23/10/2018 | 14:32:00

Coca-Cola Việt Nam và UNESCO hợp tác ‘Vì một thế giới không rác thải’

Tình nguyện viên tham gia nhặt rác thải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Xuân Dự/TTXVN)

UNESCO công bố mối quan hệ đối tác mới với Coca-Cola Việt Nam và các đối tác phát triển tại Hà Nội nhằm giảm rác thải nhựa (dẻo) và rắn ở Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Vì một thế giới không rác thải” với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và hỗ trợ thanh niên cùng phát triển các ý tưởng sáng tạo trong thu thập, tái sử dụng và tái chế rác thải rắn.

Trong khuôn khổ hợp tác này, UNESCO và Coca-Cola sẽ công bố Giải thưởng Nghệ thuật tái chế, qua đó tìm kiếm những tài năng sáng tạo trong việc phát triển các tác phẩm nghệ thuật bằng cách sử dụng vật liệu tái chế.

Giải thưởng kêu gọi sự tham gia của tất cả các cá nhân hoặc các nhóm công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, có hai loại giải thưởng bao gồm một là giành cho các nghệ sĩ đã tài năng và một cho các sinh viên và cộng đồng.

Những người tham gia được khuyến khích đề xuất ý tưởng cho các dự án nghệ thuật và thiết kế trưng bày ngoài trời để tái sử dụng rác thải nhựa và nhôm sử dụng duy nhất. Ngoài việc phát hành các giải thưởng cụ thể, Chương trình sẽ hỗ trợ tài chính để thực hiện các ý tưởng tốt nhất tối đa là 100 triệu Việt Nam đồng.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội nhấn mạnh , “rác thải có thể chỉ rác thải, nhưng nó cũng có thể là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho các nghệ sĩ. Và cùng một lúc, Chương trình khai thác sức mạnh của nghệ thuật để kể một câu chuyện cũng như khai thác khả năng kích thích suy nghĩ từ cảm xúc đi đến hành động. ”

Trong cam kết chung này, UNESCO và Coca-Cola sẽ kêu gọi hành động cụ thể tại các điểm du lịch chính ở Việt Nam, bao gồm các di sản thế giới và các cộng đồng ven biển trong các giải pháp thực tế trong việc giảm và tái chế rác thải nhựa, rác thải rắn khác.

Cụ thể, Chương trình sẽ bắt đầu triển khai tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và những khu vực xung quanh phố cổ Hội An (Huế), tiếp nối với Cuộc thi tái chế sáng tạo trước đó.

Ông Hiroshi Kanazawa - Tổng Giám đốc Coca-Cola Đông Dương cho hay, “các loại bao bì đóng gói có giá trị và độ bền cao hơn giới hạn sử dụng ban đầu, do đó cần được thu gom và tái chế thành bao bì mới hoặc tái sử dụng. Với lý do trên, Coca Cola đã công bố sáng kiến toàn cầu – Vì một thế giới không rác thải, nhằm thu thập và tái chế 100% (chai và lon) được bán vào năm 2030 thông qua đổi mới bao bì và tái chế vật liệu, phát triển hệ thống thu gom và quan hệ đối tác hướng tới những thay đổi tích cực.”

Theo vị đại diện này, việc quản lý rác thải nhựa đòi hỏi có một cách tiếp cận toàn diện do đó cần phải có các cam kết và mối quan hệ đối tác để đảm bảo những tác động tích cực của Chương trình tới cộng đồng các địa phương.

Song song với chương trình do UNESCO triển khai, Dự án hợp tác của Coca Cola với Hội đồng Anh tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh xã hội và sự tham gia của cộng đồng thông qua chương trình EKOCENTER trên khắp Việt Nam trong hai năm tới, tập trung vào nhận thức về môi trường và quản lý rác thải.

Bà Donna McGowan, Giám đốc của Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ: “Hội đồng Anh hợp tác với Coca-Cola để phát triển các phương pháp quản lý rác thải sáng tạo, có ảnh hưởng và bền vững cho các cộng đồng trong cả nước. Dự án sẽ xây dựng mạng lưới các đối tác Việt Nam và quốc tế cũng như vận dụng những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của các cộng đồng trong quá trình thực hiện dự án.”

Các hoạt động hợp tác mới mẻ này mở đường cho một chuỗi các hoạt động giáo dục và sáng tạo, các giải thưởng cũng như các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ có sự vào cuộc của các cơ quan chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động liên quan đến quản lý rác thải nhựa. Các hoạt động này cũng cho thấy cam kết của Coca-Cola và các đối tác trong việc giải quyết các thách thức tại Viêt Nam trong việc tăng cường nhận thức của công chúng trong việc thu gom, phân loại và tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới những thay đổi tích cực trong việc quản lý rác thải nhựa./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark