11/01/2012 | 16:36:00

Bảo tồn và phát huy di sản nhạc lễ cổ truyền Hà Nội

Nhận diện nhạc lễ Hà Nội
 
 Nhạc lễ ở đây được hiểu là những thể loại, hình thức âm nhạc gắn với nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng. Bài viết này xin giới hạn đề cập tới âm nhạc gắn với bốn không gian chính là: nhạc trong nghi lễ Thành hoàng làng, trong nghi lễ Phật giáo, trong tín ngưỡng Tứ phủ và trong Tang ma của người Việt tại khu vực Hà Nội (cũ).
 
 Trước hết, âm nhạc trong tế lễ thành hoàng được xác định trên hai thành phần chính là cặp trống - chiêng và dàn nhạc bát âm. Ở một số đình làng còn mở rộng thêm vài hình thức tổ chức nữa như đội múa trống bồng, đội múa sinh tiền và đội trống bản. Những hình thức tổ chức này chúng ta có thể gặp phổ biến trong nghi thức tế rước thành hoàng làng ở các nơi như: Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc, Giáp Nhất và Phùng Khoang ở quận Thanh Xuân; Mễ Trì Hạ, Đình Thôn ở xã Mễ Trì và đình làng Liêm Mạc, lễ hội đình Chèm huyện Từ Liêm[1]. Đây cũng là một trong những nét độc đáo thể hiện tính dân gian mang đặc trưng riêng ở mỗi làng, phường.
 
 Về cặp nhạc cụ trống và chiêng: đặc điểm trống trong các đình làng Hà Nội chủ yếu là loại trống lớn, chiều cao trung bình từ 80 - 120cm, đường kính khoảng từ 50 - 60cm; chiêng thông thường có đường kính cũng dao động từ 60 - 75cm. Trống và chiêng có chức năng báo thời, báo hiệu nhân dân vào đám, lên đình. Trong khi tế lễ, trống là hiệu lệnh giúp cho các quan viên và người chấp lễ thực hiện nghi thức dâng lễ vật. Những người chấp lễ chỉ thực hiện sau khi người đông xướng và tây xướng hô cùng với tiếng trống điểm. Do đó, các bước đi đều được quy định bởi tiếng trống. Trống lúc này như một thứ ngôn ngữ đặc biệt đối với người hành lễ và thần linh.
 
 Về phường bát âm gồm có: một trống bộc, một cảnh, hai sáo, một nhị, một tam, một hồ, một nguyệt và một sinh tiền. Riêng nhạc cụ sinh tiền đã có nhiều nơi tách ra thành một đội nhạc riêng để vừa diễn tấu phối hợp với múa trong khi rước thành hoàng làng (như trường hợp một số làng đã nêu ở trên).
 
 Đội trống bản thông thường được sử dụng bốn chiếc, có đường kính khoảng 35-40cm, chiều cao 18cm; khi diễn tấu được treo ở trước ngực. Trong nhiều trường hợp, đội trống bản có chức năng tạo và giữ nhịp cho phường bát âm và đội múa sinh tiền cũng như những tổ chức âm nhạc trong đó theo suốt quá trình của buổi tế rước lễ.
 
 Như vậy, cơ cấu tổ chức dàn nhạc chính phục vụ nghi thức tế lễ thành hoàng làng được biên chế gồm một trống lớn, một chiêng, một phường bát âm, một đội trống bản, một tổ múa sinh tiền. Ngoài ra tuỳ địa phương, có thể bổ sung biên chế một số nhạc cụ khác, nhưng về nguyên tắc không đưa những nhạc cụ “lạ”.
 Nếu như âm nhạc trong tế lễ thành hoàng chủ yếu là nhạc đàn, thì âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo được nổi bật bởi nhạc hát (thanh nhạc) và được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ, từ lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ Hô thần nhập tượng... đặc biệt hấp dẫn và độc đáo trong nghi lễ Cầu siêu.
 
 Tại khu vực Hà Nội hiện nay, bên cạnh các hình thức tụng kinh, đọc kệ, than cô hồn (trong các đàn lễ cầu siêu), người ta đặc biệt chú ý tới các hình thức tán canh. Đây có thể coi là một trong những di sản, và là một trong những đặc sản trong âm nhạc Phật giáo đồng bằng Sông Hồng nói chung, khu vực Hà Nội nói riêng. Nếu như hát Văn được coi như âm nhạc đặc trưng trong tín ngưỡng Tứ phủ thì tán canh chính là một đặc trưng trong nghi lễ Phật giáo ở đây. Qua điền dã, nghiên cứu nhạc lễ Phật giáo tại khu vực Hà Nội, chúng tôi được biết, hiện nay tại khu vực này còn bảo tồn được số lượng 13 bài bản canh khá phong phú và độc đáo, gồm các canh: lô hương, xạ nhiệt, chí tâm, phú, hoàng kim, thổng, hãm, giới đinh, dương chi, tả thủ, canh ai, đông ba, bảo đỉnh (đàn thượng). Đặc biệt, theo như các sư tăng và thầy cúng, chúng tôi còn được biết tại khu vực Hà Nội trước đây còn tồn tại ba “lò” canh chính. Đó là lò canh chùa Bộc, lò canh Quảng Bá - Tây Hồ và lò canh chùa Thanh Nhàn[2].
 
 Biên chế dàn nhạc trong nghi lễ Phật giáo thông thường bao gồm: nhạc cụ thân vang có chuông, mõ, tiu cảnh, thanh la, não bạt; nhạc cụ màng rung có trống cái (trống lớn), trống bản và trống dẫn; nhạc cụ hơi có kèn tiểu, kèn la, nhạc cụ dây có đàn nguyệt và nhị. Tuy nhiên, hai nhóm nhạc cụ sau chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, dàn nhạc truyền thống sử dụng trong nghi lễ Phật giáo trước đây ở Hà Nội không có. Vấn đề này tác giả sẽ trình bày thêm ở phần 2: thực trạng nhạc lễ Hà Nội. Dàn nhạc trên chủ yếu sử dụng bốn nhịp trống chính là trống pháp lôi, trống hiến thượng đường, trống dẫn lục cúng và trống sai.
 
 Tương tự âm nhạc Phật giáo, âm nhạc trong tín ngưỡng Tứ phủ cơ bản là thanh nhạc, nổi bật có hát Văn. Hát Văn có ba hình thức chính là Văn thờ, Văn thi và Văn hầu[3]. Ở đây chúng tôi tập trung vào hát Văn thờ - một hình thức còn được sử dụng phổ biến tại khu vực Hà Nội.
 
 Hát Văn thờ được tổ chức vào các ngày Tứ quý (kỳ lễ): Thượng Nguyên (tháng Riêng), Nhập hạ (tháng Tư), Tán hạ (tháng Bảy), Tất niên (tháng 12) và ngày Tiệc (ngày quy hoá - ngày mất) của các vị thánh thờ chính hoặc thờ vọng, như Mẫu Liễu Hạnh (03/03), Tiệc Cô Bơ (12/06), Tiệc Quan Tam Phủ (24/06), Tiệc Ông Hoàng Bảy (17/07), Tiệc Đức Trần Triều (20/08), v.v...
 
 Thanh nhạc trong hát văn thờ được trình bày thứ tự làn điệu rất rõ ràng, gồm: văn Công đồng, văn Mẫu thoải, văn Cảnh Thư đường và văn Nhị vị Bồ Tát và được hát lần lượt các điệu: bỉ, miễu, thổng, phú bình, phú chênh, phú dầu, phú nói, đưa thư, vãn, dọc, cờn hãm, kiều dương, dồn.
 
 Nhạc cụ sử dụng trong hát Văn nói chung, hát Văn thờ nói riêng chỉ năm loại chính là: đàn nguyệt, trống ban, phách, cảnh và trống cái. Các nhạc cụ này chủ yếu giữ vai trò đệm và giữ nhịp cho các cung văn khi hát.
 
 Âm nhạc trong tang ma được coi là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt nói chung, người dân Hà Nội nói riêng.
 
 Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc trong lễ tang ở khu vực Hà Nội trước đây, ngoài giai điệu của những bài khóc, chỉ có hai nhạc cụ chính là trống và kèn. Ngày nay thì chúng đã có những biến tướng khác đi nhiều. Dàn nhạc trong đám tang phần lớn lấy cả phường bát âm trong nghi thức lễ tế hội vào sử dụng.
 
 Theo truyền thống, trống sử dụng trong đám tang gồm có hai chiếc: một trống cái và một trống con (trống bản). Kèn chủ yếu sử dụng hai loại là kèn póp, còn gọi là kèn già nam hay gọi thẳng là kèn đám ma và kèn pha (âm khu hơi trầm). Bài bản âm nhạc chính thống được sử dụng trong tang lễ gồm có các điệu lâm khốc, bản hãm, bản kéo và kèn lễ[4].
 
 Như vậy, nhìn từ góc nhìn dân tộc học và tôn giáo, âm nhạc trong mỗi nghi lễ đều có những cách thức tổ chức bài bản và nhạc cụ không giống nhau. Tuy nhiên, chúng đều gặp nhau tại một điểm là sinh ra từ trong nghi lễ và để phục vụ cho các nghi lễ. Do đó, để có cái nhìn đúng đắn, tránh ngộ nhận khi tiếp cận với các thể loại và hình thức nhạc lễ, chúng ta phải có cái nhìn tổng thể và cơ bản phải phân biệt được về cơ cấu tổ chức cũng như quy chuẩn bắt buộc của mỗi thành phần âm nhạc gắn với từng nghi lễ. Nói điều này để đề cập tới một thực trạng là hiện nay tại khu vực Hà Nội nói riêng, khu vực đồng bằng Sông Hồng nói chung, các hình thức âm nhạc được sử dụng trong nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng đã và đang có xu hướng biến tướng, lai căng và sử dụng vô tổ chức. Điều này xin được nói rõ hơn ở phần sau đây.
 
 Thực trạng nhạc lễ Hà Nội hiện nay
 
 Cùng với chính sách mở cửa nền kinh tế thị trường, song song với việc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hội nhập và hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, thì âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung, nhạc lễ khu vực Hà Nội nói riêng không nằm ngoài quy luật biến đổi cơ bản. Nếu như trước đây, âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo tại khu vực này thường có tổ chức rất khuôn phép và chặt chẽ thì ngày nay nhiều trong số đó đã bị phá vỡ. Nguyên nhân của thực trạng này bắt đầu từ sự giao lưu mở rộng vùng hoạt động của các sư tăng và thầy cúng trong các nghi lễ ở Hà Nội và một số địa phương khác. Những người thực hiện các nghi lễ Phật giáo ở khu vực Hà Nội thường được mời về thực hiện các nghi lễ ở những tỉnh lân cận. Ngược lại, những đàn lễ kéo dài nhiều ngày ở một số ngôi chùa Hà Nội cũng đã mời những đội cúng, những sư tăng ở các địa phương khác lên thực hiện. Ở đây, sự tiếp thu, ảnh hưởng phong cách giữa các địa điểm vì thế mà diễn ra phổ biến. Tính đặc trưng vùng miền bị chà trộn. Ngay trong âm điệu khi tụng kinh, một số sư tăng khu vực Hà Nội cũng đã bị ảnh hưởng âm hưởng âm cũng như phong cách các sư tăng khu vực miềm Nam. Bên cạnh đó, trong nhiều ngôi chùa lớn của Hà Nội hiện nay sử dụng nhiều đĩa nhạc tụng kinh do các sư Đài Loan và Trung Quốc thực hiện và sản xuất . Chính vì thế, sự ảnh hưởng và vay mượn lẫn nhau trong âm nhạc tôn giáo và tín ngưỡng khu vực Hà Nội với các địa phương khác hiện nay là một hiện tượng phổ biến. Nó không những bị ảnh hưởng âm nhạc trong cùng một tôn giáo ở các địa phương khác, mà còn bị ảnh hưởng một số hình thức âm nhạc tín ngưỡng và tôn giáo khác. Thí dụ, trong nghi lễ Phật giáo ở một nơi như quận Long Biên, huyện Gia Lâm, các sư tăng thầy cúng còn sử dụng cả đàn nguyệt và hát Văn khi thực hiện phần hát lễ. Về tổ chức dàn nhạc, người ta còn bổ sung thêm cả trống cơm và kèn - những nhạc cụ mà trong truyền thống âm nhạc Phật giáo Hà Nội nói riêng trước đây không sử dụng. Trong hầu hết các không gian lễ khác như Tứ phủ, tế lễ thành hoàng và tang ma cũng bị trường hợp tương tự như vậy. Nhất là âm nhạc sử dụng trong tang lễ. Hiện nay, nhiều đám tang ở Hà Nội đã xuất hiện những phường kèn ở những địa phương khác tới. Trong đó, chúng tôi còn thấy xuất hiện cả những nhạc cụ được coi là vật kiêng trong nhạc tang lễ, như đàn ghi ta phím lõm sử dụng trong nhạc tài tử và nhiều nhạc cụ “lạ”khác. Không những thế, bài bản sử dụng trong tang lễ cũng đã biến tướng và lai căng rất nhiều. Người ta sử dụng cả một số điệu hát trong chèo, biến hoá nhiều làn điệu trong nhạc tài tử để đưa vào khi thực hiện nghi lễ. Hiện tượng này phải chăng đang là một xu hướng “cải cách”, “đổi mới” trong đời sống sinh hoạt văn hóa âm nhạc tôn giáo và tín ngưỡng trên địa bàn Hà Nội ? Chúng tôi còn chưa đề cập đến một tình trạng trong cách ăn mặc lễ phục khi hành lễ.
 
 Đó là một vài thí dụ trong rất nhiều trường hợp mà chúng tôi phát hiện trong quá trình điền dã, nghiên cứu. Thực trạng sử dụng âm nhạc không đúng chức năng trong không gian thiêng tôn giáo và tín ngưỡng khu vực Hà Nội hiện nay đang là một vấn đề cần được những người làm quản lý, nghiên cứu quan tâm lên tiếng.
 
 Giải pháp bảo tồn
 
 Những phân tích trên cho thấy Hà Nội còn lưu truyền được nhiều thể loại và hình thức nhạc lễ rất độc đáo. Nó gắn liền với đời sống sinh hoạt tâm linh của người dân hàng tháng, cả năm. Dịp đầu xuân được coi là thời gian mà diện mạo nhạc lễ ở Hà Nội diễn ra đậm đặc nhất. Đó là nghi lễ tế thành hoàng ở các đình làng; lễ cầu an cho các Phật tử và nhân dân trong các chùa; các Phủ mở tiệc vào ngày quy hoá của thánh mẫu và để đón tiếp các con nhang, đệ tử tới cầu may; và đâu đó, lễ tang vẫn diễn ra trong khu phố, hẻm ngõ. Theo đó, hát Văn thờ rôm rả, nhộn nhịp diễn ra suốt ngày đêm; tiếng chuông chùa, tiếng mõ, nhịp trống dẫn lục cúng rộn ràng mà nghiêm trang; tiếng trống chiêng điểm báo các cụ chuẩn bị dâng lễ tế thành hoàng; và tiếng ai oán báo hiệu cho ta thấy đã có ai đó vừa trở về “bên kia thế giới”! - tạo nên một diện mạo âm nhạc tín ngưỡng vô cùng phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, bên cạnh những gì chúng ta đã và đang còn bảo tồn được là thực trạng, nguy cơ thất truyền do lớp nghệ nhân lớn tuổi mất đi dần; sự lai căng, ô hợp do sự ảnh hưởng trực tiếp của bối cảnh mở của kinh tế. Vì thế, để bảo tồn và phát huy vốn di sản nhạc lễ nói riêng, nhiều vốn văn hóa truyền thống khác trên địa bàn Hà Nội nói chung, tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:
 
 Một là, các trường đào tạo ngành quản lý văn hóa cần có những chương trình liên kết với các Viện nghiên cứu, các trường đại học chuyên ngành để qua đó, các chuyên gia giới thiệu và phổ biến những hiểu biết chung về đời sống sinh hoạt âm nhạc truyền thống nói chung, âm nhạc tôn giáo và tín ngưỡng nói riêng, trong đó có các nguyên tắc sử dụng mỗi thể loại âm nhạc gắn với không gian thiêng cụ thể; đồng thời giúp sinh viên có thể phân biệt được những hình thức và thể loại âm nhạc ở những không gian khác nhau, trang bị cho các em sau khi ra trường về làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương có những hiểu biết nhất định về những loại hình văn hóa truyền thống nói chung. Bảo tồn âm nhạc lễ truyền thống của Hà Nội nói riêng cũng cần phải bắt đầu từ những bước đi này.
 
 Hai là, cần thông tin, giáo dục và giới thiệu một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Hà Nội, như đài phát thanh, truyền hình, các báo về văn hóa tín ngưỡng và các hình thức âm nhạc và múa gắn với nó. Tổ chức những bộ phim tư liệu phát sóng trên truyền hình theo chủ đề giới thiệu riêng từng thể loại nhạc lễ gắn với không gian của mỗi thể loại đó. Cụ thể: có thể tổ chức những bộ phim tư liệu ngắn giới thiệu về nghi thức tế lễ thanh hoàng làng, bao gồm quy trình tế lễ, vai trò của âm nhạc trong lễ và ý nghĩa của nghi lễ. Tương tự như vậy có thể sản xuất các bộ phim giới thiệu về âm nhạc Phật giáo, âm nhạc hát Văn, âm nhạc trong tang lễ,.... ở hình thức này, chúng ta cũng cần mời những người làm công tác nghiên cứu chuyên môn ở mỗi lĩnh vực, sau đó tổ chức những buổi nói chuyện, tuyên truyền giúp người dân ( ở đây bao gồm cả những người thực hành các loại hình âm nhạc ở các nghi lễ ) có những hiểu biết để nêu cao ý thức bảo tồn những yêu tố cần được bảo tồn.
 
 Ba là, cán bộ làm công tác quản lý văn hóa cần có những hướng dẫn, định hướng cho các làng thường xuyên tổ chức lễ hội, các chùa diễn ra nhiều nghi lễ, trực tiếp là người thực hiện hành lễ âm nhạc tại các đình, chùa, những “thợ kèn” đám tang đề cao ý thức “bảo thủ” những cái mà họ đang có theo phương châm “trống làng nào làng ấy đánh/ thánh làng nào làng ấy thờ”. Như thế, không những Hà Nội bảo tồn được kho di sản theo phong cách của riêng mình mà còn tham gia vào việc bảo tồn cho cả các địa phương khác nữa./.

 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark