân khẩu của xã Viên Sơn; phường Trung Sơn Trầm thuộc thành phố Sơn Tây, tỉnh Hà Tây trên sơ sở toàn bộ diện tích và nhân khẩu của xã Trung Sơn Trầm.

Sau khi điều chỉnh Thành phố Sơn Tây có 11.346,85ha diện tích tự nhiên và 181.831 nhân khẩu, có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 9 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Quang Trung, Sơn Lộc, Xuân Khanh, Phú Thịnh, Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm và 6 xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông.

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3, ngày 29/5/2008, từ ngày 1/8/2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, thành phố Sơn Tây được nhập về thủ đô Hà Nội.

Ngày 8/5/2009, Chính phủ ra Nghị quyết số 19/NQ-CP, về việc chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây thuộc thành phố Hà Nội.

Đơn vị hành chính

Thị xã Sơn Tây hiện có 15 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 9 phường: Lê Lợi, Quang Trung, Phú Thịnh, Ngô Quyền, Sơn Lộc, Xuân Khanh, Trung Hưng,Viên Sơn, Trung Sơn Trầm; và 6 xã: Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông.

Trụ sở ủy ban Nhân dân: Phố Phó Đức Chính, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Tình hình kinh tế-xã hội

Trong 5 năm gần đây, thị xã Sơn Tây đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực như tốc độ phát triển kinh tế cao, mức tăng trưởng bình quân đạt 15% năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, công nghiệp-xây dựng chiếm 48%, thương mại-dịch vụ chiếm 39,4%, nông-lâm nghiệp chiếm 12,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,2 triệu đồng/năm. Năm 2008, tốc độ tăng trưởng GDP đạt xấp xỉ 16%.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp-xây dựng: Bình quân trong 5 năm (2004-2008) tăng 13,86%; 3 năm gần đây, tăng trưởng bình quân đạt 17,6%, ngành cơ khí, sản xuất nguyên vật liệu... tăng 18-25%. Hiện thị xã Sơn Tây có 90 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó có 42 dự án đi vào hoạt động thu hút gần 4000 lao động địa phương.

Thương mại-dịch vụ: Tốc độ tăng trưởng bình quân 17,5%; trong 3 năm gần đây tăng 20,3%. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có hơn 208 doanh nghiệp, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh.

Về du lịch: Sơn Tây đã và đang được khai thác hiệu quả, thu hút được đông khách du lịch trong và ngoài nước với các điểm du lịch nổi tiếng như hồ Đồng Mô, Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Về nông nghiệp: Tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp giảm mạnh từ 19% năm 2004 còn 12,6% năm 2008. Giá trị 1ha canh tác năm 2008 đạt 42 triệu đồng (năm 2004 đạt 26 triệu đồng). Kinh tế trang trại và hộ gia đình phát triển mạnh đem lại hiệu quả cao; Hiện nay trên địa bàn thị xã có 168 trang trại (trang trại lâm nghiệp, kết hợp chăn nuôi; cây ăn quả; nuôi trồng thủy sản), trong đó 94 trang trại chăn nuôi công nghiệp, nhiều trang trại lợi nhuận từ 200-400 triệu đồng/năm.

Về làng nghề: Sơn Tây có 2 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống là: làng nghề gốm Phú Nhi ở phường Phú Thịnh, làng nghề Thêu ren Ngọc Kiên xã Cổ Đông. Ngoài ra, còn một làng nghề truyền thống đang được khôi phục là nghề bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh). 8 làng nghề mới đang được phát triển gồm các nghề thêu ren, sinh vật cảnh, mộc, đan lát, đóng giầy, tơ tằm,… tập trung ở các xã Cổ Đông, Trung Sơn Trầm, Sơn Đồng, Đường Lâm, phường Xuân Khanh…

Về giáo dục: Chất lượng giáo dục và đào tạo của thị xã Sơn Tây luôn được nâng cao với 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn. Số học sinh giỏi và học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng hàng năm đạt 30%.

Về y tế: Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế của thị xã Sơn Tây được từng bước nâng cao, cơ sở vật chất tuyến cơ sở từng bước được đầu tư hiện đại. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chăm lo chu đáo.

Danh lam thắng cảnh

Thị xã Sơn Tây có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng như thành cổ Sơn Tây, đến thờ Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền, Đền thờ thám hoa Giang Văn Minh, Chùa Mía, lễ hội đền Và, làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark