14/08/2011 | 08:48:00

Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Internet)

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Vị tướng huyền thoại của Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Vietnam+ xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Trần Huyền Thương về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Kỳ IX: Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh


Sau hiệp định Geneva, nước ta tạm thời chia làm 2 miền. Miền Nam nằm dưới ách thống trị của Mỹ-Diệm. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, sống trong hòa bình.

Để chuẩn bị cho một trường kỳ kháng chiến mới, trong cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tập trung mọi sức lực vào việc xây dựng lực lượng vũ trang theo phương châm từng bước tiến lên chính quy hiện đại.

Các binh chủng hóa học, rađa, thiết giáp, hải quân, bộ đội đặc công được thành lập để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Không một quân, binh chủng nào của quân đội nhân dân Việt Nam là không có dấu ấn ân cần chăm sóc của vị Đại tướng huyền thoại.

Đúng như nhận định của Bộ Chính trị, sau thất bại thảm hại của Pháp, Mỹ đã nhanh chóng biến miền Nam Việt Nam thành một đầu cầu chống cộng ở Đông Nam Á. Những người kháng chiến cũ ở miền Nam bị Mỹ-Diệm đàn áp dã man.

Cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam chống bọn can thiệp Mỹ và chính quyền tay sai, ngày càng làm chế độ Sài Gòn lo sợ. Đầu năm 1965, Mỹ quyết định đưa quân trực tiếp tham chiến tại miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc để ngăn chặn sự chi viện to lớn của miền Bắc cho cách mạng miền Nam, Mỹ đã tập trung phần lớn không quân, hải quân đánh phá miền Bắc với quy mô lớn, rất tàn bạo, nhằm hủy diệt nền kinh tế và quốc phòng của ta.

Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị Trung ương Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Quân ủy Trương ương lãnh đạo quân và dân miền Bắc đã đập tan âm mưu của Mỹ, hòng “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá,” đặc biệt đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris về Việt Nam, quân đội Mỹ phải rút về nước.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cả nước trở thành một chiến hào chống Mỹ cứu nước. Cách mạng miền Nam trong những năm 1960-1970 đã lần lượt đánh bại các cuộc chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) của đến quốc Mỹ.

Cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, đồng loạt đánh vào sào huyệt của địch ở Sài Gòn, trong lúc Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang phải chữa bệnh ở nước ngoài. Nhưng Đại tướng đã kịp trở về trước khi bắt đầu đợt hai tổng tiến công.

Trong cả đợt hai và ba ta đã mất thế bất ngờ, cuộc chiến gặp vô vàn khó khăn. Với tài năng thao lược của mình, Đại tướng đã kịp thời điều chỉnh tình hình, củng cố lực lượng và thế trận, chuẩn bị cho một trận đánh mới thắng lợi, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn thương lượng.

Nhằm giành thế chủ động trên chiến trường, mùa xuân 1971, ta mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cụôc hành quân Lam Sơn 719, làm nản lòng người Mỹ đối với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh.”

Để nắm vững tình hình thực tế chiến trường và có quyết sách đúng đắn, dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, Đại tướng cùng Tư lệnh trưởng Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên và chính ủy Đặng Tính đã vượt hàng trăm cây số đi thăm bộ đội Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và kiểm tra sự chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới. Đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bắt đầu bằng cuộc tập kích chiến lược vào Buôn Ma Thuật đêm 12/3/1975, đã làm tan ra ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết lần lượt được giải phóng. Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân ta tiến công như vũ bão. Tinh thần đó thể hiện rõ trong bức điện mật số 1574 gửi lúc 9 giờ 30 ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho Bộ Tư lệnh tiền phương.

“ Thần tốc, thần tốc hơn nữa
Táo bạo, táo bạo nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng….”


Với quyết tâm sắt đá đó, 11 giờ 30, ngày 30/4/1975 lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy Sài Gòn và các tỉnh miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ngày 30/4/1975 đánh dấu mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng giải phóng của Đảng, nhân dân và quân đội ta; trong đó có sự đóng góp to lớn và sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh.

Nói về chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết “Trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975, đánh dấu bước phát triển mới hết sức rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc, nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo, thực hành những trận then chốt quyết định đưa kháng chiến đến toàn thắng.”

“Thắng lợi của chiến tranh là kết quả của sự hy sinh, nỗ lực to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt, lâu dài giữa ta và địch, của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy ở tầm vĩ mô kết hợp với hoạt động chiến đấu và đấu tranh cụ thể của từng chiến trường, từng đơn vị, không chỉ riêng một chiến trường nào, một bộ phận nào, trong đó Bộ chính trị, Quân uỷ Trung ương và các cơ quan tham mưu chiến lược giữ vai trò đặc biệt quan trọng…”

Là một Đại tướng khiêm nhường, chưa một lần nói về mình. Nhưng Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch, nhân dân và quân đội ta luôn luôn đánh giá rất cao về ông. Và ngày 20/8/1992, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công thay mặt Đảng, Chính phủ trao tặng Đại tướng phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng./.

Kỳ I: Võ Nguyên Giáp - Vị tướng giỏi ra đời vào mùa lũ
Kỳ II: Võ Nguyên Giáp: Quê hương nghĩa nặng, tình sâu
Kỳ III: Võ Nguyên Giáp: Thuở học trò của vị Đại tướng
Kỳ IV: Võ Nguyên Giáp: Lao tù là trường học cách mạng
Kỳ V: Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo trường Thăng Long
Kỳ VI: Chỉ huy trưởng VN Tuyên truyền Giải phóng quân
Kỳ VII: Người Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam
Kỳ VIII: Vị Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử
Kỳ IX: Võ Nguyên Giáp trên con đường mòn Hồ Chí Minh
Kỳ X: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tấm gương trong

Trần Huyền Thương (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark