09/01/2012 | 16:21:00

Giữ gìn di sản tâm hồn người Hà Nội

Có nhà nghiên cứu Nhật Bản từng nói Hà Nội là thành phố của di sản, Hà Nội nên vận động trở thành “Thủ đô di sản của Châu Á”. Nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng, để có một Hà Nội dày đặc di sản như hôm nay, còn có một thứ di sản đặc biệt - di sản tâm hồn người Hà Nội. Có biết bao người Hà Nội đã và đang lặng lẽ giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của Thủ đô yêu dấu.

Quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ bên cạnh ý nghĩa chính trị còn có ý nghĩa vô cùng to lớn về văn hóa Thăng Long. Với vị thế kinh đô qua nhiều thế kỷ Thăng Long trở thành nơi những người đỗ đạt qua các kỳ thi tụ về góp công cùng chính quyền xây dựng đất nước: là điểm đến của thợ tài khéo muôn nơi để lập nên 36 phố phường... Bề dày lịch sử ngàn năm khiến Thăng Long - Hà Nội chứa trong lòng biết bao di sản vật thể lẫn phi vật thể. Đó là Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, làng cổ Đông Ngạc... Nhân tài bốn phương tụ về Thăng Long khiến văn hóa tinh thần của Hà Nội mang bản sắc riêng, đó là sự chắt lọc tinh hoa của các vùng miền để rồi hình thành truyền thống văn hiến, nếp sống thanh lịch.

Trong mạch chảy văn hóa Thăng Long, ca trù là một niềm tự hào. Mặc dù loại hình nghệ thuật này tồn tại ở nhiều địa phương, nhưng khi về với đất Thăng Long , được cộng hưởng với nền văn hóa bác học, ca trù thể hiện trọn vẹn những nét tinh túy nhất. Trong con ngõ nhỏ trên phố Thụy Khuê, có một gia đình đã bao năm gắn bó với ca trù, ngay cả những tháng ngày gieo neo nhất. Đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là hậu duệ của một dòng họ có nhiều ca nương, kép đàn phục vụ trong cung đình nhà Nguyễn. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi lớn lên đúng vào thời ca trù không còn chỗ đứng. Bản thân chỉ là một tay trống chầu, ông Mùi không đủ điều kiện truyền nghiệp tổ tiên cho con (các yếu tố tạo nên một canh hát gồm có đàn, hát, trống chầu), nhưng nghĩ đến trách nhiệm với dòng họ, ông Mùi vẫn tìm mọi cách để mạch chảy văn hóa gia đình mình không đứt. Những dịp giỗ những người trong họ, gia đình nghệ nhân vẫn mời những danh ca, kép đàn nổi tiếng như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Kim Đức, Phó Đình Kỳ... đến tổ chức những canh hát trong gia đình. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi còn gửi gắm con cái đến những nghệ nhân có tiếng, để rồi hai người con trai ông: Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Mạnh Tiến trở thành hai kép đàn, cô con gái Nguyễn Thị Hòa được đích thân nghệ nhân Quách Thị Hồ dạy dỗ trở thành ca nương. Năm 1995, giữa thời buổi khó khăn, Câu lạc bộ Ca Trù Thái Hà (tên Thái Hà có là do vua nhà Nguyễn ban cho dòng họ một đền thờ ca công ở ấp Thái Hà) đã ra đời. Cũng chính gia đình nghệ nhân đóng góp không ít công sức trong hoàn thiện bộ hồ sơ về ca trù đệ trình lên UNESCO. Nếu không có những người trải qua cơ cực để giữ gìn, hẳn mạch ca trù dòng họ Nguyễn không còn chảy cho đến ngày nay.

Trên địa bàn Thủ đô, mấy năm trước, chèo tàu cũng từng được xếp vào danh sách “ứng viên” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể. Chèo tàu là loại hình diễn xướng dân gian ca ngợi Thành Hoàng Tổng Gối (tức xã Tân Hợi - huyện Đan Phượng) Văn Dĩ Thành, cũng là “đặc sản” chỉ địa phương này có. Hội hát chèo tàu xưa huy động tới mấy trăm người tham gia hoạt động diễn xướng dân gian nên 25 năm hội hát được tổ chức một lần. Năm 1992, là lần cuối cùng hội hát được tổ chức quy mô. Sau một thời gian dài lẵng quên, mãi năm 1998, bằng nhiều nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, hội hát chèo tàu mới được tái hiện, nhưng không khí và quy mô còn kém xa hội hát thuở trước. Chèo tàu “chìm” nhanh chóng trong dư luận khi không được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, nhưng với người Tân Hội, tình yêu vẫn vẹn nguyên. Bà “cai tàu (vai diễn quan trọng nhất trong chèo tàu) Nguyễn Thị Thu là nông dân chính gốc, điều kiện kinh tế có hạn, vậy mà để học hát chèo tàu, để chuẩn bị biểu diễn, cả tháng trời bà phải cùng mọi người trong câu lạc bộ chèo tàu luyện tập. Việc mua sắm trang phục biểu diễn với kinh phí gần như tự túc hoàn toàn. Thời gian gián đoạn khá lâu, việc lần tìm lại chèo tàu nguyên bản là hết sức khó khăn, người Tân Hội vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ. Theo truyền thống, tham gia hội hát chỉ có phụ nữ, nhưng không vì thế đàn ông khoanh tay đứng nhìn. Những “trí thức làng” như các ông Đông Sinh Nhật, Đào Văn Hà... vẫn đang dày công tìm lại các câu hát cổ cũng như làm sáng tỏ nguồn gốc của chèo tàu.

Để những di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể trường tồn với thời gian, không thể không nói đến những con người cụ thể. Thẳm sâu trong tâm hồn họ là niềm đam mê, là trách nhiện mà họ tự nhận thấy đối với những thế hệ đi trước. Để giữ gìn những di sản văn hóa quý báu này, nhiều người sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân. Lắm khi, những hy sinh ấy còn không nhận được cái nhìn cảm thông của cộng đồng.

Mỗi khi nói đến vẻ đẹp Thăng Long - Hà Nội, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua Hồ Tây. Hồ Tây không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp huyền ảo, mà còn được nhiều người quan tâm, bởi hệ thống di tích dày đặc ven hồ. Mặc dù nằm trong khu vực chịu sức ép đô thị hóa lớn, nhưng điểm chung là các di tích ven Hồ Tây đều khang trang, sạch đẹp, xứng tầm với văn hiến Thăng Long. Điều ấy có được là nhờ bàn tay của những người bảo vệ di sản trên vùng đất này. Những ngày rằm, mùng một, trong dòng người đi lễ ở khu vực ven Hồ Tây, thường xuyên có một cán bộ văn hóa - anh Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Tây Hồ. Khi được hỏi tại sao anh hay đi lễ đền chùa miếu mạo đến thế, anh tủm tỉm cười: “Người Việt mình ai chả có đời sống văn hóa tâm linh. Với lại, vừa đi vừa tranh thủ quan sát xem cá di tích trên địa bàn mình có gì biến động không. Giả dụ có gì thay đổi, mình vào hỏi qua bộ phận quản lý để biết, nếu có chuyện thực sự nghiệm trọng thì mình sẽ đến làm việc với tư cách một cán bộ văn hóa”. Mỗi rằm, mùng một anh đến vài di tích. Địa bàn quận Tây Hồ có hơn 60 di tích, trong đó 24 di tích cấp quốc gia. Chỉ riêng những chuyến “vi hành” như thế, cơ bản Vũ Hoài Phương đã đảo hết một lượt các di tích trong năm, chưa kể những chuyến làm việc chính thức. Cũng từ những chuyến đi này, Vũ Hoài Phương cùng các đồng nghiệp nảy ra sáng kiến lập hồ sơ, gồm khảo tả hiện vật, vị trí hiện vật, ảnh ở các góc độ... Khối lượng công việc khổng lồ, vậy mà các cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin Tây Hồ đã cặm cụi làm cuốn chiếu suốt sáu năm qua.

Suốt lịch sử của mình, Hà Nội là nơi tụ về của người muôn phương. Vũ Hoài Phương không phải người Hà Nội gốc, nhưng anh hấp thụ văn hóa Thăng Long - Hà Nội, rồi tự thấy mình có trách nhiệm giữ gìn. Nếu chỉ tính đến vai trò của một người làm công, ăn lương, hẳn Vũ Hoài Phương đã không mất nhiều thời gian đến với các di tích như thế. Và cũng phải gắn bó với các di sản văn hóa trên địa bàn Tây Hồ như máu thịt mình, mới có thể nảy ra sáng kiến, để đến hôm nay, Tây Hồ vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước làm công việc này.

Hà Nội có kho báu di sản, trong đó, di sản tâm hồn là một trong những thứ đáng quý nhất. Anh cán bộ văn hóa Vũ Hoài Phương, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi hay những nghệ nhân chèo tàu chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về tâm hồn người Hà Nội. Thứ di sản tâm hồn quý báu ấy đang góp phần để nhưng di sản khác trên đất Thăng Long được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó chính là hòn đá tảng, là nền móng vững chắc để chúng ta thực hiện giữ gìn, và nhân lên truyền thống văn hóa ngàn năm./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark