07/01/2012 | 15:24:00

Xây dựng thực lực cho hoạt động đối ngoại ở Thủ đô

Trong lịch sử ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, chúng ta đều thấy mọi hoạt động đối ngoại diễn ra trên mảnh đất này đều xoay quanh và góp phần thực hiện mục tiêu chính trị cơ bản ở mọi thời đại: Giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn đất nước để phát triển. Những hoạt động ấy đã thực sự từng bước góp phần quan trọng đưa đất nước với Thủ đô là Hà Nội có vị thế trên trường quốc tế như ngày nay.

Khó có thể phân biệt rạch ròi sự kiện đối ngoại này thuần tuý của quốc gia mang tính quốc tế, sự kiện đối ngoại kia thuần tuý của Hà Nội, bởi lẽ Hà Nội là Thủ đô - Đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, kinh tế, đầu mối giao lưu quốc tế. Chính vì thế, ngày nay, đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu phấn đấu của đối ngoại Thủ đô, song đòi hỏi Thủ đô một yêu cầu cao về tư duy sáng tạo và phát triển đường lối và chính sách đó.

Lịch sử đối ngoại của chúng ta kể từ sau Cách mạng tháng Tám cho thấy ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều thắng lợi vẻ vang, nhưng cũng không phải không có những đoạn gian truân, khúc khuỷu, cả hai mặt đó đều để lại cho chúng ta những bài học quý giá.

Có thể nói rằng, giải phóng dân tộc, chống xâm lược, bảo vệ độc lập là mục tiêu bao trùm của mọi hoạt động đối nội và đối ngoại của nước ta trong thời kỳ chiến tranh. Dù bối cảnh quốc tế lúc đó có nhiều phức tạp, nhưng phong trào hoà bình thế giới, đặc biệt là các nước bạn bè cùng ý thức hệ đã tích cực ủng hộ nước ta cả vật chất lẫn chính trị và tinh thần, nhưng rồi chúng ta cũng dần hiểu rõ hơn họ có những mục đích khác nhau (âu cũng là bình thường vì lợi ích dân tộc của họ). Một điều hiển nhiên, chúng ta không thể chối từ thừa nhận sự giúp đỡ của bạn bè là rất to lớn và hiệu quả. Thắng lợi của chúng ta không thể tách rời sự giúp đỡ đó cho dù sự hy sinh xả thân của nhân dân ta, trí tuệ độc lập, tự chủ về đường lối giải phóng dân tộc của Đảng ta vẫn là nhân tố quyết định.

Bước ra khỏi chiến tranh cũng là lúc tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, phong trào công nhân quốc tế, sự phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa đang ẩn chứa nguy cơ thoái trào và tan rã. Chúng ta cũng chưa thấy hết được thực chất tình hình Liên Xô và Đông Âu. Với tình cảm bạn bè mạnh mẽ, với truyền thống thuỷ chung “uống nước nhớ nguồn”, với ý chí ý thức hệ sâu sắc, ta luôn trân trọng đoàn kết các nước xã hội chủ nghĩa, nên rất có ý thức bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Nửa sau thập kỷ 80 ta đề nghị một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cùng bàn với Liên Xô họp các Đảng anh em bàn cách bảo vệ chủ nghĩa xã hội, nhưng họ đều từ chối khéo: Liên Xô đang phải lo cho mình chưa xong, sao nghĩ được cho cả hệ thống XHCN. Lãnh đạo Đảng ta lại nêu vấn đề này với Trung Quốc, nhưng họ cũng không mặn mà. Điều đó đã chi phối hạn chế đến tư duy mục tiêu, lợi ích dân tộc trong khi bức tranh chính trị quốc tế đang chứa đựng những nhân tố chuẩn bị phá vỡ cục diện đương thời.

Đồng thời lúc đó, kinh tế nước nhà lại đang gặp nhiều bế tắc, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Tình thế ấy buộc chúng ta phải tập trung tư duy vì lợi ích dân tộc trước một thế giới đang đổi thay bất lợi cho phong trào cộng sản quốc tế. Đó cũng là nền tảng chính trị cho đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế.

Trước tình hình đó, ngày 20/5/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13 và đã chỉ ra một số quan điểm cơ bản, rất mới như sau:

- Trong điều kiện cách mạng khoa học kỹ thuật và xu thế quốc tế hoá cao của nền kinh tế thế giới, an ninh của mỗi nước phải dựa trên nền tảng khoa học và kinh tế phát triển. An ninh của mỗi nước đồng thời tuỳ thuộc vào an ninh của các nước.

- Với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh, cùng với sự
mở rộng quan hệ quốc tế, chúng ta càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hơn.

- Về quan hệ với Lào và Cămpuchia, Nghị quyết đã chỉ rõ với tư duy mới : Việc Lào và Cămpuchia sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội phát triển theo con đường dân tộc dân chủ, nhân dân là do Đảng và nhân dân hai nước đó quyết định, phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng dân mỗi nước, ...tiếp tục cách làm cũ là không phù hợp với tình hình khách quan đã thay đổi, không củng cố được quan hệ hữu nghị giữa ta với Lào và Cămpuchia.

Có thể nói rằng, thông qua Nghị quyết này, chứng tỏ Đảng ta đã có một bước ngoặt về tư duy chính trị, làm rõ quan điểm về chiến tranh và hoà bình, an ninh và phát triển, kinh tế với quốc phòng, lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế. Nghị quyết cũng đã xác định một quan điểm có tính nguyên tắc là: Lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta sau khi giải phóng miền Nam là phải củng cố và giữ vững hoà bình để tập trung sức xây dựng kinh tế. Đó là nhân tố quyết định để giữ vững an ninh và độc lập .

Tinh thần Nghị quyết này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, trên mặt trận ngoại giao ta đã từng bước bình thường hoá và cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực, khôi phục quan hệ với các nước phương Tây . . .

Sau Đại hội VII, cũng là sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, Đảng ta đã bám sát tình hình quốc tế hơn, đã xuất phát từ thực tiễn đất nước, từ lợi ích dân tộc để xác định đường lối đối ngoại. Hội nghị TW 3 (5/1992) kịp thời xác định đường lối đối ngoại trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, song đã chứa đựng nhân tố sáng tạo, độc lập và linh hoạt theo tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Có thể tóm tắt các quan điểm ấy như sau:

a/ Đảm bảo lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.
b/ Giữ vững độc lập tự chủ, tự cường trong khi đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế.
c/ Nắm vững nguyên tắc vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ đối ngoại.
đ/ Tích cực tham gia hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước.

Đây không chỉ là thắng lợi của tư duy đối ngoại sáng suốt, bám sát thời đại đang chuyển mình, đặt lợi ích dân tộc lên trước, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế vì hoà bình, hợp tác và phát triển.

Đây cũng là Bài học bám chắc thực tiễn Việt Nam, bám sát tình hình thời đại để giữ vững độc lập tự chủ về tư tưởng và tư duy chính trị, khéo léo kết hợp dân tộc và quốc tế để tìm tòi đường lối chính sách đối ngoại phục vụ phát triển đất nước. Bài học này nêu ra nhằm mục đích được vận dụng vào hoạt động đối ngoại của Thủ đô.

Hà Nội bám sát đường lối đối ngoại của Đảng để sáng tạo và phát triển trong xây dựng, phát huy vị thế đầu mối giao lưu quốc tế của quốc gia.

Đường lối đa phương hoá, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với các nước không chỉ mở ra tiềm năng hội nhập của mình, mà còn là điểm đến của các nước. Làm thế nào để các đối tác đến với Thủ đô và làm thế nào khi đối tác đã đến với Thủ đô, thì Thủ đô không bị pha tạp, xô bồ, mất đi cái sắc thái Thăng Long, mà phải tích tụ được thêm cái tinh hoa bốn phương làm phong phú thêm cái cốt cách ngàn năm vốn có.

Mọi hoạt động đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội phải được tiến hành theo hướng phát huy thế mạnh đặc thù lả đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, kinh tế, đầu mối giao lưu quốc tế, mà trước hết phải coi trọng thế mạnh đặc thù về vị thế đầu não chính trị và giá trị, tiềm năng văn hóa kết tinh văn hoá dân tộc. Đó vừa là vị thế thuận lợi, vừa là sức ép đối với Hà Nội với tư cách là Thủ đô.

Hơn hai mươi năm đổi mới, với đường lối mở cửa của Đảng ta, thế và lực của đất nước đã được nâng lên cao trong khu vực và trên thế giới, trong quá trình đổi mới ấy, Hà Nội cũng đã đủ cơ sở thực tiễn để hiểu mình, hiểu người. Xu thế toàn cầu hoá kinh tế kéo theo sự xuất hiện một cục diện chính trị đa cực đan xen phức tạp có khuynh hướng muốn gia tăng sự chi phối của các nước lớn trong quan hệ quốc tế vừa hợp tác, vừa tiềm ẩn sự đối đầu. Điều đó không thể không tác động đến sự nghiệp phát triển của nước ta. Truyền thống dân tộc tốt đẹp của ta luôn gắn với nghĩa tình và tin cậy, nhưng trong thế giới hôm nay cái bao trùm lại là hợp tác vì lợi ích dân tộc. Vị thế đầu não chính trị đã đặt ra cho Hà Nội những câu hỏi lớn trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

Biểu hiện cụ thể của việc đưa đường lối của Đảng về đối ngoại vào thực tiễn Thủ đô trước hết phải củng cố, xây dựng một nền tảng chính trị, xã hội, văn hoá vững bền, đó là: Giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và phát huy nền tảng văn hoá, phát triển kinh tế song hành với chăm lo các vấn đề xã hội để tạo môi trường hội nhập, để đủ sức đề kháng với mọi biểu biểu hiện tiêu cực thâm nhập có nguy cơ băng hoại trước hết là giá trị văn hoá Thăng Long - Hà Nội.

Ổn định chính trị là tiền đề để phát triển, là môi trường thu hút đầu tư.

Đường lối đổi mới của Đảng phải được nhận thức một cách đồng thuận và hành động một cách thống nhất trong toàn xã hội. Thành tựu 20 năm đổi mới của Hà Nội cũng đã khẳng định điều đó. Song, sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động phải luôn được nhìn nhận như là một quá trình tư duy và hành động năng động, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Hà Nội hôm nay rất cần phải tiên phong xây dựng một môi trường ổn định chính trị trên cơ sở chuyển mạnh nền hành chính từ chức năng quản lý sang chức năng phục vụ, nhất là khi nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, hội nhập ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh theo hướng chú trọng chất lượng; giải quyết đơn thư khiếu tố khiếu nại kịp thời, dứt điểm; đặc biệt là củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ am hiểu chuyên môn, có kỹ năng làm việc, biết tôn trọng dân và biết phục vụ nhân dân. Có thể nói, những vấn đề nêu ra ở đây không có gì mới, nó đã được đề cập trong nhiều văn bản của thành phố, nhưng nó chưa thực sự đi vào cuộc sống như mong muốn. Sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động được biểu hiện qua việc làm cụ thể hàng ngày của các cơ quan công quyền. Ví dụ, việc thực thi cải cách hành chính sẽ tác động không ít tới cái đồng thuận, cái thống nhất ấy. Trên thực tế, vấn đề này vẫn đang đặt ra trước hết đối với cán bộ, đảng viên một yêu cầu về tính gương mẫu thể hiện đạo đức cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mà cốt lõi là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nói đi đôi với làm; hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; luôn rèn luyện, tu dưỡng để đủ sức quét sạch chủ nghĩa cá nhân, trước hết trong bản thân mình. Chỉ có bằng cách đó và thông qua cách đó mới vận động được quần chúng thống nhất hành động, mới có niềm tin tự thân.

Ổn định chính trị ở Thủ đô hôm nay lại rất cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực góp sức vào công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực, trước hết mỗi người dân cần xây dựng ý thức tự giác chấp hành các qui tắc của đời sống đô thị; cần chủ động cảnh giác trước sự lôi kéo, quyến rũ của các thế lực thù địch đang âm mưu chống phá thành quả cách mạng của dân tộc. Cách tuyên truyền, giáo dục hiệu quả nhất là cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội. Thăng Long, Đông Đô xưa, một đô thị nghèo của đất nước nông nghiệp - phong kiến, dù cho sầm uất nhất nước và có thời có những giao thương quốc tế, thì kinh tế nhỏ bé, tiểu thương vẫn là chủ đạo. Cái nổi trội lại là trung tâm quyền lực chính trị, cái nôi của nền giáo dục quốc gia, nơi tích tụ và toả sáng văn hoá dân tộc. Cốt cách người Thăng Long là thanh lịch. Ứng xử với người khác, ứng xử với môi trường sống, ứng xử với chính mình (xử kỷ) đạt tới mức chuẩn mực của thanh tao, lịch lãm đậm chất nhân văn đã hình thành nên cái thần thái của cốt cách con người Thăng Long - Hà Nội xưa, mà người đời gọi là thanh lịch. Tố chất chất này được và chỉ được hình trong môi trường sôi động của một kinh kỳ sâu lắng văn hoá (chính nó góp phần tạo ra nét đặc sắc văn hoá Thăng Long). Thời thuộc Pháp đã từng bước thẩm thấu, đan xen những yếu tố văn hoá phương Tây trong đời sống văn hoá Hà Nội.

Đến hôm nay, trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, Hà Nội đã khác xưa rất nhiều, mang dáng vóc của đô thị hiện đại về nhà cửa, đường sá, phương tiện sinh hoạt và cách sống. Cái cốt cách thanh lịch đang bị nhịp sống xô bồ thiếu cái gốc xử kỷ chen lấn. Chỉ giới hạn trong việc quan sát đường phố, nơi công cộng cũng đủ thấy nếp sống và nếp nghĩ của người dân Hà Nội hôm nay. Bên cạnh đa số những con người biết vun đắp cho cái đẹp, cái tốt của Thủ đô, vẫn còn không ít người lạnh lùng, vô cảm với tinh thần xử kỷ (ứng xử với chính mình). Càng tự hào với biết bao nét đẹp Thủ đô, chúng ta càng không thể vui lòng với cảnh: người tham gia giao thông trên đường phố thiếu ý thức tự giác chấp hành luật lệ. Khi tắc đường ai cũng tìm đường thoát bằng mọi cách, nên làm tắc đường lâu thêm. Vẫn còn hiện tượng vượt đèn đỏ, khi vắng bóng công an. Hiểu phóng nhanh, vượt ẩu là phạm luật và gây tại nạn cho bản thân và cho người khác, nhưng vẫn làm.

Học sinh phổ thông không được đi xe máy khi chưa đến tuổi, nhưng vẫn đi và còn kẹp ba, kẹp bốn. Có cháu đi chiếc xe, mà nhiều người lớn mơ ước. Nếu cha mẹ không nuông chiều, nếu gia phong nền nếp, thì đâu có những hiện tượng nêu trên.

Phải chăng ở những người đó không có tinh thần xử kỷ - một nhân tố quan trọng làm nên cốt cách thanh lịch. Một khi vô cảm với chính mình, sao có được tình cảm với người khác, trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần vì nhân dân phục vụ; sao có được sự thân thiện xây dựng môi trường sống xung quanh. Còn bao hiện tượng không thể vui khác đang biểu hiện hàng ngày từ gia đình, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, đường phố..., trong đó có không ít những biểu hiện làm xói mòn nền tảng đạo đức, nhân phẩm.

Cảnh tỉnh trước thực trạng này, có lẽ phải trở về để bắt đầu củng cố từ cái cội nguồn hình thành những nhân cách sống, đó là gia đình. Phải chăng thiết chế hạt nhân xã hội là gia đình đã lãng quên chăm lo cái tế bào sống nuôi dưỡng chất lượng sống cho mỗi thành viên trong gia đình. Văn hoá cộng đồng, văn hoá dân tộc được hình thành và xuất phát từ cái nôi văn hoá gia đình. Văn hoá Thủ đô cũng không nằm ngoài quan hệ đó.

Người nước ngoài đến Thủ đô kinh doanh, công tác, du lịch, giao lưu sẽ cảm nhận gì khi không chỉ chứng kiến, mà còn phải sống trong môi trường còn không ít những biểu hiện xa lạ với cái văn minh thời hiện đại. Cốt cách thanh lịch người Thăng Long xưa giờ đây rất cần phát huy cao độ để tạo dựng môi trường văn hoá hội nhập quốc tế. Những yếu tố thanh lịch đòi hỏi người Hà Nội hôm nay phải thể hiện như thế nào? Ai chăm lo vun đắp cốt cách thanh lịch hiện đại này?

Tinh thần ứng xử với chính mình, ứng xử với người khác, ứng xử với môi trường sống (tự nhiên và xã hội) của mỗi cư dân Hà Nội phải thích hợp với hoàn cảnh mới, với yêu cầu mới. Tính hiện đại cửa nội dung thanh lịch thể hiện trước hết ở ý thức chấp hành luật lệ và qui tắc của đời sống đô thị trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng. Ý thức ấy phải được hình thành một cách tự giác và trở thành nhu cầu tụ thân về tinh thần, như con người cần không khí để thở. Nếu những yếu tố nhân cách làm người từ giản đơn đến phức tạp không được bồi đắp, nuôi dưỡng chăm sóc dần từng bước, bắt đầu ngay trong gia đình, thì mỗi cá thể sẽ mang theo tính tự do không định hướng gây cản trở và làm “ô nhiễm” môi trường ứng xử chung của xã hội.

Hà Nội từ lâu đã có phong trào xây dựng gia đình văn hoá, hàng năm chính quyền cơ sở vẫn sơ, tổng kết đánh giá, suy tôn bằng việc cấp Giấy chứng nhận gia đình văn hoá. Nhưng, dường như, phong trào này không được quan tâm thường xuyên, không có một động thái nào chú trọng về đanh giá chất lượng theo tính văn hoá, tầm văn hoá. Gia đình văn hóa vẫn nhiều mà sao vẫn lắm hiện tượng biểu hiện thiếu văn hoá trên đường phố, nơi công cộng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp.

Đã đến lúc chính quyền địa phương cơ sở cần xây dựng những tiêu chí gia đình văn hoá phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của khu vực dân cư. Ngoài những tiêu chí chung, cần xây dựng tiêu chí đặc thù đưa ra nhằm hoặc yêu cầu các gia đình vươn tới cái mẫu mực của khu phố, hay khu đô thị văn hoá, hoặc đặt cái đích để các gia đình khu vực nông thơn, nhất là những nơi có nhiều khó khăn có thể vượt qua và chiến thắng hoàn cảnh để có tổ ấm yên vui, con cái được giáo dục, học hành v.v... Người Việt Nam ta có câu: “áo rách phải giữ lấy lề”. Yếu tố tự trọng (cái gốc của xử kỷ) phải được bồi đắp thường xuyên ngay từ trong gia đình cho từng thành viên, nhất là những thành viên nhỏ tuổi, thanh thiếu niên. Ở đây, vai trò gương mẫu của các bậc phụ huynh có ý nghĩa nền tảng.

Có lẽ nay cũng như xưa nền tảng văn hóa cộng đồng, rộng ra là văn hóa dân tộc đều không thể không bắt nguồn từ văn hoá gia đình, nay chỉ khác ở chỗ phạm vi biểu hiện sẽ tác động qua lại trong mối liên hệ rộng lớn hơn và vượt ra khỏi luỹ tre làng, phường phố, mang qui mô quốc gia, quốc tế.

Xây dựng văn hoá Thủ đô đương nhiên phải được chú trọng triển khai trên nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, qua nhiều thiết chế chính trị - xã hội, nhưng văn hoá gia đình phải được chú trọng nhất. Gia đình luôn là, mãi là điểm khởi nguyên sự hình thành tố chất văn hoá cho mỗi người. Trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hoá nơi cư trú, thì điểm nhấn phải là xây dựng gia phong. Vấn đề này chưa làm được là bao, có lúc, có nơi “khua chiêng, đánh trống” là chính, chưa có những động thái theo chiều sâu bản chất để vận động quần chúng, mà biểu hiện có từ những cơ quan tham mưu chỉ đạo từ thành phố xuống cơ sở.

Những tố chất của đạo đức con người như: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm thì thời nào cũng phải được bồi đắp để vươn tới làm người đúng với nghĩa con người. Những tố chất ấy phải được giáo dục ngay trong gia đình từ những nét sơ đẳng, giản đơn nhất để tiến dần tới cái phức tạp hơn, trong đó những động thái ứng xử làm gương của bậc cha, mẹ và những thành viên lớn tuổi khác là có giá trị hiệu quả nhất. Những tố chất nêu trên sẽ được hoàn thiện, khẳng định trong suốt cuộc hành trình sống của mỗi người. Xã hội nào cũng có người tốt, người xấu, Môi trường gia đình, môi trường xã hội luôn mang yếu tố chi phối đến đạo đức, luân lý của mỗi cá thể.

Xét cho cùng, gia đình là nơi đầu tiên trang bị tinh thần xử kỷ cho mỗi thành viên ở mức độ giản đơn, cụ thể, để rồi, từng bước sẽ định hướng luân lý ở đời cho mỗi người. Luân lý chẳng qua là cách thể hiện cái tố chất đạo đức của mỗi người trong môi trường xã hội đương đại và nó cũng mang tính lịch sử. Nhưng, đối với mỗi cá thể, thì đạo đức nào, luân lý ấy. Gia đình là xuất phát điểm, là trọng tâm chiến lược xây dựng nền tảng văn hoá xã hội. Chính vì thế, Hà Nội cần tập trung nhiều cho chiến lược xây dựng văn hoá gia đình theo hướng cụ thể, chất lượng, hiệu quả và nâng tầm cái cốt cách thanh lịch trong thời đại hôm nay.

Đó cũng là một trong những giải pháp để tiếp nhận được những giá trị quốc tế để từng bước làm phong phú thêm nền tảng môi trường văn hoá Thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế sôi động hôm nay. Đồng thời, tạo thêm sự hấp dẫn của một điểm đến trong quan hệ giao lưu quốc tế đa chiều, đa lĩnh vực và tạo nguồn gia tăng sức đề kháng chống lại những tiêu cực nảy sinh từ bên trong, cũng như bên ngoài.

Một trong những lĩnh vực phát huy vai trò, vị thế Thủ đô, tiềm năng văn hoá ngàn năm phải được coi là điểm nhấn trang phục vụ hoạt động đối ngoại của Thủ đô Hà Nội hôm nay.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hơn 20 năm qua đã tạo được nhiều biến đổi theo hướng từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Hà Nội. Từ cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội đến dịch vụ các nhu yếu phẩm hàng ngày đều được cải thiện. Kinh tế luôn tăng trưởng một cách ổn định. Đó là những thành tựu có ý nghĩa làm tiền đề phát triển Thủ đô toàn diện trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy vậy, trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế Hà Nội chưa phải đã giải quyết tốt phát triển cân đối hài hoà các vấn đề xã hội.

Khó có thể và không thể có việc mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế như nhau, trong điều kiện sự đóng góp khác nhau về các nguồn lực để phát triển. Vấn đề là ở chỗ, Thành phố cần điều chỉnh đầu tư theo hướng gia tăng cho phát triển hạ tầng xã hội, như: giáo dục đào tạo nghề, y tế, văn hoá (nhất là văn hoá cơ sở) . . .

Trong các lĩnh vực trên, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nên đẩy mạnh xã hội hoá những việc có thể và phải xã hội hoá. Tuy vậy, không thể xã hội hoá tràn lan mà có định hướng phát triển cụ thể, không phương hại đến tính ưu việt của Nhà nước (trong tình hình hiện nay, chỉ có thể phát triển bệnh viện tư, chưa thể cổ phần hoá bệnh viện công....). Trong khi nguồn lực tài chính từ ngân sách không đủ đầu tư, thì việc khai thác các nguồn lực tài chính trong nhân dân là rất cần thiết, đồng thời phải phát huy, động viên mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển. Trong phát triển các vấn đề xã hội, đầu tư xây dựng yếu tố con người là quan trong bậc nhất, con người làm công tác giáo dục, đào tạo; con người làm công tác văn hoá, y tế...

Phân hoá giàu nghèo trong quá trình đổi mới vừa qua cũng là hiện tượng tất yếu song xuất hiện độ chênh lệch kịch liệt, nhất là hiện tượng giàu nhanh bất chính gây tâm trạng xã hội lo lắng, thiếu niềm tin.

Cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện làm ăn phi pháp, tham nhũng để lập lại trật tự công bằng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân. Vấn nạn này chỉ nảy nở nhiều trong quá trình đổi mới, với những qui mô lớn, tính chất tinh vi, có mối quan hệ phức tạp và chứa đựng nguy cơ làm băng hoại giá trị đạo đức, nền tảng văn hoá, do đó, đồng thời với việc kiên quyết gạt bỏ hiện tượng tiêu cực đó ra khỏi đời sống cộng đồng, thì công tác giáo dục, tuyên truyền và những giải pháp “xây” khác luôn mang tính chất chiến lược.

Để rút ngắn độ chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực dân cư nông thôn và thành thị giữa các giai tầng xã hội, đòi hỏi Thành phố phải điều tiết đầu tư phát triển sao cho khu vực nghèo, chậm phát triển có điều kiện để phát triển và được nâng cao về điều kiện phục vụ phúc lợi xã hội (giáo dục, y tế, văn hoá và an sinh xã hội).

Đó cũng là một yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng X: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, trong thực hiện từng chính sách cụ thể ổn định định chính trị, phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là ba vấn đề có quan hệ tương hỗ lẫn nhau, vừa là tiền đề, vừa là phương thức, vừa là mục đích của nhau. Do đó, để có thực lực phục vụ cho phát triển nói chung và đối ngoại nói riêng, cần phải có quan điểm, giải pháp thực thi đồng bộ, xuyên suốt ba vấn đề trên .

Hoạt động đối ngoại của Hà Nội là cất “tiếng chiêng Thủ đô” trên trường quốc tế. Vì vậy, cần coi trọng và phát huy những bài học kinh nghiệm đối ngoại trong tiến trình lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, chủ đóng, sáng tạo và không ngừng đổi mới nội dung và hình thức quan hệ quốc tế của Thủ đô.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, mỗi ngành cần chủ động cụ thể hoá chủ trương đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực hoạt động của mình. Thành phố cần tăng cường đẩy mạnh ngoại giao quan phương bằng cách xây dựng chiến lược phát triển đối ngoại toàn diện trên các lĩnh vực, trước hết tập trung khai thác để phát triển các lĩnh vực là thế mạnh: văn hoá – du lịch, tiềm năng trí tuệ y tế, tiềm năng trí tuệ công nghệ thông tin. . . Những vấn đề này cũng đã được đề cập trong những nghị quyết của Thành uỷ, nhưng dường như quá trình cụ thể hoá trong thực tiễn còn chậm chạp.

Qui hoạch đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại Thủ đô đáp ứng tình hình mở rộng quan hệ quốc tế hiện nay. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ đối ngoại đã được hình thành ở các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các trường đại học. Qui mô và mức độ quan hệ quốc tế của các đơn vị này có thể hình dung được qua quy mô bộ máy đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Tuy vậy, dù quy mô như thế nào, thì chức năng chính của đội ngũ cán bộ này chủ yếu là phiên dịch và thực hiện các giao dịch thư tín trao đổi, hiếm thấy đảm đương thêm nhiệm vụ tham mưu đề xuất mở rộng các hoạt động hợp tác trên cơ sở nghiên cứu quốc tế cụ thể.

Khảo sát đội ngũ cán bộ đối ngoại trong các doanh nghiệp, ta thấy họ là những cử nhân ngoại ngữ được nhận về công tác tại cơ quan với nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch, không được bồi dưỡng tiếp những tri thức về nghiệp vụ, kỹ năng đối ngoại, cũng như những tri thức cơ bản về chuyên môn của cơ quan. Đã đến lúc, mỗi ngành, nhất là những ngành có quan hệ đối tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, phải chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại không chỉ có trình độ ngoại ngữ, mà còn đào tạo, bồi dưỡng, trang bị cho họ những tri thức về ngành nghề của cơ quan, kỹ năng giao thiệp quốc tế, đặc biệt, họ cần phải tự trau dồi vốn văn hoá dân tộc. Trên cơ sở đó, họ sẽ có điều kiện không chỉ thực thi tốt nhiệm vụ giao dịch, mà còn có khả năng tham mưu sâu cho cơ quan mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.

Ngay Sở Ngoại vụ Hà Nội, với thực lực đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng hiện có, mới chỉ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ đoàn ra và đoàn vào chưa đủ sức, đủ tầm tham mưu cho thành phố về những sách lược, chiến lược phát triển quan hệ quốc tế. Ở Hà Nội không có bộ phận nghiên cứu quốc tế làm chức năng tham mưu cho UBND thành phố về quan hệ quốc tế, mà chỉ có Ban hội nhập kinh tế quốc tế với cơ cấu nhân sự gồm Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách kinh tế kiêm nhiệm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm thành viên. Xét về bản chất, Ban này làm nhiệm vụ chỉ đạo triển khai các kế hoạch hội nhập, trước hết và chủ yếu là hội nhập kinh tế.

Qui mô, phạm vi, nội dung hoạt động của thành phố được hình thành từ đề xuất của các sở ngành. Nếu Sở ngoại vụ là đơn vị tổng hợp dưới cái nhìn liên ngành và đề xuất nên cơ sở hiểu biết từ nghiên cứu, bám sát tình hình quốc tế, thì nội dung hoạt đông đối ngoại sẽ phong phú, chất lượng sẽ hiệu quả hơn. Trước yêu cầu mới của việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, cần thiết phải nâng cấp qui mô chức năng và chất lượng hoạt động của Sở Ngoại vụ - cơ quan tham mưu đối ngoại của thành phố.

Ngoại giao nhân dân là hoạt động đối ngoại phi quan phương của các tầng lớp nhân dân với mục đích trao đổi, giao lưu tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ngoại giao nhân dân được mở rộng và phát triển sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngoại giao quan phương, xét từ góc độ quần chúng nhân dân. Vì vậy, một mặt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác dân vận để hình thành nên trong nhân dân ý thức và năng lực tham gia hoạt động đối ngoại vì lợi ích của đất nước và Thủ đô, mặt khác, cần tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân có thể tích cực, chủ động tham gia và phát huy sáng kiến của mình trong các hoạt động đối ngoại, tạo nên một mặt trận đối ngoại rộng rãi vừa có định hướng, vừa phong phú, đa dạng.

Ở Hà Nội, hơn mười năm qua, các hoạt động ngoại giao nhân dân đã được Thành phố quan tâm và đã có những khởi sắc. Cuối năm 1997, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành chỉ thị 27/CT-TU về “Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”. Đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội có 2 1 tổ chức thành viên.

Những hoạt động chủ yếu của các tổ chức này trong thời gian qua là: in ấn, xuất bản các tài liệu giới thiệu về Thăng Long - Hà Nội; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các nước bạn cho thanh niên, sinh viên Việt Nam tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội cho những người nước ngoại sống và công tác tại Việt Nam; các cuộc đi bộ vì hoà bình; những ngày văn hoá Hà Nội ở nước bạn, văn hóa nước bạn tại Hà Nội; tổ chức các diễn dàn về phát triển các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước; đón các đoàn vào và tổ chức các đoàn ra. 5 năm qua đã có hơn 40 đoàn vào với hơn 1.000 người từ các châu lục, trong số đó trên một nửa là ở nhà dân (homestay); tiếp nhận viện trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Những hoạt động trên, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng, cơ bản, mới dừng ở hoạt động của bản thân các tổ chức hữu nghị, chưa có sự tham gia trực tiếp của đông đảo quần chúng nhân dân dưới nhiều hình thức phong phú khác.

Trước thềm kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, Hoạt động đối ngoại nói chung và nhất là hoạt động đối ngoại nhân dân cần được đẩy mạnh các hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng khác nhau để quảng bá hình ảnh Thủ đô có bề dày lịch sử, văn hóa cho bạn bè quốc tế.

Những vấn đề trình bày trên chưa phải là tất cả, nhưng là những yếu tố tối thiểu cơ bản để góp phần củng cố và phát triển thực lực một nền tảng chính trị-xã hội cho hoạt động đối ngoại. Sức mạnh đối ngoại chỉ có thể có trên cơ sở sức mạnh kinh tế, chính trị, văn hóa. Đó cũng là phương hướng nâng cao vị thế, phát huy mọi tiềm năng góp phần đưa hoạt động đối ngoại ngày một thiết thực..., hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định, rằng “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng”. Xây dựng nền tảng ổn định chính trị, xã hội, văn hoá ở Thủ đô chính là chăm lo cho “cái chiêng” đủ sức cất “tiếng” đối ngoại hiệu quả trên trường quốc tế./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark