05/01/2012 | 14:48:00

Phủ Tây Hồ hòa quyện tâm hồn người Hà Nội

Kiến trúc Phủ vừa nguy nga, vừa cổ kính trang nghiêm, thiên nhiên non nước thì thơ mộng, huyền bí. Hai cảnh vật tưởng như đối lập nhưng lại hòa quyện vào nhau một cách êm đềm, nhịp nhàng. Hòa quyện cả vào tâm hồn người: ung dung, nhàn tản, thư thái, mọi lo toan trong cuộc sống bỗng dưng như được trút bỏ và tan biến.

Ở Thủ đô Hà Nội nhắc đến Phủ Tây Hồ chắc không có ai là không biết đến. Phủ nổi tiếng không chỉ vì có thắng cảnh đẹp, nằm trên bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây mênh mông non nước; Phủ còn nổi tiếng vì rất linh thiêng. Bởi có truyền thuyết kể rằng chính tại mảnh đất Phủ Tây Hồ ngày nay, Quỳnh Hoa đã tái ngộ xướng họa thơ văn cùng Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (lần thứ nhất đàm đạo tại xứ Lạng) trong vai cô chủ quán tửu lâu Tây Hồ phong nguyệt, ít ngày sau Trạng Bùng quay lại đã thấy biến mất cả người lẫn quán, chỉ còn hồ nước mênh mông.

Quỳnh Hoa đã được dân chúng lập phủ thờ, đặt tên là Bà Chúa Liễu Hạnh, được xem là một trong “tứ bất tử”, là tấm gương về sự tự mình tạo lấy hạnh phúc. Bà Chúa Liễu Hạnh theo quan niệm dân gian đã trở thành một mẫu quyền năng vô lượng và phân thân, hóa thân thành các thần linh cai quản muôn mặt của vũ trụ: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản trên trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản núi rừng, Mẫu Thủy (hay Mẫu Thoải) cai quản trên sông biển, thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành, coi trọng vai trò của người mẹ”.

Phủ Tây Hồ còn gắn liền với truyền thuyết về Kim Ngưu (Trâu Vàng) và ở Phủ Tây Hồ cũng dựng một đền thờ là đền Kim Ngưu để thờ thần Trâu Vàng. Chính vì điều đó mà Phủ Tây Hồ luôn luôn thu hút rất đông du khách đến dâng hương và cầu tự. Không chỉ có người dân Hà Nội mà khách thập phương cũng đến lễ Phủ rất đông. Nhất là vào dịp lễ đầu năm, rằm tháng giêng và mồng 1 hàng tháng, nườm nượp kẻ ra người vào.

Nếu đi lễ vào những ngày này chỉ thấy người chen chúc người, chỗ không có để đứng, mâm hoa quả dâng lễ không có chỗ đặt, xếp tầng tầng lớp lớp, nhiều người phải đứng ngoài sân đội lễ lên đầu, để cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn.... Có người dân sống lâu năm ở cạnh Phủ bảo rằng: “nếu không muốn đi lễ gặp cảnh chen chúc như thế này, muốn đi lúc vắng, để có thể thành tâm cầu khấn, chỉ có đi lúc 5h - 7h sáng.

Vào lúc 6h sáng quang cảnh của Phủ Tây Hồ vắng vẻ và tĩnh mịch, khoảng sân để đi vào các gian chính thoáng đãng rộng rãi, chứ không đông đúc chật chội như mọi khi. Và tuy mới sớm vậy đã có lác đác người đến cầu xin, lễ tạ, có người lễ xong rồi và đang chuẩn bị ra về. Không chỉ vậy, khách đến lễ còn có thể du ngoạn, ngắm nghía được toàn cảnh kiến trúc vừa cổ kính vừa trang nghiêm của Phủ Tây Hồ, cũng như thiên nhiên hữu tình thơ mộng xung quanh Phủ.

Khách đến thắp hương dâng lễ có thể ung dung, thư thái đi thẳng vào trong gian chính để dâng lễ vật lên ban, có cả thảm đỏ trải sẵn cho người thành tâm quỳ gối cầu khấn. Trên ban tuy chưa nhiều mâm lễ như mọi khi, có ban chỉ có mâm cỗ chay đơn giản hay đĩa xôi gấc đỏ thắm, ấn tượng nhất là những củ gừng, quả ớt, quả chanh những gia vị đặc trưng không thể thiếu trong làng ẩm thực Việt Nam. Lại được xếp một cách công phu tạo dựng lên một hình ảnh, tượng trưng cho hang động, được đặt trên ban Động Sơn Trang, cùng với ánh đèn ánh nến sáng lung linh, nhấp nháy, và tiếng tụng kinh gõ mõ của các sư trong Phủ, âm thanh phát ra từ từ, đều đều không bị lẫn bởi bất kỳ âm thanh nào, không ồn ào, xô bồ và gấp gáp, khiến người đi lễ có cảm giác thanh tịnh, thành tâm, thành kính.

Ngoài sân có vẻ còn tĩnh mịch hơn, nhìn ra phía Hồ vẫn còn sương mù trắng xóa, bao phủ cả Hồ Tây, căng mắt nhìn xa cũng chỉ thấy mù mịt sương khỏi huyền huyền ảo ảo. Ngước nhìn các cây cổ thụ mọc sừng sững trước cửa gian chính và hàng liễu rủ thướt tha ven hồ thấy vẫn còn ướt đẫm sương đêm. Kiến trúc Phủ vừa nguy nga, vừa cổ kính trang nghiêm, thiên nhiên non nước thì thơ mộng, huyền bí./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark