02/09/2010 | 16:54:00

Cháo se làng Hạ

Cháo se. (Nguồn: Internet)

Trong đời người, chắc ai ít nhất cũng một lần ăn cháo, nhưng dám chắc rằng, ít người được ăn cháo se. Bởi lẽ nó chỉ có ở vùng Hoài Đức, mà nổi tiếng là cháo se làng Hạ.

"Anh đi góc bể chân trời
Cháo se làng Hạ suốt đời không quên"

Quả vậy, ai đã được thưởng thức một lần thì còn nhớ mãi. Cháo se làng Hạ được coi là "đặc sản số một." Người may mắn lắm thì một năm cũng chỉ đôi ba lần được ăn món cháo se.

Làng Hạ không xa, đến thị trấn trạm Trôi (Hoài Đức) rẽ trái, bạn sẽ đến làng Hạ, nơi có cháo se nổi tiếng, cháo se gắn liền với nghề làm bún cổ truyền của làng. Thực vậy, cách làm và công cụ để chế biến cháo se, chỉ có những người làm bún mới có được.

Gạo để nấu cháo se là loại gạo tẻ ngon, hạt dài được xay giã kỹ. Gạo được vo, xát sạch, ngâm trong nước từ 8-10 tiếng, rồi xay nhỏ mịn bằng cối xay bột nước. Sau khi ngâm qua một đêm để bột có độ dai, bột được đổ lên một miếng vải trong cái rổ rồi gói chặt lại, lấy đá lèn kỹ. Khoảng 5- 6 giờ, ta được một quả bột đã ép ráo nước như bột làm bánh trôi. Quả bột được thả vào luộc trong nồi nước đang sôi chừng 15 phút vớt ra để bay hơi, ráo nước, nhưng vẫn còn nóng cho vào cối giã và lèn. Đến khi thấy quả bột dẻo quẹo, ôm chặt vào mỏ chày thì mới được.

Vui nhất là lúc đem quả bột ra se. Dăm ba người ngồi vòng quanh một cái nia sạch và bắt đầu se bột. Những nắm bột được hai lòng bàn tay xoe xoe đều đều, từ từ chảy thành con se to bằng ngón tay trỏ người lớn. Do cách làm này mà quê tôi gọi là cháo se. Các con se được cắt chừng nửa gang tay và lăn vào bột áo (bột tẻ khô) để không dính vào nhau.

Nước để nấu cháo là nước luộc gà cùng với xương lợn băm nhỏ, ninh nhừ. Khi nồi nước đang sôi trên bếp, các con se được thả dần vào. Vất vả nhất là việc khoắng cháo.

Hai ba người thay nhau khoắng cháo bằng chiếc đũa cả to như chiếc đòn gánh. Thường thì phải khoắng liên tục hai đến ba tiếng. Khi các con se nhỏ bằng ngón tay út thì lượng bột từ các con se mòn ra quyện với nước tạo thành một nồi cháo sanh sánh. Bấy giờ các con se đã chín có màu trong trong, cắn đôi không còn lõi bột nữa. Cái khéo của người nấu là làm sao cho lượng muối mắm và gia vị vừa đủ để người ăn khó tính mấy cũng không phải thêm bớt gì nữa.

Cháo được múc ra bát, hơi bốc nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt, như khêu gợi, mời chào. Nhìn bát cháo se, người ta bị hấp dẫn ngay bởi những con se trông ngon lành như những ngó sen. Ăn cháo se, người ăn được thưởng thức cái thơm ngon của gạo quê, vị béo ngọt của nước luộc gà và xương lợn, cái dẻo quẹo của con se, tất cả được hòa quyện sánh đặc thật thú vị. Người ăn không có cảm giác ngấy, ăn đến no thì thôi chứ chưa ai chán cháo se bao giờ.

Cháo se chỉ được nấu trong những dịp lễ mừng thọ. Đây là việc làm mang đậm tính nhân văn. Tuổi cao, răng kém, được ăn một bát cháo thơm ngon chắc chẳng còn gì hơn. Người quê tôi ăn quen còn ao ước được ăn, khách xa đến được thưởng thức một lần chắc suốt đời không quên được./.

(Thanglonghanoi.gov.vn/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark