17/10/2011 | 10:20:00

Ngược thuyền độc mộc về thăm quê

(Nguồn: Người Hà Nội)

Có lẽ thuyền độc mộc thì ai trong chúng ta cũng đã từng nghe nói đến nhưng hiểu một cách cặn kẽ thì ít người biết. Nhưng với tôi, một người sinh ra, lớn lên và từng có những năm tháng ấu thơ gắn liền với một vùng sông nước thì thuyền độc mộc đã trở thành thân thuộc rất lâu rồi.

Thuyền độc mộc là loại thuyền được làm từ 1 cây gỗ, thông thường có chiều dài khoảng 10m. Khi làm thuyền, người ta phải lựa những thân gỗ cổ thụ to trên rừng mang về, xẻ đôi thân cây rồi khéo léo khoét trong thân tạo lên một khoang thuyền nho nhỏ. Để làm được một chiếc thuyền độc mộc cân đối, chạy êm và không bị xoáy khi có dòng nước mạnh là một điều không dễ dàng gì, cần những người nghệ nhân chuyên dụng.

Ở quê tôi, ngày xưa thuyền độc mộc rất nhiều, hầu như nhà nào cũng có một chiếc. Công dụng của nó thì khỏi nói làm gì rồi. Từ việc đi chợ, đi học, giăng lưới đêm, chuyên chở hàng hóa cho tới cả những đám rước dâu, phù rể cũng thường đi thuyền độc mộc.

Nhà tôi cũng có một chiếc thuyền độc mộc như bao gia đình khác ở xóm chài heo hút này. Khi tôi biết ngồi thuyền cùng mẹ sang bên kia sông những buổi chợ phiên thì thuyền độc mộc đã có rồi. Một mái chèo cũ mòn nhẵn bóng màu gỗ buộc ngay đuôi thuyền, một chiếc dây thừng bện chặt đầu thuyền để neo mỗi tối dần trở thành thân thuộc với tôi. Nghe nội bảo, thuyền độc mộc này do ông nội lấy gỗ từ trò chỉ trên rừng mang về rồi nhờ ông Cả Thuẫn ở làng làm cho. Bao nhiêu năm rồi chưa hỏng. Ngoài việc đi chợ hay chở lúa ngô những mùa vụ thì công dụng chính của thuyền độc mộc là kiếm cá hàng đêm.

Cứ ăn cơm tối xong, uống hết một ấm nước chè là cha bắt đầu chuẩn bị lưới, bỏ lên vai, ra bến thuyền. Gọi là bến cho oách chứ thực ra đó chỉ là nơi dăm ba chiếc thuyền độc mộc hàng xóm nhà tôi neo đậu. Và rồi bất kể đông hè, mưa hay tạnh, tối giời hay tròn trăng. Cha vẫn một mình lặng lẽ cùng con thuyền độc mộc trên khúc sông quê mấy chục năm dòng.

Tờ mờ sáng là cha về. Lúc đó, gà mới điểm gáy canh ba còn mẹ đang hì hụi nhóm lửa trong bếp. Mẹ đun nước pha chè cho cha uống và nấu cơm cho mấy anh em tôi ăn để đi học.

Trong khi cha ngồi trên chiếc chõng che nhâm nhin ngụm chè buổi sớm, mẹ lại gỡ lưới và phân loại cá để kịp buổi chợ sớm. Những con cá sông nhỏ bé bạc trắng tươi ngon hãy còn thoi thóp thở là công sức lao động cực nhọc của ba suốt đêm qua. Những ngày mưa, nước dâng lên và chảy xiết, cá động nước thì nhiều thật nhưng cũng nguy hiểm vô cùng.

Mẹ thường cùng cha ngồi trên thuyền độc. Cha giăng lưới, mẹ chèo thuyền soi đèn. Hai bóng người nhỏ bé lặng lẽ trong làn mưa đêm lất phất. Sớm tinh mơ, tôi ngủ dậy chỉ thấy hai thùng cá to tướng đặt ở góc sân chứ làm sao thấy những bộ quần áo ướt đẫm, đôi tay thâm tím vì ngâm nước lâu. Tôi vẫn còn quá trẻ con để hiểu và cảm thông nỗi vất vả mưu sinh của cha mẹ ngày ấy.

Rồi tôi cũng xa nhà, xa quê trên một chuyến thuyền độc mộc vào buổi sớm mờ sương để ra biển người rộng lớn. Tiễn tôi, mẹ rơm rớm nước mắt, cha lặng lẽ buông hờ mái chèo. Trước khi bước lên bờ để đón xe khách về thành phố, tôi còn ngoái đầu nhìn lại. Bóng cha mẹ lẫn trong bóng chiếc thuyền độc mộc cũ kỹ lấp lóa dưới lòng sông quê trong ngăn ngắt.

Bao năm sau, tôi mới lại về quê mình, nơi tuổi thơ và chiếc thuyền độc mộc xưa thường neo đậu. Cha đã già, từ lâu không còn giăng lưới nữa. Mẹ cũng yếu đi nhiều, không xuôi thuyền đi chợ nữa, chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước.

Tôi hỏi, thuyền độc mộc nhà mình đâu? Cha cười cười chỉ tay lên góc bếp bảo, cha treo lên trển từ lâu rồi, bây giờ quê mình không ai đi thuyền độc mộc nữa, họ toàn đi thuyền làm bằng tôn, bằng ximăng, có gắn đầu máy chạy tành tạch nhức cả đầu. Vả lại, muốn làm thuyền độc mộc cũng chẳng còn gỗ nữa mà làm. Từ lâu, những cây to trên rừng đều bị chặt phá hết, lấy đâu mà làm thuyền độc mộc. Nói xong, cha ngậm ngùi châm điếu thuốc lào rồi thở khói trắng bay lơ phơ…

Lang thang ra bến sông lúc hoàng hôn ngả màu đỏ ối. Phía xa xa, dòng sông vẫn thao thiết chảy như ngàn năm trước. Và có lẽ, chỉ những con thuyền độc mộc và kỷ niệm ấu thơ gian khó nhưng ngọt ngào ngày ấy là xuôi mãi xuôi mãi, không ngược về trên bến sông quê mà thôi./.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark